Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chắc chị đã quá quen thuộc khi người ta gọi chị là "nữ hoàng ảnh lịch", "lá ngọc cành vàng", "mỹ nhân màn ảnh"… Vậy chị nghĩ sao khi người ta gọi chị là "phiên bản của Trà Giang"?
- Mỗi một nghệ sĩ khi thể hiện được vai diễn xuất sắc, đi vào lòng của khán giả thì người ta sẽ gắn liền tên của người diễn viên với tên của vai diễn đó. Tôi may mắn được gắn với biệt danh rất đẹp "lá ngọc cành vàng" xuất phát từ vai diễn trong phim "Lá ngọc cành vàng" của đạo diễn Vũ Châu. Thời bấy giờ, tôi cũng chỉ là một thiếu nữ bình thường nhưng chắc là hợp vai và diễn ra chất Hà Nội nên khán giả yêu thích mãi. Cái chất Hà Nội cũng đầy đặn dần lên trong tôi từ vai diễn đó vì ai cũng biết tôi sinh ra ở Tuyên Quang.
Biệt danh "nữ hoàng ảnh lịch" cũng gắn với một thời kỳ vàng son của tôi trong sự nghiệp. Và vì mọi người quá ấn tượng với những tấm ảnh lịch của tôi nên đã đặt cho tôi biệt danh mỹ miều ấy. Nhiều người bảo, "nữ hoàng" thì chỉ có một nhưng kỳ thực cùng thời điểm đó có rất nhiều "nữ hoàng" là các diễn viên nổi tiếng như: Diễm My, Diễm Hương, Y Phụng, Mộng Vân... Dù khán giả yêu mến phong cho tôi danh hiệu "nữ hoàng ảnh lịch" nhưng chỉ dám nhận mình là bông hoa trong vườn hoa đẹp thời điểm đó.
Những bức ảnh kỷ niệm của nghệ sĩ Thu Hà với NSND Trà Giang, NSND Trần Phương.
Còn biệt danh "phiên bản Trà Giang" thì tôi có nghe một vài lần nhưng không phải là phổ biến. Tôi có một mối duyên rất lớn với NSND Trà Giang. Khi tôi mới 5 - 6 tuổi thì ai cũng bảo tôi giống cô Trà Giang, giống con gái cô Trà Giang. Lúc đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ, chưa hoàn thiện vẻ mặt như một cô gái đâu… vậy mà không hiểu sao nhiều người lại nói vậy.
10 tuổi, tôi mới được xem phim cô Trà Giang đóng. Lúc bấy giờ, cô Trà Giang đóng rất nhiều phim nên lần nào được mẹ cho ra rạp chiếu bóng xem phim cũng xem phim có cô Trà Giang đóng. Thời đó mẹ tôi mê phim lắm, khi nào đi xem cũng cho tôi đi theo.
Và bộ phim điện ảnh đầu tiên tôi được đóng lại có duyên đóng cùng cô Trà Giang, đó là vai phụ trong phim "Thủ lĩnh áo nâu" – phim về anh hùng Đề Thám. Thời điểm đó, chị Bạch Trà – con gái của cô Trà Giang đi học xa gia đình nên cô rất quý tôi, xem tôi như con gái. Vì lẽ đó mà nhiều người lầm tưởng tôi là con của cô Trà Giang thật. Sau này, cô cháu mỗi người một nơi, cô ở Nam, cháu ở Bắc nhưng thỉnh thoảng cô cháu vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Bây giờ, cô lớn tuổi rồi nên ít ra ngoài, chỉ ở nhà tập trung vẽ thôi... vì thế không gặp được cô nhiều như trước nhưng trong lòng tôi vẫn luôn có bóng dáng của "mẹ" Trà Giang.
Nghệ sĩ Thu Hà trong phim “Thủ lĩnh áo nâu” đóng cùng NSND Trà Giang.
Nghệ sĩ Trà Giang ảnh hưởng như thế nào đến lối diễn xuất và cách sống của chị?
- Cô Trà Giang là một hình tượng nghệ sĩ mẫu mực của làng điện ảnh mà tôi rất ngưỡng mộ. Cô ảnh hưởng đến tôi khá nhiều. Nhưng tôi thấy cô mạnh mẽ hơn tôi trong những vai rắn rỏi. Ví dụ như vai bà ba của Đề Thám, cô diễn tả ra được cái chất rất uy quyền nhưng tôi lại không làm được thế. Ngoài ra, ở cô luôn toát ra vẻ đẹp của một người phụ nữ thuần Việt. Sau này, khi đóng phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", "Hoa ban đỏ", "Anh chỉ có mình em"… tôi cũng đều cố gắng hướng tới hình ảnh rất Việt Nam đó.
