img
 

img ơn 1 tháng sau biến động về nhân sự cấp cao cũng như quyết định rút vốn của cổ đông lớn Him Lam, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về những ý tưởng tái cơ cấu ngân hàng, trồng mắc ca, cây sachi đến chơi golf.

img

"Chúng tôi đang rất cần thì Him Lam rút vốn"

Ông có gì mới thay đổi LienVietPostBank trong thời gian tới?

Khi nhận chức Chủ tịch HĐQT, tôi nghĩ ngay đến ý tưởng chiến lược mới cho LienVietPostBank với phương châm là: “Mới – Lớn – Minh bạch – An toàn” nhằm nâng ngân hàng lên một tầm cao mới xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, quản trị nguồn nhân lực, hiện đại hóa và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế.

Trong suốt thời gian qua, chúng tôi tập trung nguồn lực để mở rộng mạng lưới và hiện đã phủ sóng 100% tỉnh thành trên cả nước và hình thành mạng lưới cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên toàn quốc, kết hợp với quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua mạng lưới bưu điện. Bây giờ là tính đến việc tiếp tục khai thác các điểm giao dịch đó như thế nào cho hiệu quả.

Một điểm mới nữa, trước đây kế hoạch lên sàn chứng khoán rất xa vời, nhưng ngay khi ngồi vào ghế Chủ tịch, tôi nghĩ Ngân hàng phải lên sàn ngay. Lên sàn chính là để minh bạch, nhiều người giám sát mình hơn, mình sẽ tốt hơn!

Với mạng lưới hiện nay, rất nhiều tổ chức tài chính nước ngoài quan tâm tới LienVietPostBank, bởi đây là phương tiện để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu – Ngân hàng của mọi người.

Để “Lớn”, việc cần phải làm đó là tăng tổng tài sản. Hiện chúng tôi đang đứng vị trí thứ 12 trong số 35 ngân hàng, muốn tăng lên vị trí thứ 10 hoặc 9 là rất khó. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang phân bổ tăng trưởng tín dụng theo cách dàn đều.

Trong thời gian cơ quan quản lý chưa thay đổi cách quản lý này, nếu muốn tăng tổng tài sản chỉ có một cách đó là tìm kiếm đối tác để mua bán sáp nhập. Chúng tôi đang tính phương án này.

Trong tương lai gần ngân hàng sẽ mua thêm công ty tài chính tiêu dùng và thành lập công ty tài chính vi mô để làm phong phú hoạt động ngân hàng và tăng lợi nhuận tốt hơn, lấy ngắn nuôi dài để tăng tổng tài sản. Và lâu dài sẽ phát huy thương vụ M&A mà LienVietPostBank đã từng thành công khi mua Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.

Một điểm mới nữa, đó là tìm cổ đông thật lớn và không hạn chế cổ đông nhỏ. Cổ đông nhỏ đầu tiên chúng tôi ưu tiên đó là cán bộ nhân viên của LienVietPostBank. Từ lái xe, phục vụ trở lên cũng phải có cổ phiếu trong tay. Tôi mong muốn ngân hàng là nồi cơm chung của mọi người, chỉ khi có cơm họ mới có trách nhiệm với nồi cơm đấy. Ngoài lương, họ còn có nguồn thu nhập khác từ cổ phần, có như vậy họ sẽ chăm lo cho thương hiệu của mình để tăng thu nhập.

img
img

Quyết định thoái vốn của cổ đông lớn Him Lam có tác động thế nào tới ngân hàng? Ông có thể nói rõ hơn kế hoạch tìm kiếm cổ đông lớn thay thế Him Lam trong thời gian tới?

Công ty cổ phần Him Lam là một trong những cổ đông sáng lập ra Ngân hàng. Trong quá trình hoạt động của LienVietPostBank, Him Lam đã hỗ trợ rất nhiều, thậm chí là hy sinh cả quyền lợi để cho “đứa con” này. Trong lúc chúng tôi đang rất cần thì Him Lam rút vốn, đương nhiên là có những khó khăn nhất định.

Chúng tôi đang có cổ đông lớn hiện nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nhưng đây là doanh nghiệp Nhà nước nên không thể giúp đỡ được như cổ đông là công ty tư nhân được vì quan điểm của riêng tôi “chỉ nên làm lợi cho Nhà nước, không nên khai thác nguồn lợi từ Nhà nước”. Vậy nên, tôi đã có kế hoạch tìm cổ đông nước ngoài.

img

Đây có phải là lý do LienVietPostBank đã quyết định khóa 25% room cổ đông ngoại khi quyết định niêm yết lên sàn giao dịch UpCom?

Theo quy định của Luật chứng khoán và Luật các tổ chức tín dụng, hiện room cho nhà đầu tư nước ngoài là 30% nhưng chúng tôi “khóa” lại 25%, chỉ để lại 5%. Lý do nếu mở rộng cửa thì nhà đầu tư nước ngoài chọn chúng ta, còn khép cửa lại thì chúng ta chọn nhà đầu tư nước ngoài. 

Chúng tôi cần cổ đông lớn, một cổ đông chiến lược chứ không phải nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hơn nữa, nếu nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài vào thì cũng không khác gì nhà đầu tư nhỏ lẻ ở trong nước cho nên chúng tôi chỉ giới hạn tỷ lệ 5%. Còn 25% dành cho cổ đông lớn và chúng tôi sẽ thương thuyết, bán thoả thuận trước khi lên sàn chính thức qua hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế. 

Khi biết tin ông quay lại, nhiều nhân viên bày tỏ sự vui mừng, có người từng nói “chúng em rất vui khi biết tin anh quay lại, vì đã có người luôn đấu tranh quyền lợi cho nhân viên”. Giờ là Chủ tịch HĐQT, ông có còn nghĩ đến việc tăng lương, tăng thưởng cho nhân viên không?

Hiện nay ý tưởng đó của tôi đã đưa vào văn hóa của Ngân hàng rồi, nên không có lý do gì không thực hiện cả. Chính sách “càng thủy chung với LienVietPostBank, cán bộ nhân viên sẽ giàu” đã được triển khai.

Cứ mỗi năm sẽ xét cán bộ nhân viên nào được 5 năm, 10 năm, 15 năm sẽ được lương tháng lũy tiến dần lên. Những ai đạt được như vậy thì sẽ được lương cao, nếu được thưởng chất lượng cống hiến nữa thì có thể mua nhà và ô tô.

img
img

Không chỉ quan tâm đến nhân viên mà ông còn quan tâm cả người dân nghèo nữa. Nhất là cách làm từ thiện của ông cũng rất khác, thường mất nhiều công sức hơn?

Tôi đã thấm thía kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta, đối với người nghèo thì cho họ “cái cần câu” chứ đừng cho “con cá”,  bởi con cá thì chỉ cứu đói lúc ấy, còn cái cần câu thì cứu cả tương lai.

img

Hơn nữa, làm từ thiện phải bắt đầu từ con người, vì con người. Ví như ở huyện Xín Mần Hà Giang là địa phương được LienVietPostBank đỡ đầu, chúng tôi có đưa ra công thức làm từ thiện 5-3-2. Tức là, đầu tư 100 đồng từ thiện cho Xín Mần thì 50 đồng cho con người, 30 đồng vào sản xuất kinh doanh, chỉ có 20 đồng vào cơ sở hạ tầng.

Đầu tư vào con người là cả giáo dục, đào tạo cán bộ, con người. Chúng tôi đi từ thiện nhiều nên biết không thể hướng dẫn cầm tay chỉ việc hàng ngày cho đồng bào dân tộc được. Mà xuống xong rồi về, lại không hiểu tiếng dân tộc nên tuyên truyền không có hiệu quả.

Vậy nên, cần phải tạo điều kiện cho con em dân tộc đi học, để họ đi ra ngoài, biết bên ngoài tiến bộ thế nào thì mới về “dạy” lại bố mẹ. Thực tế, chỉ con cái mới có thể “dạy” mà bố mẹ nghe thôi, chứ người ngoài nói khó thuyết phục.

"Mắc ca là một đối tượng cho vay vốn của LienVietPostBank"

Năm 2014 thị trường bất ngờ với thông tin LienVietPostBank và HimLam quyết định đầu tư vào mắc ca để giúp người nông dân cải thiện đời sống kinh tế. Nay  HimLam rút vốn, dự án này có tiếp tục hay không?

Nói cho đúng, mắc ca là một đối tượng cho vay vốn của LienVietPostBank, chứ không phải ngân hàng đầu tư vào mắc ca. Chỉ khi ngân hàng bỏ vốn ra trồng mắc ca thì mới gọi là đầu tư, ở đây chúng tôi tìm đối tượng để cho vay nhưng giúp nông dân phát triển cây trồng.

Ở đây chúng tôi đầu tư vật chất, trí tuệ cùng với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để nghiên cứu mắc ca và chuyển giao lại cho nông dân. Hiện dự án này đang biến chuyển rất tốt, đặc biệt là Lâm Đồng, Đắc Nông (Tây Nguyên) và thời gian tới là Tây Bắc.

Thời điểm đó, kể cả cơ quan quản lý có nhiều ý kiến trái chiều về việc trồng mắc ca nhưng đến nay trồng mắc ca cơ bản đã đạt nhiều thành công. Vừa rồi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm nông dân trồng mắc ca, có phát biểu: “Nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của bà con nông dân trồng mắc ca, có thể thấy rõ hiệu quả trồng mắc ca như thế nào”. Đây là tổng kết ngắn gọn nhưng rất sâu sắc của nguyên Chủ tịch nước.

Thực tế, rất nhiều gia đình trồng mắc ca thành công, thậm chí làm giàu được. Hiện các nhà máy sản xuất mắc ca ở Việt Nam đã có rồi nhưng đang trong tình trạng mua trước nguyên liệu 3 – 5 năm sau. Đây cũng là niềm vui, khi trước đây lo ngại trồng không có ai mua.

"Cây sachi có thể giúp người nông dân thoát nghèo"

Hình như ngoài mắc ca, ông còn đang nghiên cứu thêm một dự án nữa giúp người nông dân. Dự án đó là gì?

Mắc ca rất thuận lợi cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, những vùng còn lại dân nghèo vẫn chưa có cây trồng cụ thể. Miền núi phía Bắc hiện chỉ trông vào cây ngô tự cấp, tự túc, còn cây lúa thì mỗi gia đình từ 3 – 5 sào lúa thu nhập chỉ vài triệu đồng một năm. Nếu so thu nhập với Tây Nguyên, nông dân miền Bắc và đồng bằng có mức chênh lệch khá lớn.

Chúng tôi đi tìm và hiện nay phát hiện ra cây sachi. Cây sachi là cây bổ dưỡng, lượng omega-3 trong 1 ml dầu sachi cao gấp 17 lần trong dầu cá hồi và 49 lần so với dầu oliu. Đây là một cây rất quý về dược liệu và có giá trị kinh tế lớn.

img

Cây sachi không phải là mới, Việt Nam đã đưa về rồi nhưng mới chỉ dừng lại ở trồng thí điểm chứ chưa phát triển mạnh. Cây sachi trồng 4 – 5 tháng là ra hoa, ra quả rồi, mà hoa ra quanh năm và có thể sống tới 30 năm.

Ở Việt Nam chưa có cây gì mà lại phục vụ tốt cho đời sống nông dân như thế. Hơn nữa, sachi có thể trồng trên nhiều loại đất, không kén đất trồng, có nguồn gốc cây rừng nên sức sống của sachi khỏe.

Vừa rồi chúng tôi có tổ chức cho chuyên gia, một số nhà sản xuất đi nghiên cứu cây sachi ở Thái Lan, Campuchia thì hơi bất ngờ khi Campuchia, một nước ở cạnh chúng ta, nghèo hơn mà họ phát triển cây sachi rất mạnh. Campuchia hiện có 20.000 hecta, Thái Lan có hơn 5.000 hecta, Lào có khoảng 1.000 hecta.

Họ không chỉ trồng mà tổ chức chế biến rất sâu, có mấy chục loại sản phẩm chế biến được từ cây sachi này như dầu, trà và tập trung thành 3 nhóm mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm.

Trước mắt, cá nhân tôi xung phong nhập hạt giống cây sachi về làm từ thiện ở các địa phương để trồng thí điểm chất đất, phủ sóng toàn bộ các bờ rào từng gia đình, để các gia đình có nguồn rau quả bổ dưỡng từ sachi thay thế omega -3 từ thuốc và cá hồi... sau đó mới tính đến chuyện sản xuất hàng hóa khi tổng kết và có thị trường thực sự. Tôi hy vọng cây sachi sẽ là cây phát triển tốt mạnh ở Việt Nam để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

img
img

"Cho đi chính là nhận"

Hơn 30 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, có khi nào ông nghĩ đến việc mình chuyển công việc khác thì tốt hơn không? Vì tôi thấy ông rất quan tâm tới đời sống của người nông dân.

Thực ra, giai đoạn này tôi đang sống dành phần nhiều cho người khác nhưng cho đi chính là nhận. Đối với tôi gia đình – golf – LienVietPostBank là ba mối quan tâm chính, nhưng cuối cùng là gia đình. Cho nên, nếu chuyển khỏi ngân hàng để sang lĩnh vực khác chắc chắn là không làm, vì tôi không có nhu cầu về quyền lực và tiền bạc.

Tôi đặc biệt quan tâm đến nông dân. Với nông dân, tôi có cái nghiệp với họ vì tôi xuất phát từ nông dân và ngành ngân hàng của chúng tôi luôn phải tìm đối tượng đầu tư. Tôi rất thích tìm đối tượng đầu tư cho nông dân, vì kinh nghiệm cho thấy huy động vốn từ người nghèo mới là huy động lớn và bền vững, không “bỏ trứng vào một giỏ”.

Hơn nữa, do đi rất nhiều tôi thấy người nông dân của mình quá khổ, nhất là những vùng sâu, vùng xa. Một lý do nữa, đó là cứ nhìn thấy nông dân tôi lại nghĩ tới bố mẹ mình ngày xưa và cứ nghĩ họ là bố mẹ mình, giúp họ cũng như giúp bố mẹ mình. Do vậy, nếu có làm ngân hàng nữa hay không thì tôi vẫn hướng về người dân nghèo để giúp họ, giúp quê hương.

img
img

Có rất nhiều nghề có thể giúp nông dân thoát nghèo, tại sao ông lại chọn nghề ngân hàng với quá nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hiện nay?

Người chọn nghề hay là nghề chọn người, đôi khi chúng ta cũng không chủ động được. Có khi cả 2 chọn nhau sau đó phải có cái duyên mới đến với nhau được. Mỗi khi vượt qua được một giai đoạn khó khăn nào đó lại thấy mình hạnh phúc và trưởng thành hơn.

Đúng là ngành ngân hàng áp lực hơn vì đây là lăng kính phản ánh nền kinh tế. Khi kinh tế xấu đi, doanh nghiệp khó khăn, phá sản thì ngân hàng cũng khó khăn. Và ngành ngân hàng là cái rốn cuối cùng của hậu quả, kết quả hoạt động kinh tế - xã hội.

