Chiến tranh đã qua hơn 40 năm. Với những thành tựu hôm nay trong quan hệ Việt – Mỹ, ông có cho đó là một phép màu?

Hơn 25 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và xây dựng lòng tin cùng nhau. Bạn có thể gọi đó là phép màu khi chúng ta đã chọn trung thực với quá khứ, ngay cả khi chúng ta quyết tâm vượt qua nó. Những người dũng cảm ở cả hai quốc gia đã chọn con đường hòa giải và kết quả là chúng ta đang cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Có mặt ở Hà Nội ngay nhiệm kỳ của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Hà Nội Pete Peterson, ông nhớ một kỷ niệm nào để thấy rằng “không gì là không thể”?

Một kỷ niệm mà tôi không thể quên trong quan hệ Việt – Mỹ mà tôi may mắn được tham gia từ ngày đầu là chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Madeleine Albright – chuyến thăm đầu tiên của bà tới Việt Nam chỉ 6 tuần sau khi Đại sứ Pete Peterson (Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam sau chiến tranh - NV) tới Hà Nội tháng 5/1997. Chuyến thăm này không chỉ quan trọng theo đúng nghĩa ngoại giao của nó, mà còn vì chúng tôi biết nó có thể mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton sau đó.

Chính Ngoại trưởng Albright là người đã dự lễ tuyên thệ nơi Ngài Pete trở thành Đại sứ, công nhận sự chính trực, khả năng vượt qua quá khứ đau thương, sự tâm huyết dành cho tương lai của Pete. Biết tôi từng là phụ tá của Madeleine và là cố vấn chính trị khi bà là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nên Pete Peterson đề nghị tôi lên kế hoạch chi tiết cho chuyến thăm của bà. 

Tôi vô cùng ngưỡng mộ Madeleine và tôi thực sự thích thử thách này. Khi chuyến thăm của bà lên lịch, thực tế chỉ còn 10 ngày để lên kế hoạch và tổ chức. Vì thế, tôi đã phải tập trung hết sức, chú tâm vào từng chi tiết nhỏ.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 1.

Và Madeleine đã bị Việt Nam mê hoặc. Bà rất thích đi khắp Việt Nam cùng với Pete. Trong suốt chuyến thăm của mình, bà đã dành chút thời gian để đi mua sắm. Bà biết Hà Nội có một nền văn hóa bản địa đầy màu sắc và sôi động. Do vậy, sau các cuộc gặp gỡ chính thức, bà và Đại sứ Pete đi thăm một phòng trưng bày tranh (gallery). Tại đó có một bức tranh khiến bà rất thích thú.

Nhưng vì Madeleine không mang theo tiền Việt nên bà thực sự bối rối. May thay, đúng lúc đó, Ngài Pete bước lên và nói: “Không sao, tôi có mang theo tiền Việt đây”. Tất cả mọi người đều ồ lên vui vẻ.

Thật vui khi được gặp lại Madeleine. Bà ấy vẫn thông minh, duyên dáng, hài hước và đầy sự lôi cuốn như khi bà là Đại sứ tại LHQ. Bà đã dành thời gian dù có một lịch trình dày đặc để gặp gỡ tôi. Sau vài ngày ở Hà Nội, bà và đoàn tùy tùng đến TP.HCM, nơi sẽ diễn ra lễ khai trương Tổng lãnh sự quán Mỹ. 

Ngày 28/6/1997, Madeleine là người đặt viên gạch biểu tượng trên nền Tổng Lãnh sự quán mới, nơi trước đây là Tòa đại sứ mà chúng tôi đã vứt bỏ ngày 30/4/1975. Pete đứng đó, ngay bên cạnh bà.

Sau khi lẽ khai trương diễn ra, Madeleine bước ra khỏi cổng Lãnh sự rất tự nhiên trước sự ngạc nhiên của lực lượng an ninh và hòa mình vào đám đông người dân đang theo dõi buổi lễ, trong đó đa phần là người Việt. Bà làm dấy lên sự phấn khích của đám đông và những cái bắt tay của bà với người dân thể hiện rất rõ một thực tế: Quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những bước tiến mạnh mẽ.

Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Albright, chúng tôi chính thức mở cửa Lãnh sự quán và tôi bắt đầu nhiệm vụ của mình là Tùy viên chính trị đầu tiên của Mỹ ở TP.HCM sau 22 năm kể từ khi thành phố không còn được gọi bởi cái tên cũ - Sài Gòn.

Việt Nam vẫn gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Ông hẳn đã thăm những di tích chiến tranh ở Việt Nam? Vào những thời khắc đó ông cảm thấy thế nào về quá khứ và tương lai giữa hai nước?

Năm 2016 tôi trở lại sân bay Đà Nẵng với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người mà thời điểm đó đã đi cùng 3 đại sứ (Mỹ) để tìm hiểu, phát động và cuối cùng là hoàn thành dự án tẩy rửa chất độc dioxin. 

Tướng Vịnh luôn đóng vai trò chủ chốt trong các vấn đề liên quan đến quan hệ an ninh Mỹ - Việt, và mỗi khi chúng tôi gặp nhau, tôi đều trông cậy vào ông ấy để đưa ra vấn đề tẩy độc dioxin – đầu tiên ở Đà Nẵng và sau đó ở Biên Hòa.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 2.

Chúng tôi cũng tham dự lễ kỷ niệm việc tẩy độc dioxin thành công ở Đà Nẵng với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sự có mặt của Phó Thủ tướng cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nỗ lực chung nghiêm túc thế nào. Báo chí đã chụp được hàng chục bức ảnh khi Tướng Vịnh và tôi vùi tay vào lớp đất đã được khử độc. 

Chính phủ Việt Nam cho trưng bày một trong những bức ảnh này trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP.HCM, một lời nhắc nhở rằng vượt qua những đau thương, mất mát trong chiến tranh là điều có thể. Tôi hiểu rằng người Việt Nam và người Mỹ đã cùng nhau làm cho đất đai trở nên an toàn. Nếu không, với tư cách là cha của hai đứa con nhỏ, tôi đã không thể chạm vào đất còn ô nhiễm dioxin.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 3.

Nhiệm kỳ của Ted Osius (2014 – 2017) được đánh dấu bằng hai chuyến thăm đầy ý nghĩa: Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016 và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015. Đó là những cột mốc quan trọng trong sự phát triển quan hệ hai nước. Cựu Đại sứ Mỹ nhớ lại chuyến thăm chính thức Mỹ lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Buổi sáng ngày 7/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Đài Tưởng niệm Jefferson, hồ nước Tidal với những hàng cây anh đào ánh lên trong nắng hè. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những lời của Tổng thống Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập từ người Pháp năm 1945: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không thể xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Chiều hôm đó, Tổng Bí thư chứng kiến hai tập đoàn Boeing và Vietnam Airlines ký thỏa thuận để Vietnam Airlines mua 8 máy bay Dreamliner để sau này có thể thực hiện các chuyến bay thẳng giữa TP.HCM và Mỹ. Đường bay thẳng có nghĩa là có nhiều du khách, doanh nhân, sinh viên, các gia đình du lịch qua lại và điều này sẽ thúc đẩy tiến trành hòa giải giữa hai nước nhanh hơn.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 4.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng Bí thư dự kiến 45 phút nhưng đã kéo dài gấp đôi và mang tính lịch sử. Tổng thống Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra tuyên bố chung sau cuộc họp, trong đó có cam kết “tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”. Hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra các cam kết quan trọng khác, chẳng hạn như tiếp tục đối thoại giữa các bên, tẩy độc dioxin, nhân quyền, trao đổi giáo dục, kết thúc đàm phán TPP...

Tại bữa trưa do Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Tổng thống Joe Biden đã đọc hai câu thơ: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Ông trích Truyện Kiều, một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, cũng giống như Tổng thống Bill Clinton đã từng lẩy Kiều trong bài phát biểu ở Hà Nội năm 2000. 

Về sau, khi Tiến sỹ Jill Biden - phu nhân của ông Joe Biden thăm Hà Nội, đệ nhất phu nhân Mai Thị Hạnh đã đón bà thăm Văn Miếu với chiếc nón truyền thống do những người phụ nữ Huế đan. Khi đưa ra ánh sáng, trên vành chiếc nón đã nổi lên những lời thơ trong Truyện Kiền mà Phó Tổng thống Biden đã phát biểu tại bữa tiệc của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó.

Trong số các nhà lãnh đạo của nhiệm kỳ mới, ông cũng đã gặp và làm việc với Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông ấy là Thủ tướng. Ấn tượng của ông như thế nào về các nhà lãnh đạo Việt Nam và khát vọng của họ phát triển đất nước?

- Tôi rất quý mến và tôn trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giờ là Chủ tịch Nước. Tôi nhớ ngày 30/5/2017, Thủ tướng Phúc tới Mỹ, chuyến thăm mà trọng tâm sẽ là cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng. Nhưng ở điểm dừng đầu tiên, trong khách sạn Intercontinental Barclay ở New York, các nhà đầu tư Mỹ ở Việt Nam đã chào đón Thủ tướng và đoàn doanh nhân đi cùng ông tại một buổi gặp mặt của các nhà đầu tư nổi tiếng, tại đó các ưu đãi và cơ hội làm ăn nhiều hơn với Mỹ được nêu bật. 

Thủ tướng Phúc hứa rằng đến năm 2035, 30% người dân Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp trung lưu. Ông mời gọi đầu tư bằng những cải cách của Việt Nam, Việt Nam được tăng xếp hạng tín nhiệm và cam kết rằng Việt Nam sẽ tăng cường mua hàng xuất khẩu của Mỹ. Các nhà đầu tư Mỹ đã rất ấn tượng với những cam kết của Thủ tướng.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 5.

Tôi tháp tùng Thủ tướng trên chuyến bay của ông từ New York tới Washington. Trên máy bay, ông quay lại ghế của tôi và hỏi làm sao có thể kết nối tốt nhất với Tổng thống D.Trump. “Hãy là chính Ngài” – tôi nói ngắn gọn. “Ngài hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ trực quan nhưng đừng quá phụ thuộc vào các ghi chép”. Tôi cũng gợi ý rằng các bản đồ có thể có ích.

Sáng hôm sau, Phó Tổng thống Mike Pence và tôi đợi bên ngoài phòng Bầu dục, nơi Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc gặp gỡ trực tiếp, với phiên dịch và khoảng 100 phóng viên báo chí, đài truyền hình. Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Mỹ có “thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam và hy vọng sẽ cân bằng trong một thời gian ngắn. Chúng tôi mong đợi có thể làm điều đó”, Trump nói.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 6.

Thủ tướng Phúc cũng cho Tổng thống Trump xem bản đồ Biển Đông như một lời nhắc nhở rằng hành xử của Trung Quốc ở khu vực này khiến Việt Nam hết sức quan ngại.

Tổng thống và Thủ tướng sau đó sang Phòng Nội các, nơi Phó Tổng thống, một số thành viên nội các và tôi tham gia cùng họ. Tổng thống Trump một lần nữa thúc giục Thủ tướng Phúc giảm thâm hụt thương mại với Mỹ từ 32 tỷ USD xuống 0 trong 4 năm. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự quan tâm tới các giá trị của thương mại tự do và công bằng, nói rằng thương mại “dẫn tới tăng trưởng và việc làm. Hai nền kinh tế của chúng ta bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh”.

Khi Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster gợi ý “một chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ sẽ mang tính lịch sử và là biểu tượng quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia”, Thủ tướng đáp lại thận trọng rằng Việt Nam “đánh giá cao sáng kiến đưa tàu sân bay tới và khi nào chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ đón tiếp. Hiện giờ chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho việc này”.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm Nhà Trắng, phía Việt Nam chỉ đồng ý rằng hai nhà lãnh đạo “xem xét khả năng một chuyến thăm cảng của tàu sân bay Mỹ”. Đến tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng thành phố biển Đà Nẵng. Đây là chuyến ghé cảng đầu tiên của tàu sân bay Mỹ kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Việt Nam đã rất nỗ lực khẳng định vị thế của mình trong khu vực trong những năm qua và cũng rất nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, đổi mới sáng tạo. Theo ông Việt Nam có thể làm gì để phát triển hơn nữa?

Việt Nam đang trải qua những thay đổi nhanh chóng về xã hội và nhân khẩu. Dân số Việt Nam ước tính sẽ tăng lên 120 triệu người vào năm 2050. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỷ tới để bắt nhịp với những thay đổi này, đảm bảo việc làm chất lượng cho dân số trẻ và học vấn tốt hơn. Cũng cần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để tạo ra việc làm hiệu quả trên quy mô lớn trong tương lai.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 7.

Cho đến giờ, các dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ đều dựa vào lao động giá rẻ. Thay vì bị mắc kẹt trong cái bẫy tiếp tục sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam cần có kế hoạch phát triển chuỗi giá trị. 

Một phần quan trọng trong đó là áp dụng và thực hiện chiến lược kinh tế số hiệu quả. Cách mạng Công nghiệp 4.0 là ưu tiên cho chính phủ và Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP năm 2030.

Xét về mục tiêu kép của Đảng Cộng sản Việt Nam là tăng trưởng kinh tế (yêu cầu đầu tư) và quản lý nhà nước hiệu quả (kiểm soát tập trung), những thách thức chính cho Ban lãnh đạo đất nước là làm thế nào để các luật hiện hành như Luật An ninh mạng có thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Cách tiếp cận xây dựng luật của Việt Nam không phải lúc nào cũng nhất quán. Chúng tôi thấy nhiều quy tắc, quy định chồng chéo và các cơ quan khác nhau trong Chính phủ muốn dẫn dắt những vấn đề như an ninh mạng và kiểm soát nội dung…

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 8.

Một số dự thảo luật trong quá trình xây dựng tạo ra sự không chắc chắn với các công ty công nghệ muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Các dự thảo luật này bao gồm các nghị định về an ninh mạng, quy định nội dung, quy định phát thanh, quảng cáo số và thuế...

Từ một nhà ngoại giao, ông chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân. Ông thấy các cơ hội đầu tư và phát triển ở Việt Nam như thế nào?

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng đã thể hiện được khả năng phục hồi đáng kể.

Với GDP tăng 2,9% vào năm 2020, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng, nhưng cuộc khủng hoảng cũng để lại ảnh hưởng lâu dài đến các hộ gia đình, với 45% hộ gia đình báo cáo thu nhập tháng 1/2021 thấp hơn so với tháng 1/2020.

Trong số những ảnh hưởng của Covid-19 ở Việt Nam, có 30,8 triệu người thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,6% vào năm 2021 nhờ việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của khu vực sản xuất hướng đến xuất khẩu và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước.

Bằng cách kiểm soát Covid-19 quá tốt, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nhận được một làn sóng ủng hộ. Các cửa sổ kinh doanh đang mở ra. Như đã đề cập ở trên, cuộc cách mạng số đang được thúc đẩy và Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nó.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 9.

Khi còn là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius không chỉ ghi dấu ấn trong thúc đẩy các quan hệ chính trị hay kinh tế giữa hai nước, mà ông còn là người thúc đẩy các giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Ông cùng gia đình đi thăm Văn Miếu hay viết thư pháp, thả cá chép ở Hồ Tây. Ông đi nhặt rác ở Công viên Thống nhất hưởng ứng ngày Trái Đất hay đến thăm các trẻ em bị nhiễm chất da cam/dioxin. Việt Nam cũng là nơi ông làm đám cưới với bạn trai Clayton Alan Bond. Ông yêu quý Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh...

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 10.

Những giá trị văn hóa Việt Nam nào mà ông ngưỡng mộ?

Năm 1996, những giáo viên tiếng Việt đầu tiên của tôi, cô Hiền, thầy Độ, và thầy Duy (từ miền Nam, miền Bắc và miền Trung Việt Nam) dạy một nhóm nhỏ học sinh chúng tôi về ý nghĩa của Tết và đặc biệt là ẩm thực Tết. Người Việt ở hải ngoại dù sống nơi nào cũng đón Tết, ngay cả khi họ không thể viếng mộ tổ tiên.

Khi trở thành đại sứ của Mỹ, tôi đã hỏi các nhân viên người Việt về những phong tục Tết nào quan trọng để tôi quan sát. Được sự khuyến khích của các nhân viên trong Đại sứ quán, gia đình tôi đã tôn vinh ngày Ông Công ông Táo hồi Tết tháng 2/2015.

Với bối cảnh là chùa Trấn Quốc, tôi đã cố gắng kể lại câu chuyện của Trọng Cao và vợ là Thị Nhi, cũng như người chồng thứ hai của bà là Phạm Lang. Tôi giải thích rằng Ngọc Hoàng trên trời cảm động bởi câu chuyện của họ nên đã quyết định gắn kết bộ ba mãi mãi. Ngọc Hoàng biến họ thành 3 ông đầu rau xung quanh bếp lửa, và họ trở thành Thần Bếp.

Sau khi kể câu chuyện trên bằng tiếng Việt với báo chí, tôi thả một xô cá chép xuống Hồ Tây trong lúc ống kính quay lia lịa. Clayton ôm con trai chúng tôi - khi ấy cháu mới biết đi - trước ngực. Gia đình phi truyền thống của chúng tôi là một hình ảnh khác thường với gia đình truyền thống của người Việt. Hình ảnh và câu chuyện đó đã lan truyền trên truyền hình và truyền thông xã hội. 

Các phóng viên và người dân Việt Nam nói chung thích nước Mỹ. Và điều đó khiến chúng tôi, đại diện của nước Mỹ, cảm thấy được chào đón ở Việt Nam

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 11.

Ông đã từng đạp xe xuyên Việt. Khi là Đại sứ Mỹ, ông cũng đã đến thăm nhiều tỉnh thành. Ông nhìn nhận Việt Nam như thế nào và những thay đổi của Việt Nam ra sao theo thời gian?

Đầu năm 2016 Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm kiếm một slogan mới. Chúng tôi muốn nói rằng quan hệ Mỹ và Việt Nam đã đạt đến bước ngoặt và có thể tập trung vào tương lai trong khi vẫn tôn trọng quá khứ.

400 người Việt theo dõi Facebook của Đại sứ quán đã đóng góp ý tưởng, và các nhân viên người Việt của chúng tôi chọn khẩu hiệu “U.S.A – Việt Nam: New Journey” – “Mỹ - Việt Nam: Hành trình Mới”. Một nghệ sỹ Việt Nam đã thiết kế logo thể hiện một người đạp xe, với phông nền là cờ Việt Nam và cờ Mỹ.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 12.

Chúng tôi dự kiến tổ chức một chuyến đạp xe từ Hà Nội đến Huế, nhấn mạnh những chủ đề chính trong quan hệ: Giáo dục thế hệ trẻ, giải quyết những thách thức về y tế và môi trường, tôn vinh tinh thần doanh nghiệp và đổi mới, đồng thời tôn trọng lịch sử Việt Nam trong khi vẫn trung thực về quá khứ khó khăn của chúng ta.

Khi ngày trọng đại đến thì trời có mưa và là ngày lạnh nhất ở Hà Nội suốt 40 năm qua! Trận mưa đá đầu tiên từng được ghi nhận ở Nghệ An đã khiến chúng tôi ướt đẫm khi đạp xe đến đó.

Tại Nghệ An, chúng tôi tới thăm ngôi nhà thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một ngôi nhà đơn sơ nền đất, một biểu tượng về gốc gác thanh bạch của Người. Rồi chúng tôi thăm trại trẻ mồ côi Hà Tĩnh, nơi khoảng 60 trẻ em bị dị tật bẩm sinh, có thể là do hậu quả của chất độc da cam...

Nhìn những đứa trẻ chỉ nằm trên giường, chân tay méo mó, tôi cảm thấy buồn và xấu hổ. Hậu quả chiến tranh hiện rõ trên thân hình bé nhỏ của bọn trẻ. 

Chúng tôi tặng 100 mũ bảo hiểm cho trại trẻ, một phần trong nỗ lực của chúng tôi thúc đẩy an toàn và hạnh phúc cho trẻ em, cũng như tặng những chiếc máy sưởi điện đã giữ ấm cho chúng tôi đêm trước. Một cậu bé 8 tuổi tên Phú đã nắm tay tôi trong suốt chuyến thăm trại trẻ, qua những bài diễn văn dài và trò chơi ném đĩa.

Tôi cũng không thể không nhớ việc đạp xe với bạn bè từ Hà Nội đến TP.HCM 19 năm trước. Chúng tôi không có xe bus hậu cần, ở trong những nhà khách đơn giản, và không vị chức sắc nào đón chúng tôi khi đến nơi. Cuộc đạp xe đó diễn ra vào tháng Ba, khi thời tiết ấm áp.

Nhưng vẫn có những điều giống nhau: Bọn trẻ con nhảy nhót và hét lên "Xin chào", những đồng lúa xanh mướt và những chú trâu chậm chạp lướt qua, chúng tôi đã ăn món phở ngon lành và nhận được những lời chào thân thiện ở mỗi điểm dừng.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 13.

Rời Việt Nam một thời gian dài nhưng ông vẫn thường xuyên đăng những status về Việt Nam trên FB cá nhân. Điều gì khiến ông yêu mến Việt Nam đến thế? Việt Nam có ý nghĩa gì với ông?

- Một lần tôi ăn trưa với Đại sứ Hàn Quốc, người đã sống ở Việt Nam 21 năm, tôi hỏi bí quyết thành công của ông ấy. “Nếu ông yêu mến Việt Nam và người dân Việt Nam, thì hãy để nó thể hiện” – ông ấy nói. Tôi hy vọng rằng bằng việc đạp xe và gặp gỡ người dân cả nước, tôi có thể thể hiện tôi yêu đất nước này đến thế nào và nước Mỹ đã mở lòng cho một tình bạn sâu sắc hơn.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 14.

Xin ông tiết lộ đôi chút về cuốn sách sắp tới?

Cuốn sách có tựa đề “Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam” sẽ được Nhà xuất bản Rutgers University xuất bản bằng tiếng Anh tháng 10/2021, với lời nói đầu của cựu Ngoại trưởng John Kerry. Nó sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2022. Nếu bạn muốn có thêm thông tin về cuốn sách, kể cả những đề nghị đặc biệt và cái nhìn hậu trường, xin ghé thăm www.tedosius.com và đăng ký email.

Liệu ông có thể chia sẻ một chút về gia đình và 2 con ông sau khi rời Việt Nam? Bọn trẻ lớn lên như thế nào?

- Hai con chúng tôi một bạn 6 tuổi, một bạn 7 tuổi và đang sống ở Singapore. Nhưng chúng tôi muốn các con biết về gia đình ở Mỹ. Sau 6 năm rưỡi sống ở Việt Nam và Singapore, chúng tôi sẽ trở về Mỹ mùa hè này.

Nếu Covid-19 được kiểm soát, ông sẽ trở lại Việt Nam chứ?

- Tất nhiên rồi, ngay khi nào tôi có thể, và chắc chắn sau khi cuốn sách của tôi được xuất bản.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 15.

Ted Osius có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao. Ông là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014 - 2017, tùy viên chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM từ 1996 - 1998.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 16.

Khi đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ 900 nhân sự, Đại sứ Osius đã xây dựng và thực hiện những chiến lược làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh Việt - Mỹ, ký các thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỷ USD, mở rộng trao đổi văn hóa, xử lý các vấn đề quá khứ giữa hai nước.

Ông là Đại sứ Mỹ đồng tính đầu tiên của Mỹ ở Đông Á, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đồng tính thứ hai của Mỹ đạt tới phẩm hàm này.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, ông là cố vấn cấp cao tập đoàn Albright Stonebridge.

Từ tháng 2/2019 tới nay, ông trở thành Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Google, đóng tại Singapore.

Ông có bằng cử nhân Đại học Harvard, bằng thạc sỹ Trường Nghiên cứu Quốc tế Đại học John Hopkins, tiến sỹ danh dự Đại học Công nghệ và Giáo dục TP.HCM.

Ông là Đại sứ Mỹ đầu tiên được tặng Huy chương Hữu nghị của Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.

Ông kết hôn với bạn đời Clayton Alan Bond. Gia đình ông có một con gái và một con trai.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 17.

Cuối năm 2014, Ted Osius sang Việt Nam nhận nhiệm sở nhưng thực ra là sự trở lại, trở về, vì từ những ngày đầu thiết lập quan hệ ông đã có mặt ở Hà Nội. 

Sự trở lại này, ngay trong thông điệp đầu tiên đến Việt Nam, ông đã nhắc lại với cam kết đóng góp hết mình cho quan hệ Mỹ - Việt, gắn bó bình đẳng với Việt Nam, ông lại rất thạo tiếng Việt, văn hóa Việt, cách tiếp xúc với người Việt.

Có sự may mắn vì tôi và Ted nhận nhiệm kỳ đại sứ gần như trùng nhau. Tôi đến Washington D.C tháng 11/2014, Ted tới Hà Nội tháng 12/2014, nên tôi đã dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Ted ở D.C. Tại đó, 2 chúng tôi đã chia sẻ tầm nhìn và mong muốn với tư cách đại sứ sẽ đóng góp cho quan hệ hai nước vốn đã có đà rất lớn.

Thực tế chúng tôi đã thường xuyên liên hệ, từ 2 thủ đô chúng tôi phối hợp, chia sẻ rất nhiều công việc hiệu quả. Mỗi lần Ted về D.C chúng tôi đều gặp gỡ trao đổi với nhau.

Trong đó, tôi rất nhớ cuộc trao đổi với công chúng đầu tiên của 2 đại sứ ở 2 đầu Hà Nội và D.C. Cuộc trao đổi diễn ra tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở D.C vào tháng 3/2015. 

Tại cuộc trao đổi, Ted nhường tôi phát biểu trước, Khi trình bày  tôi đã nói về đà quan hệ Việt – Mỹ, về sự phát triển vượt bậc cả về chính trị, ngoại giao, thương mại và nhiều lĩnh vực khác, và nhân kỷ niệm 20 thiết lập quan hệ thì chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển đó.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Hòa giải Việt Mỹ - Không gì là không thể - Ảnh 18.

Đến lượt Ted, có một câu tôi rất nhớ. Ông nói đại ý: “Hôm nay tôi phát biểu ở đây, nếu trong khán giả có bạn nào muốn thấy tôi và ngài Phạm Quang Vinh có những khác biệt thì các bạn đã thất bại. Tôi hoàn toàn chia sẻ ý tưởng và phát biểu của ông về đà và sự phát triển vượt bậc của quan hệ hai nước”. Với tôi điều đó rất đáng suy nghĩ.

Khi Ted quay lại Việt Nam trên cương vị Đại sứ, ông vừa gắn bó với Việt Nam theo chiều dài của lịch sử quan hệ hai nước, vừa gắn bó với đất nước, văn hóa, con người của Việt Nam. Nên ông có một câu tâm đắc, nhất là khi ông nói chuyện với sinh viên: 

“Không có gì là không  thể”, để nhìn nhận sự định hướng phát triển quan hệ hai nước. Có thể hiểu “không gì là không thể”, nghĩa là 2 nước vượt qua nỗi đau chiến tranh để hiểu biết nhau, có cơ sở là các nguyên tắc bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, lãnh đạo 2 nước quan tâm thúc đẩy quan hệ. 

Từ cựu thù chúng ta trở thành thành đối tác, có khung hợp tác, chia sẻ sự song trùng về hợp tác song phương và khu vực, có nỗ lực của nhân dân 2 nước cùng hợp tác về các vấn đề của hiện tại, tồn đọng của quá khứ như da cam/dioxin, bom mìn… Chính với sự tin cậy đó, chúng tôi tin rằng hai nước có sự khác biệt nhưng không gì là không thể vượt qua.

Tôi cho rằng Ted là người rất yêu công việc của ông, yêu mến quan hệ Việt – Mỹ, yêu đất nước mà ông đến làm đại diện.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem