Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau 3 ngày ra mắt bản Open Beta, mạng xã hội (MXH) “made in Vietnam” Lotus đã nhận được sự quan tâm của xã hội lớn đến mức chính những người trực tiếp làm ra nó “cũng không thể ngờ tới”, như lời của Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân thừa nhận.
Được coi là một trong những “tổng công trình sư” kiến tạo nên Lotus – mạng xã hội được cho là đầu tư bài bản nhất trong số những mạng xã hội do người Việt tạo ra, với số vốn bỏ ra hiện là 700 tỷ đồng – ông Nguyễn Thế Tân chỉ đơn giản cho rằng “đây là một việc phải làm” như những công việc thường ngày khác của mình.
Hẹn gặp Tổng Giám đốc VCCorp vào ngày cuối tuần tại trụ sở Công ty, sau vài ngày Lotus ra mắt người dùng, vẫn phong thái trầm tĩnh, kiệm lời của dân khoa học, không thích nói về bản thân, lối ăn mặc xuề xòa… Có khác chăng là giờ trong list công việc hàng ngày vốn đã dài dằng dặc của mình, ông Tân lại có thêm những đầu việc cấp bách hàng đầu liên quan tới “đứa con tinh thần mới nhất” – Lotus.
Sau mấy ngày ra mắt MXH Lotus, ông có thể cho biết tâm trạng hiện tại lúc này?
- Hiện tại tôi cũng đã đỡ căng thẳng hơn so với thời điểm trước ngày 16/9 (thời điểm mạng xã hội Lotus chính thức ra mắt bản Open Beta – NV) vì trước khi ra mắt điều tất cả lo nhất là hệ thống bị sập. Nếu điều này xảy ra thì chúng tôi sẽ rất mất uy tín, thậm chí là mất tất cả. Nhiều khi có thể nguyên nhân là bất khả kháng nhưng mới ra mắt mà đã bị như vậy, chúng tôi sẽ đánh mất rất nhiều niềm tin nơi người dùng.
Còn bây giờ ít ra hệ thống đã xác định có thể chạy được, tuy vẫn còn lỗi nhưng có thể sửa được. Đó đều không phải những lỗi chết người mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong vòng khoảng 1 tuần chúng tôi có thể xử lý được những vấn đề cơ bản nhất của MXH Lotus.
Hiện tại, Lotus vẫn còn những lỗi như mất ổn định, truy cập vào bị trắng trang, có trường hợp người dùng truy cập vào dữ liệu của mình nhưng lại nhìn thành dữ liệu người khác… Những lỗi này đang được khắc phục dần.
Trong buổi ra mắt bản Open Beta của MXH Lotus, ông đã đặt mục tiêu trước tiên là phải “sống sót qua ngày mai”, sau đó là đến mốc có 4 triệu người dùng thường xuyên. Vậy cái “ngày mai” đó nó đến có như trong dự liệu không?
- Cái tôi lo nhất cho “ngày mai” chính là về mặt kỹ thuật, và Lotus không bị sập có nghĩa là mình đã sống sót, đã qua được cái “ngày mai” đó rồi. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều sự cố, trong đó có khoảng gần 1 ngày, nhiều tài khoản người dùng có ảnh nhạy cảm bị lộ lọt lên trên Lotus.
Đó là sự cố mà chúng tôi không dự liệu tới, nhưng là lỗi có thể sửa được, không quá đáng ngại. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp tạm thời tìm các account đó để chặn, lọc. Các account chưa đủ tin tưởng thì mình chưa cho vào hệ thống.
Tuy nhiên, phương pháp đó chỉ là tạm thời chứ không thể làm lâu dài vì như thế thì bao nhiêu người đổ vào cho xuể? Nhưng việc cấp bách trước mắt thì phải xử lý ngay, vì nó liên quan tới hình ảnh của Lotus, mới ra mắt mà đã có những hình ảnh như vậy sẽ tạo nên những ấn tượng không hay với người dùng. Và nó cũng đi ngược lại hoàn toàn tiêu chuẩn của mình.
Đã có nhiều ý kiến phản ứng ngay sau khi Lotus ra mắt, cho rằng mạng xã hội đã dùng các hình ảnh phản cảm, hở hang để lôi kéo thu hút người dùng, thậm chí có người còn gay gắt đánh giá Lotus không khác gì mạng xã hội “cấp 3” và lập tức từ bỏ Lotus sau khi háo hức dùng thử. Vậy nguyên nhân những lỗi này xuất phát từ đâu, thưa ông?
- Trang chủ của Lotus được thiết kế là có 3 loại thông tin: Loại thứ nhất là do các tài khoản mình theo dõi đăng lên, đây là nguồn được ưu tiên nhất.
Loại thông tin thứ 2 đến từ các đối tác nội dung, để đảm bảo chất lượng thì mình phải xây dựng nhóm đối tác đó (gồm có nhiều cơ quan báo chí uy tín). Loại thông tin thứ 3 là thông tin từ chính các user (người sử dụng). Ở đây mình xác định nội dung chất lượng nhưng không chỉ tập trung vào mỗi vấn đề đó mà còn phải đảm bảo nội dung phong phú, đa dạng.
Ở phần thứ 3, tức là với các user, chúng tôi sử dụng hệ thống máy chọn tin để đưa vào “gợi ý” cho người dùng, cái này thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Vì nếu user đăng ảnh phản cảm là việc của họ, còn việc mình lại chọn tin đưa vào thì đấy là trách nhiệm của máy chọn tin.
Đáng lẽ, theo đúng logic, máy sẽ đọc trong hệ thống, kiểm tra nội dung thông tin, đánh giá mức độ phản cảm sau đó xác định xem có đủ “độ tử tế” thì mới cho qua. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có một số “lỗ hổng” trong logic vì trong quá trình làm mình không mường tượng ra hết, dẫn đến việc một số ảnh tương đối phản cảm lọt lên. Tất nhiên nó chưa đến mức độ vi phạm pháp luật hay độc hại nhưng rõ ràng rất phản cảm.
Thực ra lúc đầu, khi chúng tôi chạy thử cũng đã lấy mấy nghìn dữ liệu để test thì thấy ổn. Thậm chí chúng tôi cũng đã cho nâng mức độ kiểm soát ảnh phản cảm lên rất cao, vì thế nhiều bức ảnh do người dùng là hoa hậu đăng lên cũng bị xếp loại ảnh ở mức 16+. Nhưng đến khi triển khai thực tế, với số lượng người quan tâm lớn mà mình không thể ngờ, máy đã không thể dự liệu được nhiều tình huống xảy ra. Vì vậy mình phải đổi lại công thức, cách làm.
Bạn cũng có thể so sánh, những nội dung xấu đưa lên MXH Facebook nhiều cái vẫn hiện lên và họ cũng mất thời gian để chặn. Còn ở Lotus, chúng tôi xác định phải ngăn chặn thật càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đã thay đổi thuật toán và hy vọng kết quả sẽ tốt hơn, nhưng chắc phải mất một vài ngày nữa mới ổn định hẳn.
Chính xác từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cho tới lúc ra mắt bản Open Beta vào ngày 16/9, ekip của VCCorp đã phải bỏ ra bao nhiêu ngày và công sức để hoàn thành MXH Lotus?
- Thật khó để có thể ước lượng chính xác được thời gian và công sức giành cho Lotus. Nhưng có thể nói từ khoảng 1 năm trước, chúng tôi bắt đầu hình thành nó từ những thử nghiệm nhỏ. Sau đó, thấy có vẻ khả thi chúng tôi quyết định dồn lực lượng, đội ngũ để bắt tay vào làm. Lúc đó là khoảng 6 tháng trước. Và giai đoạn nước rút là khoảng 3 tháng trước khi bản Open Beta chính thức ra mắt.
Nói thật, chúng tôi cũng không kỳ vọng Lotus sẽ đạt được mấy chục triệu người dùng thường xuyên, chỉ đặt ra các mốc là những điểm thử thách rất lớn – đặc biệt có hai điểm quan trọng nhất là “sống sót” sau ngày đầu tiên (việc đó Lotus đã làm được - NV) và đạt tới mốc 4 triệu người dùng thường xuyên (không phải 4 triệu người đăng ký tài khoản).
Thách thức với mạng xã hội Lotus khác gì với những sản phẩm mà ông và ekip đã từng triển khai?
- Với Lotus, chúng tôi mới thiết kế mọi thứ trong đầu, sau đó khi đưa vào thực tế lại khác rất nhiều. Xây dựng một mạng xã hội cũng rất khác so với việc xây một ngôi nhà. Xây nhà thì người ta đã xây nhiều rồi, có nhiều chuyên gia để có thể tham vấn họ. Mình có thể mường tượng được công sức, nguyên vật liệu phải bỏ ra cũng như các vấn đề nảy sinh khác.
Còn ở đây là một việc mình chưa làm bao giờ mà cũng chẳng biết hỏi ai, cho nên hoàn toàn phải "dò đá qua sông". Chúng tôi cũng đã dự liệu nhiều phương án trước khi ra mắt bản Beta và nghĩ rằng nó sẽ OK, nhưng trên thực tế khi chạy nó lại không OK.
Vậy tại sao ông không thuê hay tham vấn các kỹ sư, chuyên gia từ Facebook hoặc các MXH đã thành công trên thế giới?
- Thuê các chuyên gia nước ngoài thì rất tốn kém, chúng tôi không đủ khả năng chi trả cho họ trong suốt quá trình xây dựng Lotus. Mà nói thật chúng tôi cũng rất tự tin với năng lực quân của mình. Người Việt mình cũng rất giỏi mà!
Hiện đã có bao nhiêu người đăng ký vào MXH Lotus?
- Chúng tôi chưa thể công bố thông tin đó nhưng đó là một con số đầy bất ngờ, lớn hơn dự kiến rất nhiều. Vài ngày trước sự kiện 16/9, thấy độ nóng từ dư luận quan tâm tới Lotus cao quá mức, chúng tôi tự nhủ thầm “thôi chết rồi”... (cười).
Chúng tôi cũng chỉ đơn giản nghĩ là mình đầu tư làm mạng xã hội như các đơn vị khác, cũng công bố số tiền vốn, số người làm, nêu quan điểm trọng tâm của mình là hướng vào điều gì. Nhưng không hiểu lý do tại sao sự quan tâm của xã hội lại lớn đến như vậy (?)
Đến giờ ông đã tìm hiểu ra lý do vì sao người ta quan tâm đến Lotus như vậy chưa?
- Tôi bắt đầu cảm thấy có thể người ta tò mò muốn xem liệu có ai đó có thể làm việc này không? Có lẽ cũng giống như chú bé làm chiếc xe ô tô ở Quảng Bình chạy được mấy trăm cây số, họ cũng muốn xem Lotus của ông VCCorp này liệu có gì hay ho?
Trong số đó, tôi thấy dường như không ít người có tâm trạng hoài nghi, thậm chí là giễu cợt khi cho rằng “thêm một kẻ nữa tiêu tốn mấy trăm tỷ đồng rồi lại ra đi âm thầm như mấy trăm MXH khác ở Việt Nam”?
- Tôi cũng không nghĩ họ hả hê giễu cợt, đơn giản là họ chưa tin mình. Và muốn người ta tin thì có mỗi cách là mình phải làm được thôi. Còn nếu mình làm không được thì họ nhận xét thế là đúng.
Trong những ngày qua, với các sự cố đã xảy ra, nhiều người đã tuyên bố bỏ, không sử dụng MXH Lotus. Ông sẽ làm cách nào để họ quay lại với Lotus?
- Tôi nghĩ chỉ có cách thuyết phục dần họ bằng việc tự hoàn thiện mình, tự làm mình hay dần lên thôi. Không có ứng dụng công nghệ hay dịch vụ nào lần đầu tiên ra mắt có thể thuyết phục được ngay 100% khách hàng. Chưa kể với trình độ công nghệ, năng lực của mình, làm được sản phẩm có độ hoàn hảo cao, thuyết phục được ngay như nước ngoài thì tôi nghĩ cũng không thể.
Vì sao MXH Lotus không có phần xóa tài khoản của người dùng, việc này là do cố ý hay vô ý?
- Chắc sắp tới chúng tôi sẽ phải bổ sung thêm chức năng xóa tài khoản. Thú thật ra là do lúc làm quên mất, chưa nghĩ đến chứ không phải do cố ý.
Nhiều người băn khoăn tại sao Lotus không lùi lại thời điểm ra mắt để hoàn thiện hơn nữa?
- Có một vấn đề là rất nhiều thiết kế chưa chạy thử nên chúng tôi cũng không biết nó sẽ hoạt động ra sao trong môi trường thực tế. Giống như khi làm ô tô hay máy bay, cần có môi trường thực để thử nghiệm. Đối với sản phẩm công nghệ chúng tôi chỉ có thể giả lập môi trường thử nghiệm, ví dụ như tạo ra 20 triệu account truy cập đồng thời… Khi thử nghiệm thì không thấy bộc lộ vấn đề gì cả nhưng đến khi vào môi trường thật thì mọi chuyện thay đổi rất nhanh.
Chính vì vậy ngày 16/9 vừa rồi mình mới gọi lễ ra mắt bản Open Beta - nghĩa là bản thử nghiệm mở chứ chưa phải bản chính thức. Tôi cũng đã nói nhiều lần là phải cần từ 3 đến 6 tháng để điều chỉnh.
Tuy nhiên, thông điệp đây là bản Open Beta có vẻ không được xã hội quan tâm lắm. Đa phần mọi người cho rằng sau lễ ra mắt vừa rồi, mở ra một cái mọi thứ phải “ngon” ngay. Đây là do mình truyền thông chưa được tốt.
Ý tưởng thưởng token cho những người sản xuất nội dung rất hấp dẫn, nhưng đây không phải ý tưởng mới của Lotus?
- Đúng vậy, ý tưởng này đã có từ hàng chục năm nay rồi, trên các diễn đàn cũng có các hệ thống tính điểm. Nhưng theo tôi vấn đề quan trọng là token phải được sử dụng vào một việc gì đó, nếu không trao đổi, tiêu đi được sẽ mất giá trị. Chúng tôi đã tìm được khá nhiều hướng cho phép token tiêu đi, ở đây token mất hẳn luôn. Cơ chế này khác hẳn với việc tiêu tiền là chuyển từ túi này sang túi kia.
Chúng tôi vẫn thắc mắc token được sinh ra trên nguyên lý nào?
- Token sinh ra trên nguyên lý nếu anh xem, đọc nhiều thì anh được nhiều, người sản xuất được nhiều hơn, người chia sẻ đứng ở giữa. Còn việc 1 click được bao nhiêu token, 1 comment được bao nhiêu token thì chúng tôi sẽ điều chỉnh dần dần.
Ngoài ra, trong tương lai sẽ phát sinh thêm các loại nội dung mới thì mình cũng phải nghĩ cách để điều chỉnh. Nguyên lý chính của token chúng tôi gọi là “bản vị nội dung”, càng có nhiều nội dung hay thì token sẽ sinh ra nhiều.
Một mạng xã hội “chỉ sản sinh ra năng lượng tích cực” như ông nói trong buổi ra mắt MXH Lotus, liệu có đi ngược hình thái xã hội là có đủ hỉ, nộ, ái, ố không, thưa ông?
- Ở đây, chúng tôi hướng đến việc xây dựng hệ thống năng lượng tích cực và lan tỏa chúng mạnh mẽ hơn. Vì thế chúng tôi khuyến khích, thúc đấy, hỗ trợ phần tích cực lan truyền chứ không phải là mạng xã hội chỉ sản sinh ra năng lượng tích cực, xin được giải thích lại cho rõ như vậy!
Chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho năng lượng tích cực lan tỏa. Còn với những trạng thái khác của người dùng, họ vẫn có thể thể hiện, nếu có người đồng cảm thì có thể chia sẻ, hoặc sử dụng huy hiệu “đồng cảm”. Hệ thống “huy hiệu” của Lotus cũng sẽ sớm được bổ sung thêm, cố gắng để phản ánh được nhiều góc độ, trạng thái của xã hội.
Nhưng quan điểm của chúng tôi là cùng một sự vật, hiện tượng sẽ luôn có 2 mặt, mình cố gắng tìm mặt tích cực để thể hiện. Còn tất nhiên bất cứ ai cũng có thể lên mạng nói những điều tiêu cực, mình cấm làm sao được vì chính mình nhiều khi cũng tiêu cực mà.
Khi xây dựng MXH Lotus, ông có xác định đối thủ mục tiêu để cạnh tranh là ai không?
- Chúng tôi không xác định đối thủ mục tiêu để cạnh tranh mà xác định có những nhu cầu của người dùng chưa được phục vụ tốt. Tôi nhìn thấy điều đó từ các MXH hiện tại và bắt tay vào xây dựng Lotus với kỳ vọng có thể lấp chỗ trống đó.
Mọi người thường nghĩ MXH chỉ có mỗi Facebook nhưng trên thực tế có rất nhiều MXH khác như Instagram, Snapchat cũng rất mạnh… Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ sử dụng Twitter chứ không dùng Facebook. Và mỗi MXH đều có những ưu điểm riêng, có thể thỏa mãn được những tập khách hàng riêng của mình.
Vấn đề ở đây không phải mình tính toán để đối đầu với MXH nào mà phải xem có những nhu cầu lớn nào của người dùng chưa được thỏa mãn. Theo tôi đánh giá, trên môi trường MXH chưa có nhiều nội dung chuyên nghiệp nhiều, có tính thẩm mỹ cao, chuyên sâu. Do vậy, tôi phải tìm cách phát triển những nội dung như vậy trên Lotus.
Vấn đề bảo mật thông tin cho khách hàng, Lotus có tự tin sẽ làm tốt hơn các MXH hiện có?
- Vấn đề này tôi cũng không dám tự tin vì nhiều MXH nổi tiếng thế giới làm còn giỏi hơn mình nhiều. Lực lượng của họ có mấy chục nghìn kỹ sư, mình chỉ có một vài trăm, tuy nhiên, tôi cũng xác định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lotus nên phải làm rất kỹ lưỡng. Vì vậy tốc độ triển khai hệ thống sẽ giảm đi rất nhiều do làm gì cũng phải tính tới sự an toàn và bảo mật cao cho người dùng.
Ông đã dùng hai từ “tất tay” để nói về ván bài Lotus. Đánh giá của ông về tỉ lệ thành công của dự án này ra sao?
- Việc này tôi không đánh giá được và cũng không biết phải đánh giá thế nào. Tất nhiên phải tin tưởng là sẽ thành công mình mới làm vì đây là việc mình đã đặt cược cả uy tín vào đó. Chắc chắn khi làm cả xã hội biết đến mình, còn nếu thất bại mình chỉ là kẻ chém gió, bốc phét, nói quá.
Ngoài ra, chúng tôi đã bỏ ra một đống tiền của, công sức, lôi kéo các anh em, những người giỏi nhất của VCCorp tham gia vào một trận chiến mà nếu thất bại thì đâu có hay ho gì.
Ý tưởng làm MXH Lotus xuất phát như thế nào? Việc kêu gọi đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho một MXH thuần Việt có gặp khó khăn không?
- Mọi người trong VCCorp vẫn có thói quen làm một cái gì đó hay, lạ, lớn nhưng tôi là dân sản phẩm, tư duy của mình là thấy vấn đề thì giải quyết, thấy nhu cầu của người dùng chưa được đáp ứng thì mình phải tìm cách đáp ứng. Tôi đã quan sát đời sống internet từ hàng chục năm nay, cảm thấy ý tưởng này hay. .
Có ý tưởng hay nhưng quan trọng là mình cũng phải sẵn sàng về con người, công nghệ, tiền bạc để có thể làm được. Đến năm vừa rồi thì thời cơ đã “chín muồi” thì tôi mới nghĩ hay mình thử làm xem sao.
Trong quá trình suy nghĩ, bàn bạc, thảo luận với mọi người mới hình thành nên nguyên lý về ý tưởng này. Sau đó, tôi thử trao đổi với một số anh em và mọi người đều cảm thấy hấp dẫn. Tất cả cùng nhau tạo ra bản demo để thử nghiệm. Tôi cầm bản thử nghiệm đưa cho mọi người xem, ai cũng thấy hay, thuyết phục rồi mới đem ra hỏi người ngoài, thấy nhiều người cũng hứng thú nên cứ đổ sức vào mà làm thôi.
Sau đó, tôi thấy nếu để làm sẽ tốn một khoản tiền vốn kha khá nên phải đi kêu gọi vốn. Cầm ý tưởng đem đi hỏi các nhà đầu tư thì nhận được câu trả lời: Cứ “chiến” đi. Họ cũng đặt cược, thôi thì “làm một cái”. Còn nếu có ai hỏi tỷ lệ % thành công là bao nhiêu thì tôi cũng chịu. Có khi mất hết, có khi được to. Chúng tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm được, còn đến quy mô nào cũng không nói được.
Trong quá trình tham khảo và xin vốn, ông có gặp nhiều ý kiến phản biện không?
- Phản biện lớn nhất là tóm lại anh có gì hay, khác những MXH hiện nay ở chỗ nào? Còn về nguồn vốn không phải vấn đề lo ngại lắm. Chúng tôi chỉ cần một nguồn duy trì trong khoảng 2 năm. Tôi đã tính nếu đạt đến 4 triệu người dùng thường xuyên sẽ không phải lo ngại về vấn đề kinh tế, trên nữa thì rất “ngon lành”, còn nếu dưới mức đó thì phải co kéo.
Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư ở mức 700 tỷ đồng, và còn 500 tỷ động nữa đang kêu gọi thêm. Ở chỗ này nhiều người nhầm, cứ cộng hết vào rồi nói là MXH 1.200 tỷ đồng, nhưng thực ra chúng tôi mới đầu tư có 700 tỷ đồng thôi.
Tại sao MXH lại lấy tên là Lotus, một cái tên mà tôi cho rằng cũng không quá mới mẻ, thậm chí lặp lại của nhiều sản phẩm khác?
- Chúng tôi cũng ngại nghĩ quá nhiều cho một cái tên, sau đó đã tổ chức cuộc thi nội bộ với giải thưởng lớn. Trong quá trình bàn bạc để đặt tên cũng có nhiều quan điểm, nhưng một là không có nhiều cái tên hay, hai là tên hay lại phải gắn với việc là mua tên miền.
Có một số cái tên đọc ra cũng rất hay nhưng không khả thi. Và rồi có một bạn gửi cái tên Lotus Việt. Tôi cảm thấy hơi dài, cần có cái tên dễ hiểu cho mọi người, bên cạnh đó phải mua được tên miền. Cuối cùng quyết định chọn cái tên “lành lành” là Lotus. Khi đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn với cái tên, đôi khi nó sẽ không còn sắc bén nữa.
Lotus có tính đến việc bước ra thị trường nước ngoài không?
- Hiện nay, chúng tôi cũng chưa tính đến, cứ phải vượt qua mốc 4 triệu người sử dụng trong nước và người Việt ở nước ngoài đã. Những ngày qua đã có phản hồi của một số người Việt ở các nước đã kêu là chậm không vào được.
Ngoài ra, Lotus cũng chưa có phiên bản tiếng Anh, chúng tôi cũng đang tính toán đến việc khi hoạt động ổn định sẽ dịch sang tiếng Anh. Có một đặc điểm khi muốn ra thị trường ở nước ngoài là mình phải có hạ tầng ở đó. Như vừa rồi, người dùng ở bên Úc vào hạ tầng ở Việt Nam đã phản ánh là rất chậm rồi.
Sinh năm 1972, sau khi tốt nghiệp chuyên Toán Đại học Tổng hợp, Nguyễn Thế Tân sang Liên Xô học tiếp chuyên ngành Vật lý. Học xong Đại học, tiếp lên thạc sỹ rồi tiến sĩ. Hồi đó, ông Tân kể, sáng đi học chiều ra chợ đầu mối lấy quần áo đem ra chợ bán. Sau 6 tháng thấy không tương lai, tự thấy không đủ giỏi để trở thành nhà khoa học nên về nước.
Vào những năm đầu của thập niên 90, trở về Việt Nam với tấm bằng Vật lý, mãi mà không xin được việc làm ở đâu, Nguyễn Thế Tân đành kiếm cái máy tính, lập trình thì không học được vì không có sách vở gì, thế là mày mò tìm tòi học cách sử dụng Word, Excel và rồi trở thành thầy giáo dạy sử dụng máy tính ở các trung tâm tin học.
Là người có mặt trong hầu hết những bước phát triển quan trọng của VCCorp, ông có thể chia sẻ ông đến với VCCorp được bao lâu rồi?
- Tôi đang học dở Tiến sỹ ngành Vật lý ở Liên Xô thì thấy không có tương lai nên bỏ về. Thời mới ở Liên Xô về, tôi mày mò sử dụng Word, Excel và tìm hiểu thêm trong sách nhưng đa phần chỉ hướng dẫn sử dụng DOS.
Thấy sách chán quá nên tự viết 1 nội dung mấy chục trang hướng dẫn sử dụng. Sau đó mang đến các trung tâm cho họ xem rồi họ cho mình làm giáo viên hướng dẫn. Họ dạy lý thuyết xong mình vào chỉ các nội dung thực hành, dần dần họ thấy mình “hay” cho đứng lớp thử. Khi ấy mình cũng dạy kiểu hiện đại, in tài liệu và đưa lên máy chiếu phóng lên nên người học cũng thích thú.
Dạy học một thời gian thì xin vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc mấy năm. Sau đó, tôi nghiên cứu, đọc sách kinh tế học, dịch tài liệu. Lúc đó thời gian rảnh rỗi nhiều nên nhận đi dịch thuê, tiếng Anh mình kém nhưng vẫn cố phải dịch. Sau đó tôi sang Viettel rồi chuyển nhiều cơ quan, cuối cùng về VCCorp và ở đó từ đấy đến nay, cũng đã được mười mấy năm rồi.
Trước khi gặp ông sáng nay, chúng tôi được một đồng nghiệp cho biết là ông ít khi đến công ty làm việc vào buổi sáng do toàn làm việc cả đêm?
- Việc đó là cách đây vài năm. Hiện nay, tôi không còn đù sức khỏe như vậy nữa. Hơn nữa, lý do ngày trước hay phải làm đêm vì hệ thống kém ổn định nên anh em phải sửa lỗi vào buổi đêm khi người dùng đi ngủ.
Gần đây sức khỏe tôi đã kém đi, hệ thống cũng ổn định, hơn nữa cũng phải cho anh em họ nghỉ. Dần dần phải chuyển sang chế độ làm việc ban ngày nhưng buổi sáng thì không bao giờ tôi đến công ty cả. Tôi đọc, nghiên cứu, làm mọi việc ở nhà, ai có việc gì thì chat với mình qua mạng.
Còn buổi chiều tôi tổ chức các cuộc họp, một tuần có khoảng 5 ngày họp. Gọi là họp nhưng mỗi cuộc khoảng 15 đến 30 phút, có một số lịch họp tôi yêu cầu định kỳ.
Quan điểm của ông trong công việc như thế nào và triết lý nào để tạo ra văn hóa của VCCorp?
- Tùy thời điểm, nhân viên của VCCorp dao động từ 1.800 đến 2.000 người. Là một công ty về công nghệ lớn nên chúng tôi cũng phải có văn hóa riêng. Thật ra văn hóa của VCCorp không hẳn do tôi xây dựng mà là anh Thắng (ông Vương Vũ Thắng – Chủ tịch HĐQT VCCorp) hình thành nên. Văn hóa đó chính là liên tục sáng tạo và liên tục thay đổi. Vốn dĩ tôi là một con người tính toán, cân nhắc, xây dựng kế hoạch, gạch đầu dòng nên làm rất chậm mà bây giờ phải bỏ thói quen đấy. Vẫn xây dựng kế hoạch nhưng phải làm rất nhanh.
Bây giờ ông không còn giữ tác phong làm việc 24/24 nữa, vậy thời gian để dành cho bản thân và gia đình có nhiều không?
- Hiện nay, một ngày trung bình tôi làm việc từ 8 đến 10 tiếng, không còn sức nữa, chiều về đến nhà đã muốn nằm rồi. Nhưng nếu tôi làm nhiều quá anh em cũng chết, không theo nổi vì mình nghĩ vừa nhiều, vừa nhanh lại muốn đủ thứ. Mà một cái ý muốn của mình anh em phải chạy “chết thôi”. Hồi xưa tôi nghĩ ra cái gì là nói cái đấy, bây giờ có 10 ý tưởng chỉ dám nói ra 1, phải nghĩ xem lực lượng của mình có đủ sức không, bày ra có làm rối việc không?
Để nói 2 từ về tầm quan trọng của Lotus đối với cá nhân mình, ông sẽ nói gì?
- Tôi cảm thấy “bình thường”, như một sản phẩm mình phải làm trong vô số sản phẩm khác mà thôi. Nếu tôi không làm các sản phẩm thì không còn là mình nữa, như một ông họa sĩ phải vẽ một bức tranh, một ca sĩ thì phải ca hát… Chỉ vậy thôi!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc cho Lotus sẽ ngày một phát triển, sớm đạt được mốc 4 triệu người dùng.
MXH Lotus là dự án được Công ty cổ phần (CTCP) VCCorp nghiên cứu và phát triển trong suốt một năm. Lotus được thiết kế bởi nhóm chuyên gia trải nghiệm người dùng và được phát triển bởi đội ngũ hơn 200 kỹ sư công nghệ của VCCorp trong các lĩnh vực như ứng dụng di động, AI, Big Data, Cloud Computing…
Hiện tại, Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung (Creators) trong hơn 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện…) và trên 30 cơ quan báo chí (VTV, Tuổi Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Dân Trí, Dân Việt…).
Dự án đã huy động được 700 tỷ đồng từ VCCorp từ một số nhà đầu tư trong nước và sẽ tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ để phát triển lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.