Chiêm ngưỡng tượng đồng độc bản vua An Dương Vương
Chiêm ngưỡng tượng đồng độc bản vua An Dương Vương
Thứ ba, ngày 21/02/2023 20:30 PM (GMT+7)
Tượng An Dương Vương có nhiều đặc điểm hiếm gặp, là hiện vật độc bản duy nhất, chưa từng thấy ở bất cứ di tích thờ An Dương Vương nào trên đất nước ta.
Tượng An Dương Vương (Thánh tổ Hoàng đế An Dương) làm bằng hợp kim đồng đúc bằng kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp (sáp ong). Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi.
Đền Thượng (Khu Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2, nơi đây còn lưu giữ được 5 tấm bia đá và 53 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc cũng là nơi đặt tượng An Dương Vương.
Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê mạt. Kiến trúc đền gồm: Tiền tế - 3 gian, 2 chái, hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu.
Gian giữa có đặt ban thờ thần Kim Quy và nỏ thần.
Theo các nhà khảo cổ học, nhà khoa học quân sự, mũi tên ba cạnh Cổ Loa chính là một trong những yếu tố tạo nên bí ẩn huyền thoại của nỏ thần An Dương Vương. Ảnh chụp những mũi tên đồng và chiếc nỏ thần được phục dựng lại nhằm vén màn bí mật về một loại vũ khí chiến đấu nguy hiểm bậc nhất thời bấy giờ.
Nơi thờ chính đặt tượng An Dương Vương tại hậu cung đền Thượng.
Vua An Dương Vương đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí lưỡng long chầu nhật. Khuôn mặt vuông chữ điền, mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung. Người mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực. Trên hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Ở thành đứng 2 bên của cấp trên có đôi rồng nhỏ chầu vào chính giữa là 3 hoa cúc, mỗi hoa đều thể hiện 3 lớp cánh lồng nhau. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh - biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa như "rồng chầu mặt trời," chính là biểu tượng cho vương quyền.
Thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài, chân đi hài mũi cong. Hoa văn trang trí trên long bào được sắp đặt theo bố cục đăng đối, ở mặt trước và sau, bên phải, bên trái. Điểm nhấn của hoa văn trang trí trên long bào được phân thành các chủ đề khác nhau như: Lưỡng long chầu nhật, rồng cuộn, mây hóa, trăng, sao, rồng hóa, chim phượng, chim công, cỏ cây, hoa lá, sóng nước và những biểu tượng thiêng khác...
Tượng Thánh tổ Hoàng đế An Dương là hiện vật có tính độc đáo thể hiện qua kỹ thuật đúc tượng, hình thức trang trí hoa văn, diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể của một bức tượng chân dung và thể hiện được phong thái, cốt cách của một vị thần chủ - vua An Dương Vương (Ảnh: Ban quản lý di tích cung cấp).
Đền Thượng được xây dựng trên một quả đồi mà truyền thuyết nói là xưa có cung thất của vua, được xây dựng theo hướng Nam, các công trình kiến trúc chính của ngôi đền nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo). Hồ nước phía trước là nơi Mỵ Châu - Trọng Thủy thường từ đây đi thuyền du ngoạn khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Sau chiến tranh, Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự vẫn vì ân hận đã gây ra cái chết của người vợ yêu quý.
Đền thờ An Dương Vương (đền Thượng) nằm ở vị trí góc Đông Nam thành Nội - là tòa thành đồ sộ niên đại hơn hai nghìn năm. Vừa là kinh thành, vừa là quân thành, vừa là thị thành. Cổ Loa được đánh giá và ghi nhận là đô thị cổ đại ở Việt Nam có quy mô rộng lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh chụp toàn cảnh đền Thượng và khu di tích Cổ Loa.
PV (Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.