Tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại trong quy hoạch đô thị tại Long An
Ngọc Huân
Thứ ba, ngày 24/09/2024 16:47 PM (GMT+7)
Long An hiện có 19 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Đây là kết quả ban đầu của chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An theo hướng kiến trúc đô thị.
Hiện, Long An là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch, đến năm 2030 mục tiêu đặt ra là tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Long An khoảng 55%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.
Đô thị hóa mạnh mẽ
Theo bà Lê Nguyệt Sơn – Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Long An, thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
"Từng bước hình thành các đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Trong đô thị đã tạo điểm nhấn phát huy lợi thế quảng trường, công viên cây xanh, khu vực công cộng, tạo mỹ quan đô thị trên dãy phân cách trục lộ giao thông chính… Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển - kinh tế - xã hội của tỉnh", bà Lê Nguyệt Sơn chia sẻ.
Nói về định hướng cho tương lai, bà Nguyệt Sơn cho biết, từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.
Tỉnh Long An cũng đặt ra những yêu cầu cao về yếu tố kỹ thuật của đô thị, theo đó, kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.
Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, tỉnh Long An đang tiến hành rà soát lại việc lập quy hoạch chung toàn bộ các đô thị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp quy hoạch tỉnh và lập mới đồ án quy hoạch chung của các đô thị mới được xác định trong quy hoạch tỉnh là cơ sở triển khai, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Chào đón các nhà đầu tư lớn
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ mời gọi, chọn nhà đầu tư lớn đủ năng lực cho phát triển đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn để huyện Bến Lức, TP.Tân An, huyện Cần Giuộc, huyện Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư và các cơ sở dịch vụ. Đối với từng đô thị sẽ xác định vai trò như đô thị để ở, dịch vụ, hành chính, du lịch, gắn kết khu công nghiệp, hỗn hợp. Tỉnh Long An không đặt nặng việc nâng hạng đô thị mà phải dựa thực chất.
Về hướng quản lý phát triển đô thị, theo ông Nguyễn Văn Hùng, tỉnh Long An sẽ đơn giản thủ tục để xin phép xây dựng trong đô thị; có phân cấp rõ trong quản lý đô thị theo hướng phân cấp mạnh về cơ sở… "Thống nhất nhận thức và hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, kiến trúc đô thị và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị", ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thêm.
Long An đang nghiên cứu giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Có giải pháp hữu hiệu để các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình, dự án theo tiến độ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chú trong đặc biệt công tác quy hoạch
Long An đặc biệt chú trong vai trò định hướng của quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Phát triển trên nền tảng là một tỉnh nông nghiệp, công tác quy hoạch của Long an cũng bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; kiến trúc đô thị phải hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Trong quá trình lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp cùng các giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả. Cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch mang tính cục bộ vì đây chính là các giải pháp mang tính tình thế, có thể làm mất đi tính bền vững trong phát triển đô thị đã được nghiên cứu tổng thể khi lập quy hoạch đô thị.
Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh có tính kết nối cao, phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, phải lấy người dân làm trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Xây dựng mạng lưới giao thông liên kết các đô thị toàn tỉnh và kết nối tốt với TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.