Hai kẻ chém lìa chân người đàn ông ở Hà Nôi đối mặt khung hình phạt nào?
Khung hình phạt với hai kẻ chém lìa chân người đàn ông ở Hà Nội
Quang Trung
Thứ ba, ngày 30/08/2022 18:00 PM (GMT+7)
Do có mâu thuẫn với người đàn ông 50 tuổi, Vũ Tá Đăng rủ Nguyễn Huy Hoàng tìm chém đứt lìa cẳng chân phải của nạn nhân. Với hành vi này, hai nghi phạm có thể đối mặt với khung hình phạt nào?
Bắt nghi phạm trong nhóm chém lìa chân người đàn ông
Ngày 30/8, Công an TP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Hoàng (21 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Vũ Tá Đăng (28 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.
Hoàng và Đăng chính là hai bị can liên quan đến vụ chém lìa cẳng chân người đàn ông đi bộ trên vỉa hè ở huyện Thường Tín. Do Vũ Tá Đăng đã bỏ trốn nên cơ quan công an đang tiếp tục truy bắt.
Theo điều tra, khoảng 13h ngày 13/7, Vũ Tá Đăng gọi điện cho Nguyễn Huy Hoàng rủ đi "giải quyết" mâu thuẫn với ông N.V.H. (50 tuổi, trú tại Thường Tín). Nhận lời, chiều 14/7, Hoàng mượn một chiếc xe máy chở Đăng đi gây án.
Trước khi đi, Đăng đưa cho Hoàng một biển kiểm soát để lắp vào xe nhằm tránh bị phát hiện. Còn Đăng mang theo một con dao. Tuy nhiên, khi phục kích trước nhà ông H. nhưng không thấy ông này nên cả hai quay về.
Đến khoảng 16h ngày 15/7, Đăng gọi điện cho Hoàng, sau đó Hoàng về phòng trọ lấy dao đi tìm đối phương.
Khi đến tỉnh lộ 427 (Thường Tín), phát hiện ông H. đang đi bộ trên vỉa hè, Đăng xuống xe, áp sát từ phía sau, dùng dao chém đứt lìa cẳng chân nạn nhân rồi lên xe tẩu thoát.
Khung hình phạt của tội cố ý gây thương tích
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh mà Nguyễn Huy Hoàng và Vũ Tá Đăng bị khởi tố được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Theo luật sư Lan, tội cố ý gây thương tích xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người. Quyền này được hiến pháp và pháp luật bảo vệ, đòi hỏi các cá nhân và các chủ thể khác trong xã hội phải tôn trọng.
Người phạm tội thực hiện các hành vi hành vi dùng vũ lực (có hoặc không sử dụng vũ khí) hoặc thủ đoạn khác tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe.
Vị luật sư cho biết, tội này được cấu thành dựa vào mức độ thương tổn sức khỏe của nạn nhân đạt đủ tỷ lệ do luật định, chứ không dựa vào việc tội phạm có sử dụng công cụ, phương tiện gây thương tích hay không.
Hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác phải là thương tích cả về mặt vật chất, tinh thần hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân.
Thương tích đòi hỏi phải thực tế, khách quan, có thể nhìn thấy và giám định được. Dấu hiệu hậu quả của tội cổ ý gây thương tích theo quy định tại điều luật này gồm một trong hai loại hậu quả.
Thứ nhất, tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân phải từ 11% trở lên mà không có các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k Khoản 1 Điều 134. Thứ 2, nếu dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp cụ thể được quy định cũng được coi là tội phạm.
Đặc biệt, hành vi của người phạm tội này được thực hiện do lỗi cố ý. Tức là họ nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ cho người khác nhưng vẫn mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Về hình phạt, vị luật sư thông tin, tội cố ý gây thương tích có 6 khung hình phạt. Trong đó, khung cơ bản (khoản 1) là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khoản 2 là phạt tù từ 2 năm đến 6 năm, khoản 3 là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, khoản 4 là phạt tù từ 7 năm đến 14 năm, khoản 5 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đối với người chuẩn bị phạm tội này, khung hình phạt sẽ là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài việc bị truy cứu hình sự, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Mức bồi thường theo thỏa thuận giữa các bên và dựa trên quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội cố ý gây thương tích, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.