Vì sao Hồ Tấn Tài đứt dây chằng lại nặng hơn Nguyễn Xuân Son gãy chân?
Vì sao Hồ Tấn Tài đứt dây chằng lại nặng hơn Nguyễn Xuân Son gãy chân?
Thứ ba, ngày 14/01/2025 23:19 PM (GMT+7)
Với chấn thương đứt dây chằng chéo trước ở đầu gối, phải mất thời gian khá lâu và kiên trì phục hồi thì Hồ Tấn Tài mới có thể trở lại thi đấu chuyên nghiệp.
Sáng 14/1, hậu vệ Hồ Tấn Tài đã được phẫu thuật dây chằng tại TP.HCM sau chấn thương nghiêm trọng trong trận bán kết lượt về ASEAN Cup 2024 giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore diễn ra vào tối 29/12/2024.
Trong tình huống khống chế bóng và tiếp đất sai tư thế trên sân Việt Trì (Phú Thọ), đầu gối của Tấn Tài bị trẹo, khiến anh ngã xuống sân. Qua thăm khám kết hợp với ảnh chụp MRI, bác sĩ xác định nam hậu vệ bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước kết hợp với rách sụn chêm ngoài.
Chấn thương dây chằng vốn là một tình huống phức tạp và thường đòi hỏi thời gian phục hồi kéo dài. Vốn không có va chạm mạnh với đối thủ, nhưng nguyên nhân nào đã khiến Tấn Tài gặp phải chấn thương nghiêm trọng như vậy?
Tiếng “bựt” phát ra từ đầu gối
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết đứt dây chằng là một trong những chấn thương thường gặp trong các môn thể thao có cường độ cao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và bóng rổ.
Chấn thương đứt dây chằng thường xảy ra khi đầu gối chịu lực không đúng cách, đặc biệt trong các tình huống tiếp đất không vững, khiến khớp gối bị lệch hoặc xoắn mạnh. Bên cạnh đó, các động tác thay đổi hướng đột ngột, đặc biệt là khi chân trụ chịu lực xoắn mạnh trong quá trình chạy, cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đứt dây chằng.
Với Tấn Tài, chấn thương của anh diễn ra trong tình huống tương tự. Khi thực hiện pha bóng, anh đã thực hiện một động tác thay đổi hướng đột ngột, khiến chân trụ của anh chịu một áp lực quá lớn, dẫn đến hiện tượng vặn xoắn mạnh ở vùng khớp gối. Điều này gây ra tổn thương nghiêm trọng đến dây chằng chéo trước của anh. Theo lời kể của nam hậu vệ, khi thực hiện động tác này, anh nghe rõ một tiếng “bựt” phát ra từ đầu gối, đây là dấu hiệu của việc đứt dây chằng.
Nam cầu thủ ngay sau đó đã được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến bệnh viện địa phương để kiểm tra chấn thương. Theo kết quả chụp MRI ban đầu, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo rằng Tấn Tài chỉ bị đụng dập dây chằng chéo trước ở đầu gối phải và không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành các công đoạn chụp chiếu và chẩn đoán bổ sung, tình trạng thực tế của nam cầu thủ được xác định là nghiêm trọng hơn.
Theo bác sĩ Trần Anh Vũ, việc kết quả chụp chiếu và chẩn đoán ban đầu không thể phát hiện hết mức độ chấn thương của hậu vệ Tấn Tài là do hai yếu tố chính. Thứ nhất, sau khi chấn thương, vùng đầu gối của Tấn Tài bị tụ máu, làm mờ đi hình ảnh của dây chằng trên phim chụp MRI. Điều này khiến các bác sĩ khó xác định rõ mức độ tổn thương của dây chằng trong giai đoạn đầu.
Thứ hai, tình trạng sưng tấy và đau dữ dội tại khu vực đầu gối do viêm nhiễm và tổn thương mô mềm cũng làm cho việc thực hiện các kiểm tra lâm sàng gặp khó khăn, vì cơn đau mạnh khiến việc đánh giá các phản xạ và phạm vi chuyển động của khớp gối trở nên hạn chế.
Vì sao Tấn Tài chấn thương nặng hơn cả Xuân Son?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia chấn thương chỉnh hình - y học thể thao, cho biết qua thăm khám kết hợp với hình ảnh từ chụp MRI, Tấn Tài được xác định bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước kết hợp với rách sụn chêm ngoài. Kết quả này chính xác và đầy đủ hơn so với kết quả thăm khám ban đầu.
Trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan, tình huống chấn thương của tiền đạo Xuân Son cũng đã được ghi nhận. Dù không có va chạm trực tiếp với đối thủ, cú ngã mạnh đã khiến anh gãy kín 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, với một mảnh xương dài đến 7 cm ở thành sau.
So sánh chấn thương của hai cầu thủ, bác sĩ Phạm Quốc Hùng nhận định rằng chấn thương đứt dây chằng chéo trước của Tấn Tài là một tình huống phức tạp và nghiêm trọng hơn so với gãy xương của Xuân Son.
Nguyên nhân là vì dây chằng khớp gối có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của khớp và điều khiển các chuyển động của đầu gối. Khi dây chằng bị đứt, tình trạng này có thể gây ra sự mất ổn định khớp, dẫn đến nguy cơ tổn thương thêm các cấu trúc khác, làm tăng mức độ phức tạp và khó dự đoán của chấn thương. Vì vậy, thời gian phục hồi của Tấn Tài sẽ kéo dài hơn một vài tháng, tùy thuộc vào mức độ phục hồi của các mô xung quanh.
Trong khi đó, chấn thương gãy xương, mặc dù nghiêm trọng, quá trình điều trị lại đơn giản hơn so với chấn thương dây chằng. Việc điều trị gãy xương chủ yếu bao gồm cố định xương và đảm bảo xương lành lại đúng vị trí. Quá trình phục hồi cũng nhanh hơn nếu cầu thủ được mổ kín.
Với phương pháp tái tạo dây chằng, sau khoảng 6 tháng, Tấn Tài có thể tập luyện phục hồi cường độ cao và ít nhất 1 năm sau khán giả sẽ lại được thấy nam hậu vệ trở lại sân cỏ.
Chấn thương của Hồ Tấn Tài là mất mát lớn cho HLV Kim Sang Sik, khi anh là trụ cột quan trọng ở hành lang cánh phải của đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt, điều này diễn ra vào thời điểm đội tuyển đang chuẩn bị cho mục tiêu giành vé dự Asian Cup 2027 thông qua các trận đấu vòng loại trong năm nay.
Ca phẫu thuật của Hồ Tấn Tài diễn ra thành công tốt đẹp vào sáng 14/1, được thực hiện bởi bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chấn thương thể thao.
Bác sĩ Hùng là người đã trực tiếp điều trị cho nhiều cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển Quốc gia như Hai Long, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng và nhiều vận động viên chuyên nghiệp khác...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.