Đến bây giờ, dù đã đi qua một chặng đường dài trong sự nghiệp nhưng hào quang vẫn tỏa bóng quanh chị. Chị có nghĩ là mình có sao ngôi sao chiếu mệnh từ bé như lời người trong đoàn phim "Thủ lĩnh áo nâu" từng nói?
- Tôi không nghĩ mình có hào quang từ bé đâu. Vì ngày xưa, không có ai dìu dắt tôi bước chân vào nghệ thuật cả. Mẹ tôi là một người rất mê phim nhưng lúc đầu cũng không đồng ý cho tôi theo văn công. Tôi nhớ mãi, khi tôi trúng tuyển văn công, chạy về báo tin cho mẹ thì mẹ đang cuốc đất trong vườn. Mẹ tôi bảo: "Không, mẹ không cho con đi theo văn công đâu". Ngay cả khi tôi đã được đóng rất nhiều phim, chụp rất nhiều ảnh lịch, có thể xem là khá nổi tiếng, về khoe với mẹ thì mẹ vẫn vừa khều lửa, vừa nói nhìn vào bếp lửa nói: "Rồi nó lại vận vào mình ấy".
NSND Thu Hà và những ký ức không thể quên khi vào vai Út Vân 'Hẹn gặp lại Sài Gòn'.
Hồi đó, bản thân tôi cũng không có năng khiếu hát hay múa giỏi nên lấy sự cần mẫn, chăm chỉ làm đầu. Ngày đó, cứ xác định đó là cái nghề, cứ làm cho tốt cái nghề của mình là được, không hề có ý thức gì về hào quang.
Lần lại ký ức thì khi đóng phim "Lá ngọc cành vàng", tôi chưa được chú ý lắm đâu, phải đến phim "Thủ lĩnh áo nâu" của đạo diễn Hải Ninh tôi mới được chú ý nhiều dù vai trong phim là vai phụ. Bác Hải Ninh "thủ lĩnh" của điện ảnh đã để mắt đến tôi trong phim này để sau khi phim "Thủ lĩnh áo nâu" đóng máy là mời tôi tham gia phim "Đêm hội Long Trì" với vai Quận chúa Quỳnh Hoa luôn. Tiếp đến là đạo diễn Long Vân nhắm đến tôi với vai Huệ trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" – phim điện ảnh đầu tiên về Bác Hồ.
Chặng đường đời hay chặng đường nghề nào cũng có những thăng trầm, dâu bể... Chị đi qua cả những giai đoạn hoàng kim nhất của dòng phim thị trường và sân khấu. Vậy đã bao giờ chị muốn từ bỏ nghiệp diễn?
- Tôi chưa bao giờ trầm đến mức muốn bỏ nghề, có chăng chỉ là một chút bên sân khấu thôi, còn bên điện ảnh thì chưa hề. Thời đó, tôi đóng bất cứ vai nào khán giả cũng yêu quý và tôi có cảm giác con đường sự nghiệp của mình trải đầy hoa hồng. Các dự án phim cứ liên miên và tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Theo cách gọi của các bạn bây giờ là được "Tổ đãi".
Vẻ đẹp trong sáng và thánh thiện của NSND Thu Hà trên phim.
Chị là một trong những nghệ sĩ miền Bắc hiếm hoi được mời vào miền Nam đóng các bộ phim thị trường ở thập niên 90 cùng với những tên tuổi như: Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh... Chị nhìn nhận như thế nào về quãng thời gian này?
- Mặc dù trước đó ở miền Bắc tôi đã được nhiều đạo diễn và khán giả nhớ mặt, đặt tên trong một số phim nghệ thuật. Tuy nhiên, khi được mời vào miền Nam tham gia các phim thị trường thì khán giả ba miền mới biết đến nhiều hơn. Thời đó, phim nào ra rạp cũng được khán giả yêu mến và nhớ tên cả. Thậm chí, người ta hâm mộ tới mức cắt những tấm ảnh của tôi trên bích báo để dán ở trong nhà.
Phải nói công tâm rằng, những ngày tháng đóng phim ở phía Nam đã cho tôi nhiều thứ, cả danh tiếng, các mối quan hệ lẫn tiền bạc. Cho nên bây giờ, cứ mỗi lần trở lại Sài Gòn, tôi luôn có một cảm giác bồi hồi khó tả. Dù những con đường góc phố xưa đã thay đổi rất nhiều nhưng tôi vẫn nhớ những tháng năm tuổi trẻ rất sôi nổi của mình ở đó.
Thời chị đóng phim cùng những tên tuổi như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh… Trong mắt chị, 3 quý ông đó có những điểm gì ấn tượng?
- Cả 3 đều có điểm chung là rất hào hoa và gần gũi. Tuy nhiên, anh Lê Công Tuấn Anh thì có vẻ chân chất hơn vì anh ấy hiếm khi được đóng những vai công tử con nhà giàu, chỉ đóng bộ đội, sinh viên, thầy giáo hoặc dân lao động thôi.
Anh Lý Hùng thì toàn đóng vai con nhà giàu hoặc vai võ thuật mạnh mẽ nên các cô gái mê anh như ngả rạ. Có nhiều cô gái gặp Lý Hùng ngoài đời là khóc thét lên, bấu anh ấy tím cả mạn sườn.
Anh Lê Tuấn Anh thì đa phần đóng vai công tử hào hoa hoặc vai hơi sở khanh một chút. Chính những vai diễn này mà Lê Tuấn Anh có nhiều người yêu mến nhưng cũng có người ghét.
Trong 3 anh, tôi đóng với anh Lê Công Tuấn Anh nhiều nhất vì thế anh em khá hiểu nhau. Anh ấy đóng vai bộ đội hay sinh viên là người ta thương lắm. Có một cái gì đó rất khắc khổ, chân chất, thật thà và hiền lành. Ngoài đời, anh ấy cũng là người rất dễ gần, dễ mến.
Thời đó, các vai diễn đều "đo ni đóng giày" cho chúng tôi nên đạo diễn đã nhắm đến ai là người đó "ăn" vai luôn. Có thể có những vai lặp lại hoặc nhang nhác nhau nhưng đều mang đến cho khán giả những cảm xúc mới mẻ.
Chị có nói đóng với nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh nhiều nhất. Phải chăng đó cũng là người gần gũi với chị hơn Lý Hùng và Lê Tuấn Anh?
- Thực ra hồi đó các anh ấy dễ thương như nhau. Anh Lê Công Tuấn Anh gần gũi tôi hơn là vì chúng tôi đóng với nhau nhiều phim và các phim đóng chung đa số đều có phận đáng thương. Ngoài ra, gia cảnh của anh Lê Công Tuấn Anh cũng có sự đặc biệt hơn.
Ngày xưa, tôi với anh Lê Công Tuấn Anh làm gì có xe hơi để chui vào nghỉ ngơi mỗi khi nghỉ quay như anh Lý Hùng hay Diễm Hương nên rất hay ngồi nói chuyện với nhau cùng các anh bên tổ sản xuất, hậu đài. Ngày đó, Diễm Hương đi đâu cũng có mẹ đi theo, đến giờ ăn đã có sẵn cặp lồng cơm, bịch nước ép hoa quả để uống. Y Phụng là có cả bố mẹ và bà cùng đưa ra trường quay, chăm sóc từ chân đến tóc. Trong Nam thời đó người ta tiếp cận với lối sống hiện đại và có điều kiện hơn nên chăm sóc con cái rất kỹ.
Nhìn anh Lý Hùng và Lê Tuấn Anh thế thôi chứ bên ngoài họ cũng giản dị, chan hòa lắm. Anh Lý Hùng bây giờ không khác gì ngày xưa. Bây giờ anh ấy không đóng phim nhiều như trước nữa nhưng đi đâu cũng được chào đón. Tôi đi bên cạnh anh ấy năm ngoái và năm kia thấy mọi người vẫn nhận ra và bày tỏ sự hâm mộ rất cuồng nhiệt. Anh ấy cũng chan hòa và hay tếu táo để gần gũi mọi người. Ngày trẻ, Lý Hùng được hâm mộ quá, mỗi khi ló mặt ra là người ta quây kín buộc anh ấy phải lánh mặt đi nên người ta tưởng anh ấy khó gần.
Nói đến chuyện khán giả hâm mộ. Nếu diễn viên nam thì các bà kéo đến quây kín, chặn đường, véo sườn, xé áo… vậy còn các diễn viên nữ thì được người ta bày tỏ sự hâm mộ ra sao?
- Miền Nam người ta bày tỏ sự hâm mộ cuồng nhiệt và cởi mở; miền Bắc thì người ta khách sáo hơn, giữ ý hơn. Bây giờ cũng thế, khán giả miền Bắc rất hâm mộ nghệ sĩ, gặp gỡ ngoài đời cũng muốn chụp tấm ảnh nhưng họ rất giữ ý. Chính vì thế nghệ sĩ phải mở lòng ra, nói chuyện với họ để họ mở lòng hơn.
Người miền Nam thì thoải mái hơn, họ yêu mến thế nào thể hiện ra thế đó. Trước đây không có internet, không có mạng xã hội nên mỗi khi được gặp diễn viên họ hâm mộ là họ kéo đến quây kín luôn. Chuyện các nam diễn viên như anh Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh bị các bà các cô véo đến thâm tím mạn sườn hoặc xé áo rách tả tơi vì hâm mộ là chuyện rất bình thường.
Tôi nhớ hồi đóng chung với nhau phim "Tình ngỡ đã phôi pha" quay ở Đà Nẵng, người ta biết phim có Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà, Mộng Vân… về đóng nên kéo đến chật cả sảnh khách sạn, không tài nào chen ra bên ngoài được. Ngày đó, tôi không ăn được món miền Nam nên có một anh chị quen ở Đà Nẵng thường nấu cơm mang đến cho tôi nhưng không tài nào ra để lấy cơm được. Chỉ cần tôi ló ra cái là khán giả họ bế tôi tung lên trời luôn. Lúc đó, mọi người mới nghĩ cách, cho anh Lý Hùng đi ra một ngã ba, anh Lê Công Tuấn Anh đi ra một ngã khác để đánh lạc hướng cho khán giả ra bớt thì mọi người trong đoàn phim mới có lối thoát để ra ngoài.
Có vụ nào chị bị đánh ghen nhầm khi các bà, các chị nghĩ chị là người yêu của Lý Hùng, Lê Tuấn Anh hay Lê Công Tuấn Anh?
- Tôi chưa gặp trường hợp nào. Nhưng đúng là ngày xưa các chị em nhìn thấy Lý Hùng, Lê Tuấn Anh là như nhìn thấy Messi, Ronaldo, David Beckham… vậy. Các nữ diễn viên thì chỉ bị chen chúc sờ xem mũi có làm không, môi có làm không. Tôi nhớ có lần ra chợ Bến Thành ở Q.1, mọi người cứ sáp lại, cứ nghĩ tôi đi thẩm mỹ viện về mới xinh đẹp được thế.
Tôi với anh Lý Hùng, Lê Tuấn Anh và Lê Công Tuấn Anh thì không có lời đồn về phim giả tình thật nhưng với anh Trần Lực thì có. Tôi với anh Trần Lực không có gì cả nhưng người ta toàn đồn yêu nhau, tôi cũng chưa bao giờ thanh minh chuyện này cả.
Thời điểm anh Lực mới ở nước ngoài về đẹp trai lắm, anh ấy diễn rất Tây. Tôi với anh Trần Lực có đóng chung với nhau vài phim. Nhưng không hiểu sao mọi người lại đồn Thu Hà – Trần Lực có tình ý với nhau. Ngay cả sau này, Trung Hiếu và Công Lý thỉnh thoảng nhìn thấy tôi đang đi lại gọi "Thu Hà – Trần Lực" hoặc "anh Trần Lực"… trêu riết rồi tôi cũng quay đầu lại như một phản xạ tự nhiên.
Nhưng nói thật là giữa tôi và anh Trần Lực không có gì khác ngoài tình cảm gia đình, bạn bè. Ngày xưa tôi chơi rất thân với chị gái và anh rể của anh Lực. Thời anh Lực ở nước ngoài về thì mang theo con trai đầu, thỉnh thoảng anh Trần Lực lại cho con trai sang nhà cô Hà chơi. Không biết anh ấy cho con sang chơi là có ý gì không (cười) nhưng tôi thì không có gì với anh Lực ngoài tình người nhà cả.