Phương châm sống của tôi trước những áp lực phải biết tự giải tỏa áp lực, giải tỏa áp lực bằng cách “không coi nó là áp lực”. Nếu có áp lực thì giải quyết bằng được, giải quyết xong là thôi, không có gì cản được tôi cả. Nên không bao giờ tôi coi đó là áp lực. Muốn làm được như vậy phải quy mọi sự về đơn giản và phải biết học thiền, tĩnh tâm, “chính tâm”.

"Cho con cái không gian để tự lập và coi con như bạn"

Thi thoảng tôi thấy ông kể về 2 cô con gái của mình đang du học bên Úc. Vậy ông làm gì để kết nối với hai cô con gái của mình?

Tôi có 3 đứa con, 1 trai và 2 gái. Tất cả các con tôi đều đang ở Úc. Tôi có quan điểm dạy con theo cách của người nước ngoài, tức là mình không đứng quá gần con. Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ chăm ẵm con quá mức, thấy con ngã là nâng dậy ngay.

Người nước ngoài họ cũng chăm con nhưng rất khoa học. Họ đứng từ xa và tôi cũng tập như vậy. Từ nhỏ, tôi cũng muốn có một khoảng cách nhất định với con để chúng tự lập. Thế nên, mặc dù các con ở nước ngoài, nhưng tháng nào cũng gặp, con không về thì tôi sang thăm.

Điều quan trọng, tôi luôn coi con như những người bạn của mình. Mà là bạn thì có thể nói chuyện suốt được. Thi thoảng tôi nhờ con cái tư vấn, “dạy” một số vấn đề và tôi thấy con rất thích. Cũng từ đó tôi thấy có nhiều thứ con cái hơn mình, thế là đã thấy... nhà mình có phúc vì con hơn cha.

Vậy ông dạy con cách tự lập bằng cách nào?

Một trong những cách, đó là tôi cho con tôi làm quen với tiền từ năm học lớp 2. Tôi thấy, nhiều sinh viên Việt Nam khi học bảng cân đối tài khoản, kể cả chuyên ngành là tài chính cũng rất lơ ngơ không hiểu bảng cân đối tài khoản là thế nào.

Lớp 2, con tôi đã cầm tiền để chi tiêu. Tôi đưa cho con tờ giấy và chia làm 2 cột: bên tay trái là sử dụng vốn, bên phải là nguồn vốn. Nguồn vốn là tiền bố mẹ cho, sử dụng vốn là con cái mua những món đồ mà mình thích như bảng, phấn, xe đạp... Cứ hàng tháng thì cộng lại sao cho cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn. Bây giờ thì các con tôi đều biết bảng cân đối tài khoản là thế nào và tính toán kinh tế rất nhanh.

Với con cái tuy xa mà gần, để cho con cái có không gian tự lập. Gia đình là hạt nhân quan trọng, mà quan trọng nhất đối với hai vợ chồng là con cái.

img

Ông có định hướng cho một trong ba đứa con theo sự nghiệp của mình?

Tôi không bao giờ có ý nghĩ đó. Tôi tư vấn với con bằng cách “theo ba nghĩ thế này... nhưng đây là ý của ba” và để con tự chọn cách giải quyết. Qua những lần như vậy, tôi rút ra bài học: “Kinh nghiệm là người thầy, nhưng đôi khi là... người thầy lạc hậu” nên không bao giờ tôi lấy đó để áp đặt cho con mình.

Hạnh phúc của con được làm gì con thích, nếu thích ngành ngân hàng thì làm ngân hàng. Như cô gái út của tôi từ bé thích làm bánh và đến giờ cũng chỉ mong muốn có một chuỗi cửa hàng bán các loại bánh ngọt.

Tôi có từng hỏi cô con gái thứ 2 là sau này có theo nghề của ba mẹ không (mẹ cũng có một vài khách sạn), thì con bảo “lớp con chỉ có những bạn nào học dốt mới phụ thuộc vào ngành nghề của bố mẹ thôi, còn con, con nghĩ con sẽ không như thế”.

Tôi luôn suy nghĩ hạnh phúc là của con, niềm vui của con là niềm vui của mình chứ đừng bắt con theo mình. Bố mẹ cứ nghĩ điều đó là thương con nhưng thực ra đó là thương mình. Mình làm thế là ích kỷ, bắt con theo ý mình là nghĩ cho mình chứ không phải nghĩ cho con.

Nếu không có đứa con nào nối nghiệp cha mẹ, sự nghiệp này ông sẽ làm thế nào?

Tôi không bao giờ suy nghĩ luẩn quẩn như thế! Sự nghiệp này là của xã hội. Tôi không bao giờ nghĩ phải đưa con vào làm gì ở đây. Đây là “đứa con nghề nghiệp” do mình góp phần sáng lập ra, nhưng không thể ích kỷ vậy. Khi “đứa con nghề nghiệp” đủ 18 tuổi thì là người của xã hội rồi, đừng bắt nó bó buộc trong gia đình mình.

Hơn nữa, nghề này chưa chắc là tốt với con hơn là nghề con tự chọn sau này, nên tôi không có ý định níu kéo, giữ theo kiểu cha truyền con nối. Cứ làm tốt cho xã hội là được.

Nếu mong muốn một nghề để tư vấn cho con thì tôi sẽ tư vấn: “Ba khuyên các con nên trở thành giảng viên đại học và có một công ty nho nhỏ bên ngoài”, vừa làm nghề cao quý nhưng vẫn chủ động về kinh tế.

img

Tại sao golf lại là 1 trong 3 mối quan tâm chính của ông?

Tôi có khả năng chơi rất nhiều môn thể thao, kể cả võ thuật và môn nào cũng có giải nhất định nhưng cuối cùng tôi thấy golf là hay nhất trong cuộc sống, vừa là thuốc bổ cho tinh thần và sức khoẻ, vừa giáo dục con người. Golf cũng là để giao lưu và hoà đồng với cả thế giới.

Khi chơi golf giúp mình lược bỏ những hạt sạn, những tạp chất trong đầu chỉ tập trung vào quả bóng golf. Như vậy giúp cho mình giảm được stress trong cuộc sống, công việc.

Thứ hai, golf giáo dục chúng ta, trong cuộc sống muốn sĩ diện với người khác thì ít ai nói thẳng với mình, chỉ nói sau lưng thôi nhưng với golf định sĩ diện, vì thành tích thì bị đập vào mặt ngay. Tức là những người nghĩ định biểu diễn đánh quả này thật hay cho “bọn nó” xem thì không bao giờ hay cả. Đó là một bài học!

Vì đánh golf là phải bình thường hóa nhịp nhàng tất cả các bộ phận trên cơ thể để tập trung vào quả bóng golf, nên nếu trong đầu chỉ nghĩ đánh quả bóng golf sao cho đẹp thôi, nhưng suy nghĩ và hành động không đi đôi thì sẽ hỏng mất. Cho nên golf giáo dục con người là vì thế.

Xin cảm ơn ông!

img

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG

Sinh năm 1962 tại Phú Thọ. Giữ chức Tổng giám đốc LienVietPostBank từ ngày thành lập đến năm 2012, sau đó giữ chức Phó Chủ tịch thường trực đến tháng 5.2017 và ngồi ghế chủ tịch HĐQT từ ngày 5.6.2017. Ông Hưởng cùng với ông Dương Công Minh là cổ đông sáng lập ra LienVietPostBank.
Nhắc đến LienVietPostBank là nhắc đến Nguyễn Đức Hưởng. Ông Hưởng cũng là người luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm giàu cho nông dân.

img

Nội dung: Trần Giang

Mỹ thuật: Việt Anh

Kỹ thuật: Tuấn Anh

Media: Đàm Duy

Bản quyền của danviet.vn

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem