Từ vụ ông Trần Hùng bị thay đổi tội danh sang "Nhận hối lộ": Trường hợp nào đổi tội danh bị can?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 20/11/2021 14:52 PM (GMT+7)
Ông Trần Hùng vừa bị đổi tội danh từ "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Nhận hối lộ". Các chuyên gia pháp lý đã có phân tích về việc này.
Bình luận 0

Ông Trần Hùng bị đổi tội danh

Trong một diễn biến mới nhất, ông Trần Hùng, kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) bị chuyển từ tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Nhận hối lộ".

Vì sao ông Trần Hùng bị thay đổi tội danh sang "Nhận hối lộ"? - Ảnh 1.

Ông Trần Hùng, kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: KT

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 19/11, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Nhận hối lộ", đồng thời ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Hùng từ tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Nhận hối lộ".

Đây là những diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra vụ án "sản xuất, buôn bán hàng giả; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; và môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty CP in và văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát; Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can, để chuyển từ tội danh này sang điều tra về tội danh khác là điều bình thường.

Tiến sĩ Cường phân tích, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Nhận hối lộ là những tội danh rất gần nhau, đều là người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi mà thực hiện sai công vụ. Tuy nhiên cấu thành tội phạm của hai tội danh này là khác nhau.

"Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng nhận thấy hành vi của ông Trần Hùng là cấu thành tội Nhận hối lộ nên đã thay đổi tội danh, đây là điều hoàn toàn bình thường và được pháp luật cho phép" – ông Cường nói.

Vị Tiến sĩ phân tích, hành vi nhận hối lộ nguy hiểm hơn hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ở chỗ là cán bộ đã bị mua chuộc, đã phải thực hiện công việc theo yêu yêu cầu, thỏa thuận của người đưa ra lợi ích.

Bởi vậy, hình phạt đối với tội danh này nghiêm khắc hơn rất nhiều, mức hình phạt cao nhất là tử hình nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên theo Điều 354 BLHS năm 2015.

Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa thông tin về số tiền nhận hối lộ của ông Trần Hùng là bao nhiêu hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất là gì nên chưa thể xác định được ông này sẽ bị quy kết vào khung khoản nào của điều luật này.

Tuy nhiên, nếu so sánh khung hình phạt của 2 tội danh theo quy định của pháp luật, có thể thấy rằng, tội Nhận hối lộ có mức phạt nghiêm khắc hơn tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phân tích tội Nhận hối lộ mà ông Trần Hùng vừa bị khởi tố

Phân tích về tội Nhận hối lộ mà ông Trần Hùng vừa bị khởi tố, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 354 BLHS năm 2015 thì tội Nhận hối lộ được cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…

Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Như vậy, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Người phạm tội phải trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ hoặc người phạm tội qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Người nhận hối lộ phải có hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của người đưa hối lộ, hành vi này có thể trực tiếp hoặc qua trung quan (người thứ 3 hoặc nhiều người khác).

Điểm mấu chốt ở đây là cuối cùng người nhận hối lộ nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm.

Theo luật sư Hòe, đối với tội Nhận hối lộ, giá trị của hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 2 triệu đồng phải có thêm những điều kiện như: gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm…

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận hối lộ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng và đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người đưa hối lộ nhưng chưa nhận được của hối lộ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã lưu ý Chính phủ cần tập trung phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng trong chính các cơ quan có chức năng xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng và dẫn ra nhiều vụ việc, trong đó có vụ án liên quan ông Trần Hùng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem