img

rong những năm làm phóng viên nội chính, vào những dịp đặc xá, tôi nhiều lần vào trại tạm giam và từng tiếp xúc với đủ loại tội phạm từ ma tuý, mại dâm, cướp của... Những kẻ phạm tội với hành vi, thủ đoạn, hay sự tàn ác của chúng luôn chạm đến những cảm xúc của con người, khiến chúng ta tò mò, sợ hãi và căm phẫn. Ngày hôm qua (1/6), Triệu Quân Sự - một phạm nhân đang thụ án chung thân tại Trại giam T974 (thuộc Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng) đã bị bắt gọn sau gần 1 ngày trốn trại. Đây là lần thứ 3 phạm nhân này "đào tẩu". Lực lượng chức năng đã phải phát đi cảnh báo về sự nguy hiểm của Triệu Quân Sự để người dân nâng cao mức cảnh giác.

i cũng từng tiếp xúc với những tên tội phạm mà hành vi giết người vô cùng man rợ, như tử tù Nguyễn Đức Nghĩa ra tay sát hại bạn gái thành nhiều mảnh; Nguyễn Thế Đô, một kẻ nghiện ngập sát hại bà lão để cướp chiếc nhẫn vàng hay Nguyễn Văn Thuân phạm tội giết người khi mới ngoài 20 tuổi. Dù tội ác dã man như vậy, nhưng ở một khoảnh khắc nào đó, trong họ vẫn le lói sự ân hận về hành vi phạm tội của mình.

Trong câu chuyện với Dân Việt trò chuyện, Đại tá Bùi Ngọc Bình, nguyên Giám thị Trại tạm giam số 1 kể rằng, đa phần vào những giây phút cuối, tử tù đều run sợ, suy sụp dù đều biết rõ hình phạt phải đối mặt.

"Giết người tàn bạo thì phải đền tội, đó là cái giá phải trả cho sự công bằng, là lời cảnh tỉnh, răn đe cho những ai có ý định phạm pháp trong xã hội. Nhưng tôi nghĩ, khơi gợi cho họ được niềm tin vào cuộc sống là công việc thầm lặng của các quản giáo để nếu có kiếp sau, họ sẽ sống tốt hơn" - Đại tá Bùi Ngọc Bình chia sẻ.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 2.

Tôi nhớ lần đầu tiên được ông - lúc đó là Giám thị Trại tạm giam số 1 -  dẫn vào trường bắn Cầu Ngà, nằm ngay phía sau Trại. Con đường đến trường bắn là độc đạo, trường bắn nằm ở điểm cui cùng. Lúc đó cảm giác không khí u tịch, bởi nhiều năm qua, đây là nơi có đến vài nghìn tử tù phải đền tội.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 3.

-  Tôi về làm Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội từ năm 2010. Nhưng trường bắn cầu Ngà (Cầu Diễn, Hà Nội) đã có từ năm 1993, lúc đó trại giam chuyển từ đường Hỏa Lò về. Trường bắn Cầu Ngà nằm cuối con đường và ở ngay phía sau, chỉ cách cổng trại khoảng 1km. Trước đó, các cuộc thi hành án tử hình đều diễn ra vào lúc tờ mờ sáng, mặt trời lên là mọi việc đã hoàn tất. Ở đây ban ngày yên tĩnh, ban đêm vắng lặng. Khi tôi về làm giám thị đã cho cải tạo, trồng hàng rào bằng cây xung quanh nghĩa trang, khu thờ riêng, khu thi hành án riêng, công tác bảo vệ cả phía ngoài, lẫn trong đều nghiêm ngặt.

Ở giữa trường bắn, ngôi nhà dùng để tiêm thuốc độc đi vào hoạt động từ năm 2013. Ngôi nhà được xây dựng gồm 3 phần: một dành cho thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm.

Và thường cuối ngày, cán bộ của tôi thời đó vẫn ra đây chơi thể thao, đánh cầu lông. Từ khi nghỉ hưu năm 2016 đến nay tôi cũng chưa quay trở lại lần nào, nhưng tôi nghĩ giờ trường bắn cũng đã khác trước nhiều.

Trại tạm giam số 1 là đơn vị có số lượng can phạm, phạm nhân bị tạm giam, thụ án nhiều nhất trong số 3 trại tạm giam của Công an Hà Nội, đa phần là tội phạm cm cán, nguy hiểm. Ông có nhớ là thời điểm làm giám thị, ông "canh giữ" bao nhiêu tội phạm không?

- Thời điểm tôi làm giám thị, có khoảng 4.000, có lúc 4.500 can phạm, phạm nhân bị tạm giam, thụ án. Nhiều nhất vẫn là tội phạm ma túy, nguy hiểm và nhiều thủ đoạn.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 4.

Ông và các quản giáo đã phải "đối mặt" với những thủ đoạn tinh vi nào?

- Ở trại tạm giam, công tác khám xét, chống tự sát phải vô cùng tỉ mỉ, phòng ngừa có khi từ một chiếc đai áo, một sợi dây rút quần. Với những kẻ lưu manh từng nhiều lần ra tù vào tội thì chúng manh động, quậy phá cũng đủ trò. Chúng tôi cũng phải chống phạm nhân bị suy kiệt, chống bỏ trốn, chống thông cung... Phức tạp vô cùng.

Đối với các can phạm về ma tuý phải rất nghiêm ngặt. Bởi hầu hết tội phạm này mà được đưa ra tòa xét xử, khi xin đi vệ sinh thì có thể ma túy được đồng bọn đã gài sẵn trong nhà vệ sinh. Vào kiểm tra kiểu gì, nếu phát hiện được thì truy tố thế nào? Xử lý thế nào? Cán bộ của mình thì thế nào? Đó cũng là cả một vấn đề.

Vì vậy, khi can phạm được đưa về trại, tôi bắt xếp hàng, đứng lên ngồi xuống sát đất nhiều lần, ma tuý được giấu ở các vùng kín sẽ bị lộ ra ngay.

Hay cách tuồn ma túy vào trong trại. Chúng tinh vi, cao thủ lắm. Khi người nhà tiếp tế, có khi chúng giấu trong đế dép tổ ong, giấu trong gấu quần, hay cửa quần sóc. Có khi chúng cho vào nải chuối, quả mít hay giấu vào ruột gà sống... Để triệt phá thủ đoạn này, tôi không cho gửi hiện vật, trường hợp nào muốn gửi hiện vật phải qua quá trình kiểm tra rất kỹ.

Đối tượng tội phạm nào khiến ông phải "cân não" nhất?

- Ở Trại tạm giam số 1, nhiều nhất vẫn là tội phạm về ma túy, án phạt rất nặng, cao nhất là mức tử hình. Mà loại tội phạm này nhiều người đến từ một số tỉnh phía Bắc. Đã là án tử hình, khi vào đây, hầu như tội phạm chỉ tìm cách để chết, vì nghĩ rằng "đằng nào cũng phải chết". Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều tình huống phạm nhân tìm mọi cách để chết mà bình thường chúng ta không thể nghĩ ra được. Có phạm nhân quyết liệt như vậy, những người làm quản giáo phải vừa làm tâm lý, vừa "trói chặt" nhưng cũng phải rất khéo, nếu không chúng nghĩ "đường cùng" rồi, nên "cùng" luôn.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 5.

Với những tội phạm có tâm lý phức tạp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ông làm thế nào để "khắc chếđược họ?

- Can phạm, phạm nhân cũng là con người, cách giáo dục làm thế nào để cởi bỏ được cho họ tâm lý là quan trọng nhất. Nói chung trong tù muôn hình vạn trạng. Với những đối tượng này ngoài việc phải tìm hiểu hồ sơ, nắm bắt qua cơ quan điều tra thì phải gần gũi để nắm bắt được những biến động về tư tưởng. Rất nhiều can phạm, phạm nhân rơi vào hoàn cảnh phạm tội mà nếu biết ra có thể ngăn chặn được. Để cảm hóa được những đối tượng này, vừa phải tâm lý, vừa phải tìm hiểu hoàn cảnh, khó khăn, bức xúc, sau đó tính toán đến cách giáo dục, động viên. Làm thế nào gần gũi để tìm hiểu được cả gia đình họ, để người ta cùng với mình cảm hóa đối tượng.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 6.

Tất cả các đối tượng bị án phạt tử hình, khi vào trại tôi đều tâm tình, hỏi han về nguyên nhân... Vào những ngày lễ, tôi cho phạm nhân giao lưu với những gia đình thương binh liệt sĩ, hay những thủ khoa đại học mà có hoàn cảnh người nhà từng là phạm nhân để họ nhìn đó là tấm gương, để thức tỉnh. Có khi tôi cho phạm nhân ra ngoài để xây nhà tình nghĩa. Bản thân những phạm nhân này khi được làm những việc đó, họ cũng thấy đó là công việc có ý nghĩa nên rất tâm huyết. 

Có lúc tôi cho hàng trăm phạm nhân ra ngoài, nhưng chưa có trường hợp nào bỏ trốn. Nhiều người lo ngại vấn đề nếu để chúng trốn trại thì sao, ngoài việc chọn người thì phải làm thế nào để họ thấy được đó là việc làm có ích, họ được cống hiến cho xã hội. Giáo dục phạm nhân không phải chỉ nói miệng, giáo điều mà phải bằng hành động thật. Nhưng để làm được điều đó, lãnh đạo cũng phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. 

Hay, có những việc mà người ngoài nhiều khi không hình dung được vấn đề xảy ra trong trại. Có phạm nhân rất cao thủ, cầm đầu buồng, như một chủ tọa, chỉ đạo, nói luật chặt chẽ. Ví dụ mai có đứa ra tòa, đứa cầm đầu (trưởng buồng giam) dạy ngày mai sẽ có câu hỏi nào, người này làm chủ tọa thì phải trả lời thế nào, bảo vệ mình ra sao, có những chiêu trò gì... Có mấy ai tưởng tượng được trong tù chúng biết điều ấy. Phạm nhân này lại trở thành tay sai của đứa trong tù, và mai ra tòa, có khả năng chúng vẫn hình thành được một đường dây tội phạm khác. Vậy làm thế nào để chia cắt được chúng, là cả một vấn đề.

Trong giáo dục phạm nhân, tôi để ý cả hiện thực lẫn tương lai của mỗi con người. 10 trường hợp thì 6-7 người do hoàn cảnh mà dẫn đến phạm tội, chứ không phải ý thức. Vấn đề là mình nắm được tâm lý, tình cảm, sau đó mình định hướng, tính toán giáo dục làm sao để cải tạo. Các ngày đặc xá, tôi vẫn chào hỏi phạm nhân, có đứa còn ôm tôi khóc trước khi ra tù.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 7.

Đối với những mâu thuẫn của các "tay anh chị cộm cán giang hồ" trong tù thì sao, thưa ông?

- Trong tù cũng như một xã hội thu nhỏ, có tội phạm vẫn thích giương oai, xây dựng "lãnh địa", muốn làm "trùm" trong buồng giam. Nhiều giám thị để giải quyết mâu thuẫn trong tù, thấy chúng đánh nhau thì ký quyết định kỷ luật, hay cùm. Nhưng như thế không hiệu quả. Tôi bao giờ cũng vào buồng giam, hỏi kỹ nguyên nhân đánh nhau là gì. Nếu là mâu thuẫn từ ngoài xã hội thì dứt khoát phải tách buồng và tính phương án khác. Còn nếu chỉ vì tranh chấp một chút thì mình tâm lý, phân tích, hỏi han: "Chúng mày muốn thế nào? Nếu thực sự chỉ thế, thì Ban sẽ tạo điều kiện, cảnh cáo, khiển trách chứ không cùm"... Vì phạm nhân sợ nhất là bị cùm. Sau những lúc như thế có đứa thay đổi, xin lỗi, ôm nhau khóc và ở với nhau đến lúc ra tù. 

Nếu mình hiểu tâm lý là tội phạm rất sợ bị cùm, lúc ấy mới là lúc chúng thay đổi. Chứ nếu đã chấp nhận bị cùm rồi, một tuần quen rồi, thì có cùm năm này qua năm khác chúng chẳng còn sợ nữa, lúc đó không ăn thua.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 8.

Để phát hiện các tù nhân tìm cách trốn trại phải làm thế nào? Tôi nhớ ở Trại tạm giam số 1 có thời điểm đã xảy vụ vượt ngục chấn động Hà Nội. Hai tử tù đã dùng chiếc dũa được ghép bởi 10 bánh xe bật lửa, dao lam, mẩu gch men vỡ để tạo độ ma sát đã cưa đứt cùm và trốn thoát khỏi buồng biệt giam... 

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 9.

- Vất vả nhất có lẽ là quản lý buồng giam tử tù, đây là những đối tượng giam giữ đặc biệt. Ngoài kiểm tra bằng mắt, lắng nghe bằng tai rồi cán bộ quản giáo còn phải bằng linh cảm và kinh nghiệm… Tội phạm tinh vi lắm, chúng có thể mở khoá cùm trong vòng vài giây, có khi chỉ bằng một cái tăm. Khi về trại, tôi đã phải cho thay bằng khoá của Mỹ, mỗi cái khoảng 3 triệu đồng. Tôi cũng rất chú ý đến công tác quản giáo, bởi nếu chỉ lơ là sẽ mắc sai lầm ngay. Vậy, chỉ bằng cách là phải thực sự quan tâm đến tâm tư, tình cảm của can phạm, phạm nhân, để họ vượt qua những rào cản về tâm lý, thì họ mới yên tâm cải tạo, mong chờ vào sự khoan hồng của pháp luật.

Còn trường hợp chị nói, đó là thời điểm tháng 10/2001, thời điểm đó Đại tá Nguyễn Văn Hoắc làm giám thị và đã bị buộc phải nghỉ chế độ. Hà Nội đã phải huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lần theo manh mối và bắt được hai tử tù trốn trại sau 17 ngày.

Dư luận lúc đó cũng nhiều người cho rằng tử tù không thể tự bỏ trốn khỏi phòng biệt giam được nếu không có tay trong, bởi họ nghi ngờ làm sao dao lam có thể cưa được song sắt, và cùm chân thì to bằng nửa cổ tay? Sau đó, qua điều tra và thực nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã kết luận do phạm nhân tự cưa cùm bỏ trốn. Vụ đó gây chấn động Hà Nội.

Thời điểm tôi làm giám thị, chưa để xảy ra trường hợp tử tù nào trốn trại. Nhưng trường hợp ốm chết vì bệnh tật và tự sát là có. Tôi nhớ có lúc nhập tài liệu trước đó, có năm có 60 người chết, trong đó có 40 người tự sát. Thử hỏi, phải trông giữ 4.000-4.500 can phạm, phạm nhân, lực lượng cán bộ của mình làm sao đủ để trông giữ được hết, trong khi nhiều tội phạm vào trại hoảng loạn, nhiều đêm khóc lóc, không ăn ngủ, "chỉ muốn chết", có khi chỉ vì hận gia đình không gặp gỡ, không tiếp tế... Để hạn chế được tình trạng này là điều không dễ dàng. Nhưng tôi đã cố gắng để giảm tối đa số phạm nhân chết vì tự sát, vì bệnh tật. Những năm tôi làm giám thị, tỷ lệ đó giảm được tới 60%.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 10.

