Tội danh cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị truy tố có gì đặc biệt?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 04/02/2023 19:46 PM (GMT+7)
VKS Quân sự Trung ương vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng. Tội tham ô tài sản được quy định thế nào?
Bình luận 0

Cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn là chủ mưu

Trong số này có các ông Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh).

Tội danh cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị truy tố có gì đặc biệt - Ảnh 1.

Cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị xác định có vai trò chủ mưu, khởi xướng. Ảnh: TN

Ông Sơn bị cáo buộc khi đương chức đã chỉ đạo "rút ruột" 50 tỷ đồng từ ngân sách mua thiết bị để ăn chia với 4 cán bộ dưới quyền.

Trong vụ án, ông Sơn bị xác định có vai trò "chủ mưu, khởi xướng", do đó phải chịu trách nhiệm chính.

Cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị truy tố tội danh có mức phạt cao nhất là tử hình

Liên quan đến vụ việc, bình luận về tội Tham ô tài sản mà cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn và 4 cấp dưới bị truy tố, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.

Tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

Có nghĩa là người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo bà Thơ, tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp.

Tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế (trong và ngoài nhà nước) và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của các cơ quan, tổ chức.

Về hình phạt, vị luật gia cho biết, Điều 353 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 đến dưới 100 triệu hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 đến dưới 5 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… sẽ bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Còn trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội tham ô tài sản còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Trong vụ án trên, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị truy tố theo khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự. Khoản này hình phạt cao nhất là tử hình" – bà Thơ cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem