Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Nhật bắt đầu từ chuyện kể về gia đình, cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài những câu chuyện rất bình dị như bao gia đình khác. Nhật kể: “Tình yêu nấu ăn của tôi bắt nguồn từ việc mẹ và bà, gia đình tôi có cách tiếp cận việc nhà khác với những gia đình khác, lúc nào mẹ và bà cũng quan niệm: việc nhà trong đó có nấu ăn là việc ai cũng có thể làm được vì nó không hề khó.
Và tôi đã bắt đầu từ những bài học vô cùng đơn giản như: khi cắm cơm thì để gạo một đốt ngón tay và đổ nước đến đốt ngón tay thứ hai. Tất nhiên, sau này khi đã làm quen việc đó, tôi có thể tự căn chỉnh theo lượng gạo theo cảm nhận riêng của mình, nhưng tôi rất biết ơn mẹ và bà vì những bài học đơn giản đầu đời đó”.
Thật ra với nhiều người trẻ, việc hiểu và trân trọng những giá trị có được từ gia đình không phải ai cũng làm được. Còn cô gái “khôn ngoan” này khiến người đối diện thấy dễ chịu khi ngay từ đầu đã mang lại cả một bầu trời tuổi thơ đầy hoài niệm, trong đó tình yêu nấu ăn được nhen nhóm, nuôi dưỡng và lớn lên từng ngày.
Cả Nhật và tôi đều thống nhất là sẽ không nói lại về cuộc thi mà Nhật đã dành giải quán quân từ hơn 5 năm trước. Nhưng không thể phủ nhận những thành công nhất định mà cuộc thi đó đã mang lại cho cá nhân cô, đó cũng chính là khởi đầu của mọi cung bậc: vui, buồn, hạnh phúc và cả vấp ngã, thất bại nữa…
Hãy nói về những khó khăn đầu tiên khi bước ra từ cuộc thi Master Chef của Minh Nhật. Tôi nghĩ danh hiệu Master Chef vừa là niềm vui, vừa áp lực, nhất là với một cô gái vốn chỉ coi nấu ăn là sở thích như Nhật, có thể điểm danh lại những thách thức đó không?
Tôi nghĩ không ai dễ chịu khi nhắc lại những thất bại của mình. Thời điểm bước ra từ cuộc thi Master Chef, khó khăn lớn nhất với tôi là: thiếu quá nhiều thứ. Từ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức về kinh doanh đến ứng xử giao tiếp… tôi đều bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh.
Và trên đường đi của mình, tôi đã phải tự trả giá cho sự thiếu hiểu biết rất nhiều lần. Người ngoài có thể không biết hoặc biết rất ít, còn bản thân tôi cảm nhận và chấp nhận cái giá phải trả khá đắt: vừa bằng tiền, vừa bằng công sức, vừa là thời gian.
Tôi không được đào tạo trong ngành nhà hàng, mà được đào tạo trong ngành tài chính ngân hàng - là một ngành mà khi đi làm tôi cũng không vận dụng được nhiều kiến thức trong quá trình học. Đó chính là bất lợi đầu tiên mà tôi buộc phải học hỏi lại từ đầu nếu muốn thành công.
Chính vì không có kiến thức về kinh doanh, marketing nên nhiều lần tôi chọn sai địa điểm khiến cửa hàng nhanh chóng đóng cửa sau một thời gian ngắn. Rồi 5 năm khởi nghiệp thì mất 3 năm đầu tiên tôi gần như không có tiền tích lũy mà thường xuyên tái đầu tư để hình thành thêm các cơ sở mới.
Có những lúc tôi khủng hoảng rất nghiêm trọng về mặt tài chính. Có những cái Tết đứng trước việc phải, lương, thưởng Tết cho nhân viên, rồi trả tiền nhà, và không có tiền biếu bố mẹ… lúc đó tôi thực sự rất stress.
Nhưng may là tất cả đều đã ở lại phía sau, tôi học thêm được bài học cho tuổi trẻ của mình, đó là đánh đổi và trả giá để trưởng thành. Khi đã nhận thức được điều đó, tôi thấy những khó khăn ấy không có gì là đáng tiếc cả.
Những lúc đó, một gái trẻ như Minh Nhật phải có chỗ dựa chứ, ít nhất là về tinh thần, bạn đã dựa vào ai?
Tôi dựa vào chính mình!
Ngay từ nhỏ tôi đã được dạy phải mạnh mẽ và phải luôn tự lập. Bố mẹ chỉ có thể ở bên lắng nghe và chỉ lối, còn có thể chiến thắng được hay không là do tôi.
Trở lại với những khó khăn của mình, tôi cảm nhận rõ ràng rằng: không có con đường nào nhẹ nhàng, không có hành trình nào về đích mà không vấp ngã. Bố mẹ tôi không phải là người rành về kinh doanh để có thể trợ giúp mỗi khi tôi gặp khó khăn, bố mẹ cũng không thể hiểu vì sao tôi cứ mang lợi nhuận đi tái đầu tư, sao không trích lại một phần để tích lũy…
Vì thế, tôi cứ làm thôi, vừa làm vừa trả giá và tự rút ra bài học cho mình. Nhưng với tôi không có sự trả giá nào đau đớn, tất cả đều rất ngọt ngào vì sau mỗi lần vấp ngã tôi đều đứng lên được và mạnh mẽ hơn.
Thế còn những lần “vạ miệng” và “rắc rối” với truyền thông? Tôi nghĩ đó cũng đáng gọi là áp lực lắm chứ, vì việc mất hình ảnh đồng nghĩa với việc kinh doanh khó khăn?
Khi giành vị trí quán quân Master Chef tôi mới 23 tuổi, và đó thực sự là áp lực rất lớn đối với tôi. Từ một người bình thường bỗng trở thành người được truyền thông và công chúng quan tâm, tôi bị để ý nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu.
Tất cả những điều mình làm, mình chia sẻ, con đường mình chọn đều nhận được sự quan tâm sát sao. Tôi chưa có kinh nghiệm trong cách ứng phó và xử lý khủng hoảng truyền thông. Tôi cũng không hề nghĩ mình cần phải cân nhắc và thận trọng từng lời ăn tiếng nói.
Những gì tôi chia sẻ khi đó đều bản năng và có thể gọi là khá hồn nhiên nữa. Và tôi đã phải trả giá cho sự hồn nhiên đầy thiếu sót đó của mình.
Nhưng tôi nghĩ cuộc sống là bài học, nếu mình sai sẽ sửa để hoàn thiện bản thân mình hơn.
23 tuổi bắt đầu làm kinh doanh – cái tuổi còn quá trẻ, ở tuổi đó nhiều cô gái còn đang mơ mộng thì bạn đã làm chủ 1 doanh nghiệp và có thương hiệu bánh mì riêng? Tại sao lại là bánh mì mà không phải là món ăn khác?
Tôi chọn kinh doanh bánh mì là một sự tình cờ, vì tại thời điểm đó nếu tôi mở nhà hàng sẽ vô cùng mạo hiểm và khó khăn. Để vận hành được một nhà hàng đòi hỏi nhiều yếu tố: kinh nghiệm, khả năng quản lý điều hành, hiểu biết về kinh doanh… mà những khái niệm ấy hoàn toàn xa lạ với một cô gái mới 23 tuổi như tôi. Và tôi thấy không tự tin nếu mở nhà hàng.
Hơn nữa số vốn tôi đang có cũng không cho phép tôi mơ về một nhà hàng, chỉ đủ để bắt đầu bằng một quán ăn nho nhỏ, và nếu thất bại nó cũng là một thất bại “ngọt ngào”, không quá ảnh hưởng tới tâm lý hay sự kỳ vọng của bản thân tôi.
Thêm một lý do nữa khiến tôi quyết định chọn bánh mì là vì đây là món ăn quen thuộc, gần gũi với nhiều đối tượng khách hàng, ai cũng ăn được và có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày.
Đây cũng chính là món ăn mà rất nhiều du khách quốc tế khen ngợi khi tới Việt Nam, do đó tôi nghĩ mình đã chính xác khi lựa chọn món ăn này.
Ngay từ khi quán bánh mì đầu tiên ra đời, tôi đã mơ về một chuỗi và đến thời điểm này dù chưa thành chuỗi như tôi mong muốn nhưng tất cả những cửa hàng xuất hiện sau đều từ nguồn lợi nhuận của các cửa hàng đi trước. Với tôi đó cũng là một điều an ủi và khích lệ rất lớn.
Một ngày làm việc của cô chủ trẻ Minh Nhật bắt đầu như thế nào? Sau 5 năm việc kinh doanh của chuỗi bánh mì chắc hẳn vẫn rất trơn tru chứ?
Tôi hiện có 13 cửa hàng bánh mì, 1 nhà hàng chả cá và 1 bếp tổng. Tôi thường bắt đầu ngày làm việc mới ở bếp tổng để có thể nắm bắt và quán xuyến được mọi đơn hàng, nguyên liệu chế biến, sử dụng cho chuỗi 13 cửa hàng.
Sau đó tôi lên văn phòng để giải quyết các công việc cần thiết. Trước đây khi chỉ kinh doanh truyền thống tôi bận nhiều hơn, nhưng hiện tại hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm tôi mở cửa hàng bánh mì đầu tiên cách đây 4-5 năm và cũng phụ thuộc vào sự thay đổi của thị trường cũng như sự xuất hiện của các ứng dụng mới… nên tôi cũng đỡ các công việc “bàn giấy” hơn.
Cụ thể là gì?
Trước đây, khách đến ăn tại cửa hàng hoặc đến mua mang về rất nhiều, sau đó 1 thời gian thì ổn định việc đi ship hàng, nhưng hiện tại khi có sự xuất hiện của các ứng dụng gọi món online thì chúng tôi có thêm kênh phân phối mới tiện lợi hơn, khách hàng cũng có thêm nhiều lựa chọn hơn.
Thói quen của người tiêu dùng thay đổi sẽ kéo theo doanh thu thay đổi, ví dụ trước đây doanh thu ship hàng chỉ chiếm 10-15% nhưng bây giờ doanh thu từ các đơn vị thu hộ như Now, Go-Viet, Grab… của chúng tôi chiếm từ 30-35%. Và việc này cũng thay đổi cấu trúc của một cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Thời gian khách nhận được đồ ăn cũng nhanh hơn, đó cũng chính là những yếu tố gia tăng lợi nhuận và tiết kiệm chi phí đầu tư cho các cửa hàng mới của chúng tôi.
Thẳng thắn mà nói Bánh mì Minh Nhật là thương hiệu quen và nổi với nhiều người, nhưng ngon hay thực sự đặc sắc, ấn tượng thì chưa. Minh Nhật có phản biện gì với nhận định này không?
Tôi nghĩ khen chê là điều bình thường, ở bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng thế chứ không riêng gì ẩm thực, bởi vì không có một gu, một khẩu vị cố định nào cho số đông.
Chúng tôi đang cố gắng để làm sao có thể hài lòng nhiều khách hàng nhất có thể chứ không phải là làm hài lòng tất cả mọi khách hàng, vì đó là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tôi luôn luôn lắng nghe mọi đóng góp, ý kiến và cùng ekip, đội ngũ của mình làm ra những chiếc bánh chất lượng nhất.
Rất nhiều người vẫn phàn nàn và chê bánh mì Minh Nhật chất lượng không tương xứng với giá tiền, bạn sẽ giảm giá hay nâng cao chất lượng?
Như tôi đã nói ở trên, khách hàng có rất nhiều tính cách, nhiều yêu cầu khác nhau trong sản phẩm, vậy nên chúng tôi luôn cố gắng đưa khẩu vị chung nhất để được số đông khách hàng đón nhận.
Không ai là không mong muốn sự hoàn hảo, nhưng trong nghề làm dịch vụ, đặc biệt là đồ ăn, sẽ chỉ có sự hoàn hảo tương đối.
Việc giảm hay tăng giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không phải cứ đông khách thì tăng giá hoặc khách phàn nàn, chê trách thì sẽ giảm. Bởi dù chỉ là tăng hay giảm 1 đồng thì cũng đều ảnh hưởng tới chính sách, kế hoạch kinh doanh của chúng tôi.
Riêng về vấn đề chất lượng, tôi không dám cam kết gì, nhưng khẳng định rằng nguồn nguyên liệu chúng tôi sử dụng luôn luôn đảm bảo nhất. Chưa nói đến việc ngon hay dở, riêng việc sử dụng sản phẩm an toàn thì cũng xứng đáng để có giá tiền không rẻ rồi (cười).
Tôi cũng đã rất nhiều lần xin lỗi khách hàng khi họ có những trải nghiệm không thoải mái với dịch vụ của bánh mì Minh Nhật. Và tôi nghĩ đó là hành động cầu thị và sẵn sàng tiếp thu góp ý của khách.
Xin lỗi là điều nên làm, nhưng cũng có rất nhiều star-up chọn xin lỗi để xoa dịu và xử lý truyền thông trước mắt chứ không phải cầu thị để cải tiến và thay đổi chất lượng sản phẩm. Bạn nghĩ sao về điều này?
Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình rằng khi khách hàng không hài lòng thì có nghĩa là mình đã sai. Không ai mong muốn mình làm sai để phải xin lỗi cả, tôi quan niệm trong bất cứ mối quan hệ nào xin lỗi chưa hẳn đã là do đúng sai. Mà xin lỗi vì mình trân trọng mối quan hệ đó, trân trọng khách hàng vì đã sử dụng dịch vụ của mình.
Trước hết lời xin lỗi chúng tôi gửi tới khách hàng là vì khách đã có trải nghiệm không vui. Còn xin lỗi vì chúng tôi đã làm sai thì lại cần thời gian để tìm hiểu.
Đã xin lỗi thì phải chân thành, còn không thì tốt nhất nên im lặng. Hơn nữa, bây giờ khách hàng rất thông thái, nhiều người thừa thông minh để hiểu đâu là chiêu trò của nhà hàng, của doanh nghiệp. Tôi không phải là người giỏi nói, nhưng tôi tin mình đủ chân thành để khách hàng hiểu và tiếp tục lựa chọn bánh mì của chúng tôi.
Từ bỏ một công việc lý tưởng ở một ngân hàng lớn để đi theo con đường kinh doanh ẩm thực, bạn không thấy mình liều lĩnh sao?
Master Chef đến với tôi như một cơ duyên, thời điểm đó tôi phát hiện ra mình không phù hợp với công việc là một nhân viên ngân hàng, mặc dù tôi được đào tạo bài bản để làm công việc đó nhưng chưa khi nào tôi thấy bản thân phù hợp.
Tính cách của tôi hướng ngoại, trong khi với vị trí là nhân viên ngân hàng công việc của tôi luôn theo quy củ, nguyên tắc, quy trình khá khép kín, không được gặp gỡ nhiều người… Đó cũng là lúc tôi loay hoay muốn tìm hướng đi mới, muốn thoát khỏi sự nhàm chán và tẻ nhạt mà công việc mang lại.
Master Chef lúc đó giống như một phép thử. Và thật may phép thử đó đã đúng với tôi.
Khi bắt đầu tham dự cuộc thi tôi cũng chỉ nghĩ đây là con đường mới, những người tham gia cuộc thi năm đó đều là những người thực sự có tài năng và yêu thích nấu ăn, mỗi người có câu chuyện của riêng mình.
Tôi là người gần như nhỏ tuổi nhất cuộc thi, nếu nói về kinh nghiệm, thời gian nấu ăn thì tôi không thể bằng các chị, các cô cùng tham dự, nhưng có thể tuổi trẻ cũng là lợi thế của tôi vì tôi có thể tiếp cận nhanh hơn với các món mới, cách tiếp cận nguyên liệu mới. Có thể chính điều đó là tạo cho tôi sự khác biệt chăng.
Tôi tự thấy mình có điểm khác biệt nữa là sự bình tĩnh. Rất nhiều người khi gặp phải áp lực cao sẽ có xu hướng mất bình tĩnh, thì đấy chính là điểm yếu của họ.
Tôi nhớ nhất phần thi teamwork của tôi và chị Thủy, chúng tôi khá giống nhau ở sự điềm tĩnh, khi đã phân công xong thì việc ai người nấy làm, chỉ trao đổi khi thấy cần thiết. Trong khi đó, ở đội bên kia họ hò hét rồi giục giã, “chỉ đạo” nhau rất sôi nổi, nhưng kết quả là đội tôi vẫn giành chiến thắng. Đó cũng là teamwork duy nhất mà tôi thắng.
Tên Công ty của bạn là Trường Phát Kỳ Tường – nghe không liên quan gì nhiều đến ẩm thực lắm nhỉ?
Thực ra đây là 4 chữ Hán Nôm tôi được tặng và nó có nghĩa là “May mắn kéo dài”. Trong tử vi của tôi cũng thể hiện tôi là người gặp nhiều may mắn. Với thực lực của mình, nếu không may mắn chắc chắn tôi không vượt qua được những áp lực, khó khăn.
Nghĩa là vị trí quán quân Master Chef của bạn có được là do may mắn?
Bất cứ ai từng tham gia Master Chef đều hiểu sự khó khăn, áp lực của cuộc thi, chúng tôi phải chạy đua với thời gian, chạy đua với nhau để hoàn thành được những thử thách. Thế nên nếu nói chiến thắng của tôi chỉ dựa vào may mắn là không thỏa đáng.
May mắn của tôi thường như thế này: Ví dụ trong một có 2 món ăn tôi thường chọn trúng món ăn mà tôi biết cách làm hoặc làm tốt. Hoặc may mắn ở chỗ món ăn tôi lựa chọn có đủ nguyên liệu để thực hành, thường kho nguyên liệu rất phong phú nhưng không phải đầy đủ tất cả mọi thứ, phần thi của ai cũng có lúc bị ảnh hưởng chỉ vì thiếu nguyên liệu… Đó, tôi may mắn hơn nhờ vào những yếu tố nhỏ đó.
Có khi nào Minh Nhật thấy tuyệt vọng không? Và một cô gái trẻ thường làm gì để vượt qua, ai là người bên cạnh bạn?
Buồn và cô đơn thì có nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng. Những lúc buồn và cô đơn tôi luôn có chính mình, tôi tự động viên mình “mọi thứ sẽ qua”, mình sẽ cố gắng, sẽ đứng dậy được. Những lúc như thế tôi thường ở một mình.
Bố đã từng dạy tôi: dù gặp bất cứ chuyện gì cũng phải mạnh mẽ, khi đó tôi mới chỉ học lớp 8, lớp 9. Và ngay từ khi còn rất nhỏ như vậy, tôi đã rèn luyện cho mình khả năng tự thích ứng, tự giải quyết và không để những cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Ngày học cấp 3 tôi cũng thường xuyên khóc những chuyện rất vu vơ, bố biết và thường nói với tôi “con không nên như thế, nước mắt cũng không giải quyết được vấn đề gì”. Càng lớn, càng trải nghiệm tôi càng thấm thía những điều bố dạy và áp dụng vào cuộc sống của mình.
Tất nhiên nói là vượt qua mà không cảm thấy bị tổn thương là không đúng, nhưng tôi yêu một câu nói “Khi bạn có ý chí thì sẽ có con đường để đi”.
Càng trò chuyện với Nhật, tôi càng cảm thấy Nhật quá lý trí và sự tỉnh táo, trong tình yêu Nhật cũng là người như thế?
Tôi nghĩ tỉnh táo là rất tốt và nên có, dù trong công việc, cuộc sống hay kể cả tình yêu. Trong tình yêu tôi có những nguyên tắc riêng, những mong muốn của riêng mình nhưng về cơ bản là tỉnh táo và tôn trọng quyết định của đối phương.
Sau khi chia tay, tôi và người yêu cũ vẫn là bạn. Giờ ai cũng đã có cuộc sống mới rồi. Cái gì là quá khứ thì nên để nó là quá khứ, không nên kéo lại làm gì.
Điều gì khiến Minh Nhật hài lòng nhất lúc này? Trong tương lai ngoài việc mở rộng chuỗi cửa hàng và quản lý tốt công ty, bạn có nghĩ sẽ làm thêm một việc gì khác không?
Sau này tôi có làm bất cứ công việc gì cũng sẽ liên quan đến ẩm thực. Có 2 điều tôi yêu thích là kinh doanh và nấu ăn thì hiện tại tôi đang đi đúng con đường đó rồi, nên nếu sau này có làm thêm việc gì thì chắc chắn cũng chỉ liên quan đến hai thế mạnh này của tôi.
Còn nói về sự hài lòng, tôi cho rằng mình không có lựa chọn duy nhất, trong mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn quyết định của tôi sẽ mang đến những cảm xúc khác nhau. Nhưng có một sự thật: cho tới thời điểm hiện tại, tôi tự tin để khẳng định rằng mình đã và đang có một tuổi trẻ ý nghĩa.
Câu nói của Minh Nhật khi kết thúc buổi trò chuyện của chúng tôi mang rất nhiều ẩn ý và “đánh thức” khá nhiều điều – ít nhất với những người trẻ. Đúng, ai cũng có một tuổi trẻ của riêng mình, nhưng lựa chọn làm gì, sống như thế nào cho thực sự ý nghĩa thì không phải bạn trẻ nào cũng đủ bản lĩnh, đủ kiên trì và đủ thông minh để đeo đuổi.
Cho đến cùng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm về cô gái này, rất “khôn” và luôn biết cách duy trì mọi thứ ở mức “vừa đủ” để thành công cũng không ngủ quên và thất bại cũng luôn “ngọt ngào”.
“Vợ chồng tôi đều mong muốn Minh Nhật sẽ trở thành cán bộ ngân hàng đúng như ngành mà con bé đã học, nhưng sau cuộc thi Master Chef Nhật đã quyết định bỏ nghề quay sang kinh doanh ẩm thực.
Khi thành lập Công ty, con bé có mời một đầu bếp từ trong miền Nam ra phụ giúp thời gian đầu. Tôi đã đón chị ấy bằng một trận khóc như mưa gió. Lúc đó, lòng tôi rối bời với muôn vàn câu hỏi: tại sao đường bằng phẳng con không đi, lại phải chọn đường khó khăn làm gì? Tại sao lại cứ phải kinh doanh ẩm thực, sao không làm cho vui thôi…
Đến giờ, nhìn thấy thành quả của con, chúng tôi đã chưa hẳn đã yên lòng nhưng tin con hơn, và trao cho con quyền được quyết định cuộc sống của mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.