Tỷ lệ hộ nghèo tăng, Việt Nam có thêm gần 10 triệu người nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo tăng, Việt Nam có thêm gần 10 triệu người nghèo trong giai đoạn 2021 -2025
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 28/07/2022 12:17 PM (GMT+7)
Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022). Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thêm 10 triệu người nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo Nghèo đa chiều: Thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam.
Sáng nay, 28/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Ủy ban Dân tộc (UBDT), Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK-MPI) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF / VASS) đã công bố Báo cáo Nghèo Đa Chiều 2021.
Tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, số người được hưởng lợi chính sách giảm nghèo tăng lên
Kết quả nghiên cứu cho thấy Trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng dù đo lường ở bất kỳ phương pháp nào. Đáng chú ý tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghèo về thu nhập cũng giảm 1 nửa vào năm 2019. Trước đó, năm 2014 cứ 10 người nghèo thì có 1 người nghèo thu nhập.
Tuy nhiên ở góc độ khác, kết quả điều tra, rà soát chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021) cũng cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022). Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Hồ A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo. Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua. Về chủ quan cũng có thể là do chúng ta thay đổi tiêu chí do các cam kết với quốc tế hoặc do quyết tâm thay đổi tiêu chí thì tỷ lệ hộ nghèo cũng tăng lên. Điều này xuất phát từ mong muốn được đưa đời sống của bà con nâng cao hơn.
Ông Tô Đức cũng cho rằng: Trước đây mặc dù tỷ lệ thoát nghèo cao, nhưng do mức chuẩn nghèo thấp còn hiện nay khi chúng ta ban hành mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới, điều kiện chuẩn nghèo đầu kỳ rất cao. Điều này cũng làm gia tăng số hộ nghèo.
"Chuẩn nghèo giai đoạn mới đưa vấn đề thiếu hụt việc làm lên đầu tiên. Điều này góp phần xác định chuẩn nghèo đa dạng, nhiều chiều", ông Tô Đức nói.
Ông Nguyễn Thắng - Đại diện nhóm nghiên cứu khi công bố báo cáo cho biết sau 20 năm Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế, thay đổi trong kết nối hạ tầng cơ ừ sở... đến vấn đề giảm nghèo.
Tỷ lệ nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số cũng giảm rất mạnh. Giảm đi 1 nửa trong vòng 1 thập niên. Tức là giảm từ 20% - xuống còn 10%.
Tỷ lệ giảm nghèo của người dân tộc cũng giảm 3%. Đồng bào dân tộc thiểu số là người được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt phát triển du lịch. Ví dụ điển hình như Sapa từ một vùng nghèo, nhờ phát triển thành thành phố có thu nhập cao.
"Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy việc giảm nghèo ở Việt Nam còn đối diện nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là người nghèo dễ bị tổn thương bởi đại dịch. Thứ 2 là tỷ lệ nghèo vẫn còn có sự chênh lệch, phân bố chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 14% tổng dân số, chiếm 3,4% diện tích cả nước). Báo cáo này cũng chỉ rõ, việc làm là kênh chủ yếu để thoát nghèo. 40 triệu người dân Việt Nam đã thoát nghèo nhờ có việc làm", ông Thắng nói.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng đối mặt với các thách thức khác như: Tỷ lệ lao động phi chính thức cao; thách thức do thiên tai, dịch bệnh... tỷ lệ lao động phi chính thức giảm chậm chỉ 2 điểm % trong 5 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc còn một lượng lớn lao động yếu thế, dễ bị tổn thương.
"Bộ phận lớn các lao động phi chính thức không có BHXH, về già không có thu nhập tạo gánh nặng cho an sinh. Đây là thách thức làm chuyển đổi nghèo từ hiện tại sang tương lai. Cần phải có giải pháp để chính thức hóa việc làm cho nhóm này", ông Thắng nói.
Bộ trưởng Hồ A Lềnh - Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết, từ năm 2015 Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ phương pháp đo lường nghèo dựa trên thu nhập sang nghèo đa chiều. Theo đó, Việt Nam tiến hành giảm nghèo nhiều chiều: Từ thu nhập; thông tin; nước sạch; nghèo nhà ở, việc làm....
Kể từ đó tới nay chương trình giảm nghèo đa chiều đã được bổ sung thêm nhiều nội dung mới. Việc áp dụng giảm nghèo đa chiều góp phần đo lường tốt hơn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, nhất là vùng dân tộc. Thông qua đó, cải thiện tốt vấn đề kinh tế, giáo dục, phát triển xã hội ở đồng bào dân tộc.
Tuy vậy, vấn đề nghèo thu nhập lại có dấu hiệu tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt với nhóm di cư và dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo đói giảm nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, chẳng hạn như tỷ lệ nghèo ở dân tộc H'Mông vẫn ở mức cao, 45,1% vào năm 2020. Tương tự 1/5 người Khmer, Dao và các đồng bào dân tộc thiểu số khác thuộc diện nghèo đa chiều năm 2020.
Ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH kỳ vọng: "Những phát hiện chính và khuyến nghị sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh ở mọi chiều cạnh và mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa hai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Giảm nghèo".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.