Nghệ sĩ Thu Hà từng vướng tin đồn tình cảm với Trần Lực
Nói đến câu chuyện giàu lên nhờ đóng phim thị trường. Thập niên 90, các diễn viên đóng phim được trả cát sê toàn quy đổi thành vàng. Chị nói gì về mức cát sê của mình thời đó?
- Tôi dốt toán lắm nên không biết quy đổi thành vàng đâu (cười). Chỉ nhớ, hồi đó, cứ mỗi khi được nhận cát sê sau một vai diễn, tôi sẽ dùng phần lớn tiền để gửi về nhà cho mẹ trang trải việc gia đình, mua một ít quần áo cho mình. Nếu có về nhà thì dồn tiền mua cho mẹ chiếc nhẫn hoặc lúc mua cho mẹ chiếc lắc vàng để mẹ đeo.
Thời đó, tôi không được như các bạn diễn phía Nam là luôn có bố mẹ hoặc trợ lý đi theo để chăm lo mọi thứ. Còn tôi một thân một mình ở Bắc vào, phải tự lo, có đôi khi cũng rất buồn tủi.
Nhưng có lẽ vì sống vô tư nên tôi không phải lao tâm khổ tứ cho việc kiếm tiền. Cứ thủng thẳng làm nghề và được đến đâu hay đến đó. Nhờ thế mà tôi sống rất bình an và thảnh thơi. Ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi cũng không giàu có như người ta nghĩ đâu nhưng được cái luôn thấy mãn nguyện với những điều mình có.
Nhiều người bên ngoài nhìn thấy tôi lúc nào cũng lấp lánh, đủ đầy… thì nghĩ tôi giàu có lắm. Nhưng quả thật tôi là người không bao giờ đem những khó khăn, buổn khổ của mình kể cho ai nghe cả. Có lẽ vì thế mà trông tôi lúc nào cũng hoàn hảo, đẹp đẽ. Từ bé đến giờ, tôi luôn tự thân vượt qua thử thách của mình và đem đến cho mọi người những năng lượng tích cực nhất.
Người ta nói, vai diễn trong "Lá ngọc cành vàng" vận vào đời chị nên chị lúc nào cũng an nhàn, nhàn nhã, thảnh thơi?
- Không phải đâu, tôi cũng như bao người khác, cũng có những lúc thăng trầm, có lúc về mo. Đồng lương công chức ở Nhà hát Kịch Hà Nội cũng chỉ đủ tôi trang trải cuộc sống ở mức bình thường nhất. Nhưng ngay cả hôm nay tôi ăn cơm trắng với muối vừng thì người ta cũng sẽ nghĩ tôi rất "kinh khủng". Hiện tại, cuộc sống của tôi vẫn quay quắt với những mối lo thường nhật, cũng có khi này khi kia nhưng không ai biết được vì tôi không bao giờ kể chuyện đó cho ai.
Ngày xưa, mỗi khi gặp khó khăn gì đó về nghề nghiệp hoặc cuộc sống, tôi toàn gặp anh Hoàng Dũng để khóc. Anh Hoàng Dũng là người đã cho tôi rất nhiều thứ về những thiếu hụt trong nghề. Anh ấy như một người thầy, một người truyền lửa cho tôi, một chuyên gia tâm lý của tôi vậy. Có những giai đoạn tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh ấy luôn đưa ra cho tôi những lời khuyên để tôi bình tĩnh lại.
Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sĩ Thu Hà với NSND Hoàng Dũng.
Theo hành trình thay đổi trong những vai diễn của chị thì thấy chị đi dần từ những vai xinh đẹp, mong manh, lá ngọc cành vàng sang vai cá tính, mạnh mẽ. Phải chăng phụ nữ bây giờ cũng nên như thế?
- Hình mẫu phụ nữ trên phim bây giờ phải sinh động và cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Những người phụ nữ nói chung cần phải có màu sắc trong cá tính. Trong nhân vật cũng vậy thôi, hiền nhưng không chọn chỗ để đóng là sẽ thành ra bị nhạt. Cho nên đóng vai chính diện không gây ấn tượng sâu đậm bằng vai phản diện.
