Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trao đổi với PV Dân Việt, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian ứng dụng chia sẻ, trong những năm qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng với người mất có hộ khẩu Hà Nội để hướng tới tang lễ văn minh là việc làm rất thiết thực, đúng đắn.
Theo ông Sơn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Trong việc tang, nhiều hủ tục đã dần được loại bỏ. Đặc biệt thời gian gần đây, tập tục địa táng người quá cố đã giảm dần, thay vào đó là hình thức hỏa táng văn minh, tiết kiệm và đang ngày càng trở nên phổ biến.
"Không làm cỗ mời khách; không "lăn đường", "bắc cầu" đưa thi hài người chết qua đầu con cháu; không khóc mướn, rắc vàng mã khi đưa tang... Rất nhiều đám tang ở Hà Nội, đặc biệt ở các huyện ngoại thành hiện nay được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, nghĩa tình, số gia đình chọn hình thức hỏa táng ngày một nhiều hơn... Điều đó cho thấy sự chuyển biến về nhận thức trong thực hiện việc tang, đặc biệt ở nông thôn", ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cho biết, mục đích của chính sách này để người dân tham gia hoả táng. Giai đoạn đầu mọi người e ngại bởi hung táng là tập tục tồn tại hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, hoả táng là việc làm thiết thực hướng đến tang lễ văn minh nên mọi người đã có suy nghĩ tích cực hơn.
"Do đó, tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu xem xét chính sách, hỗ trợ nguồn lực mọi gia đình về việc này. Thực tế, đời sống nhiều gia đình hiện nay vẫn còn khó khăn. Thành phố cũng đã chi kinh phí không nhỏ hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng với người mất có hộ khẩu tại Hà Nội góp phần giúp người dân tham gia tích cực, đây là phong tục mới của nước ta, cần phải khuyến khích", ông Sơn nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian ứng dụng nêu, so với hình thức địa táng truyền thống thì hỏa táng giúp tiết kiệm chi phí, vừa nhanh gọn, sạch sẽ, văn minh vì không phải qua cải táng, di dời mộ nên sẽ không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, giảm đau thương cho người thân trong gia đình.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, tục hung táng là truyền thống lâu đời. Trong tâm thức nhiều người coi đây như tục lệ linh thiêng với người đã khuất, ảnh hưởng sâu nặng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Để thay đổi một thói quen ăn sâu vào tiềm thức không phải dễ. Mọi người quan niệm 'trần sao âm vậy' nên giữ nguyên vẹn người sống sao người khuất cũng vậy. Trước đây mật độ dân số thưa thớt, hiện nay mật độ dân cư đông, tăng dân số lên nhanh, biến đổi khí hậu, không thay đổi được tư duy suy nghĩ đó thì việc lo hậu sự cho người đã khuất sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, cụ thể đất đai hạn chế, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ…", bà An nêu rõ.
Bà An cho hay, chuyện hung táng sang hoả táng là thay đổi rất cần thiết, rất tiến bộ, tuy nhiên phải có quá trình cho người dân từ từ nhận thức, hiểu được điều này, sau khi hiểu và nhận thức đúng thì người dân sẽ tự giác làm. Đó là công cuộc vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, đặc biệt từ suy nghĩ văn minh của đại đa số người dân Thủ đô.
"Việc này thành phố cũng đã tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ để người dân hiểu thêm, đặc biệt ở những vùng ngoại thành Hà Nội vốn có tập quán hung táng lâu đời. Đất không nở ra, chỉ có người sinh ra, mặc dù công tác tuyên truyền tiến bộ nhưng phải có quá trình cho dân hiểu về hoả táng.
Hoả táng không chiếm nhiều diện tích, không gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến cây trồng, nông nghiệp, vật nuôi, từ đó ngấm dần tác động đến sức khoẻ con người và ảnh hưởng rất lớn, gây ra bệnh tật cho nhân dân.
Khi sức khoẻ ảnh hưởng kéo theo nhiều hệ luỵ như an sinh xã hội bị ảnh hưởng, gia đình có người ốm kinh tế khó khăn. Bởi vậy, việc tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức sẽ rất tốt", bà An chia sẻ.
Cũng theo bà An, chi phí hỏa táng thường rất thấp so với các hình thức an táng khác. Những chi phí như tổ chức tang ma tại nhà thì không kể, còn chi phí để thiêu xác sẽ đỡ tốn hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng mộ huyệt.
Ảnh phải: Đài hoá thân Vĩnh Hằng nơi thực hiện các ca hoả táng mỗi ngày tại Hà Nội; Ảnh trái: Các ngôi mộ được xây dựng theo hàng lối khang trang tại Nghĩa trang phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Định Nguyễn
Bên cạnh đó, do xác được thiêu trong lò với nhiệt độ cao nên tất cả vi khuẩn, các nguy cơ bệnh truyền nhiễm đều bị tiêu diệt. Phần còn lại sau khi hỏa thiêu chỉ là tro cốt được đặt trong tiểu quách nên tuyệt đối vệ sinh, hầu như không có bất kỳ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nào.
"Với hỏa táng thì không còn khái niệm cải táng, bốc mộ. Dù trong trường hợp bắt buộc phải di dời phần còn lại của hài cốt ông cha thì hũ cốt cũng rất dễ dàng để dời đi, không phải cải táng di dời phức tạp và tốn kém.
Hỏa táng là chuyển từ việc làm mang tính chất tập quán sang tiến bộ mới đối với tang lễ. Hỗ trợ tiền là giải pháp rất hữu hiệu để mọi người có điều kiện chuyển đổi dễ hơn", bà An nói thêm.
Chia sẻ thêm, TS Trần Hữu Sơn cho biết: "Hà Nội vận động người dân thực hiện tang lễ văn minh có nhiều điểm hay. Ngoài ra có dịch vụ nhà lạnh phù hợp tâm lý người dân thích xem ngày thế nào, có cả hệ thống nhà tang lễ. Tuy nhiên, hệ thống này chưa rộng khắp được, cần phải mở rộng công năng, công suất của các nhà tang lễ. Nên đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ hỏa tảng nhiều hơn".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Quang Nghị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong những năm qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rất quyết tâm chỉ đạo, khuyến khích hoả táng để hướng đến tang lễ văn minh và nhận được sự đồng thuận của người dân, tỉ lệ người mất hoả táng năm sau cao hơn năm trước.
"Nghị quyết hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng với người mất có hộ khẩu Hà Nội để hướng tới tang lễ văn minh là việc làm rất thiết thực, đúng đắn.
Công cuộc vận động của thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng xem đây như một chỉ tiêu thi đua để xây dựng người Hà Nội có nếp sống văn minh. Khi tôi còn đương nhiệm, Đông Anh là huyện thực hiện tốt nhất, lúc bấy giờ toàn huyện đã có hơn 80% số người mất thực hiện hoả táng, đây là tỉ lệ rất cao.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu hỉ sẽ góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến trong cộng đồng dân cư, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, phát triển", ông Nghị cho biết.
Cũng theo ông Nghị, cơ sở xây nhà hoả táng tại Hà Nội hiện còn một số vướng mắc về vấn đề liên quan đến Luật bảo vệ môi trường gây khó khăn. Thủ đô hiện nay dân cư đông đúc, nhu cầu hoả táng cho người đã khuất rất lớn.
"Chính vì vậy để tìm được địa điểm để thoả mãn được tiêu chí xây nhà hoả táng gần như chưa tìm ra được. Tôi mong các cấp ban ngành liên quan quan tâm hơn để giải quyết một số vướng mắc còn tồn tại", ông Nghị chia sẻ quan điểm.
Còn nữa!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.