Từ vụ 3 cán bộ công an đánh 2 thiếu niên: Tước danh hiệu Công an nhân dân là thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 01/10/2022 20:01 PM (GMT+7)
Sau vụ 3 cán bộ công an đánh 2 thiếu niên ở Sóc Trăng, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tước danh hiệu Công an nhân dân là gì và trường hợp nào bị tước danh hiệu Công an nhân dân?
Bình luận 0

Tước danh hiệu Công an nhân dân 3 cán bộ công an đánh 2 thiếu niên

Liên quan đến vụ 2 cán bộ công an đánh tới tấp 2 thiếu niên chạy xe máy ở Sóc Trăng, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã họp và quyết định: Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ.

Từ vụ 3 cán bộ công an đánh 2 thiếu niên: Tước danh hiệu Công an nhân dân là gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh các cán bộ công an ở Sóc Trăng đánh tới tấp 2 thiếu niên vi phạm giao thông được camera an ninh ghi lại. Ảnh chụp màn hình.

3 cán bộ này gồm: đại úy Châu Minh Trung, trung úy Nguyễn Quang Thái và thượng úy Đoàn Tấn Phong; kỷ luật bằng hình thức cách chức phó đội trưởng xuống làm cán bộ đối với đại úy Hứa Trường An; kỷ luật cảnh cáo đại úy Trần Minh Đời.

Trước đó, lúc 15 giờ ngày 25/9, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an thị xã Vĩnh Châu gồm 5 người: đại úy Hứa Trường An, phó đội trưởng, tổ trưởng; đại úy Châu Minh Trung; trung úy Nguyễn Quang Thái; đại úy Trần Minh Đời, thượng úy Đoàn Tấn Phong, làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp lễ Sene Dolta.

Khi đến quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn qua phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), tổ tuần tra phát hiện một thiếu niên chạy xe máy chở theo một người khác đi ngược chiều, nghi chưa đủ tuổi điều khiển xe.

Khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng xe, người cầm lái không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao.

Sau đó, 3 cảnh sát Thái, Trung, Phong đã có hành vi bạo lực với 2 thiếu niên và bị camera giám sát của nhà kho ghi lại hình ảnh.

Sau sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tước danh hiệu Công an nhân dân là gì và trường hợp nào bị tước danh hiệu Công an nhân dân?

Những trường hợp bị tước danh hiệu Công an nhân dân

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tước danh hiệu Công an nhân dân hiểu là bị tước đi danh hiệu, chức danh mà bản thân đang có và đi kèm là những quyền lợi của chức danh công an về nhân thân và gia đình của người đó.

Sau khi bị tước danh hiệu Công an nhân dân, công an đó không còn trong hàng ngũ công an Việt Nam.

Tước danh hiệu Công an nhân dân là hình thức kỷ luật nặng nhất đối với các chiến sĩ, cán bộ công an khi thực hiện các hành vi vi phạm theo quy định.

Bà Thơ cho biết, theo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đang dự thảo, nếu cán bộ, chiến sỹ công an có những vi phạm dưới đây sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân.

Cụ thể đó là những trường hợp vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; Vi phạm các quy định về bầu cử; Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh; Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm; Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ; Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân hoặc những điều đảng viên không được làm.

Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm như tổ chức cho thi thuê, thi hộ...; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội như bán dâm, tàng trữ ma túy, trộm cắp tài sản...

Có hành vi bạo lực gia đình đặc biệt nghiêm trọng như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm danh dự của vợ/chồng, con cái, bố mẹ....

Không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vi phạm pháp luật hình sự hoặc cơ quan điều tra có đủ căn cứ khởi tố bị can và đã có văn bản đề nghị tước danh hiệu Công an nhân dân trước khi tiến hành khởi tố.

Bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn; Hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng không bị khởi tố do người bị hại không yêu cầu, áp dụng đối với trường hợp hành vi phạm tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem