Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 2.

Với vẻ mặt đau khổ nhất, tôi vào vai một người đi du lịch giàu có, chẳng hề biết là người ta dám bạt chỏm xương sọ con khỉ đang sống, múc óc nó ra đánh chén. Càng không thể hình dung đưa các "bộ hài cốt" y như xương trẻ em kia vào nồi lớn nấu cao sình sịch bảy ngày đêm. "Bố tôi già, bị đau xương khớp, ông ấy suốt ngày bắt đi mua cao khỉ về chữa. Quả là mù quáng! Nhưng vẫn cứ phải chiều…", tôi oang oang khi bước vào căn nhà cấp bốn nép mình giữa bốn bề ruộng rẫy.

Cô con gái chủ nhà giận ra mặt:

"Thôi, bọn bán cao khỉ trên mạng là lừa đảo hết. Đã vào đến đây thì anh yên tâm nhé. Nếu cao khỉ pha các thứ lăng nhăng vào, khi bảo quản nó chảy ra. Cao nhà em xịn, nó giòn tan, đập vụn như thủy tinh. Họ bảo cắt thuốc Bắc bỏ vào cho tốt thêm, tôi cũng không bỏ…".

Ông bà chủ nhà chỉ khoảng sáu mươi tuổi. Thấy khách lạ, cả cán bộ thôn bản cũng đến ngó. Bà chủ đọc tên thôn buôn mình đang sống, rồi nhớ mãi mới ra số điện thoại của mình để cho khách lưu lại. Nhưng hỏi về cao khỉ thì bà rành vô cùng. 

Ông bà hào hứng, lan man kể về những công dụng "thần kỳ" của cao khỉ, với một niềm tin mê muội. Cũng có thể, đơn giản là bà đang "huyền thoại hóa" cao khỉ để quảng bá bán được thật nhiều hàng mà thôi.

"Họ bắn khỉ trong núi Việt Nam. Đi sang tận Cam Pu Chia bắn khỉ cũng có. Họ ăn thịt khỉ rồi gom sọ, xương chúng lại, tôi mua. Con khỉ trông kềnh càng thế, nhưng xương bé, sọ cũng bé, gom lâu lâu mới được nồi cao to. Tôi bán tại gốc (…). Trước khi nấu phải đậm nát hết sọ và xương ra, rồi rửa và lọc sạch chớ". Bà kể, ông góp chuyện nữa, toàn chuyện thật mà rợn hết cả người, chắc không nên kể ra đây để mang tiếng hù độc giả hoặc "quảng cáo" cho sai trái.

Thành thật mà nói, bà cụ không nghĩ thế là dã man với động vật hoang dã. Các khái niệm kiểu như chuỗi sinh thái, bảo tồn thiên nhiên hay dịch dã từ tàn sát động vật rừng rất xa lạ với bà. "Ta nấu cao các con khỉ này bằng bếp củi suốt 7 ngày đêm, mất công đi kiếm củi, nấu than củi cao sẽ "ngon" hơn. Xương khỉ, sọ khỉ cần làm sạch, phơi thật khô và tích trữ vào bao tải xác rắn để nó "thở" được chứ sẽ bốc mùi rất thối nếu để trong túi nilon hoặc hòm tôn kín", bà cụ kể.

Bà đem ra chiếc bao tải xác rắn cao đến gần một mét. Bà kéo lê. Vì nó có vẻ nặng nề so với vóc dáng to béo chậm chạp của bà. Một tải, hai tải, rồi thêm vài cái túi nhỏ nữa. Cái gì đấy bà? Thì xương khỉ và xương sọ khỉ đó. "Cho chú xem để chú biết là cao khỉ bà nấu nó tốt thế nào. Nó là xương khỉ thật, bà đi gom từng bộ một đó!", bà cụ ngồi phân tích từng "đầu lâu" Tôn Ngộ Không, từng lóng xương "tay, chân" để nói rằng nó màu vàng óng hay nó màu đen xỉn thì tốt.

Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 3.

Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 4.

Tôi mải mò mẫm tìm hiểu về khu nấu cao khỉ, công nghệ thả xương cốt đầu lâu "Tôn Đại Thánh" vào vạc lửa. Lúc quay ra, bất giác rùng mình ớn lạnh. Bà cụ đã lặng lẽ xếp hàng chục cái đầu lâu khỉ, hốc mắt hốc mũi đen ngòm ra sàn nhà. Thật sự là trông giống như nhiều bảo tàng tố cáo tội ác của các bè lũ diệt chủng trên thế giới mà tôi từng có dịp đến mặc niệm. Bà cụ vẫn tươi cười, cứ như bà đang xếp đồ chơi. "Sọ nó bé như vốc tay thế này thôi, nhưng lúc mua về con khỉ trông to lắm, lông lá, chân tay dài nghều ngào. Vì thế, mấy chục cân xương khỉ này là cả trăm con khỉ đấy!".

Bà cầm từng lóng xương dài, có cái mảnh, có cái bốc mùi thôi thối, có cái xương vàng và mỏng thì ít nặng mùi hơn. Có đến mấy chục cái hốc mắt đen ngòm từ hộp sọ con cháu "Mỹ Hầu Vương" đang lom lom nhìn chúng tôi. Tôi để ý, dường như trốn ở góc nào, các hốc mắt u tối và oán thán kia cũng hướng về tôi, về cả "đám người" ăn tạp nhất trong các loài trên quả đất.

Mới vừa thôi, khi lái xe từ Hà Nội vào miền Trung rồi Tây Nguyên, vẫn trong hành trình này, tôi có ghé qua Vườn Quốc gia Pù Mát và trò chuyện với nhiều chuyên gia bảo tồn và kiểm lâm địa bàn. Họ từng bắt những vụ, chỉ một hiệu tạp hóa của gia đình ông Ngũ (SN 1956) ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương, trữ tới 51 cá thể khỉ đông lạnh; hai vị "con cháu Lão Tôn" khác vẫn kêu oai oái ngoài hiên nhà trong khi chờ hành quyết. Con người ta có thể nhẫn tâm với loài động vật rừng có hình dáng rất giống người và được luật pháp yêu cầu bảo vệ như thế sao?

"Họ đi vào rừng, bắn khỉ, bẫy khỉ. Moi lòng nướng ăn, sẵn đống lửa họ sấy khô các xác khỉ rồi vác ra khỏi rừng (xem ảnh). Lúc bắt nhiều và sợ vác về quá nặng và nhiều thịt thối. Họ bèn dùng hóa chất mang theo, bỏ lũ khỉ vào bao tải xác rắn, rắc hóa chất "siêu độc hại" lên, ngâm xuống suối. 

Kết thúc chuyến đi săn, quay về, trong bao tải chỉ còn đúng bộ xương và sọ khỉ sạch trơn. Với người đời, cả con khỉ, "được giá" nhất chỉ là bộ xương. Và vì thế, loại cao khỉ chứa chất ngâm sạch xương, nó vô cùng độc hại", một kiểm lâm có kinh nghiệm lâu năm kể.

Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 5.

Chuyện bạt đầu khỉ, múc óc chúng ra ăn khi con vật vô tội vẫn còn đang giãy chết, tưởng là huyền thoại buồn từ đám người độc ác xa xôi nào đó. Có đi sâu vào dân gian mới biết, hóa ra chuyện vẫn được ghi nhận vào năm 2021 này. 

Tại Nghệ An, nhóm thợ săn hồn nhiên kể chuyện dìm con khỉ xuống suối cho chết, rồi bạt chỏm đầu, dùng thìa múc óc đánh chén với niềm tin vô sở cứ: "chữa bách bệnh", "như thuốc tiên". 

Vừa qua, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp cho chúng tôi hình ảnh cả dãy đầu lâu linh trưởng (trong đó có khỉ) xếp hàng trên nền đất. Tất cả đều nhe răng rợn người và có dấu hiệu phân hủy trong quá trình đám "thổ phỉ" bắn, chặt đầu khỉ và mất nhiều ngày để cõng chúng ra khỏi rừng. Ảnh chụp từ một buổi thu tang vật và xử lý đám thợ săn do cơ quan chức năng huyện Nam Đông tiến hành vào tháng 8 năm 2021.

Để độc giả hiểu mật độ dày đặc và tính chất phổ biến của các trò giết khỉ hoang dã, chúng tôi lại xin kể tiếp câu chuyện vẫn trên chiếc xe hóa trang điều tra và vẫn trong một hành trình xuyên Việt đang kể dở ở trên. 

Ngược qua khu vực Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), dọc tuyến biên thùy giáp Cam Pu Chia, đến huyện Tuy Đức. Trong vai người lùng mua thịt thú rừng về làm quà biếu, chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà bà Ngân. 

Cạnh tấm biển "Đồn Biên Phòng Dak Đam" 3.000m (thuộc xã Quảng Trực) kia tiếp, chúng tôi tìm mọi cách tiếp cận với một chủ vựa buôn thú rừng khét tiếng. Đến nhóm điều tra thứ 3 đến mua hàng, hỏi thăm đường, con cà con kê, bà Ngân vẫn xua tay khó chịu.

Đúng lúc ấy, bà Ngân nhận điện thoại của ông Điệp, ông này chuyên buôn thú rừng từ Cam Pu Chia về Việt Nam, đã có "hợp tác" với chúng tôi về mua bán lợn rừng, mật bò tót, chim hồng hoàng và đặc biệt là thịt khỉ các loại.

Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 6.

Trước đó, tại nhà ông Điệp, ông bật loa cho chúng tôi nghe cuộc đối thoại giữa ông ta với bà Ngân: "Còn nhiều khỉ không, các chú ấy muốn mua một ít về nấu cao". "Em còn vài chục cân thôi", "Mấy chục con?", "Vài chục cân thôi, em đang đánh bài (bạc)". Ông Điệp là người gốc Bắc, di cư vào Tuy Đức đã lâu. Ông còn tự nhận mình là một thủ phạm của vụ bắn bò tót ở khu bảo tồn gây ầm ĩ báo chí dư luận một thời. Và ông thở dài, nếu không có COVID-19 hành hoành, tuần nào ông cũng vượt ba bốn chục cây số đi lấy "hàng con" bên Cam Pu Chia.  "Cán bộ cửa khẩu nhẵn mặt tôi hết, đi lại… thuận tiện vô cùng, khỏi lo về…", ông tiết lộ.

Buông điện thoại, bà Ngân bỗng tỏ ra rất tin tưởng khách Hà Nội.

Bà Ngân thét ầm ĩ khi thấy tôi xồng sộc đi vào buồng đòi xem "hàng rừng". Bà không cho vào "ổ" ấy, "đứng đợi ngoài này!", cô con dâu trẻ măng đang bế con nhỏ, theo lệnh bà, vội vã vào khiêng ra một con nhím "đồ rừng xịn". 

Bà bảo, đã moi ruột làm sạch, tuy nhiên, lông nhím vẫn cứng quèo nhọn hoắt như bàn chông. "Thế này mà cô bảo mổ rồi", tôi tỏ vẻ khó tính. Bà Ngân thở dài: "Gớm, nhổ lông thì dễ quá, nhưng cạo sạch là khách không ăn đâu. Nó bảo, thế là nhím nuôi mất rồi, trong khi hàng mình bắt trong rừng hẳn hoi". 

Tôi bảo, ông Điệp nói cô có 20 con khỉ. Bà tỏ vẻ tiếc nuối với đám khách nấu cao. Vừa xuất hàng rồi, xuống tủ đông còn bao nhiêu lấy nốt. Tôi bật đèn pin điện thoại giả vờ soi để xem hàng, thật ra là để nó đủ ánh sáng và quay "quan tài đông lạnh" với các "thi thể khỉ" nằm như la liệt xác người, ở góc rừng biên giới này.

Và mùi thối bốc lên kinh khủng. Tôi lao ra khỏi căn bếp đó, luôn mồm chê hàng khỉ thối quá, không mua không mua. Bà Ngân và nhóm người đánh bạc vẫn lúi húi chả ứ chả ừ. Con đường đất đỏ, xe lăn bánh hai ba mét đã bụi mù như có đám cháy đỏ khói. Tất cả nhòa đi. 

Nhưng cũng từ giây phút ấy, có một thứ ngày càng rõ hình hài trong tôi, ấy là ám ảnh mê muội, tàn nhẫn của không ít người với thiên nhiên hoang dã. Có một khoảng trống nhận thức và lương tri Người ở đây, chúng đang gào gọi cần được lấp đầy: ấy là giáo dục nhận thức và lòng nhân ái của con người với các loài muông thú mà cả thế giới đang gắng sức bảo tồn...

Xuôi con đường về phía thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đêm ấy, tôi còn ghi hình được một cô nhân viên trẻ đẹp của nhà hàng đặc sản rừng giới thiệu món thịt vượn, voọc, khỉ làm "nguyên con". Cứ là múc óc khỉ ăn khi chú ta vừa bị chém bay chỏm đầu, còn chưa chết hẳn.

Mời  độc giả đón đọc kỳ 2 Cả "Khu bảo tồn" ngơ ngác chờ lên thớt sẽ đăng tải vào sáng mai 31/8/2021.

Bài 1: “Thủ phủ của xương, sọ và thi thể… “Tôn Ngộ Không” - Ảnh 7.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem