Lê An My: Hành trình đi tìm vẻ đẹp qua những bức ảnh

Nhiếp ảnh gia Lê An My là người có khả năng đánh giá và khắc họa sự phức tạp của chủ thể thông qua ống kính máy ảnh. Đó là phong cách cô theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình.

Lê An My: Cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp qua những bức ảnh - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt - Lê An My (Ảnh: Wikipedia)

Khi đến Mỹ cùng gia đình, cô bắt đầu kết duyên với nhiếp ảnh khi đang theo học thạc sĩ sinh học tại Stanford. Theo lời giới thiệu của một giáo sư, cô đã nhận làm thêm công việc chụp ảnh ở các studio vào giữa những năm 1980. Sau khi nhận bằng MFA từ Đại học Yale vào năm 1993, My đã quay lại Việt Nam và bắt đầu thực hiện loạt ảnh ghi dấu tên tuổi của cô cho tới ngày nay.

Một trong những điều khiến An My tò mò chính là cách lịch sử tác động lên thái độ và suy nghĩ của con người. Nhiếp ảnh gia họ Lê đã chụp rất nhiều bức liên quan tới chiến tranh như: Những người đàn ông trong cuộc giao tranh ở khu rừng phía Bắc Carolina và Virginia (1999–2002) hay quân đội Mỹ thực hiện các bài tập huấn luyện ở phía Nam California (2003–2004). Qua mỗi bức ảnh, người phụ nữ này đều truyền tải được một thông điệp sâu sắc. Đó dường như cũng là sứ mệnh của vị nhiếp ảnh gia này, lan tỏa những trải nghiệm đặc biệt của bản thân tới nhiều người hơn.

Lê An My: Cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp qua những bức ảnh - Ảnh 2.

Bức ảnh "Giải cứu" (1999–2002), trong loạt ảnh "Cuộc chiến nhỏ" (Ảnh: Lê An My)

Chị đã nói về tầm quan trọng của khoảng cách đối với một bức ảnh. Robert Capa, chủ nhân bức ảnh "Người lính gục ngã" [1936] - được đánh giá là bức ảnh chiến tranh nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã nói: "Nếu ảnh của bạn không đủ đẹp nghĩa là bạn đứng không đủ gần". Chị có đồng ý với ý kiến này không?

Tôi nghĩ rằng nghệ sĩ Capa không có ý rập khuôn một giải pháp cho tất cả các trường hợp. Nhiều khả năng, anh ấy đang thách thức những người cầm máy ảnh hãy đến gần hơn đối tượng của họ, theo nghĩa bóng. Tôi không đồng ý và cũng không phản đối ý kiến này. Tôi chỉ nghĩ rằng tiêu chuẩn nằm ở hai chữ hợp lý. Không phải là bạn ở gần hay xa mà là bạn có đang ở đúng nơi hay không. Việc xác định đúng vị trí trong mỗi trường hợp tùy thuộc vào điều mà bạn quan tâm. Tôi thường tự hỏi mình: "Tôi có thể lùi lại bao xa để đối tượng không cảm thấy mất đi sự tự nhiên?"

Chị đang nói về tỷ lệ trong bức ảnh, vậy kích thước của toàn bộ bức ảnh thì sao? Các nghệ sĩ như Thomas Struth thường in ảnh với cỡ rất lớn.

Tôi muốn cho người xem "bước vào" bức ảnh và có trải nghiệm đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần, vì vậy, bản in phải đủ lớn. Đối với tôi, rộng từ 50 đến 60 inch là khá khiêm tốn. Trong dự án mới nhất, tôi đã sắp xếp nhiều hình ảnh với nhau để kể một câu chuyện, tuy nhiên nó dẫn đến một giới hạn nhất định về kích thước. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều để xác định kích thước thực tế mình mong muốn.

Lê An My: Cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp qua những bức ảnh - Ảnh 3.

Bức ảnh: Bầu trời đêm III (2003–2004) (Ảnh: Lê An My)

Hãy nói về sự khởi đầu sự nghiệp của chị. Các nhà phê bình đã thảo luận về cuốn tự truyện đưa chị trở lại Việt Nam sau hai mươi năm xa xứ. Yếu tố nào đã khiến chị tìm về quê hương?

Đối với các nhà văn, việc tìm kiếm một thể loại phù hợp là cả một quá trình. Công việc của họ là  sắp xếp các câu chuyện nhỏ thành một câu chuyện lớn với một ý nghĩa nhất định. Nghề nhiếp ảnh cũng vậy, khi những bức ảnh được sắp đặt vào đúng vị trí, chúng cũng sẽ kể câu chuyện của mình.

Có lẽ bạn cũng muốn hỏi về loại bối cảnh mà tôi tìm kiếm. Chuyến trở lại Việt Nam mang lại cho tôi cảm xúc mãnh liệt, việc kết nối với môi trường xung quanh khiến tôi trở nên thư thái và có được con mắt nhìn mới mẻ. Tôi muốn thể hiện Việt Nam theo cách mà tôi chưa từng thấy trước đây — không bị tàn phá, không bị nạn nhân hóa cũng không bị lãng mạn hóa. Tôi cảm thấy mình có thể làm điều đó tốt nhất thông qua việc tận mắt chứng kiến và hòa vào khung cảnh thật.

Chị đã sử dụng cụm từ "vẻ đẹp phức tạp" khi nhắc đến những bức ảnh. Chị có thể giải thích về điều đó không?

Tôi luôn sợ hãi với ý nghĩ rằng những bức ảnh của tôi sẽ chỉ đẹp theo một cách thông thường. Theo thời gian, tôi đã trở nên tự tin vào khả năng nắm bắt các vẻ đẹp khác nhau của mình. Nhiều khi bạn bị vẻ đẹp kéo lại gần nhưng rồi cũng bị đẩy xa vì chính vẻ đẹp đó, điều đó thật phức tạp. Tôi tìm thấy cảm hứng trong bài viết của nhà lý thuyết phong cảnh John Brinckerhoff Jackson: "Vẻ đẹp mà chúng ta nhìn thấy trong phong cảnh là cái đẹp chung của nhân loại . Tôi tin rằng một cảnh quan được gọi là đẹp sẽ mang đến nhiều cảm xúc trạng thái phức tạp khác nhau."

Lê An My: Cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp qua những bức ảnh - Ảnh 4.

Trận chiến Corinth, Bush, Louisiana (2015), từ dự án "Vị tướng im lặng" (Ảnh: Lê An My)

Trong mỗi dự án, chị chú trọng vào những chi tiết nào?

Thông thường, tôi sẽ cảm thấy yên tâm khi biết rằng đối tượng của mình nằm trong một ranh giới nhất định, chẳng hạn như mảnh đất một trăm mẫu ở Bắc Carolina hoặc căn cứ của Thủy quân lục chiến ở Twentynine Palms, California. Tôi quan tâm đến nhiếp ảnh vì nó cho phép bất kỳ ai cũng có thể nhìn ngắm thứ họ không thể tiếp cận được. Trước khi tôi bắt đầu sự nghiệp một cách nghiêm túc, tôi đã chụp ảnh cho những người chuyển giới, chủ yếu là ở Mỹ, theo lời giới thiệu của một người bạn thời đại học. Những bức ảnh đó đã mở ra thế giới của tôi ngày nay. Tôi nhận ra vai trò quan trọng của máy ảnh. Nhiếp ảnh gia và máy ảnh là một cặp đôi cộng sinh, không có máy ảnh, người nghệ sĩ không thể ghi lại được thứ mình muốn và máy ảnh cũng cần nhờ tới con người để có được những trải nghiệm. Còn về việc tìm kiếm các tiểu cảnh, nó chẳng khó khăn gì vì điều quan trọng là bạn xác định được bạn đang quan tâm tới cái gì.

Vậy còn những bức ảnh gần đây?

Tháng 8 năm 2019, tôi đến Texas vì mối quan tâm âm ỉ từ lâu đối với bức tường biên giới và vấn đề di dân. Tôi đã thực hiện một vài bức tranh phong cảnh và chân dung của các nữ đặc vụ tuần tra Biên giới. Tôi luôn nghĩ về khoảng thời gian trước khi bức tường được xây lên, Texas từng là một phần của Mexico, và nó sẽ trông như thế nào. Bạn thấy đấy, những thứ tôi tìm kiếm đều xuất phát từ ý thức của bản thân, nó đến một cách tự nhiên. Tôi nghĩ đó là một đặc điểm trời phú của bất kỳ người nghệ sĩ nào.

Một lời nhận xét cuối cùng, tôi thấy vô cùng thú vị khi chị chọn miêu tả các nữ đặc vụ làm công việc tuần tra biên giới. Nó đặc biệt ở chỗ công việc đó thường được mặc định thuộc về đàn ông. Tôi đã xem bức ảnh của chị và thấy rất ấn tượng. 

Thực tế là vậy, tôi hi vọng mình vẫn có thể làm tốt trong nhiều dự án về sau.

Người dịch: Hà Trang; Nguồn: Artnews


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem