Đà Nẵng: Nuôi thỏ trên đám đất cằn, một anh kỹ sư cơ khí bỏ nghề thành triệu phú nông dân

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 06/08/2020 18:50 PM (GMT+7)
Không hài lòng với mức lương 8 triệu đồng/tháng, anh Dương Văn Chính (40 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã bỏ công việc chuyên ngành kỹ sư cơ khí để về vùng đất cằn cỗi Hoà Ninh (huyện Hoà Vang) mở trang trại nuôi thỏ, từ đó làm giàu.
Bình luận 0

Bỏ phố về quê

Sinh ra nơi miền quê nghèo của huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), anh Dương Văn Chính luôn cố gắng học tập tốt tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, với mong muốn có cơ hội kiếm được công việc tốt, thu nhập cao. 

Năm 2004, anh tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí chế tạo và sớm có công việc ổn định. Nhưng không hài lòng với mức thu nhập còn hạn hẹp, anh quyết định bỏ phố tìm về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ.

Bỏ làm kỹ sư, về vùng đất cằn nuôi thỏ - Ảnh 1.

Anh Dương Văn Chính kiểm tra lồng nuôi thỏ. Ảnh: T.H

Hiện 8 trại thành viên mua thỏ giống tại trang trại của anh Chính vẫn thường xuyên được anh tư vấn kỹ thuật. Nếu thỏ tại các trại thành viên đạt yêu cầu làm giống, thì anh thu mua về trại chính tiếp tục chăm sóc. Ngược lại, thỏ không đạt sẽ được anh bao tiêu làm thỏ thịt thương phẩm, với giá 80.000 đồng/kg.

Anh Chính chia sẻ, năm 2009, anh lặn lội đường xa ra Viện Chăn nuôi (Hà Nội) để mua 100 con thỏ giống và đầu tư xây dựng chuồng trại tại thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng với số vốn 200 triệu đồng. 

Là mô hình nuôi thỏ đầu tiên tại khu vực, anh đơn độc xoay xở với trại thỏ và luôn tích cực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi an toàn. Thời gian đầu, 40/100 con thỏ giống bị chết vì không thích nghi được với thời tiết nắng nóng của miền Trung, cộng thêm nguồn thức ăn chưa phù hợp khiến thỏ lớn chậm, còi cọc.

Trò chuyện với phóng viên, anh Dương Văn Chính bộc bạch: "Hai năm đầu khởi nghiệp, tôi lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng lại đúc rút được những bài học kinh nghiệm nuôi thỏ "vô giá". Hồi đó, ở vùng này chưa ai dám nuôi thỏ, tôi phải tự mày mò nghiên cứu qua sách báo, internet chứ không có ai chỉ dẫn. Gia đình thì không ủng hộ, nuôi thỏ lại không mấy khả quan vì thỏ dễ chết do nắng nóng, bị trùng huyết, thức ăn không đạt yêu cầu. Tôi khi ấy luôn có cảm giác như mình đang ngồi trên đống lửa…".

Quyết không nản lòng, anh Chính lại tiếp tục lặn lội vào Quy Nhơn để tìm mua một số giống thỏ ngoại New Zealand, California, Pháp về nghiên cứu, lai tạo. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, đàn thỏ của anh dần dần được nhân giống thành công, thỏ khỏe, mắn đẻ và thích nghi tốt với điều kiện thời tiết thất thường.

Bỏ làm kỹ sư, về vùng đất cằn nuôi thỏ - Ảnh 3.

Thỏ được lai giống ngoại nhằm tạo ra thế hệ thỏ con khỏe. Ảnh: T.H

Theo anh Chính, thỏ là loài động vật không thể nuôi chơi mà làm giàu được. Thỏ dễ tính trong việc lựa chọn thức ăn nhưng lại dễ mắc bệnh, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường nên người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật, theo dõi đàn thỏ hàng ngày.

Với chất lượng và uy tín được khẳng định nhiều năm, trại nuôi thỏ của anh Dương Văn Chính đã trở thành địa chỉ cung cấp thỏ giống, tư vấn kỹ thuật nuôi và nhận bao tiêu thỏ thương phẩm uy tín cho 8 trại thành viên ở Đà Nẵng và Quảng Nam. 

Ngoài ra, thỏ giống, thỏ thịt của trang trại Quốc Cường do anh làm chủ còn được tiêu thụ mạnh khắp cả nước, có mặt trên nhiều tỉnh thành khác: Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh…

Lãi ròng 360 triệu đồng/năm

Hiện tại, anh Chính nuôi tổng cộng 3.000 con thỏ, trong đó có 500 thỏ giống với chất lượng được đánh giá tốt nhất khu vực. Thỏ cái trưởng thành sau 4 tháng rưỡi sẽ được phối giống, đẻ 6 - 7 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 6 - 8 con. 

Thỏ con nuôi được 3 tháng, đạt trọng lượng 2 - 3kg sẽ được bán thịt với giá 80.000 đồng/kg, nếu thỏ đạt chuẩn làm giống thì bán 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số thương lái còn mua thỏ con tại trang trại để bán làm thú nuôi với giá 150.000 đồng/con.

Anh Chính chia sẻ: "Thỏ rất nhạy cảm với nguồn thức ăn nên phải cẩn trọng trong khâu lựa chọn. Có thể nuôi bằng thức ăn xanh như: Cỏ voi, cỏ sữa, rau lang, rau muống hoặc tận dụng cơm nguội dư thừa. Tuy nhiên, để thỏ nhanh đạt trọng lượng xuất chuồng (rút ngắn thời gian phát triển 1,5 tháng), đảm bảo thỏ khỏe mạnh thì nên sử dụng chủ yếu cám viên tổng hợp. Bên cạnh đó, nguồn nước nuôi thỏ phải sạch, không chứa mầm bệnh, chuồng trại thông thoáng, khô ráo".

Là một kỹ sư cơ khí, anh Chính rẽ hướng sang mô hình nuôi thỏ và cũng được xem là một bác sĩ thú y tài tình. Lúc mới nuôi, anh thường gặp ở thỏ những bệnh về hô hấp, tiêu chảy, tụ huyết trùng. Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị, đến nay anh đã thuộc nằm lòng các bệnh thường gặp trên thỏ. Thêm vào đó, anh còn nắm rõ cách chăm thỏ phát triển tốt theo mùa, đặc tính sinh sản và cách lai tạo con giống chất lượng.

"Để thỏ sinh trưởng khỏe mạnh thì tuyệt đối không lai giống trùng huyết. Những thỏ to con, không quá mập, hoặc mắn đẻ, sữa nhiều và chăm con tốt sẽ được giữ lại làm thỏ bố mẹ. Sau một tháng, thỏ con được tách mẹ, cai sữa và ăn giặm theo thức ăn của mẹ. Nếu quan sát thấy phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn và dựa vào đặc tính thỏ bố mẹ thì người nuôi có thể đánh dấu thỏ con để nuôi làm " - anh Chính cho hay.

Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm bám trụ, đến nay anh kỹ sư cơ khí ngày nào đã có đời sống khá giả với mức lãi ròng hơn 360 triệu đồng/năm. Năm 2019, anh thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thuận An, với mục tiêu mở rộng quy mô chuồng trại và chia sẻ kỹ thuật nuôi thỏ hiệu quả cho những ai có ý định khởi nghiệp với nghề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem