Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi nụ cười của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi bước ra khỏi toà sau phiên xét xử cuộc ly hôn với chị. Tôi không hiểu nụ cười đó mang hàm ý gì? Chiến thắng? Hả hê ư? Chị - người từng có tình yêu sâu đậm và chung sống nhiều năm với anh ấy, chị có cắt nghĩa được nụ cười đó không?
- Sau phiên tòa, nhiều đêm tôi không ngủ được. Như tôi cũng đã nói nhiều lần trước đây, anh Vũ đã bị biến đổi sau khoá thiền 49 ngày và thực sự đó không còn là anh Vũ nữa. Nếu như là anh Vũ trước đó, anh ấy không hành xử như vậy. Còn với nụ cười đó, tôi thấy đó là một nụ cười coi thường luật pháp, coi thường đạo lý, và có hàm ý thể hiện "tôi đã làm được điều đó". Rõ ràng nếu có một sự nghiệm minh của luật pháp thì không thể có bản án như vậy được. Tôi thấy không chấp nhận được việc anh ấy hành xử như vậy.
Sau phiên toà người ta cũng đã nhìn thấy những giọt nước mắt của chị. Tôi cứ nghĩ rằng một người đàn bà từng trải, mạnh mẽ quyết đoán như chị sẽ không dễ khóc như vậy? Nhiều người cho rằng, những giọt nước mắt đó là "diễn"?
- Tôi nghĩ tất cả phụ nữ ở trong hoàn cảnh đấy đều cảm thấy bất công và nếu không bình tĩnh còn có thể xỉu luôn tại chỗ, chứ không phải đơn giản như các bạn nghĩ. Ngay kể cả việc kiên nhẫn lắng nghe bản án đến 90 phút, đến dòng cuối cùng là chân tôi đã quỵ, không thể đứng nổi nữa. Trong tình huống đó thì không ai có thể đủ bình tĩnh để có thể tiếp tục đứng dậy được trong lúc đó đâu, chứ không phải chỉ là khóc. Khóc chỉ là một chuyện rất nhỏ. Điều mà tôi lo lắng nhất sau phán quyết đó là không thể giúp được anh Vũ đi chữa bệnh.
Phiên toà ly hôn sơ thẩm khép lại với mức án phân chia tài sản tỷ lệ 60-40, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được 60% và quyền điều hành tập đoàn Trung Nguyên. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được 40% nhưng phải bán lại cổ phần để trao quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ. Ngay sau khi nghe bản án, bà Thảo đau đớn nói trong nước mắt: “Phán quyết này thật bất công với mẹ con tôi!”. Sau phiên tòa cả bà Thảo và ông Vũ đều kháng cáo. Theo đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và bày tỏ nguyên vọng đoàn tụ với ông Vũ, đề nghị tòa phúc thẩm xét lại. Về phía ông Vũ, ông yêu cầu chia lại tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông Vũ sở hữu 70% và bà Thảo 30% thay vì tỷ lệ 60-40 như phán quyết của tòa sơ thẩm. Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cũng đã kháng nghị bản án, chỉ ra 11 điểm sai phạm của phiên tòa sơ thẩm. Đau đớn và mất niềm tin vào sự công tâm của các quan tòa phiên sơ thẩm, nhưng bà Thảo vẫn còn niềm tin vào công lý. “Tôi vẫn có niềm tin rằng trong xã hội vẫn còn có nhiều người tốt và lẽ phải”, bà Thảo chia sẻ.
Chị nghĩ sao về kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM khi cho rằng bản án có nhiều điểm sai sót và kháng nghị hủy án sơ thẩm?
- Tôi thấy trong suốt quá trình diễn ra phiên xét xử, VKS đã làm việc rất công tâm. VKS cũng đã rất nhiều lần đưa ra ý kiến của mình, yêu cầu tài sản phải chia đôi, phải lưu ý tới những chứng cứ mà chưa được kiểm tra và các thủ tục tố tụng còn đang thiếu. Tuy nhiên rất nhiều các ý kiến của VKS đã bị bỏ qua, không được toà quan tâm dẫn đến bản án đã tuyên như vừa rồi. Sau đó VKS đã kháng nghị, đưa ra với 11 điểm sai. Tôi nghĩ cái sai lớn nhất trong bản án này là sai về các thủ tục tố tụng. Và đương nhiên với những lý do như vậy, tôi cũng đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu huỷ bản án đã tuyên.
"Bà rút đơn ly hôn, giao hết phần điều hành Trung Nguyên của bà cho ông Vũ, về nhà, bà sống như một bà hoàng". Đây là lời khuyên của chủ toạ Nguyễn Văn Xuân tại phiên toà và cũng là một lời khuyên gây nhiều tranh cãi. Nhưng chắc hẳn trong suốt cả một quãng thời gian dài tranh cãi mệt mỏi, có lẽ có một giây phút nào đó chị đã nghĩ như vậy, bởi tôi cũng từng thấy sự thay đổi suy nghĩ trong phiên toà của chị - chị đã đồng ý rút đơn? Vậy lúc đó chị đã suy nghĩ như thế nào?
- Tôi chưa bao giờ muốn ly hôn với anh Vũ, thành thử trong lúc thẩm phán gợi ý về việc quay về đoàn tụ, trong phiên toà tôi đã đề nghị rút đơn ly hôn ngay. Tôi tin rằng nếu như đưa được anh Vũ đi chữa bệnh xong, gia đình tôi lại trở về như ngày xưa và anh Vũ lại là người chồng tuyệt vời.
Nhiều người cho rằng, vấn đề tranh chấp ở đây không phải là vấn đề tiền nữa mà là việc mất đi thương hiệu Trung Nguyên, là sự nghiệp xây dựng mà cả hai vợ chồng chị xây dựng từ thuở cơ hàn. Đối với bản thân chị, đến giờ này, Trung Nguyên có ý nghĩa như thế nào?
- Hai vợ chồng tôi từ thuở hàn vi đã cùng nhau gây dựng Trung Nguyên với tất cả tâm sức cũng như tất cả tình yêu thương của mình. Anh Vũ như là người cha, còn tôi như người mẹ, lúc nào cũng sát cánh, lúc nào cũng hết lòng vì Trung Nguyên. Giờ anh ấy bị biến đổi thì tôi chính là người có thể gìn giữ Trung Nguyên, tiếp tục phát triển. Tôi nhìn thấy trong tương lai, Trung Nguyên sẽ là một thương hiệu hàng đầu của thế giới. Tôi chỉ nghĩ phải làm gì để xứng đáng với vai đó và tôi liên tục nỗ lực để phát triển mình. Trong biến cố xảy ra như vậy thì tôi chính là nhân vật chính, tôi cần thiết phải kiên định, cần thiết phải mạnh mẽ.
Trung Nguyên như một "đứa con" được sinh ra trước 4 đứa con ruột nên tôi rất yêu quý và đặt mọi tâm huyết. Bản thân tôi cũng là người điều hành chính Trung Nguyên từ đầu cho đến thời điểm vừa rồi. Hơn ai hết tôi sẽ nỗ lực đến cùng để bảo vệ cho Trung Nguyên và bảo vệ cho anh Vũ.
Người ta cũng cho rằng, sâu xa, rạn nứt giữa chị với anh Vũ bắt nguồn từ mâu thuẫn trong tầm nhìn đối với Trung Nguyên: Anh Vũ có một tầm nhìn toàn cầu, anh muốn Trung Nguyên phải trở thành thương hiệu cà phê số 1 thế giới, Buôn Ma Thuật có sứ mệnh trở thành thủ đô của Đạo cà phê toàn cầu. Còn chị lại không muốn như vậy? Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi tin rằng anh Vũ đang bị một thế lực nào đó đầu độc tinh thần, nhằm chiếm đoạt Trung Nguyên. Gia đình rơi vào thảm cảnh hôm nay chỉ bởi vì anh Vũ không được cứu chữa kịp thời. Tinh thần anh đã bị "đầu độc" suốt bao năm qua bởi một nhóm người. Nhưng chắc chắn từ giờ, mọi chiêu trò đó sẽ được phơi bày trước công lý và dư luận.
Chị luôn cho rằng có một thế lực nào đó đang thao túng anh Vũ, thao túng những việc đã xảy ra. Vậy chị có thể chỉ rõ thế lực này là ai?
- Tôi nghĩ động cơ của họ rất rõ ràng, muốn chiếm đoạt Trung Nguyên, muốn cướp trắng Trung Nguyên. Tôi cũng đã gửi hồ sơ về vụ việc này đến Bộ Công an, mong đợi việc thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm minh để có thể đưa nó ra ánh sáng.
Chắc chắn là tôi đã có xác định được nhóm người này. Tôi chưa nói ở đây bởi mong muốn sự công bố của cơ quan điều tra Bộ Công an.
Trong suốt quá trình diễn ra cuộc tranh chấp ly hôn, có một số ý kiến cho rằng chị là một người phụ nữ đã có những toan tính rất lạnh lùng, “chiến thuật” bài bản... Và chính những tính toán của chị trở nên lấn át mọi thứ tốt đẹp đâu đó may ra còn lại trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng chị. Chị nghĩ sao?
- Không bao giờ có chuyện như vậy. Bản thân tôi luôn luôn mong muốn gìn giữ gia đình. Các bạn ở trong hoàn cảnh của tôi, chứng kiến tôi bị đối xử như vậy, căn bệnh của anh diễn ra như thế nhưng đến giờ phút này tôi vẫn một lòng tin rằng anh ấy bị bệnh. Tôi tin rằng những điều anh ấy cư xử với mình như vậy là do anh ấy bị bệnh và có một nhóm người âm mưu hãm hại gia đình tôi nên nỗ lực để cứu gia đình, cứu Trung Nguyên. Thế nên, tôi không thể đau khổ, nếu tôi đau khổ với điều đó thì thực sự tôi đã ngã quỵ từ lâu rồi.
Tôi không hình dung được, giả sử chị không yêu cầu đưa anh Vũ đi khám bệnh tâm thần, mọi chuyện có diễn biến khác đi không? Anh Vũ cũng cực lực phản đối chuyện này. Trên công luận anh ấy đã từng nhiều lần nói: “Vợ gì mà vợ cứ bắt chồng đi bệnh viện tâm thần!” Đến bây giờ, chị có cho rằng quan điểm của chị là anh Vũ bị bệnh là chính xác? Nếu thời gian quay ngược trở lại, chị có làm như vậy không?
- Nếu thời gian quay ngược trở lại, tôi vẫn sẽ nỗ lực hết sức để lo cho chồng mình, nỗ lực làm tất cả những điều có thể để đoàn tụ gia đình, bảo vệ sản nghiệp của gia đình mình.
Nhiều ý kiến cho rằng cả chị và anh Vũ, hai người trong cuộc đều có chữ TÔI quá lớn và đều không biết cách lắng nghe?
- Tôi và anh Vũ yêu nhau và lấy nhau, cả hai đều như những người tri kỷ. Trong cuộc sống chúng tôi cũng phân vai với nhau rất rõ. Tôi tập trung toàn lực để lo cho những gì mà anh ấy mong muốn, đó là xây dựng một đế chế Trung Nguyên, một tập đoàn hùng mạnh. Song song với công việc, tôi cũng đã lo giữ gìn một tổ ấm, để anh ấy có đi đến đâu, khi quay trở về thì ngôi nhà vẫn là một nơi rất quan trọng. Tôi mong muốn điều đó sẽ giúp cho anh ấy, tiếp sức cho anh ấy, là động lực để cho anh ấy phát triển. Suốt thời gian đó, tôi luôn đứng sau anh Vũ hoàn toàn và để cho anh Vũ toả sáng ở bên ngoài.
Suốt cuộc "chiến đấu" để đòi quyền và lợi ích hợp pháp trong cuộc ly hôn với anh Vũ và trước đó, chị từng tỏ ra là một người phụ nữ hết sức mạnh mẽ. Vậy Lê Hoàng Diệp Thảo yếu đuối nhất khi nào?
- Con người ta ai cũng có những giây phút yếu đuối. Tôi là phụ nữ nên tôi cũng có có lúc rơi vào trường hợp đó. Lúc đó, tôi cần sự tĩnh lặng, rồi tôi sẽ hồi phục lại. Sau mọi chuyện, tôi có một niềm tin rất lớn là tôi sẽ giữ gìn được gia đình mình.
Trong suốt mấy năm qua để níu kéo và bảo vệ hạnh phúc gia đình, kể cả cao điểm là cuộc đấu tranh pháp lý trước Tòa vừa qua, ai là người đứng bên cạnh, là chỗ dựa cho chị? Có lúc nào Lê Hoàng Diệp Thảo cảm thấy cô đơn không?
- Các con luôn luôn bên cạnh tôi. Mấy đứa nhỏ từ nhỏ được dạy dỗ khá tốt nên cũng biết nhìn nhận sự việc một cách rất hay, góc nhìn rất hay. Chúng chỉ mong muốn mẹ vui, những gì mẹ làm là rất ủng hộ. Đương nhiên, những đứa con là sự tin cậy rất lớn của tôi, giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn.
Chị đã lường đến tình huống xấu nhất chưa? Giả sử Toà phúc thẩm vẫn phán quyết Trung Nguyên thuộc về anh Vũ?
- Tôi vẫn rất tin vào công lý. Tôi tin vào những người đang nắm giữ cán cân công lý, những người đang thực hiện việc hành pháp sẽ nhìn thấy những gì sai trong bản án để cần phải sửa. Đặc biệt trong bản án vừa rồi, VKS đã chỉ ra 11 điểm sai. Tôi có niềm tin rất lớn vào điều này và tôi tin là sẽ có công lý trong vấn đề của Trung Nguyên.
Tin vào công lý, tin vào tình yêu của mình và các con mình với ông Vũ, sẽ đưa ông Vũ về với gia đình. Trong đau khổ, người đàn bà đẹp này vẫn mạnh mẽ gây dựng sự nghiệp, gây dựng thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu. Bà Thảo chia sẻ cảm giác tự hào khi tham gia diễn đàn cà phê thế giới, chia sẻ câu chuyện thú vị về cà phê ở Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và số một thế giới về sản lượng cà phê Robusta, các chiến lược mà Trung Nguyên và King Coffee đã sử dụng để giành được thị trường nội địa và quốc tế.
Ngay từ trước khi ra Tòa, chị đã bắt tay xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới là King Coffee. Tại sao chị lại quyết định làm như vậy?
- Năm 2014 tôi bị tước mọi quyền hành ở Trung Nguyên và thậm chí còn không được bước chân vào công ty. Toàn bộ những dữ liệu quản lý ở công ty bị mất trắng. Toàn bộ hệ thống khách hàng quốc tế mà tôi xây dựng gần như bị mất sạch, cổ tức không được nhận... Tôi đã kiên nhẫn để đấu tranh. Trong khi đó Trung Nguyên bắt đầu thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, từ màu nâu đỏ, giờ sang màu đen trắng. Lúc đó tôi nghi ngờ đây là một âm mưu, bắt đầu lo lắng không biết thương hiệu sau đó sẽ về tay ai, bị thao túng bởi ai, bởi lúc đó anh Vũ vẫn còn trên núi.
Năm 2016 tôi buộc phải lập ra King Coffee để nếu trong trường hợp Trung Nguyên có sụp đổ thì gia sản đó, sản nghiệp 20 năm của vợ chồng gây dựng nó vẫn sẽ phải có ở đâu đó, chính vì thế mà phải có King Coffee.
Cái tên King Coffee có ngụ ý gì khi người ta vẫn gọi anh Đặng Lê Nguyên Vũ là Vua cà phê Trung Nguyên?
- King Coffee thực sự hình thành từ 2016, lúc đó tôi mở King Coffee ở bên Mỹ, qua Hàn Quốc, Trung Quốc một số nước khác rồi mới về Việt Nam. Thực tế đó là biện pháp tôi phải làm để giữ lại một thương hiệu lớn của quốc gia. Trong suốt quá trình vừa qua, tôi đã nỗ lực rất lớn, đặc biệt là gìn giữ niềm tin của khách hàng đặc biệt vào tôi.
