Các dự án thuộc Hateco Group của "đại gia" Trần Văn Kỳ bị Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên
Các dự án thuộc Tập đoàn Hateco của đại gia Trần Văn Kỳ bị Thanh tra Bộ Xây dựng điểm tên
Quang Dân
Thứ ba, ngày 20/04/2021 14:30 PM (GMT+7)
Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra 22 dự án chung cư tại Hà Nội, có hiện tượng chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư 2% cho ban quản trị tòa nhà. Trong đó, Tập đoàn Hateco có tới 2 dự án nằm trong kết luật thanh tra.
Chủ đầu tư toà nhà Hateco “quên” nộp phí bảo trì trong 5 tháng
Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà hỗn hợp Hateco Hoàng Mai (tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có thiếu sót về việc chậm quyết toán, chuyển giao quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà, vi phạm tại khoản 6, Điều 36, Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo đó, từ tháng 8/2018, ban quản trị tòa nhà đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà. 1 năm sau đó, Hateco mới chuyển giao 19,5 tỷ đồng kinh phí bảo trì thành 2 đợt.
Tuy nhiên, do chưa thống nhất được số liệu, nên chủ đầu tư chưa bàn giao 140 triệu đồng số tiền còn lại của quỹ bảo trì.
Ngoài ra, Hateco đã để ra sai sót về việc lập kế hoạch bảo trì. Chủ đầu tư đã lập kế hoạch bảo trì 1 năm mà không dự kiến các hạng mục sẽ thực hiện cho 3 - 5 năm sau đó, để báo cáo hội nghị nhà chung cư lần đầu. Điều này thực hiện không đúng quy định Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.
Trước những thiếu sót của chủ đầu tư tại dự án Hateco Hoàng Mai, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan và khắc phục tồn tại.
Thống nhất với quản trị tòa nhà lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, căn cứ vào số liệu do 2 bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì còn lại thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Đối với Dự án khu chung cư nhà ở Hateco 6, tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Dự án này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/8/2020.
Trong đó, kinh phí bảo trì tầng thương mại là gần 2,7 tỷ đồng, kinh phí đã thu của các căn hộ tại dự án là gần 35 tỷ đồng. Tổng cộng là gần 37,5 tỷ đồng.
Sau khi đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã 4 lần nộp kinh phí bảo trì chung cư 2% vào tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư đã nộp thiếu quỹ bảo trì chung cư 2%, thực hiện chưa đúng tại khoản 1, Điều 109 Luật Nhà ở 2014.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 8/1/2021, chủ đầu tư đã ký 2 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng, tổng số tiền là 37,7 tỷ đồng. Điều đáng nói, dự án này được đưa vào sử dụng vào tháng 8/2020. Như vậy, chủ đầu tư “quên” nộp phí bảo trì trong 5 tháng.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Đình Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Hateco cho biết, hiện tại phía doanh nghiệp đã xử lý hết trách nhiệm đối với các nội dung đã nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng.
"Đối với trường hợp tại Hateco Xuân Phương, do chưa thành lập được Ban quản trị nên chưa thể bàn giao, phía doanh nghiệp cũng đã có văn bản ra phường Phương Canh đề nghị phường tổ chức thành lập Ban quản trị", ông Tuấn cho hay.
Đáng chú ý, đây cũng là hai dự án này đã vướng rất nhiều "tai tiếng" về chất lượng dịch vụ của Tập đoàn Hateco.
Dự án nhiều tai tiếng của Hateco
Trước đó, phản ánh tới Báo Dân Việt, nhiều cư dân tại khu chung cư Hateco Apollo Xuân Phương cho hay chỉ trong khoảng hơn 1 năm về sinh sống tại đây, Hateco Apollo Xuân Phương đã rất nhiều lần xảy ra tình trạng mất nước. Có thời điểm ở đây mất nước đến 3, 4 ngày, Ban quản lý chung cư đã phải thuê xe téc để chở nước, cấp phát nước tạm thời cho cư dân sinh hoạt.
Cư dân cũng đã nhiều lần phản ánh việc mất nước tới Ban quản lý, chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến tình trạng mất nước đã và đang tiếp diễn.
Cũng theo phản ánh của người dân tại đây, sáng 7/7/2020, một tảng đá ốp lát có bề rộng khoảng 40 cm, bề dài gần 1 m, ốp ở lối vào thang máy số 18, tòa CT2 chung cư Hateco Apollo Xuân Phương bị rơi ụp xuống sàn, vỡ nát. Rất may, thời điểm xảy ra sự việc không có cư dân nào ra vào thang máy nên không ai bị thương. Tuy nhiên, việc đá ốp lát bất ngờ rơi ụp xuống sàn khiến cư dân không khỏi lo lắng, bức xúc.
"Cả mảng đá đó mà rơi trúng người thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Mới sử dụng chưa được một năm mà đã xảy ra rất nhiều sự cố, hỏi sao dân không bức xúc?", anh N.V.B, sinh sống tại tòa CT1A chung cư này nói.
Đáng nói, năm 2019, dự án Hateco Apollo Xuân Phương chưa được Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nghiệm thu và chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường nhưng đã cho người dân vào ở.
Trước đó nữa, hồi tháng 10/2018, báo chí đưa tin về việc hàng trăm cư dân chung cư Hateco Hoàng Mai viết đơn xin dừng cấp sổ đỏ vì phát hiện căn hộ đã được bàn giao bị thiếu hụt diện tích.
Theo đó, Dự án Heteco Hoàng Mai do Công ty Cổ Phần Đầu tư Hạ tầng & Công trình Kiến trúc Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án gồm 2 tòa với 744 căn hộ và khoảng 2.500 cư dân. Dự án được hoàn thành và bàn giao vào tháng 12/2016. Đến đầu năm 2017, chủ đầu tư Hateco yêu cầu các cư dân phải hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ (sổ đỏ). Chi phí để làm sổ đỏ là 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi đo đạc lại căn hộ, nhiều hộ dân mới phát hiện ra căn hộ của mình bị thiếu hụt diện tích so với hợp đồng. Theo phản ánh của người dân, dự án Hateco có khoảng 150 căn hộ bị thiếu hụt diện tích. Mỗi căn thiếu từ 1,5 - 3,5 m2. Với mức giá mua là 20 triệu đồng/m2, mỗi hộ gia đình tại đây cho rằng, mình đã bị mất từ 30 - 70 triệu đồng/căn hộ cho chủ đầu tư.
Chưa hết, cuối năm 2018, nhiều cư dân sống tại chung cư Hateco Hoàng Mai phản ánh tình trạng nước sinh hoạt tại đây đang có dấu hiệu bị nhiễm bẩn không rõ nguyên nhân.
Theo các hộ dân, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân của việc nguồn nước bị nhiễm bẩn. Một vài hộ đã tự cắt đường ống nước nhà mình và nhận thấy váng nhầy màu đen và cặn bẩn bám dày đặc lên thành ống.
Các hộ dân còn phản ánh, cặn bẩn bám trong đồng hồ đo nước là nguyên nhân dẫn đến việc đồng hồ chạy nhanh hơn so với lượng nước sử dụng hay nói cách khác là chạy sai so với tiêu chuẩn.
Hateco nổi tiếng với hàng loạt dự án bất động sản lớn như khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (quy mô 12ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3,500m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng); Hateco Apollo trên trục đường 70, TP. Hà Nội (quy mô 4,5ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City..
Ngoài ra, hệ sinh thái Hateco của "đại gia" Trần Văn Kỳ đang sở hữu 8 thành viên gồm: Hateco Hà Nội, Hateco Thăng Long, Hateco Long Biên, Hateco Kinh Bắc, Hateco ICIC, Hateco Logistics, Hateco Đông Anh và Hafintech, với hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là bất động sản, logistics và đầu tư phát triển cảng biển.
Bức tranh tài chính của Hateco Group và các thành viên khác trong hệ sinh thái này sẽ được Dân Việt đề cập trong bài tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.