Tỉnh Long An phát triển vượt kế hoạch diện tích trồng rau công nghệ cao
Hiện nay, tỉnh Long An đang đẩy mạnh chương trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Những vùng trồng rau truyền thống được khuyến khích chuyển đổi sang trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí về hữu cơ.
UBND tỉnh Long An đánh giá, nhìn chung, đã có sự chuyển biến rõ nét tại vùng rau truyền thống của tỉnh, gần như 100% người nông dân sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất rau. Việc bổ sung phân hữu cơ giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt hơn, kéo dài thời gian đổi đất…
Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật như: sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm, đặc biệt là trồng rau trong nhà lưới, nhà màng… không chỉ năng suất, chất lượng rau hơn hẳn cách trồng rau truyền thống, mà người nông dân tiết kiệm rất nhiều về chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động (khoảng 40% tổng chi phí phân hóa học, thuốc hóa học).
Tỉnh Long An đã phát triển diện tích rau công nghệ cao vượt kế hoạch
Từ đó, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, rau trồng tại Long An đang cung cấp sản lượng rất lớn cho thị trường TP.HCM. Với lợi thế đó, nhiều HTX trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Long An đã được thành lập, liên kết sản xuất và giúp thành viên HTX tiêu thụ sản phẩm.
Riêng tại huyện Cần Đước có 5 HTX sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với hình thức trực tiếp làm việc với đơn vị thu mua bằng hợp đồng thu mua sản phẩm. HTX nhận yêu cầu đặt hàng để cung cấp, tổ chức thành viên sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Hầu hết các HTX trong huyện đều có ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với các bếp ăn tập thể của các nhà trẻ, công ty, nhà hàng, khách sạn, các siêu thị: Coopmart, Satrafood, San Hà Food, Bách hóa xanh… và các chợ nông sản đầu mối, chợ truyền thống. Sản phẩm liên kết phải đảm bảo yêu cầu được sản xuất tại địa phương, có nhãn mác, bao bì rõ ràng, hoặc mã truy xuất nguồn gốc.
Huyện Cần Giuộc có 33 HTX, 102 tổ hợp tác. Trong đó, có 10 HTX và 1 tổ hợp tác trồng rau được cấp Giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận hữu cơ, 5 HTX đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nội dung: Quang Sung, Đồ họa: Hà Xa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.