Tôi nghĩ rằng với việc để Trung Nguyên phát triển ra tầm toàn cầu thì cái tên King Coffee nó hợp lý hơn nhiều. Nó dễ đọc, dễ nhớ, đó là một cái tên đặc biệt ở chỗ nếu mình qua các nước không cần phải đổi qua từ ngữ của họ. Ví dụ ở bên Nga, những cái tên như MC Donalds, Starbucks đều phải đổi qua tiếng Nga. Còn King Coffee không cần, cả thế giới đều có thể đọc được.
Chị có ý định phát triển King Coffee như thế nào, có những kinh nghiệm nào trong việc xây dựng Trung Nguyên có thể sẽ được chị áp dụng lại đối với King Coffee? Và những điều gì theo chị cần phải tránh?
- Không phải là áp dụng lại mà nó đi tiếp con đường, tiếp sứ mệnh, tầm nhìn cũng như là chiến lược của việc xây dựng thương hiệu cà phê. Việt Nam mình cần phải thoát ra việc chỉ bán nguyên liệu mà cần tạo những giá trị tăng thêm, tạo dựng giá trị thương hiệu. Đó là việc tôi đang nỗ lực để làm.
Trong tương lai chị có xác định sẽ phải cạnh tranh với chính Trung Nguyên – đứa con tinh thần chung của vợ chồng chị trước kia?
- Không phải dựng King Coffee để phá hay cạnh tranh với Trung Nguyên. Không ai có thể sinh ra đứa con thứ hai rồi lại tiêu diệt đứa con thứ nhất cả.
Một câu hỏi riêng tư: Đến bây giờ, chị còn có chút tình cảm nào với Đặng Lê Nguyên Vũ không?
- Anh ấy là một người tôi đã lựa chọn. Tôi thấy mình đã lựa chọn đúng.
Sau tất cả, tôi không hiểu sao vẫn cứ phải là Đặng Lê Nguyên Vũ, khi mà dường như anh ấy đã sống một thế giới khác, khi mà sau từng ấy sóng gió, niềm tin hay tình yêu đã bị vỡ vụn, tổn thương?
- Tôi nghĩ rằng việc đứng trước bàn thờ tổ tiên hay tình nghĩa vợ chồng là một điều gì rất thiêng liêng. Tôi và anh Vũ đã có với nhau 4 đứa con, các con của tôi tất cả đều là họ Đặng Lê. Ngay từ đầu chúng tôi cũng đã cam kết đi với nhau, cùng nhau xây dựng một thế hệ cho cả một dòng họ, xây dựng một đế chế cà phê hùng mạnh.
Tôi tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp, và việc đang xảy ra chỉ là một đại hạn và tôi phải cứu nó. Tôi tin nếu là anh Vũ thì không bao giờ anh cư xử như vậy, còn đây là bệnh của anh ấy thì mình đừng có chấp.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, khi cuộc hôn nhân tan vỡ, chẳng ai là người thắng cuộc, cả chị hay anh Vũ, sự thiệt thòi nhất sẽ thuộc về các con. Chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi vẫn có niềm tin rằng trong xã hội vẫn còn có nhiều người tốt và lẽ phải, công lý phải luôn luôn có được sự bảo vệ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi luôn tin rằng tất cả những điều tốt đẹp rồi cuối cùng sẽ phải đến mặc dù sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng mình phải cố gắng, cố gắng để bảo vệ lẽ phải và bảo vệ những điều đúng đắn.
Tôi cũng mong sớm kết thúc chuyện này để không ảnh hưởng đến các con. Nhưng chính các con lại là người khuyến khích động viên tôi, các con muốn chung tay với mẹ để vượt qua giai đoạn khó khăn này, để làm sao sớm kết thúc việc tranh chấp và mục tiêu vẫn là để cứu ba, cứu Trung Nguyên.
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.