Ôm đống nghề, một nông dân Hòa Bình thành tỷ phú, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tuệ Linh Thứ ba, ngày 21/02/2023 13:01 PM (GMT+7)
Với cả đống nghề như nuôi lợn, nuôi gà Lạc Thủy; trồng cây ăn quả, trồng rau màu...ông Nguyễn Duy Lành, nông dân ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã từ hộ nghèo phất lên thành tỷ phú. Ông Lành vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

Clip: Trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rau màu của hội viên nông dân Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, ông Lành vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hội viên nông dân ở Hòa Bình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi lợn, gà Lạc Thủy kết hợp với trồng rau màu, cây ăn quả có múi của hội viên nông dân Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. 

Đến thôn Bột hỏi đến ông Lành, người dân ở đây không ai là không biết đến ông, bởi ông là tấm gương điển hình trong thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". 

Ôm đống nghề, nông dân Hòa Bình thành tỷ phú - Ảnh 2.

Chuồng trại nuôi lợn của ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình được đầu tư bày bản theo công nghệ của Thái Lan. Ảnh: Tuệ Linh.

Ngôi nhà 3 tầng khang trang của ông Lành nằm ngay cạnh Quốc lộ 21, bên cạnh nhà có treo tấm biển nền xanh rõ oách: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lành nhớ lại: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau khi cùng bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành tổ chức, năm 2.000, tôi mạnh dạn vay vốn và bắt đầu gây dựng trang trại nuôi gà Lạc Thủy, trồng cam lòng vàng và bưởi Diễn.

Ôm đống nghề, nông dân Hòa Bình thành tỷ phú - Ảnh 3.

Trại gà Lạc Thuỷ đem lại hiệu quả kinh tế cao của ông Lành. Ảnh: Tuệ Linh.

Trời không phụ lòng người, thành công nối tiếp thành công, từ trang trại với quy mô 1ha, đến nay diện tích trang trại của ông Lành đã phát triển lên 5ha.

Ông Lành cho biết: Sau khi có được vốn từ cam lòng vàng và bưởi Diễn cho thu hoạch, gia đình nuôi thêm khoảng 2.000 còn gà mái đẻ và mua máy ấp nở trứng và cung cấp con giống thương hiệu gà Lạc Thủy ra thị trường. 

Ôm đống nghề mà thành tỷ phú

Thành công từ nuôi gà Lạc Thủy, nhận thấy nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Lành tiếp tục đầu tư xây dựng trại lợn theo công nghệ Thái Lan với quy mô 200 con. 

Ôm đống nghề, nông dân Hòa Bình thành tỷ phú - Ảnh 4.

Ngoài nuôi lợn, gà, ông Lành còn trồng thêm 1ha cà chua, bắp cải và su hào. Ảnh: Tuệ Linh.

Đến nay, trang trại của ông Lành đang nuôi khoảng 14.000 con gà Lạc Thủy; 300 con lợn nái và trên 5.000 lợn thương phẩm.

Theo ông Lành, với quy mô trang trại rộng lớn như vậy, để đàn gà, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình thuê 2 kỹ sư chăn nuôi thú y để giám sát toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc, phối giống đến thức ăn.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm chăn nuôi với chúng tôi, ông Lành tiết lộ: Ngày xưa các cụ thường bảo “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng đến thời mình khác hoàn toàn. Nếu chỉ làm một nghề thì chắc trang trại của tôi không tồn tại đến bây giờ. 

Ôm đống nghề, nông dân Hòa Bình thành tỷ phú - Ảnh 5.

Trung bình mỗi năm, ông Lành xuất bán ra thị trường 20 tấn gà Lạc Thủy thương phẩm ra thị trường, với giá 80.000 đồng/kg, thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Tuệ Linh.

"Năm 2016 - 2017, cuộc khủng hoảng thừa khiến giá lợn xuống đến 17.000 đồng/kg, nhưng gia đình tôi làm máy ấp gà năm đó lại được giá nên lợi nhuận thu được đã giúp bù lỗ vào con lợn. Nhờ đó, trang trại lợn mới duy trì và tồn tại được", ông Lành nói.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực trại nuôi lợn, gà của ông Lành được quy hoạch bài bản. Trang trại nằm cách xa khu dân cư, có tường bao cách ly với môi trường xung quanh. Trại nuôi lợn được làm mát bằng quạt gió, mặt sàn láng xi măng. Đường đi vào trại lợn được rắc vôi bột trắng xoá. Trước khi đưa chúng tôi vào chụp ảnh, phải đi ủng và tiến hành sát trùng.

Cũng theo ông Lành, chính nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại theo công nghệ Thái Lan đã giúp trại lợn của gia đình vượt qua dịch tả lợn châu Phi năm 2019.

Năm 2022, ông Lành xuất 600 tấn lợn; 20 tấn gà và hàng trăm nghìn giống gà Lạc Thuỷ từ 1 - 2 ngày tuổi ra thị trường. Tổng doanh thu từ trang trại chăn nuôi đạt khoảng trên 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 6 tỷ đồng. 

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Như Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành cho biết: Hội viên nông dân Nguyễn Duy Lành không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh đó, hàng năm, ông Lành còn hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho các hộ dân trong thôn; giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ nghèo về con giống theo phương thức trả chậm.

Mặt khác, ông Lành còn tham gia đóng góp trên 5 triệu đồng/năm cho hoạt động xã hội, từ thiện; Ủng hộ Quỹ đồng hành cùng con em hội viên nông dân đến trường 1.000.000đ/năm, Quỹ Chi Hội Nông dân 2.000.000đ/năm; Tết thiếu nhi 1.500.000/năm; Ủng hộ Qũy Hỗ trợ nông dân 200.000đ/năm.

Để ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của mình trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho các hoạt động từ thiện, xã hội; năm 2017, ông Lành vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2022, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem