Những sản phẩm in đậm dấu ấn trăm năm nghề đúc vàng, bạc tại ngôi đình cổ giữa lòng phố cố Hà Nội

Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình xây dựng nên.

Ngày nay, đình Kim Ngân nằm trên phố Hàng Bạc, nơi được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ Hà Nội, đây là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa. Giai đoạn đầu thế kỷ 20 đến nay, Hàng Bạc là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn Hà Nội.

Bia đá cổ trên lối đi vào hậu cung tại đình Kim Ngân.

Trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2023 vừa khai mạc cuối tháng 4/2023, tại đình Kim Ngân trưng bày rất nhiều sản phẩm kim hoàn, in đậm dấu ấn trăm năm nghề đúc vàng, bạc của người dân nơi đây.

Đây là hoạt động văn hóa sinh động, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với công đức của các vị tổ nghề.

Đây cũng là nơi sản sinh ra đồng bạc nén, loại tiền tệ lưu thông tại đất Kinh thành Thăng Long xưa.

Các bộ trang sức làm bằng bạc bán trong thời ngày nay được thiết kế vô cùng tỉ mỉ.

Hình tượng con trâu làm bằng bạc cũng được thiết kế và làm thủ công vô cùng tinh xảo.

“Làm nghề kim hoàn mất nhiều công sức đòi hỏi người thợ cần cù, kiên nhẫn để thổi hồn vào những sản phẩm của mình”, anh Nguyễn Thế Mạnh (30 tuổi, ở Châu Khê, Hải Dương), thợ kim hoàn chế tác sản phẩm tại lễ hội cho biểt.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm kim hoàn chất liệu vàng cũng được các nghệ nhân làm thủ công một cách hoàn hảo, thể hiện sự cần cù, kiên nhẫn để thổi hồn vào những sản phẩm.

Những sản phẩm kim hoàn mang đậm nét đặc trưng riêng đã góp phần vào sự phong phú của "36 phố phường" Thăng Long - Hà Nội.