Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ xưa đến nay, làng Phú Lợi ở thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng là vùng trồng rau màu với diện tích lớn; cung cấp rau, củ, quả cho khắp các chợ trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, HTX nông nghiệp Trường Thịnh thành lập, đã liên kết người dân trong làng Phú Lợi cùng sản xuất rau an toàn, giúp sản phẩm rau ngày càng nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra.
Ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Thịnh cho biết, hiện nay, HTX đang có 50 hộ thành viên liên kết sản xuất rau an toàn; tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập hơn 5 triệu/người/tháng.
Diện tích trồng rau màu của HTX Trường Thịnh đã mở rộng lên tới hơn 40ha, trong đó có hơn 8ha chuyên trồng rau an toàn; có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là cà chua và rau cải ngọt.
Theo ông Phượng, để có các loại rau an toàn, chất lượng, HTX đã đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả cơ sở sơ chế, bao gói và tiêu thụ rau gia vị đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy định của tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, nguồn nước, phân bón, trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế...
Với lợi thế là vùng đất bãi có lượng phù sa lớn, việc trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả của HTX Trường Thịnh khá thuận lợi. Trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP không phải là hướng đi mới nhưng là hướng phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân ở đây.
Với chất lượng rau, củ, quả tốt được trồng, chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP, các sản phẩm rau an toàn của HTX Trường Thịnh cũng ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Theo ông Phượng, sản xuất rau an toàn và gắn sao OCOP cho sản phẩm rau, củ, quả đã nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp lên nhiều lần so với trồng rau mùa vụ truyền thống trước đây. Chính vì vậy, thu nhập của bà con xã viên cải thiện nâng lên rõ rệt.
"Cái lợi lớn nhất của trồng rau an toàn là đầu ra sản phẩm rất đều và ổn định, bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân ngày càng tăng, số lượng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của HTX ở địa phương và các vùng lân cận ngày càng nhiều. Nhiều năm nay, HTX không còn phải lo lắng chuyện bán hàng, không còn cảnh trồng rau màu được mùa nhưng mất giá hoặc phải "giải cứu" nông sản…", ông Phượng nhấn mạnh.
Những ngày này, ông Vi Hữu Khương (xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) tất bật thu hoạch dưa chuột hữu cơ trên cánh đồng tại khu 8 của xã. Bên những luống dưa chuột buông quả sai từ gốc tới ngọn, ông Khương cho biết, từ vụ đông năm 2023, gia đình ông được xã Đông Thành hướng dẫn thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ dưa chuột theo hướng hữu cơ trên cánh đồng hơn 3ha.
Khi triển khai mô hình trồng dưa chuột hữu cơ, ông Khương được HTX rau củ quả Hướng Đạo (Vĩnh Phúc) cấp giống, phân bón, chế phẩm sinh học; cử cán bộ kỹ thuật về tận đồng ruộng hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc dưa chuột. Đồng thời, ông Khương còn được HTX Hùng Vương (xã Đông Thành) về tận đầu bờ ruộng thu mua, vận chuyển dưa chuột thu hoạch đem bán cho HTX Hướng Đạo.
Theo tính toán của ông Khương, trồng dưa chuột theo hướng hữu cơ, từ khi bắt đầu gieo hạt, chỉ chưa đầy 2 tháng sau là cây đã ra hoa kết trái; cho thu hoạch. "Bình quân, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch hơn 50 tấn quả dưa chuột; sau khi trừ chi phí, thu lãi lên đến hơn 200 triệu đồng. Lãi từ trồng dưa chuột hữu cơ trên 1 sào ruộng gấp nhiều lần cấy lúa, trồng ngô", ông Khương phấn khởi nói.
Ông Vi Hữu Thụ - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, thời gian qua, xã Đông Thành đã khai thác lợi thế, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành vùng trồng rau an toàn theo hướng hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Điển hình là mô hình liên kết trồng dưa chuột hữu cơ của hộ ông Vi Hữu Khương. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương mà còn là giải pháp để nông dân học tập về cách làm nông nghiệp tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; mở rộng diện tích trồng các giống cây trồng mới, chất lượng cao...
"Đây là động lực giúp nông dân yên tâm sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao của địa phương", Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành Vi Hữu Thụ nhấn mạnh.
Theo Sở NNPTNT Phú Thọ, năm 2023, diện tích rau toàn tỉnh đạt hơn 15 nghìn ha, năng suất đạt 165,6 tạ/ha, sản lượng đạt 247,8 nghìn tấn. Tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 24 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 430ha; phát triển 20 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng rau an toàn theo chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm ổn định cho hệ thống các siêu thị lớn như: Go, Co.opmart, Winmart...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng an toàn trong sản xuất ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh, hiện có 11,2 nghìn ha áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) chiếm 75% tổng diện tích. Trong đó diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn đạt trên 200ha, thực hiện cấp và quản lý 50 mã số vùng trồng rau với diện tích 150ha, đảm bảo truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Nhắc đến Phú Thọ, người tiêu dùng đã quen thuộc một số sản phẩm rau sạch xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu như: Rau củ quả Mạnh Liên, bí xanh Hạ Hòa, rau an toàn Tứ Xã, Hương Nộn, Tu Vũ...; toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Mặc dù, hiệu quả sản xuất rau ngày càng được cải thiện, nâng cao theo hướng hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu liên kết, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định theo chuỗi, việc liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn còn thấp; năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn khó khăn.
Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích rau an toàn tỉnh đạt khoảng 15,5 nghìn ha, năng suất rau bình quân đạt 167,1 tạ/ha, sản lượng đạt 259.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Phú Thọ hình thành 150 vùng trồng tập trung với diện tích 890ha; 100% diện tích vùng trồng tập trung, sản xuất rau an toàn đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, thu hút, phát triển thêm 9-10 HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tỷ lệ sản phẩm được liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30%...
Để đạt được mục tiêu sản xuất rau an toàn, theo ông Đạo, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương để quy hoạch, sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp gắn với thay đổi nhận thức của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị.
Phú Thọ sẽ tập trung ưu tiên phát triển các giống rau đặc sản, bản địa, sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường, thông tin về sản phẩm; thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.