Mới đây nhất, chiều tối 31/5, ở Thanh Hoá, đối tượng Triệu Quân Sự mang án tù chung thân cũng đã trốn trại tới lần thứ 3. Theo ông, trước đó đã từng có đối tượng nào "đào tẩu" tới 3 lần chưa?

- Nhập ngũ từ năm 18 tuổi, Triệu Quân Sự đã 5 lần đào ngũ. Trước khi bị bắt, Sự là binh nhì của Quân khu 1, tỉnh Thái Nguyên. Lần thứ nhất vượt ngục vào tháng 11/2015, Sự cưa song sắt trại giam. Chiều 3/6/2020, lợi dụng sự sơ hở của giám thị, Sự trốn khỏi trại thuộc quân khu V, Quảng Ngãi, trốn theo đường ống nước ra ngoài. Lần thứ 3 này, Sự trốn khỏi trại giam ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, thuộc Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng và vừa bị bắt lại một ngày sau đó. Theo tôi được biết thì trước đó chưa từng có phạm nhân nào vượt ngục đến lần thứ 3.

Theo ông, những kẽ hở nào trong công tác quản lý trại giam khiến tội phạm có thể lợi dụng để tẩu thoát?

- Có 3 vấn đề mà trong suốt thời gian làm giám thị trại giam tôi luôn phải lưu tâm. Đó là vấn đề về khoá cùm và khoá buồng giam. Tội phạm giết người, cướp của thường rất manh động và nguy hiểm, chúng ngày càng tinh vi, dạy nhau cách mở khoá. Tôi đã từng cho phạm nhân trong trại thử mở khoá thường. Chị có tin không, chúng có thể mở trong vòng 3 giây. Đó là lý do khi về làm giám thị, tôi thay tất cả khoá bằng khoá của Mỹ sản xuất.

Thứ hai là vấn đề canh gác vào ban đêm. Thường quản giáo, cán bộ, chiến sĩ còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm. Nếu không quản lý chặt chẽ, ban đêm, rất có thể một số người mất cảnh giác.

Thứ ba là vấn đề quan hệ. Thường một thời gian dài ở trại giam, mối quan hệ giữa quản giáo và phạm nhân cũng cởi mở, tin tưởng hơn. Đó chính là lúc sơ hở mà phạm nhân có thể lợi dụng để tiếp tục phạm tội.

Làm thế nào để hạn chế được tình trạng "tiếp tay" cho tội phạm ca chính quản giáo trong trại?

- Ở hầu hết các trại tạm giam, trại giam, các đối tượng bán hàng, quán nước ở bên ngoài chúng tôi đều hết sức cảnh giác, bởi đó chính là những "cầu nối" tiếp tay cho cán bộ quản giáo trong trại. Khi một gia đình can phạm, phạm nhân đến tiếp tế, họ qua quán nước tìm hiểu, và có những trường hợp tôi đã biết và phải xử lý, họ "chia 3 luôn". Ví dụ, người nhà gửi 3 triệu đồng cho phạm nhân trong trại, họ chia theo "luật": môi giới (chủ quán nước) 1 triệu, quản giáo 1 triệu, còn phạm nhân 1 triệu.

Cũng có nhiều gia đình phạm nhân vì muốn con em mình trong trại được sống "sung sướng" hơn, nên  có ý này nọ. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Nếu mình không đạt được vấn đề về tâm lý đối với can phạm, phạm nhân sẽ dẫn đến hậu quả, thậm chí chúng sẽ lại tiếp tục phạm tội. Có thể chúng lại "chặt chém" ngay các đối tượng trong buồng giam. Còn nếu không rõ ràng, cán bộ của mình cũng "ăn đòn", tức là ranh giới nhận hối lộ trong trường hợp này rất mong manh. Vì vậy tôi công khai tạo điều kiện hết sức cho người nhà can phạm, phạm nhân được phép vào thăm, gửi tiền, quà, như vậy họ sẽ không phải móc ngoặc qua những quán nước bên ngoài nữa. Tôi đã chặt đứt sự móc ngoặc từ quán nước. Có như thế anh em mới nghiêm chỉnh được.

Ông đã từng phải xử lý sai phạm ca cán bộ quản giáo nào?

- Trong trại tạm giam, cũng có những lúc quản giáo, cán bộ, chiến sĩ trực đêm tụ tập đánh bạc. Có nữ quản giáo mà "nợ cả gánh" luôn, đơn từ về nợ nần gửi đến, có người vì hoàn cảnh chán chường mà sinh ra cờ bạc... Nhiều cán bộ lớn tuổi cũng dễ làm sai hơn vì tâm lý "còn ít thời gian". Có trường hợp tôi đã giải quyết thấu tình đạt lý, cho họ tự nguyện viết đơn ra khỏi ngành. Làm thế xong mọi thứ đi vào trật tự luôn.

Thật ra, theo ông, đấu tranh trước việc "nhận hay không nhận hối lộ" có khó không? Làm thế nào để từ chối được?

- Với cán bộ khác tôi không dám nói. Ai cũng có tham sân si, đứng trước tiền và rất nhiều tiền, người ta rất dễ sa ngã. Tôi bao nhiêu năm làm công tác điều tra, những người vào trại tạm giam về án kinh tế cũng là những người có đầu óc giỏi kinh hoàng, có tiền có của, nếu không biết giữ mình, sẽ dễ bị mắc sai lầm lắm. Thế nên vượt qua được chính mình mới là điều khó.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 11.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 12.

Mỗi tử tù bị đưa vào trại giam là một số phận, con đường sa ngã khác nhau. Sau phiên phúc thẩm, họ trở về buồng giam và sống trong tâm trạng chờ đợi lo lắng đến lượt thi hành án. Tử tù thường tập cho mình thói quen ngủ ngày, đêm thức chờ cho thời khắc 2 giờ sáng qua đi. Chỉ khi nào nghe tiếng bước chân của quản giáo lướt qua phòng mình và tiếng lách cách ở buồng giam bên cạnh, những tử tù này mới thở phào nhẹ nhõm và biết mình được sống thêm một ngày nữa. Thấp thỏm là vậy, nhưng đa phần trong số họ đều âm thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi.

Theo thông lệ, 2 giờ sáng cán bộ quản giáo sẽ là người đầu tiên vào buồng giam, đánh thức tử tù. Câu nói quen thuộc bắt đầu bao giờ cũng là: "Hôm nay đi trả án nhé".

Tử tù được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới. Sau khi viết xong lá thư và làm các thủ tục như lăn tay, ký vào bản giao nhận quyết định thi hành án xong, tử tù được ăn bữa ăn cui cùng gồm một bát phở, cốc nước và điếu thuốc lá.

Tử tội được dẫn vào vị trí, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc tội trạng: "Tử tội cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội". Năm tay súng sắp hàng nghiêm trang.

Tất cả chú ý! Giương súng. Mục tiêu tên tội phạm. Bắn!

Gần 10 năm qua, trường bắn Cầu Ngà không còn chứng kiến những sự "ra đi" sau loạt đạn vang đanh thép trong không gian sáng sớm. Nhưng những vết đạn loang lổ trên bức tường rào bằng bê tông ở trường bắn vẫn còn đó, đã trở thành ký ức. Từ tháng 8/2013, các tử tù đã được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, 5 người thực hiện thi hành án không trực tiếp tiêm thuốc độc vào tay tử tội mà chỉ bấm nút tại các bàn điều khiển.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 13.

Thời gian làm giám thị trại tạm giam, từng chứng kiến nhiều số phận tử tù, có số phận nào khiến ông phải suy nghĩ nhiều nhất?