Với tôi, khi bắt đầu có hành trang, có bản lĩnh về nghề nghiệp thì tôi bắt đầu hiểu trong nhân vật mình thể hiện dù có là vai diễn gì thì đôi chỗ cũng phải có màu sắc; còn ngoài đời phải sinh động trong cá tính của mình thì mới có sự hấp dẫn. Trong phim mà đạo diễn bắt tôi hiền, tôi cũng phải tranh đấu. Có những đoạn mình phải vượt ra, phải bứt phá nhân vật ấy lên. Cố gắng lái cho nhân vật của mình có sự quả quyết hoặc chao chát hơn một chút thì mới có ấn tượng được.
Phụ nữ mong manh, hiền dịu, cam chịu quá thường chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống không, chị có nghĩ vậy không?
- Đấy, tôi cũng muốn nói đến điều này. Tức là để bản thân hoàn hảo quá thì lúc nào cũng phải giữ mình, không dám đấu tranh, không dám nói lên chính kiến của mình. Vô tình và lâu ngày, họ thành những người quá an toàn. Có thể hình ảnh trọn vẹn nhưng lại luôn thu mình lại, sống vì mình quá nhiều. Cho nên những người nói nhiều thì "thần khẩu lại hại xác phàm", những người ít nói quá lại an phận.
Ngày trước, khi tôi còn trong Đoàn Nghệ thuật Quân khu II thường bị phê bình là không có chính kiến. Ngày đó tôi hiền lành, không biết đấu tranh cũng chẳng đòi hỏi gì bao giờ. Các anh chị đi trước toàn phạm khuyết điểm là yêu sớm, nhưng bắt tôi phát biểu thì tôi có biết gì đâu mà phát biểu.
NSND Thu Hà duyên dáng trong tà áo dài.
Bây giờ thì chắc là chị đã sống quyết liệt hơn, chính kiến hơn?
- Bây giờ dĩ nhiên là phải khác hơn xưa rồi. Mình đã trải qua nhiều thăng trầm, đi qua nhiều biến cố, đầy đặn vốn sống hơn nên nhân sinh quan cũng phải khác hơn chứ. Đương nhiên mình vẫn phải giữ đúng con người mình đó là mình không mạnh mẽ thì không nên cố tỏ ra mạnh mẽ. Ngoài đời, không hẳn lúc nào tôi cũng hiền đâu, cũng có những lúc cá tính lắm… chứ cứ hiền từ trên phim ra ngoài đời người ta lại bảo: "Con này nhạt lắm, lúc nào cũng chỉ có thế". Đấy, người phụ nữ là cũng phải biết tạo ra sự sinh động cho đời sống của mình.
Chị có nhận thấy rằng, từ xưa đến nay, phàm những người phụ nữ đẹp mong manh, lại hiền dịu thường rất đa đoan?
- Đấy là các cụ bảo thế thôi chứ tôi thấy không hẳn. Bây giờ người phụ nữ xinh đẹp có nhiều cơ hội để hạnh phúc hơn nhưng cũng chịu không ít hệ lụy. Ví dụ, một người yêu hay ghen hoặc một người chồng hay ghen thì cũng khó mà hạnh phúc được rồi hoặc người phụ nữ đẹp thì cũng thường phải đối diện với rất nhiều cám dỗ.
Người phụ nữ đẹp giống như một vũ trụ, ai không bản lĩnh thì rất dễ bị lung lay chứ không hẳn như các cụ phân tích là "hồng nhan bạc phận" đâu. Những người làm diễn viên thì đã rất hay bị những người xung quanh để ý, có những mối quan hệ rất rộng… thậm chí là nếu không vững thì sẽ đứng núi này trông núi khác. Rồi có những hoàn cảnh vì mình là người đẹp nên họ luôn lo sợ mất mình.
Người bên cạnh mình không chia sẻ, không thông cảm với nghề nghiệp và sắc đẹp của mình, dẫn đến những sóng gió trong hôn nhân, trong tình cảm. Và đương nhiên có những người đẹp cũng rất muốn an phận thủ thường nhưng "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng", không tránh được những hệ lụy của mấy chữ "hồng nhan bạc phận". Nghĩa là rất nhiều thứ xảy đến với những người đẹp, tốt có, xấu có… nhưng người đẹp dễ bị như thế hơn so với những người không được chú ý.
Cảm ơn NSND Thu Hà đã chia sẻ thông tin.
NSND Thu Hà bày tỏ: "Đã trải qua nhiều thăng trầm, đi qua nhiều biến cố, đầy đặn vốn sống hơn nên nhân sinh quan cũng phải khác hơn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.