Bất chấp khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh vàng mã, phục vụ mai táng và bán bao cao su vẫn lãi lớn

Quang Dân Thứ hai, ngày 22/03/2021 08:10 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và doanh nghiệp lao đao, tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp kinh doanh nghề "độc lạ" như vàng mã, phục vụ mai táng và bao cao su vẫn lãi lớn.
Bình luận 0

Doanh nghiệp vàng mã, phục vụ mai táng lãi to

Mới đây, thông tin CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP) -  doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn kinh doanh mảng độc lạ là bán vàng mã, trả cổ tức 40% bằng tiền mặt đã gây bất ngờ với không ít nhà đầu tư.

Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.000 đồng. Như vậy với hơn 5,23 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Công ty sẽ chi khoảng 21 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/3 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 28/4/2021.

Lãi mỗi tháng hơn 1 tỷ nhờ bán bao cao su - Ảnh 1.

CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP) - doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn kinh doanh mảng độc lạ là bán vàng mã

Kết thúc năm tài chính 2019 - 2020 (bắt đầu từ 1/10/2019 và kết thúc vào 30/9/2020), Công ty đạt gần 377 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với năm trước đó. Nhờ tiết giảm sâu về chi phí nên lợi nhuận sau thuế tăng 33,8% lên hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 30/9/2020 đạt hơn 31 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả quý I năm tài chính 2020 - 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/12/2020), Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 152,5 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 16,22 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 140%.

Hiện CAP giao dịch quanh mức 62.100 đồng/cổ phiếu – gấp đôi thời điểm đầu năm 2020 – khi chưa xuất hiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh – và cũng đã tăng 61% từ đầu năm 2021 đến nay.

Lãi mỗi tháng hơn 1 tỷ nhờ bán bao cao su - Ảnh 2.

CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng

Cũng phục vụ trong cõi tâm linh, CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (UPCoM: CPH) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mỗi ngày thu về khoảng 300 triệu đồng doanh thu.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu thuần đạt gần 109 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 107 tỷ đồng đạt được năm 2019. Trong đó doanh thu từ bán hàng hóa tăng 2 tỷ đồng, lên 53,7 tỷ đồng. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt gần 51 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn lại là doanh thu bán thành phẩm.

Trừ chi phí vốn bỏ ra, công ty lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 32,2 tỷ đồng, trong đó riêng mảng bán hàng hóa cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận gộp với hơn 25,7 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng lợi nhuận gộp đạt được cả năm.

Lợi nhuận sau thuế đi ngang, với hơn 9 tỷ đồng, nhưng cũng vượt 6,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt trên 2.060 đồng.

CPH có vốn điều lệ 44 tỷ đồng tương ứng với 4,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sau 3 năm lên sàn, công ty gần như không có giao dịch và trong vòng 1 năm trở lại đây giữ mức giá 3.500 đồng (bằng 1/3 mệnh giá). Theo đó, hệ số giá/lợi nhuận (P/E) chỉ là 1,7 lần. Doanh nghiệp cũng trả cổ tức tiền mặt quanh mức 16%/năm.

Mỗi tháng lãi hơn 1 tỷ nhờ bán bao cao su

Trong khi đó, CTCP Merufa (UPCoM: MRF) - doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên, và cũng là duy nhất hiện nay giao dịch trên sàn chứng khoán cũng có kết quả kinh doanh cực ấn tượng trong năm vừa qua.

Lãi mỗi tháng hơn 1 tỷ nhờ bán bao cao su - Ảnh 3.

CTCP Merufa (UPCoM: MRF) - doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên, và cũng là duy nhất hiện nay giao dịch trên sàn chứng khoán

Báo cáo tài chính của CTCP Merufa ghi nhận doanh thu thuần 198 tỷ đồng, tăng 83% so với năm trước và vượt 65% tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 17%, tức 33 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (chủ yếu là bán hàng và lương nhân viên), công ty lãi sau thuế 13 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Được biết, Merufa tiền thân là xí nghiệp cao su y tế, được thành lập bởi Chính phủ và Tổ chức Dân số thế giới vào cuối năm 1987. Công ty cổ phần hóa, sau đó đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội từ năm 2017.

Bao cao su là mặt hàng đầu tiên công ty sản xuất. Từ đó đến nay, công ty nâng công suất và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm y tế như găng tay phẫu thuật, gel siêu âm, chai truyền dịch...

Từ đầu năm 2021 với chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu MRF lập đỉnh ở mức 77.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại về 60.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Lãi mỗi tháng hơn 1 tỷ nhờ bán bao cao su - Ảnh 4.

Siam Brothers Việt Nam - doanh nghiệp hoạt động chính là sản xuất dây thừng, các loại ngư lưới cụ

Một đơn vị khác có ngành nghề kinh doanh ấn tượng trên thị trường chứng khoán là Siam Brothers Việt Nam - doanh nghiệp hoạt động chính là sản xuất dây thừng, các loại ngư lưới cụ.

Sau hơn gần 30 năm hoạt động, SBV hiện là nhà sản xuất và cung cấp dây thừng đánh bắt cá hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2020, doanh thu của SBV tăng trưởng xấp xỉ 9% so với năm 2019, lên 506 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 19%, lên 68 tỷ đồng. EPS đạt 2.485 đồng.

Hiện vốn điều lệ của Siam Brothers Việt Nam đang xấp xỉ 273 tỷ đồng, giá cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thị trường khá ổn định với hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Chỉ số PE quanh mức 5 lần.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem