img
 
img

img

img ẹn ông bao nhiều lần nhưng lần nào ông cũng lần nữa khước từ vì bận: bận thăm đồng kiểm tra giống lúa mới, bận đến giảng đường của mấy trường đại học để truyền tải kiến thức cho sinh viên ngành nông nghiệp; bận đi họp trong rồi ngoài nước; bận tiếp đối tác kinh doanh… Vân vân và vân vân…

Thế nhưng cuối cùng ông cũng dành thời gian để tiếp chúng tôi. Đó là một ngày cuối năm giá rét, trong căn phòng là nơi nghiên cứu của Thaibinh Seed ở một khu đất rìa thành phố Thái Bình. Hóa ra, trụ sở chính của ông ở trung tâm thành phố đang được đập bỏ để thi công tòa nhà 15 tầng, uy nghi và bế thế nhất nhì của quê hương 5 tấn sau này.

Ấn tượng nhất trong căn phòng làm việc của ông, có lẽ đó chính là bức ảnh Trần Mạnh Báo- một CEO hàng đầu của ngành giống Việt Nam đang đội nón mê lội ruộng. Trong vô vàn những bức ảnh ông chụp, chúng tôi thấy đây là bước ảnh có thần thái, có chất Trần Mạnh Báo nhất. Và đây, cũng là phần bắt đầu câu chuyện của chúng tôi với ông.

img
 
img

Bức ảnh chụp cảnh ông đang lội ruộng thăm lúa, rất thật, không hề thấy Trần Mạnh Báo “diễn” chút nào. Đây là thói quen mà dù bận rộn thế nào ông cũng không từ bỏ, vẫn đã thực hiện đều đặn hàng chục năm nay, đó là xuống đồng vào mỗi buổi sáng sớm. Đó là đam mê, là thói quen hay là sở thích của ông?

Cách đây đôi ba chục năm thì đó đúng là công việc của tôi, nhưng giờ điều đó không đơn thuần là công việc nữa mà là nhu cầu trong cuộc sống, giống như việc cơm ăn, nước uống hay chơi thể thao hàng ngày vậy. Chỉ cần có chút thời gian rảnh là tôi sẽ xuống đồng xem cây lúa phát triển ra sao, xem bà con làm ăn như thế nào. Đi đây đi đó nhiều cũng có những cái thú vị riêng, nhưng được lội ruộng thăm lúa tôi thấy sướng hơn cả. Nó như về với bản ngã của chính mình. Không lội ruộng, không đánh cầu lông hàng ngày là tôi thấy rất khó chịu, ngứa ngáy trong người lắm.

Thậm chí nhờ những lần xuống đồng mà tôi đã phát hiện ra nhiều điểm bất thường, là cơ sở cho việc lai tạo, chọn lọc các giống lúa sau này.

Có phải ông đang nhắc đến chuyện phát hiện ra dòng đột biến của giống Q5 cũng trong một lần đi thăm đồng đúng không, thưa ông?

Đúng là như vậy. Trong nghề lai tạo, chọn lọc các giống lúa việc phát hiện những điểm khác thường của tự nhiên là điều hết sức quan trọng. Bất kể một nhà tạo giống nào nếu thực sự đam mê đều có những sự sáng tạo riêng dựa trên những điểm bất thường của tự nhiên.

img

Giống Q5 vào Việt Nam từ vụ mùa năm 1992. Tên Q5 là do người Việt đặt chứ đây hoàn toàn là giống lúa từ nước ngoài, khi đưa vào sản xuất nó đã là giống thuần rồi. Năm 2003, một hôm đi thăm đồng, tôi phát hiện ra một dòng đột biến của giống Q5, mà đây là đột biến tự nhiên chứ không phải do bàn tay của con người. Tôi sững lại và tâm trạng của tôi lúc đó như một người lang thang trên sa mạc chợt phát hiện ra một dòng nước mát. Tôi phát hiện ra trong tập đoàn Q5 gieo cấy ở miền Bắc này có một điểm khác thường, đó là cây cao hơn, hạt xếp sát nhau, hạt dạng tròn.

Tôi mất hơn 10 năm từ khi phát hiện ra điểm khác biệt, sau đó nghiên cứu, lai tạo, đến năm 2006, Q5 mang “hình hài” mới và tôi quyết định đặt nó tên là TBR-1 (TB là Thái Bình, còn R là chữ đầu của từ tiếng anh Rice, nghĩa là lúa. Số 1 mang ý nghĩa là giống lúa đầu tiên riêng của Thái Bình). Giờ thì TBR-1 đã trở thành giống chủ lực ở rất nhiều địa phương.

Hay là 1 giống nữa là TBR225, tôi lai tạo ra từ một dòng của giống lúa có năng suất rất thấp, nhưng chất lượng gạo lại ngon. Đây cũng là giống lúa có nguồn gốc từ nước ngoài, được đánh giá cao; thế mà khi được về Việt Nam thì “không ra làm sao”. Tuy nhiên, trong tổng thể nguồn lúa giống nhập về, tôi phát hiện ra rất nhiều cây khác biệt, đặc biệt ở chỗ nó có khả năng chống được bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn. Tôi đem giống này lai với một giống khác có năng suất cao, mà giống này cũng là do tôi tình cờ phát hiện trong một chuyến đi thăm đồng ở miền Trung, nói thì mọi người tưởng nói đùa, chứ tôi phát hiện ra giống lúa trong lần đi thăm lạc.

Được tạo nên từ những điều tình cờ và khác biệt, nhưng khả năng cao TBR225 sẽ trở thành giống chủ lực trong xuất khẩu gạo thời gian tới, bởi tôi đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đề nghị được sử dụng TBR225 để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu từ giống lúa này.

Nói thế để thấy rằng tự bản thân tôi cũng nhận ra mình rất có duyên với giống lúa, tuy nhiên tôi quan niệm ngoài duyên trời định thì phải có đam mê. Tôi vẫn thường nói với anh em trong Công ty rằng: “Các bạn hãy làm việc bằng trái tim chứ không phải bằng tiền lương. Và nếu các bạn yêu công việc bằng trái tim, chắc chắn các bạn sẽ phát hiện ra nhiều kỳ diệu trong công việc tưởng như nhàm chán”.

img

Có người ví ông như “phù thủy” của ngành giống, vì chính ông là người đã lai tạo, tuyển chọn được rất nhiều các giống lúa tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cũng có người ví ông như vua Midas chạm cái gì cũng thành vàng, vì ông động vào đâu cũng ra giống mới. Tôi thấy ý nào cũng đúng. Vậy xin hỏi đến giờ ông đã “sở hữu” bao nhiêu giống lúa rồi?

img

Tôi không thể nhớ hết những giống lúa đã lai tạo từ nguồn vật liệu mà tôi đưa ra. Số này nhiều lắm. Nhưng nếu tính riêng những giống lúa mà tôi được gắn tên tác giả thì hiện đã có 7 giống được công nhận, 5 giống chuẩn bị được công nhận. Nhiều người bảo tôi, ông làm được từng ấy thì đúng là chưa có nhà khoa học nào làm được. Làm gì có Tiến sĩ, giáo sư nào làm được như vậy. Nhiều nhà khoa học, rồi bạn bè, đồng nghiệp, kể cả Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường bảo trên cơ sở này, ông làm Tiến sĩ đi. Tôi chỉ bảo, thôi cảm ơn anh, tôi làm như thế nào đã được nông dân công nhận, được thực tiễn công nhận, rồi được các nhà khoa học như chị Trâm (TS về giống), anh Quý (Viện trưởng Di truyền) … công nhận là được rồi.

Mà nói cho tận cùng, số lượng giống được lai tạo, chọn lựa nhiều không nói lên điều gì cả. Cái quan trọng là những giống đó có nằm trong cơ cấu sản xuất hay không, có được bà con nông dân yêu thương sử dụng hay không? Rất may là các giống lúa của tôi đều có trong cơ cấu sản xuất hiện nay của các tỉnh, thậm chí có những giống lúa như TBR-1 đã ra đời 15 năm nay nhưng vẫn tồn tại và trở thành “chất gây nghiện” khiến nông dân khó bỏ (cười).

Đơn cử như quê hương nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, đó là làng Bàu Đá (Bình Định) – nơi nổi tiếng với rượu Bàu Đá thơm ngon đặc trưng, người dân ở đây chỉ dùng lúa TBR-1 để nấu thành gạo, làm nguyên liệu cho loại rượu nổi tiếng này. Hay như làng Đông Hải (Quỳnh Phụ - Thái Bình), TBR-1 cũng là nguyên liệu để làm ra loại bánh tráng xuất khẩu, nên người dân cũng không thể từ bỏ vì chưa tìm được nguồn thay thế phù hợp hơn.

img
 

Thật sự rất khó “giải mã” Trần Mạnh Báo, bởi như ông nói thì hầu hết các nguồn giống ông sáng tạo nên ngoài cái duyên thì đều bắt nguồn từ óc quan sát tinh tế và nhạy bén khác người. Việc này với ông có rất nhiều giai thoại, trong đó có câu chuyện ông đã phát triển thành các bộ giống chất lượng, năng suất cao chỉ từ 3 hạt lạc của Hàn Quốc và 11 hạt gạo. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Chuyện đó thì không sai. Giai thoại anh nói là đúng. Nếu ai đã đọc cuốn Đối thoại với cánh đồng của tôi thì ít nhiều cũng sẽ biết. Rất nhiều người cho rằng tôi “ăn may” khi chọn được những giống lúa tốt, nhưng tôi không nghĩ thế, tôi có được những “con át chủ bài” là nhờ khả năng quan sát tốt. Càng quan sát tỉ mỉ, càng dễ nhìn ra những điểm khác biệt.

Có một lần đi công tác tại Hàn Quốc, một người bạn ở đây cho tôi 3 hạt lạc (chứ không phải là củ lạc- PV). Mang về nước, tôi giao cho Phòng Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn mang xuống xã Vũ Chính (TP. Thái Bình) ươm được 3 khóm lạc. Từ 3 khóm đấy, chúng tôi đã nhân ra và chọn tạo ra được một giống lạc rất tốt, có những ưu điểm vượt trội so với giống lạc trên đồng đất Việt Nam: năng suất có thể đạt tới 40-45 tạ/ha (vụ Xuân). Giống này chống chọi rất tốt với bệnh gỉ sắt, bệnh đốm nâu và héo xanh vi khuẩn so với một số giống thông thường. Giống lạc này sau đó được công nhận, cấp bằng bảo hộ và đưa vào bộ giống cây trồng quốc gia, đó là giống lạc TB25….

Một lần khác, có tác giả nước ngoài đã cho tôi một nhúm gạo đã bóc vỏ trấu nhưng chưa bóc cám. Nhìn phôi còn tươi, tôi đếm được 11 hạt tất cả. Tôi chợt nhớ đến một nhân vật lừng danh của Trung Quốc là Chu Nguyên Chương có ngày dù chỉ sống bằng 9 hạt gạo nhưng ông vẫn quyết tâm sống để lãnh tụ tối cao của một đạo quân chống quân Nguyên- Mông ra khỏi bờ cõi. Tôi gói 11 hạt này cẩn thận rồi đưa về Phòng thí nghiệm của Tập đoàn nghiên cứu, rồi gieo 11 hạt gạo đó. Khi có được 11 dảnh mạ tôi lại cho anh em kỳ công đi tìm địa điểm để cấy. Tìm được địa điểm ưng ý, chúng tôi be bờ ở giữa ruộng, cấy 11 dảnh mạ xuống đó và hồi hộp chờ đợi…

Kết quả 11 khóm lúa đó đã trở thành vật liệu rất quý, thành bố mẹ của nhiều cặp cho lai cho nhiều giống lúa thuần của công ty, trong đó có TBR 225. Đây cũng là một giống lúa có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa thuần khác.

img
 

Nhưng chả lẽ cái làm nên cho một Trần Mạnh Báo chỉ có vậy thôi ư. Nghe bảo, không chỉ trong cách chọn tạo giống, mà thói quen quan sát, học hỏi trong những chuyến đi như vậy còn giúp ích rất nhiều cho ông trong công tác quản lý, vận hành doanh nghiệp?

Điều này rất đúng. Năm 2008 tôi có đi dự một hội nghị ở Ấn Độ và có đến thăm một doanh nghiệp cũng chuyên lai tạo và sản xuất giống lúa. Tôi nhận ra ngay là lúa của họ không bằng mình, tôi có mang một ít gạo về nấu thử, cơm rất khô. Nhưng tôi không để tâm đến những điều họ kém mình, tôi chú ý quan sát xem họ có những gì hay, hơn mình ở chỗ nào.

Và tôi để ý họ không cấy lúa sát vào chân bờ ruộng như ở Việt Nam mà cấy cách bờ chừng 50cm, nhờ đó khi chín lúa không bị ngả vào bờ, hạn chế tối đa việc gãy, rụng; chưa kể nhìn rất đẹp mắt, thế là tôi học theo và áp dụng ngay trên đồng ruộng của mình.

Hay như năm 1996, trong chuyến sang Thái Lan cùng Bộ Nông nghiệp, tôi cũng được đưa đi thăm rất nhiều nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất gạo. Tuy nhiên, tôi không đi theo đoàn, mà chỉ chăm chăm cầm máy ảnh đi theo chuyên gia của Công ty chuyên tư vấn về dự án cho Liên Hiệp quốc dù khi ấy tiếng Anh tôi chả biết chữ nào. Sau này trong những dự án hợp tác với tỉnh Thái Bình, vị chuyên gia đó rất muốn làm việc với tôi.

Chúng ta không từ chối những tiến bộ của thế giới mà phải tiếp thu có chọn lọc và biết cách ứng dụng khéo léo những tiến bộ đó thì mới thành công được.

Do đó, cái quan trọng là phải chịu khó học hỏi và ứng dụng cho doanh nghiệp của mình. Nhiều người học rất nhiều, có bằng tiến sĩ, rồi được phong giáo sư nhưng khi hỏi sản phẩm là gì? Có ứng dụng vào sản xuất hay không? Có mang lại giá trị thực tế cho cộng đồng hay không?... thì lại không trả lời được. Như thế nghĩa là không sử dụng hiệu quả kiến thức mà mình đang có, lãng phí rất lớn nguồn chất xám, trí tuệ. Tôi thành công nhờ làm việc gì cũng cụ thể và phải ứng dụng được trong cuộc sống.

img

img
 

Ngoài những câu chuyện về thành công trong công việc, ông còn nổi tiếng là người sòng phẳng và tôn trọng cấp dưới. Câu chuyện về thuộc cấp là kỹ sư Đặng Tiểu Bình là một ví dụ. Vị kỹ sư này hoàn toàn không biết chuyện ông đã chọn lọc được giống lúa mới dựa trên bông lúa của ông ta, và mặc dù ông hoàn toàn có thể đăng ký bản quyền cho mình nhưng ông vẫn ký hợp đồng mua lại. Chắc hẳn ông có lý do khi làm việc này?

Tôi vẫn thường nói với các anh em trong hệ thống giống cây trồng Việt Nam – trong đó có rất nhiều nhà khoa học, rằng: Đã không làm khoa học thì thôi, còn đã làm khoa học thì tính trung thực phải là quan trọng nhất. Tôi đã nói được như thế thì cũng phải thực hiện được.

Những ai làm nghề này đều hiểu, để tạo ra được dòng đột biến phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Có người cả đời cũng chỉ lai tạo được 1 dòng thuần, nếu không trung thực, lợi dụng cấp trên để lấy của họ, thì liệu có xứng đáng là nhà khoa học không?

Đặng Tiểu Bình là bạn học cùng khóa của tôi ở ĐH Nông nghiệp. Vụ Xuân năm 1996, giống lúa 13/2 có nguồn gốc từ nước ngoài được gieo cấy lần đầu tại huyện Vũ Thư (Thái Bình), nhưng mạ chết gần hết. Khi đó, ông bạn tôi mới chọn những cây còn sống đem về trồng vào chậu trên mái nhà thì bất ngờ cây phát triển tốt. Thấy thế, ông Đặng Tiểu Bình bèn thuê ruộng đưa mạ xuống trồng. Lúa lên xanh tốt, bông to, nhiều bông, đẻ nhánh khỏe và có tên là BC-15

Năm 2004, tôi đem giống lúa này về chọn lọc thành 54 dạng khác nhau, khi ấy tôi hoàn toàn có thể mang đi đăng ký bản quyền giống quốc gia vì ông Bình không hề hay biết chuyện này. Nhưng tôi vẫn gọi ông Bình đến và đề nghị mua lại bản quyền của giống lúa này với giá 70 triệu đồng.

img

Mọi người hay nhắc lại chuyện này nhưng riêng bản thân tôi thấy rất bình thường, đó là sự tôn trọng tối thiểu dành cho những đồng nghiệp của mình. Tôi hợp tác với rất nhiều nhà khoa học từ các công ty giống, họ đã tin cậy mình, đưa cho mình thì mình cũng phải luôn luôn ý thức được rằng đây là mồ hôi, công sức của họ và cần phải tôn trọng điều đó.

Tại sao cuộc đời ông lại chỉ gắn với lúa thuần mà không phải là lúa lai Trung Quốc chẳng hạn? Làm lúa lai nhàn hơn rất nhiều và lợi nhuận kinh tế mang lại cũng là con số khổng lồ, trong khi làm lúa thuần phải đầu tư từ khâu nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất… đều rất khó khăn?

Từ khi đặt chân vào lĩnh vực giống cây trồng đầy duyên nợ này, tôi đã luôn trăn trở 2 điều. Một là, đã là người làm giống Thái Bình thì phải xây dựng được thương hiệu giống lúa Thái Bình, hai là từ thương hiệu giống lúa Thái Bình, phải tạo ra được thương hiệu gạo cho Thái Bình. Quê hương lúa chả lẽ lại không có một thương hiệu gì đó hơn các vùng khác?

Để xây dựng được thương hiệu cho giống lúa Thái Bình, phải bắt đầu từ đâu? Làm lúa thuần hay nhập lúa lai Trung Quốc? Có người bảo tôi, này ông Báo, ông không nghe lời tôi đi lấy lúa lai Trung Quốc về bán thì tiền bạc sẽ rủng rỉnh, cứ loay hoach với lúa thuần còn nghèo mãi. Họ còn nói tôi là gàn dở. Đúng là có nhiều thời điểm lúa lai chiếm thế thượng phong, người làm giống chỉ cần nhập giống lúa này về bán là có thể thu bội tiền.

Nhưng tôi nghĩ, lúa lai chỉ sử dụng được ở đời F1, người nông dân không sử dụng lại được. Những người làm giống lúa lai thường lợi dụng điều này để ép nông dân phải mua giống của họ nếu muốn tiếp gieo trồng ở các vụ tiếp theo. Với các công ty không làm nghiên cứu, họ chỉ đầu tư kinh doanh đơn thuần thì họ sẽ lựa chọn lúa lai là điều dễ hiểu. Nhưng nếu cứ phụ thuộc lúa lai Trung Quốc, mai mốt họ không hợp tác nữa thì có mà rút dải rút đó ra mà ăn à?

Trong khi đó, Công ty của tôi được sinh ra theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thành lập một cơ sở sản xuất giống để phục vụ, cung cấp giống tốt cho nhân dân. Gần 50 năm qua, chúng tôi luôn trung thành với mục tiêu xây dựng công ty này theo lời dạy của Bác. Chúng tôi làm vì nông dân, cho nông dân nên không đặt vấn đề lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu.

Thời điểm thành lập Công ty (năm 1967) đúng lúc cả nước cần rất nhiều lúa gạo để chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó chúng tôi làm lúa bằng mọi cách để tăng năng suất, và cung cấp giống tốt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Chúng tôi vẫn làm điều đó cho đến tận bây giờ, đó là cung cấp giống cho nông dân bằng cái Tâm của doanh nghiệp.

Tất nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp không thể nói lỗ mà vẫn tồn tại được, nhưng nhờ cung cấp giống tốt, được người dân tin tưởng và ủng hộ nên chúng tôi vẫn tiếp tục tăng trưởng mà làm giống theo đúng mục tiêu đã đề ra ban đầu.

img

img
 

Tôi đã mất 2 đêm để đọc cuốn những dòng tự sự về cuộc đời ông, cuốn Đối thoại với cánh đồng do chính ông chấp bút. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao ông lại chọn nông nghiệp? Phải chăng do định hướng của các chàng trai mới lớn thời đó đều là muốn lập nghiệp bằng nông nghiệp, hay do tuổi thơ của ông đã gắn liền với nông nghiệp mà ông quyết tâm theo đuổi con đường này?

img

Thực ra nghề tôi yêu thích nhất là nghề giáo viên, tuy nhiên nói về định hướng cho con cháu của người dân Thái Bình thì nông nghiệp đúng là lựa chọn hàng đầu. Lúc đó, các nhà máy công nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ở Nam Định thì nhà máy dệt, Hải Phòng có xi măng, Thái Nguyên có gang thép, Phú Thọ có phân lân… Vào được các ngành này rất khó nên các gia đình ở Thái Bình đều muốn con em mình vào nghề nông vừa dễ, vừa gần gũi và gắn bó bao năm nay.

Với riêng với bản thân tôi có chút khác, nông nghiệp như một lẽ sống, là đam mê đã gắn với tôi từ thuở nhỏ, và vì tôi yêu cây lúa quá. Ngay từ bé, công việc mà tôi phải đỡ đần cho bố mẹ nuôi 9 đứa em đó là xay thóc, giã gạo…Bảy tám tuổi, người tôi bé như cái kẹo nhưng đã phải kéo cái cối xay rất nặng để xay ra những hạt gạo để nuôi sống cả gia đình tôi. Hạt gạo đã ăn vào máu thịt tôi cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, nên tôi gắn bó với nó cũng là điều dễ hiểu.

44 năm trong nghề mang lại cho ông muôn vàn các giải thưởng, muôn vàn những niềm vui. Thế còn nỗi buồn thì sao, đã khi nào Trần Mạnh Báo thấy nghề này khiến mình chán chường, mệt mỏi không?

Nếu không có thất bại thì không có thành công, và không ai vui với thất bại cả. Nhưng với riêng tôi, thất bại tôi cũng chấp nhận và xem đó là cơ hội của mình.

Năm 2001, tôi vừa lên làm Giám đốc Công ty được 6 tháng thì đưa công nghệ sản xuất lúa lai F1 vào Việt Nam. Thành công 50%, còn 50% thất bại. Dư luận khi ấy làm ầm ĩ lên, một tờ báo lớn còn có bài viết “Còn đâu chữ Tín”, rồi đơn kiện chúng tôi lên đến tỉnh ủy. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà con ở Nam Trung Bộ ngồi khóc như mưa trên Đài truyền hình Việt Nam. Dù biết rõ do bà con không thực hiện đúng quy trình nên gây thiệt hại lớn, tôi vẫn rất buồn. Nhưng tôi nhanh chóng chấp nhận nỗi buồn đó và hiểu rằng không bao giờ có con đường trải thảm đỏ hoa hồng để từ bé đến lớn mình chỉ bước chân đi, dứt khoát phải có thất bại, phải chấp nhận rủi ro.

Hay năm 2013, 11 tỉnh bị lúa lép khi sử dụng lúa giống của ThaiBinh Seed. Dù khi đó nguyên nhân là do thời tiết quá lạnh khiến cây không thể phát triển tốt, tôi cũng đã chứng minh được điều này tại Hội đồng khoa học của Bộ NNPTNT. Tôi nói thẳng, tình trạng lúa lép đã được cảnh báo từ trước, sai sót này là do khách quan nhưng vẫn chấp nhận hỗ trợ nông dân 33 tỷ, khi đó vốn điều lệ của Công ty chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng.

Như đã nói, tôi làm giống từ cái Tâm, vì yêu cây lúa quá nên không phút giây nào tôi chán chường và mệt mỏi. Sau này nếu không làm quản lý nữa tôi sẽ vẫn nghiên cứu và dành nhiều thời gian hơn đi các địa phương, tìm tòi các giống mới.

img
img
 

Nói chuyện cùng ông, tôi thấy con người ông thực sự thú vị. Bởi trong ông “sở hữu” rất nhiều danh vị và tính cách khác nhau: Là CEO rất quyết đoán, tài giỏi của một tập đoàn hàng đầu về ngành giống, là một nhà khoa học với rất nhiều thành công trong chọn tạo, tuyển lựa các giống mới; là một nhà giáo với những bài thuyết trình làm mê mẩn sinh viên; là nhà văn với cuốn Đối thoại với cánh đồng rất hấp dẫn bạn đọc, là một nông dân mê lội ruộng và thăm đồng… Ông thích người ta gọi ông là gì nhất?

Tôi thích nhất được gọi là nông dân. Khi đi nước ngoài ai hỏi gì tôi đều trả lời: I’am new farmer, nghĩa là“tôi là người nông dân mới”. Chúng ta có nông thôn mới nhưng chưa có nông dân mới. Người nông dân mới ngoài chăm chỉ, đam mê còn phải có kiến thức.

Tôi nhớ trong chuyến thăm đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Tất cả chúng ta đều xuất phát từ con em nông dân, từ gốc rạ, từ con cáy, con cua mà nên người. Chúng ta phải chăm lo cho nông dân, giúp đỡ nông dân”.

Thế giới này dù hiện đại đến đâu cũng không thể từ bỏ được nghề nông. Người ta chỉ có thể ăn lương thực, sử dụng lương thực – thực phẩm để nuôi sống những bộ óc thông minh, vĩ đại chứ không thể dùng máy tính, điện thoại, ô tô, tên lửa… mà duy trì sự sống.

Vậy nên, các bạn trẻ nếu có ai đó bị trêu đùa hoặc bị gọi bằng cái tên là đồ nhà quê, là nông dân thì đừng lấy đó làm buồn. Hai từ đó với tôi nó thiêng liêng và xúc động lắm. Với tôi, dù thành công như thế nào và dù đứng ở cương vị nào tôi vẫn muốn mình là người nông dân trên cánh đồng nước Việt này thôi.

Là người bận rộn với hàng núi công việc và ý tưởng luôn tràn ngập trong suy nghĩ, thế thời gian nào anh dành cho gia đình của mình?

Gia đình tôi cũng bình thường như bao gia đình khác. Chỉ có điều duy nhất tôi luôn tâm niệm, “không bao giờ thiếu trách nhiệm với gia đình”. Gia đình không tốt thì không nói được ai cả.

Tôi nhớ và rất ấn tượng một câu trong bài thơ “Nông dân” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Vâng, có thể nông dân nhiều hủ tục/ Nhưng không yêu được họ hàng, yêu chi nổi nhân dân”.

Con người ta sống không thể thiếu trách nhiệm, nhưng trước khi có trách nhiệm với xã hội thì phải có trách nhiệm với gia đình, đó là tổ tiên, bố mẹ, anh em, vợ con… Trách nhiệm không phải anh mang tiền về là trách nhiệm, mà phải giáo dục từ nhỏ, hoàn thiện nhân cách của con trẻ chứ không phải cho chúng nó tiền. Tôi là thế đấy!

img

Hơn 2 tiếng rưỡi gặp gỡ giữa chúng tôi và Trần Mạnh Báo thoảng chốc cũng qua mau. Đồng hồ đã điểm sang giờ làm việc buổi chiều. Trời Thái Bình vẫn rét căm căm. Nhưng hơi ấm từ sự lan tỏa của Trần Mạnh Báo đã làm cho những người đối thoại dường như quên hết cái lạnh. Rời căn phòng của ông, lời thơ của bài Nông dân ông đọc tiễn chúng tôi về vẫn cứ thoang thoảng mãi:

Nông dân sống lặng thầm như đất

Có thể hoang vu, có thể mùa màng

Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc

Chín phần mười đất nước- nông dân

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!img

img

Nội dung: Tố Loan - Nguyễn Luyên

Ảnh&Video: Đàm Duy

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Hiếu Phạm

img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem