Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hầu hết cà phê Việt Nam ở Mỹ không hoàn toàn là cà phê Việt Nam nguyên chất. Thay vì sử dụng hạt cà phê robusta với độ đậm đặc, cà phê tại đây thường dùng hạt arabica với mùi nhẹ và thơm hơn. Tuy nhiên, có ba người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ đầu tiên - từ San Jose đến Brooklyn và Austin - đang cố gắng thay đổi nhận thức của mọi người về hạt robusta được trồng ở Việt Nam.
Harvey Tong, người sáng lập Câu lạc bộ Cà phê Phin có trụ sở tại Austin, cho biết: "Những lon cà phê màu vàng nổi tiếng bán tại New Orleans, Cafe Du Monde, rất phổ biến trong cộng đồng người Việt tại đây. Họ nghĩ rằng đây chính là cà phê Việt nguyên chất. Đó là một quan niệm sai lầm, nó không phải là cà phê Việt Nam, loại cà phê ấy được sản xuất ở New Orleans".
Trong nhiều năm, hạt robusta trồng tại Việt Nam đã không được coi trọng do quy trình sản xuất hàng loạt và các trang trại thương mại hóa. Bên cạnh đó, robusta còn bị nhiều người đánh giá là có vị đắng và khó uống, thậm chí một chuyên gia cà phê còn so sánh chúng với mùi "cao su cháy".
Cà phê phin từ lâu đã là món uống không thể thiếu của người Việt Nam mỗi buổi sáng.
Sahra Nguyen, chủ sở hữu của Brooklyn's Nguyen Coffee Supply, đã điều tra nguồn gốc của hạt cà phê được sử dụng cho những tách cà phê Việt Nam trong các quán cà phê và nhà hàng. Cô nói: "Không có nơi nào trong số này thực sự sử dụng hạt cà phê Việt Nam. Điều đó là bởi vì không có ai cung cấp cà phê hạt đặc sản, rang tươi, có xuất xứ Việt Nam. Chúng không được bán trong siêu thị và tôi cũng không thể tìm thấy chúng ở các nhà rang xay".
Sahra Nguyen không phải là người duy nhất nhận thấy sự thiếu vắng hạt cà phê Việt Nam tại các nhà hàng ở Mỹ. Tammy Huynh, Giám đốc điều hành và người sáng lập thương hiệu bia lạnh Việt Nam, Omni Bev, cho biết: "Mỗi khi tôi hỏi, phục vụ đều nói rằng đây không phải hạt cà phê đến từ Việt Nam. Rõ ràng bạn không thể gọi đó là cà phê Việt Nam nếu hạt đó không phải từ Việt Nam. Bạn không thể chỉ cho sữa đặc vào cà phê và gọi nó là cà phê Việt Nam. Nó chỉ có thể được gọi là cà phê lấy cảm hứng từ Việt Nam mà thôi".
Các trang trại cà phê Việt Nam vốn gặp phải bất lợi lớn, đó là thiếu chứng nhận Fairtrade (Thương mại công bằng), chứng nhận này ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng cảm nhận về thương hiệu và sản phẩm. Vào năm 2019, NPR báo cáo rằng các ngành công nghiệp được chứng nhận bởi Fairtrade đã trả lương cho nông dân cao hơn so với các ngành không có, tuy nhiên những người lao động được thuê làm công việc chân tay trong các trang trại lại không được hưởng ưu đãi đó. Một báo cáo trên tờ The Guardian cho biết: "Nhằm tuân theo các nguyên tắc thị trường tự do, những tổ chức sản xuất thường tham gia phong trào Fair Trade. Những nước tham gia đều có đủ khả năng chi trả phí chứng nhận cũng như quy mô sản xuất nhất định. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các tổ chức sản xuất từ những nước kém phát triển hơn có xu hướng ít tham gia hoặc không được chứng nhận".
Fairtrade đã có những nỗ lực cố gắng để biến các trang trại cà phê, trà và ca cao trở thành địa điểm kinh doanh hiệu quả, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều được trợ giúp. Sahra nói: "Căn nguyên của vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải đó là những rào cản về chứng nhận cà phê sạch".
Nông dân trồng cà phê ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào một chứng nhận như Fair Trade để quyết định loại cà phê nào xứng đáng, điều quan trọng là phải nhận ra những tác động lâu dài mà chính sách thương mại gây ra đối với nông nghiệp và những thách thức mà nông dân có thể gặp phải khi cố gắng đạt được chứng nhận.
Theo Sahra, đặc điểm của cà phê Việt Nam là "thực sự mạnh mẽ và đậm đà, giống như bản tính của người Việt Nam". Cô cho biết thêm: "Tôi cảm thấy như mọi người đang cố gắng tận dụng văn hóa của cà phê Việt Nam để kiếm lợi từ nó. Thực tế thì các nhà sản xuất cà phê Việt Nam không được lợi gì cả".
Thay vì để cho hạt cà phê Việt Nam tiếp tục bị coi thường, Sarah Nguyen, Harvey Tong và Tammy Huynh đã tự mình giải quyết vấn đề. Có một sợi dây kết nối ba thương hiệu cà phê này, ngoài việc chúng đều được khởi xướng bởi những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi, bộ ba này còn làm việc trực tiếp với các trang trại do gia đình làm chủ ở Việt Nam. Mặc dù họ không có nhãn hiệu Fairtrade, nhưng cả ba đã trở lại Việt Nam để xem cách sản xuất hạt cà phê, cảm nhận thổ nhưỡng cũng như khí hậu địa phương, bên cạnh đó đảm bảo cho những người nông dân rằng họ sẽ được đối xử công bằng và trả lương xứng đáng.
Harvey Tong nói: "Gia đình tôi trồng cà phê đến nay đã hơn hai chục năm. Tôi lớn lên với công việc kinh doanh cà phê ở Việt Nam. Anh hiện là sinh viên Đại học Texas ở Austin, đồng thời cũng là một doanh nhân trẻ muốn khẳng định bản thân, và Câu lạc bộ Cà Phê Phin cho phép anh ấy làm điều đó. Anh họ của Harvey sở hữu trại rang xay gần TP.HCM. Chàng trai chia sẻ: "Nhiệm vụ chính của tôi là giới thiệu hạt cà phê đến mọi người và tôi sẽ tiếp tục duy trì truyền thống đó. Đây là những gì gia đình tôi đã làm trong hai thập kỷ và tôi không nghĩ rằng mình nên thay đổi".
Tammy cũng có ước mơ tương tự, đó là khởi nghiệp với cà phê Việt Nam. Cô cho biết: "Tôi sinh ra ở Việt Nam và đến Mỹ khi mới 10 tuổi. Ngụm cà phê đầu tiên của tôi là vào năm 5 tuổi, một trải nghiệm thực sự khác biệt. Năm 2017, khi về Việt Nam thăm bố, tôi phát hiện ra chú của mình sở hữu trang trại cà phê lớn nhất Đà Lạt".
Đó chính là khởi đầu. Tammy rời vị trí CEO của một thương hiệu làm đẹp và quyết định bắt đầu phát triển phiên bản cà phê đóng chai của Việt Nam mà cô vô cùng yêu thích.
Cô nói thêm: "Tôi là một bà mẹ đơn thân. Đối với tôi, việc ngồi và chờ đợi phin của mình nhỏ giọt là quá mất thời gian. Tôi muốn nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, nhưng tôi muốn đưa nó lên một tầm cao mới, đặc biệt phải phù hợp với phong cách sống hối hả của giới trẻ ngày nay". Omni Bev hiện có sẵn bốn loại cà phê khác nhau: một phiên bản màu đen, một loại sữa đặc, một loại dừa làm từ thực vật, cùng với phiên bản sữa và hỗn hợp matcha cà phê Việt Nam.
Ngược lại với Tammy, tư tưởng cà phê của Sarah lại tập trung vào việc dành thời gian thư giãn. Trong chuyến du lịch đến Việt Nam vào năm 2016, cô đã tạo dựng quan hệ và thiết lập quy trình nhập khẩu cũng như tự rang hạt cà phê, để từ đó, Nguyen Coffee Supply ra mắt năm 2018. Cô chia sẻ: "Cà phê Việt Nam là một nét văn hóa, lối sống tập trung vào cộng đồng, nơi mà mọi người có thể sống chậm lại và dành thời gian cho một tách cà phê phin nhỏ giọt mỗi buổi sáng, chiều, tối. Sứ mệnh của tôi vẫn như cũ, đó là mang lại tầm nhìn, đại diện cho sự bền vững của Việt Nam cũng như các nhà sản xuất cà phê Việt Nam".
Nhờ bộ ba trẻ tuổi này, thế giới bắt đầu công nhận rằng cà phê Việt Nam có thể trở nên thơm, ngon và là một phần trong cuộc sống hàng ngày hàng ngày của bất kỳ ai. Tammy nói: "Tôi muốn mọi người biết rằng cà phê Việt Nam không hề kém chất lượng, nó thật sự rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy mình mắc nợ quê hương và muốn giúp người tiêu dùng hiểu được giá trị cốt lõi của cà phê Việt Nam".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.