Tình huống pháp lý trong vụ đạn lạc gây chết người ở Hà Tĩnh
Tình huống pháp lý trong vụ đạn lạc gây chết người ở Hà Tĩnh
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 14/02/2025 20:50 PM (GMT+7)
Trần Văn Huy khai đứng ở nhà mẹ vợ sử dụng súng thể thao để bắn chim, tuy nhiên viên đạn lạc đã bay xuyên qua cửa sổ vào trúng vào anh P. khi đang ở trong nhà khiến nạn nhân tử vong. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bị can bắn chết người ở Hà Tĩnh khai bắn chim nhưng đạn lạc đã vô tình gây ra vụ việc
Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can Trần Văn Huy (SN 1984, trú tại xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về tội vô ý làm chết người.
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, vào chiều 10/2, tại phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh), Trần Văn Huy đứng tại nhà mẹ vợ sử dụng súng với mục đích bắn chim trên cây chanh trong vườn nhà bà Hoàng Thị Hòa (nhà của nạn nhân).
Tuy nhiên, viên đạn không trúng mục tiêu mà bay lạc, xuyên qua cửa sổ và trúng anh H.V.P (SN 1999, trú tổ dân phố Hồng Hải, phường Kỳ Phương), khiến nạn nhân tử vong sau đó.
Sau khi nhận ra hậu quả về hành vi của mình, Huy hoảng sợ cất súng vào cốp xe máy đưa đến nhà một người quen trong địa bàn phường Kỳ Phương để cất giấu.
Tiếp đó, đối tượng Huy sử dụng xe máy tẩu thoát về nhà bố mẹ đẻ tại xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên. Đến khoảng 23h cùng ngày, Huy bị lực lượng công an bắt trên đường thuộc địa bàn xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên.
Quy định của pháp luật về tội vô ý làm chết người
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật, không chỉ có súng quân dụng mà các loại súng săn, súng thể thao sẽ được quản lý theo Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trần Văn Huy cùng cây súng thể thao gây ra vụ án mạng, tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.
Người sử dụng súng săn, súng thể thao cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi dùng sử dụng súng. Hành vi sử dụng súng trái phép rất dễ có nguy cơ gây ra mất an toàn cho bản thân người sử dụng và những người xung quanh.
Theo ông Cường, một người bình thường sẽ nhận thức được rằng khẩu súng với khả năng sát thương như vậy mà bắn vào người hoàn toàn có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong.
Nếu người dân nhận thức được như vậy nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi sử dụng súng trái phép dẫn đến hậu quả chết người, đây là hành vi vô ý làm chết người và sẽ bị xử lý hình sự.
Trường hợp đối tượng có động cơ mục đích giết người, nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội giết người.
Còn nếu hành vi là vô ý, không thể nhận thức được hậu quả có thể chất dẫn đến chết người mặc dù pháp luật bắt buộc phải nhận thức, đó là lỗi vô ý.
Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự) quy định cụ thể như sau: Người nào vô ý làm chết người sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Phạm tội làm chết 2 người trở lên sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Như vậy, theo luật sư Cường, với hành vi vô ý làm chết người, nếu bị chứng minh có tội, bị can trong vụ án này có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà nạn nhân phải cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trường hợp khẩu súng được xác định là vũ khí quân dụng, người thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.