Sản phẩm du lịch nông thôn Bình Dương còn khiêm tốn
Có nhiều vườn trái cây nghe là mê nhưng sản phẩm du lịch nông thôn Bình Dương vẫn chậm phát triển
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 02/01/2024 09:06 AM (GMT+7)
Việc sở hữu nhiều vườn cây ăn quả, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn là điều kiện thuận lợi để du lịch nông thôn Bình Dương phát triển. Tuy nhiên, du lịch nông thôn Bình Dương còn vướng nhiều cơ chế.
Còn ít sản phẩm du lịch nông thôn vì vướng quy định
Tỉnh Bình Dương có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình du lịch nông thôn khi sở hữu nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) quy mô lớn.
Thế mạnh về cây ăn quả và chăn nuôi được phát triển ở các địa bàn Thuận An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên và Bắc Tân Uyên… là điều kiện thuận lợi để Bình Dương hình thành những điểm đến hấp dẫn.
Trong không khí mát rượi, các vườn quýt hồng ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) lại trĩu quả để bắt đầu đón khách phương xa. Ông Lâm Thành Thương (ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) có 5ha quýt hồng bắt đầu khai thác du lịch sinh thái vườn từ nhiều năm nay.
Ông Thương cho biết, đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng. Nơi đây mang lại cảm giác thú vị cho du khách khi đi trong vườn quýt thơ mộng, cùng chụp những bức ảnh tươi vui cạnh gia đình và người thân.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, ở kế bên trang trại quýt hồng của ông Thương là trang trại Sol Reatreat của bà Nguyễn Thị Xuân Thu.
Trước đây mảnh đất hơn 10ha này là vùng đồi dốc chỉ trồng tiêu và ít bưởi, nhưng hiện đã được cải tạo để khai thác du lịch nông thôn.
Vườn quýt hồng của ông Thương và trang trại Sol Reatreat hiện đã liên kết đưa khách tham quan, cùng với nhau tạo thành chuỗi tham quan, được nhiều du khách tìm đến.
Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá, những mô hình liên kết để phát triển du lịch nông thôn như thế là chưa nhiều. Đất trồng trọt Hiếu Liêm phần lớn là đất lâm phần.
Nhiều nông dân có nhu cầu phát triển du lịch nông thôn trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm phần. Nhưng theo quy định của pháp luật, trên các loại đất này không được xây dựng kiên cố, chỉ xây nhà tạm.
Vì vậy hình thức du lịch nông thôn tại nhiều nhà vườn chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự đầu tư bài bản, nên việc khai thác còn gặp nhiều khó khăn.
"Hội Nông dân cùng chính quyền địa phương đang chờ hướng dẫn, giải pháp cụ thể từ UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn mà nông dân làm du lịch đang vướng mắc", ông Hiếu nói.
Gỡ vướng cho du lịch nông thôn Bình Dương
Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết, sản phẩm du lịch gắn với việc khai thác các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc nhóm sản phẩm du lịch chính của tỉnh.
UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch 893 về việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch có đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; có 50% điểm du lịch nông thôn công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm phần hiện nay vẫn còn đang vướng mắc.
Ông Phong cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NNPTNT xác định các loại đất, khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp du lịch.
Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành sớm có hướng dẫn cho các địa phương về xác định các loại đất được quy hoạch cho mục đích kết hợp với hoạt động du lịch.
Sở NNPTNT tỉnh cho biết, mô hình du lịch nông thôn đang triển khai tại các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Tại các địa phương phía Nam cũng đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái vườn.
Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, ngành nông nghiệp cùng các sở ngành liên quan cũng đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, để tháo gỡ để cho nhà đầu tư, nhất là trong việc quy hoạch liên quan đến đất đai, các hoạt động về lưu trú.
Hiện nay, Sở NNPTNT cùng Sở Khoa học công nghệ đang nghiên cứu phát triển mô hình du lịch NNCNC trên địa bàn huyện Phú Giáo, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Sản phẩm của đề tài hướng đến đề xuất chi tiết mô hình du lịch nông thôn gắn với kinh tế tuần hoàn tại các trang trại nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, ông Bông chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.