Xe bị dán 2 thẻ thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT nói gì?
Xe bị dán 2 thẻ thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT nói gì?
Thế Anh
Thứ tư, ngày 10/08/2022 09:54 AM (GMT+7)
Trước tình trạng về việc xe đã dán thẻ thu phí tự động không dừng nhưng bị nhân viên thu phí khác bóc ra dán đè thẻ khác, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu các lực lượng vào cuộc làm rõ.
Nhiều "chiêu trò" trong dán thẻ thu phí tự động không dừng
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra xác suất dữ liệu đấu nối thẻ thu phí tự động không dừng đầu cuối, mở tài khoản dịch vụ thu phí tự động không dừng của 9 phương tiện được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) đã phát hiện có tình trạng dán thẻ, mở tài khoản cho phương tiện đã đăng ký mở tài khoản thu phí của bên còn lại.
Cụ thể, có 6 phương tiện Công ty VDTC mở tài khoản trước, Công ty TNHH thu phí tự động VETC mở tài khoản dán chèn thẻ thu phí tự động không dừng lên sau. Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu 2 nhà cung cấp dịch vụ nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để xảy ra các tồn tại.
Để làm rõ vấn đề nêu trên, trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xác nhận Bộ GTVT đã nắm được hết những chiêu trò trong việc cạnh tranh dán thẻ thu phí tự động không dừng giữa 2 đơn vị cung cấp dịch vụ là VDTC và VETC.
Khi được hỏi về việc Bộ GTVT có biết các thông tin về việc xe đã dán thẻ ePass nhưng khi qua trạm thu phí bị nhân viên VETC bóc ra dán thẻ của VETC đè lên, Thứ trưởng Thọ tiếp tục khẳng định: "Những nội dung này, Bộ GTVT đều nắm được hết".
"Bộ GTVT đều ghi nhận và ghi chép hết những phản ánh của báo chí và tài xế. Tôi đã làm việc với 2 nhà cung cấp VDTC và VETC, đây chỉ là "chiều trò" cạnh tranh giữa nhân viên của 2 nhà cung cấp chứ chủ trương của lãnh đạo doanh nghiệp không như vậy", Thứ trưởng cho biết.
Sẽ xử lý tận gốc
Thứ trưởng Thọ khẳng định: "Nếu còn xảy ra tình trạng này, Bộ GTVT yêu cầu điều tra xử lý tận gốc vấn đề này".
"Thực tế, ngoài việc dán đè thẻ thu phí còn có tình trạng tài xế dùng biển số giả đi qua trạm thu phí. Ngoài ra, có tình trạng nhân viên thu phí thu tiền của tài xế khi dán thẻ", Thứ trưởng Thọ chỉ ra vấn đề.
Về tình trạng nhân viên VETC bóc thẻ ePass đã dán trên xe để dán thẻ của VETC đè lên, Thứ trưởng Thọ khẳng định: "Có việc này, đây là hành vi bộc phát của nhân viên dán thẻ".
Trong khi đó, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết: "Có rất nhiều trường hợp xe đã dán thẻ ePass nhưng phía VETC vẫn mời chào dán thẻ VETC. Trước tình trạng này, VDTC đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý, giải quyết vấn đề này".
Theo ông Trình, tình trạng VETC dán thẻ thu phí đè lên xe đã dán thẻ ePass đã diễn ra thường xuyên. VDTC thống kê phát hiện có 10.189 xe đã dán thẻ ePass nhưng vẫn bị dán đè thẻ thu phí VETC. Việc này gây ra nhiều hệ luỵ vi phạm điều 10 của Nghị định 19/2020 của Chính phủ, trái với chỉ đạo của Bộ GTVT.
Trước những vấn đề nêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình thu phí tự động không dừng.
Đồng thời, yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ cũng cần rà soát, chấn chỉnh việc dán thẻ đầu cuối, mở và quản lý tài khoản giao thông để giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho chủ phương tiện.
Ngoài ra, các đơn nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký giữa hai bên. Kết quả thực hiện báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 15/8.
"Các nhà cung cấp dịch vụ rà soát sửa đổi các quy định của hợp đồng liên quan đến quy trình dán thẻ, mở và quản lý tài khoản giao thông, đảm bảo thống nhất các bước, quy trình thực hiện", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: "Khi hệ thống thu phí bị lỗi mới chỉ xử lý trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế giữa các bên".
"Cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm này được quy định tại Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định về trạm thu phí đường bộ", ông Toàn cho hay.
Theo ông Toàn, quá trình vận hành các trạm thu phí gây ra lỗi để ùn tắc sẽ phải dừng thu phí hay nói cách khác là xả trạm.
"Thời gian xả trạm do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC họ sẽ phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính", ông Toàn khẳng định.
Cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của thu phí không dừng là Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT đang xem xét sửa đổi theo hướng nâng Quyết định này lên thành Nghị định.
"Khi đó sẽ quy định chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí tự động không dừng", ông Toàn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.