Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác thực hiện nếp sống văn minh trong đám hiếu, đám hỉ. Ông Trịnh Xuân Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, trong năm qua, xã đạt tới 90% số người mất được đưa đi hỏa táng.
Để làm được điều này là sự chung tay của các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể của địa phương. Quan trọng hơn nữa là ý thức của người dân được nâng cao, nhà này nhìn nhà kia, nhận thấy được nét văn minh trong việc tổ chức tang lễ cho người thân theo cách hỏa táng nên khi gia đình có người qua đời, việc an táng theo hình thức hỏa táng được các gia đình tính đến.
Theo ông Trịnh Xuân Nam, vào năm 2021, trên địa bàn xã có một gia đình có người thân qua đời. Tuy nhiên, chính trong gia đình đã xảy ra mâu thuẫn trong việc tổ chức an táng cho người thân.
Đó là trường hợp gia đình bà Liên ở (thôn Nội) có chồng là ông Hùng mất. Gia đình họp bàn để tổ chức an táng cho ông Hùng thì có sự mâu thuẫn. Người mẹ (là bà Liên) muốn an táng chồng theo phương thức hung táng, chôn cất truyền thống. Trong khi đó, các con của bà Liên mong muốn tổ chức an táng cho bố theo hình thức mới đó là hỏa táng.
"Nắm bắt được thông tin này, lãnh đạo UBND xã phối hợp với các ban ngành tổ chức xuống thăm hỏi và nắm bắt câu chuyện, đồng thời phân tích cho bà Liên thấu hiểu được việc hỏa táng hiện nay là văn minh, không gây ô nhiễm môi trường.
Hỏa táng cũng là một nét văn hoá theo nếp sống văn hóa mới trong việc tang, đỡ gây tốn kém, một lần là xong, nhiều năm sau không phải sang cát, bốc mộ. Sau khi lắng nghe lời giải thích, động viên của chính quyền địa phương, bà Liên đã đồng ý tổ chức an táng cho chồng theo phương thức hỏa táng", ông Nam kể.
Cũng theo ông Nam, để người dân địa phương hướng tới và hưởng ứng việc tổ chức tang lễ văn minh phải kể đến những chính sách mà chính quyền thành phố đã ban hành. Bên cạnh đó là hiệu quả thiết thực toàn dân đã nhìn thấy rõ nét từ việc an táng cho người đã mất theo hình thức hỏa táng.
Được sự giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, chúng tôi đã tìm gặp anh Trịnh Văn Long con trai cả của ông bà Liên – Hùng.
Nhớ lại những thời khắc đau thương khi gia đình mất đi người thân, anh Long kể lại: "Thời điểm bố tôi qua đời, gia đình chìm trong nỗi tiếc thương vô hạn. Ai rồi cũng sẽ mất đi, người sống làm sao để tổ chức an táng cho người đã mất một cách gọn gàng, văn minh bắt kịp được xu hướng phát triển của xã hội nhưng lại phải giữ trọn chữ hiếu khiến tôi đau đầu".
Theo anh Long, ở thời điểm đó, mẹ anh vẫn quả quyết tổ chức an táng cho bố mình theo hình thức cũ là chôn cất. Mẹ anh vẫn giữ quan điểm cũ "chết phải được chôn dưới ba tấc đất". Tuy nhiên, anh và những người con khác trong gia đình muốn tổ chức tang lễ cho bố theo hình thức mới đó là hoả táng.
Mỗi người một quan điểm. Sau khi chính quyền địa phương tới thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời làm công tác tư tưởng, vận động bà Liên, cuối cùng bà đồng ý cùng các con tổ chức an táng cho chồng theo hình thức hỏa táng.
"Nếu như gia đình tôi an táng bố theo hình thức truyền thống thì thời điểm này đang phải chuẩn bị phương án sang cát cho ông. Anh em trong gia đình lo một lần là xong, đỡ tốn kém và đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường. Những người thuộc thế hệ đi trước giống như mẹ tôi đa phần vẫn giữ quan điểm cũ, tuy nhiên nhìn vào thực tế họ đã thay đổi rất nhiều", anh Long chia sẻ.
Để chuyển hình thức an táng người quá cố từ hung táng sang hỏa táng, bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương đến nhận thức của người dân thì các đài hoá thân được xây dựng đã góp phần rất lớn trong công cuộc này.
Có mặt tại Đài hóa thân Vĩnh Hằng bên trong Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) một ngày cuối tháng 7, không khí tang thương bao trùm khắp mọi nơi. Hàng chục gia đình đưa thi thể người thân tới đây để hoả táng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bần thần cho biết, trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua, gia đình lần lượt mất đi 3 người thân, đều là những người cao tuổi.
"Với tôi Đài hóa thân Vĩnh Hằng quá quen thuộc vì liên tiếp 3 người thân của tôi đều được gia đình nhất quán đưa lên đây hoả táng. Ở địa phương nơi tôi đang sinh sống, nếu 10 người mất thì có tới 9 người được gia đình đưa đi hoả táng. Quỹ đất để an táng người chết theo hình thức truyền thống không phải không còn. Cơ bản do mọi người nhận thức được việc an táng người chết theo hình thức hỏa táng văn minh, sạch sẽ, đỡ tốn kém", chi Hồng Ánh chia sẻ.
Chị Hồng Ánh chia sẻ thêm, không chỉ những gia đình sinh sống ở thành phố, đất chật người đông mới nghĩ tới chuyện an táng người quá cố theo hình thức này. Ở các huyện ngoại thành, hình thức an táng người quá cố theo hình thức hỏa táng ngày một nhiều hơn.
Cũng trong khuôn viên Đài hóa thân Vĩnh Hằng, chúng tôi gặp chị Lê Thị Mai (32 tuổi) (Quốc Oai, Hà Nội). Chị Mai cùng gia đình đưa thi thể chồng lên đây hoả táng, chồng chị mất vì căn bệnh ung thư gan.
Gạt đi những giọt nước mắt tiếc thương vì mất đi người thân, chị Mai nghẹn ngào cho biết: "Từ khi gia đình nhận được hung tin, bác sĩ thông báo chồng tôi sẽ không sống được lâu vì căn bệnh ung thư gan. Mọi người trong gia đình dù rất đau buồn nhưng vẫn phải tính tới phương án an táng chồng tôi khi anh ấy mất. Ở địa phương bây giờ phần lớn các gia đình có người thân qua đời đều chọn phương án hỏa táng thay vì hung táng như trước đây".
Theo chị Mai, chồng chị là con cả trong gia đình, anh chị sinh được 2 người con, một trai, một gái thì không may anh lâm bệnh rồi qua đời. Các con còn quá nhỏ, em của chồng thì cũng đi làm ăn xa, bố mẹ chồng tuổi cũng đã cao. Chị quyết định an táng cho chồng theo hình thức hỏa táng cũng là tính một bước về sau không ai phải phiền toái nghĩ tới chuyện bốc mộ, sang cát cho chồng chị.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lê Hào Quang, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết, mặc dù là huyện ngoại thành nhưng những năm qua người dân đã nhận thức rất nhân văn và thực hiện Nghị quyết của thành phố về việc khuyến khích hoả táng để hướng tới tang lễ văn minh.
Ông Quang thông tin, trong năm 2023, nhiều xã trên địa bàn tỉ lệ người tử vong thực hiện hoả táng đạt trên 95% gồm xã: Phú Cường, Phong Vân, Tản Hồng…, có xã 100% người tử vong thực hiện hoả táng gồm: Châu Sơn, Tòng Bạt.
Tại xã Tòng Bạt là đơn vị có tới 100% người chết được an táng với hình thức hỏa táng. Đây là sự cố gắng rất lớn của các cấp chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân.
Ông Lương Văn Thành, Trưởng thôn Thái Bạt 1, xã Tòng Bạt dẫn chúng tôi ra khu vực nghĩa trang của thôn. Theo quan sát, cả khu nghĩa trang rộng lớn với nhiều hàng mộ mới, cũ được xây đều tăm tắp, hàng lối, kích thước rõ ràng.
Theo ông Thành, thôn Thái Bạt 1 luôn đi đầu cả xã Tòng Bạt trong việc hướng tới công việc hiếu hỉ văn minh. Thôn cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện tang khô, một trong những hình thức tổ chức đám tang cho người mất mới lạ.
"Tang khô là hình thức mới, khi gia đình có người thân không may qua đời, họ sẽ lên xã khai tử, khâm liệm xong sẽ đưa đi hoả táng. Hỏa táng xong xuôi, lúc ấy mới mang tro cốt về và tổ chức phát tang", ông Thành lý giải.
Sở dĩ thôn Tòng Bạt 1 tổ chức đám tang khô cũng bởi địa phương có vị trí địa lý thuận lợi khi ở gần Đài hóa thân Vĩnh Hằng. Hơn nữa người mất hiện nay có nhiều nguyên nhân, từ bệnh tật, tai nạn, tuổi già. Khi thực hiện đám tang khô sẽ tránh được việc người này, người kia lo sợ bệnh tật, kiêng khem không tới dự.
"Từ khi tổ chức tang khô, số lượng người dân trong thôn tới dự các đám tang đông lên", ông Thành khẳng định.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu tổ chức tang khô, trưởng thôn Thái Bạt 1 cảm thấy tự hào khi ông và người dân trong thôn đã làm được một việc thật sự văn minh, đưa việc tổ chức tang lễ lên một tầm cao mới.
"Trường hợp đầu tiên chúng tôi phải đi vận động, khi nhận được thông tin gia đình nhà ai trong thôn có người mất, là đại diện chính quyền, đoàn thể, chi hội sẽ tổ chức tới thăm hỏi, động viên gia đình. Sau họ nhận thức được việc tổ chức tang khô có lợi như thế nào cho người chết, thì họ làm theo. Dần dần, nhà này nhìn nhà kia, người dân trong thôn cứ thế làm theo và trở thành truyền thống của thôn", ông Thành chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 25/01/2010 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Ba Vì về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội.
Với phương châm "Mưa dầm thấm lâu" trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên cả nước nói chung và huyện Ba Vì nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, không để người chết quá thời gian quy định trong nhà, không phúng viếng người chết bằng thức ăn chín, không còn việc mời khách ăn uống trong đám tang, nhiều tục lệ mới tiến bộ đã hình thành, giúp cho gia đình có tang giảm bớt các chi phí..
Ở Tòng Bạt mặc dù xuất phát điểm về kinh tế - xã hội không cao, trình độ dân trí không đồng đều nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cùng với sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã đạt những kết quả khả quan, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
"Nhận thức được tầm quan trọng ấy, Đảng ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ trong việc tang. Khắc phục những tồn tại, phê phán đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện hỏa táng, hạn chế hung táng, xóa bỏ các tình trạng lợi dụng việc tang để trục lợi, các tệ nạn xã hội có trong việc tang. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở khu dân cư", ông Sự nói.
Theo ông Sự, Tòng Bạt là một trong những địa phương sớm thực hiện Nghị quyết 02 của Huyện ủy Ba Vì trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Bên cạnh đó UBND xã cũng tạo điều kiện thuận lợi như thực hiện khai tử ngoài giờ hành chính để nhân dân có thể hoàn thiện thủ tục nhanh nhất và đưa người quá cố đi hỏa táng.
"Các quy định cụ thể về việc tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới đã được đưa vào quy ước, hương ước của làng. Đối với việc tang, khi có người trong thôn qua đời, ban tang lễ của thôn sẽ đảm nhận các công việc, chi phí đều được trích từ quỹ của các thôn theo quy định chung của quy ước, hương ước làng văn hóa.
Từ những kết quả đạt được có thể thấy 'Dân vận khéo' trong thực hiện việc tang ở xã Tòng Bạt được đánh giá đạt hiệu quả cao, với sự hưởng ứng của đại đa số nhân dân trên địa bàn", ông Sự nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND xã Tòng Bạt chia sẻ thêm, thông qua mô hình khẳng định được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, khối dân vận xã, góp phần thúc đẩy cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư, phát huy sức mạnh tổng hợp của đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Hữu Đăng, Giám đốc Công viên Vĩnh Hằng cho biết, ngày 1/7/2014, Công ty Cổ phần Ao Vua đã đầu tư thêm 80 tỷ đồng để xây dựng Đài hóa thân Vĩnh Hằng nhằm phục vụ nhu cầu hỏa táng của nhân dân và góp phần giảm áp lực cho Đài Hóa thân Hoàn Vũ tại Nghĩa trang Văn Điển.
Đài hóa thân có công suất 9 lò đốt, đáp ứng tối đa 100 ca/ngày đêm, với hình thức xã hội hóa 100%. Lò đốt đạt nhiệt độ từ 750 đến 1.300 độ C đảm bảo thiêu cháy hoàn toàn chỉ còn lại tro cốt.
"Những năm đầu tiên Đài hóa thân Vĩnh Hằng hoả táng khoảng 8 đến 9 nghìn ca một năm, năm vừa rồi tăng lên 13 nghìn ca hỏa táng. Đài hóa thân Vĩnh Hằng hiện có 9 lò đốt, nếu hoạt động hết công suất thì một ngày hoả táng được khoảng 100 ca, còn bình thường sẽ hỏa táng 30 đến 40 ca một ngày", ông Đăng tiết lộ.
Hàng năm, Đài hóa thân Vĩnh Hằng thường xuyên đón tiếp các tổ chức, đoàn hội ở nhiều địa phương trên cả nước tới thăm quan, học hỏi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm thay đổi nhận thức về việc an táng người chết ở nhiều địa phương trên cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.