- Lúc bị thi hành án thì có tử tù mới bộc lộ bản năng là con người có cảm xúc, có hiếu với gia đình. Lúc đó thì mọi chuyện đều đã quá muộn. Có những lá thư của tử tù đầy cảm xúc, đầy nỗi ân hận. Tôi nhớ tử tù Nguyễn Anh Tuấn (ở Mê Linh, Hà Nội), theo bản án ngày 20/1/2010 của TAND Hà Nội, Tuấn tham gia trong vụ giết người, cướp tài sản của một nữ nhân viên bán xăng dầu ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Phát hiện cô gái có nhiều tiền, thường để trong cốp xe, Tuấn và đồng phạm bàn nhau, vờ rủ nạn nhân đi sinh nhật. Tới nghĩa trang thôn Bảo Tháp (xã Kim Hoa), chúng đã sát hại nạn nhân lấy đi điện thoại cùng 400.000 đồng rồi vứt xác xuống ao bèo.

"Tội phạm ngày càng tinh vi, có thể mở khoá cùm trong vài giây" - Ảnh 14.

Tội ác dã man là thế, vậy mà khi đứng trước cái chết, tử tù này run rẩy, bật khóc, phải rất lâu mới viết được thư cho gia đình, dặn dò người cha hãy yêu thương mẹ nhiều hơn bởi cuộc đời bà đã cơ cực; dặn đứa em trai chăm sóc bố mẹ, và "hãy nhìn vào gương của anh mà tu dưỡng, tránh những điều tội lỗi". Và cuối thư là những dòng chữ đầy day dứt, nhắn gửi gia đình ở nhà đừng buồn thương nhiều.

Tuấn là trường hợp đầu tiên bị tiêm thuốc độc trên cả nước. 

Tôi nghĩ, cảm giác chứng kiến một cuộc thi hành án, với ai cũng thật ám ảnh. Còn với ông thì sao - một người ở vị trí là giám thị, từng phải chứng kiến nhiều cuộc thi hành án?

- Ngày ra pháp trường, tử tù được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới. Sau khi công bố việc đơn xin ân xá bị bác, họ được trích xuất để làm thủ tục ra pháp trường. Làm thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao quyết định thi hành án xong, tử tù sẽ được phép ăn bữa cuối cùng, viết thư hoặc nhắn tin (qua máy ghi âm) cho người thân.

Tôi cũng không nhớ mình chứng kiến bao nhiêu cuộc thi hành án, kể cả bắn hay tiêm thuốc độc. Nhưng có một tử tù tôi nhớ mãi. Tử tù Phạm Minh Đức, kẻ giết đứa con ở đại lộ Thăng Long. Suốt thời gian thụ án, Đức luôn ân hận và cố gắng cải tạo tốt. Trước lúc ra pháp trường, xe chở tử tù bị lăn xuống ruộng. Vào những giây phút cuối, đa phần tử tù đều run sợ, suy sụp dù đều biết rõ hình phạt phải đối mặt. Nhưng trước khi bị xử bắn, Đức bình tĩnh, giơ hai tay lên chào tôi, nói: "Con sẽ mang hết bệnh tật đi, để Ban được thọ lâu".

Dù tội lỗi có tày đình đến đâu thì những tử tội cũng là một con người. Và khi họ ra pháp trường, tôi nghĩ, tất cả tội ác của họ được gột rửa rồi, và họ đã được về một nơi khác...

- Giết người tàn bạo thì phải đền tội, đó là cái giá phải trả cho sự công bằng, là lời cảnh tỉnh, răn đe cho những ai có ý định phạm pháp trong xã hội. Nhưng tôi nghĩ, khơi gợi cho họ được niềm tin vào cuộc sống là công việc thầm lặng của các quản giáo để nếu có kiếp sau, họ sẽ sống tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem