img

ẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh (phường Thịnh Lang-TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ với phóng viên Dân Việt nhân Ngày Truyền thống thương binh liệt sĩ 27/7, như vậy. Xin phép được gọi Mẹ Việt Nam Anh hùng này là chị vì năm nay chị Anh mới 49 tuổi. Năm 2014 chị được phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi mới 42 tuổi, trẻ nhất trong số gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được Nhà nước phong, truy tặng.

Thịnh Lang từ xã trở thành một phường của TP. Hòa Bình từ vài năm nay. Gọi là phường nhưng vẻ thôn quê, dân dã vẫn hiển hiện rất rõ trên từng mái nhà, cọng cỏ, ngọn cây. Đứng ở đây, vẫn có thể phóng tầm mắt thấy rõ dòng sông Đà đang lững lờ trôi, không ồn ào và gầm thét như mùa mưa bão. Nghĩa trang liệt sĩ Thịnh Lang nằm yên ả bên một ngã ba đường. Khi chúng tôi đến nơi, mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh– mẹ của liệt sĩ Nguyễn Quý Dương đang tỉ mẩn lau dọn từng góc của ngôi mộ con trai mình. Thi thoảng chị lại lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Nỗi buồn đau vẫn hiện rõ trên khuôn mặt chị.

Thắp hương ở mộ con trai xong, chị lại sang các ngôi mộ khác lau dọn. Chúng tôi đếm có tất cả 43 ngôi mộ liệt sĩ, phần đông là liệt sĩ thời chống Mỹ, tiếp đến là liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến Tây Nam, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới. Con trai chị xếp ở hàng cuối cùng của nghĩa trang, phần dành cho liệt sĩ thời bình. Trên bia mộ ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Quý Dương sinh 1989, mất 2010, hưởng dương 21 tuổi. 

Vừa cùng chúng tôi đi thăm các ngôi mộ, chị Anh vừa trải lòng, hôm nay, ngoài nhà báo còn có nhiều đoàn của UBND tỉnh, Sở Công an, Mặt trận Tổ quốc tỉnh... cũng đến thắp hương cho Dương và các liệt sĩ ở Thịnh Lang. Thịnh Lang trước là một bản làng của người Mường, người dân rất hiền lành, luôn sống cuộc sống yên bình nhưng khí phách thì anh hùng lắm.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 2.

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng, bảo vệ tổ quốc, Thịnh Lang có 418 người tham gia kháng chiến; gần 500 người là dân quân, du kích trực tiếp chiến đấu; có 43 liệt sĩ; 38 thương bệnh binh. Phường Thịnh Lang cũng đóng góp 23.000 ngày công, gần 4.000 tấn lương thực phục vụ chiến đấu.

Ngoài Nguyễn Quý Dương, theo tiết lộ của Mẹ Nguyễn Thị Anh, trong dòng họ còn có 2 người nữa cũng là liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Thịnh Lang. Có anh em, đồng đội quây quần cùng nhau như thế này, ở dưới suối vàng chắc Dương cũng bớt phần cô quạnh. "Nhưng với bổn phận của người mẹ, sợ con buồn nên ngày nào tôi cũng đi qua đây chơi với nó. Những hôm bận không vào đây được, đi làm bằng xe máy qua nghĩa trang tôi đều dừng xe và bấm 1-2 hồi còi. Xem như đó là lời hỏi han của người mẹ dành cho con trai của mình. Dương đã mất gần 11 năm, lúc nào tôi cũng làm như vậy..."- Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh vừa lấy khăn tay lau mắt, vừa khóc.

Xong việc ở nghĩa trang, chúng tôi cùng về thăm gia đình của chị. Ngôi nhà của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nằm trong một ngõ nhỏ rộng và khá thoáng mát. Xung quanh trồng rất nhiều hoa, các loại cây ăn quả. Chị kéo chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế đá đặt giữa sân, như chị nói là "chỗ này thằng Dương rất thích ngồi mỗi lần ở đơn vị trở về. Nó hay ngồi đây nghe chim hót và ngắm những bông khế nở hoa…"

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 4.

Thưa chị, Liệt sĩ Nguyễn Quy Dương hy sinh khi đi làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Lúc đó Dương mới 21 tuổi đời, còn chị thời điểm đó mới  39 tuổi.  Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến và trong thời bình to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và sự hy sinh thầm lặng của hậu phương, của các bà mẹ cũng lớn lao bấy nhiêu. Chị có nghĩ như vậy không?

- Trước đây khi Dương còn sống, cuộc sống gia đình tôi rất sum vầy, vui vẻ, gia đình có bố, có mẹ, có ông, có cháu. Tuy cháu phải ở đơn vị, nhưng nơi công tác rất gần nên mỗi lúc rảnh rỗi cháu đều tranh thủ tạt qua nhà. Cứ mỗi lần thấy bóng con ở đâu ngõ, tôi lại mừng vui lắm. Có hôm, nó về nhà với khuôn mặt đầy khói đen, chỉ trông rõ đôi mắt, tôi thấy xót xa nhưng cũng tự hào về công việc của con.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 5.

Tuy nhiên, từ ngày con mất, thực lòng tôi và bố cháu rất sốc, giật mình, đôi khi chới với không biết phải làm thế nào. Lúc cháu mất, cũng may mắn vì được hàng xóm, anh em, bạn bè, nhất là đơn vị của cháu tận tình chia sẻ, lo việc tang nên việc hậu sự cũng diễn ra suôn sẻ.

Phải mất 2-3 năm sau, vợ chồng tôi mới có thể cân bằng được cuộc sống. Tôi cũng hiểu, cháu đi làm nhiệm vụ, mất mát đó cũng là mất mát chung của cả xã hội. Vì thế, vợ chồng tôi cũng cố gắng, động viên nhau cân bằng lại cuộc sống để vượt qua khó khăn, mất mát.

Sau một thời gian, ghi nhận sự hy sinh của cháu cũng như sự mất mát của gia đình, đơn vị và địa phương đã hoàn thành hồ sơ phong tặng Liệt sỹ cho cháu vào năm 2013. Và 1 năm sau đó, tôi làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và được Đảng, Nhà nước công nhận.

Lúc nhận tin mình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cảm xúc của chị như thế nào và việc đầu tiên chị làm là gì?

- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là danh hiệu được Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng cho những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Đây là danh hiệu vô cùng cao quý. Ai nhận được danh hiệu đó mà không tự hào?

Lúc có tin được trao danh hiệu này, thực sự trong tôi có những cảm xúc rất khó diễn tả. Tôi ăn không ra bữa, ngủ không tròn giấc vì không nghĩ mình sẽ được nhận danh hiệu cao quý này. Hồ sơ đề nghị xét tặng được gia đình, các tổ chức làm rất kỹ nhưng thật sự không biết có được hay không vì còn qua nhiều bước xét duyệt. Rất may, cuối cùng Nhà nước cũng nhận thấy sự hy sinh của Dương cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc cũng như sự đóng góp của bản thân tôi, nên đã đồng ý phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho tôi.  

Việc đầu tiên hai vợ chồng tôi làm khi biết tin được phong tặng là lẳng lặng ra ngoài mộ thắp hương báo cho con. Trước mộ phần của con, tôi đã nói: "Cũng vì những giọt máu hy sinh của con mà mẹ mới được như thế" (chị nghẹn ngào, khóc nấc). 

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 6.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 7.

Thưa chị, để được trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng phải đáp ứng khá nhiều điều kiện, trong đó chị thuộc về trường hợp: Chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ. Nhưng xin hỏi thời điểm Dương hy sinh chị mới 39 tuổi, còn rất trẻ, trong khi đó ông xã chị là con trai độc nhất, rất muốn sinh thêm con để hương hỏa cho ông bà, tổ tiên. Ở đây rõ ràng chị đã có 2 sự lựa chọn?

- Gia đình đằng chồng tôi có 3 người con thì mỗi anh ấy là con trai. Là con một, các cụ mong ngóng người nối dõi tông đường thế nào các anh biết rồi đấy. Vậy nên khi sinh ra Dương, cháu nó được yêu thương, kỳ vọng rất lớn. Nhưng đúng là không thể nói trước bất kỳ điều gì. Dương mất đi làm cho cả gia đình chúng tôi vô cùng đau xót.

Rồi sau đó lại nghĩ, khi em nó mất, mình còn trẻ, khỏe cố sinh thêm một đứa cho vui cửa vui nhà. Sự lựa chọn lúc đó là thế, mà tôi tin ai là phụ nữ ở vào hoàn cảnh tôi cũng đều sẽ lựa chọn như vậy. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng với tôi không có một danh hiệu nào hơn được sinh mệnh của con cái mình. Tôi đã lựa chọn sinh con lần nữa để lại thấy hình hài, bóng dáng của Dương.

Thời điểm đó, tôi và chồng cũng chạy vạy, thuốc men khắp Nam, Bắc để điều trị với mong muốn có thêm 1 đứa con. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe nên tôi cũng không sinh thêm được em bé.

Chỉ sau khi việc sinh em bé không thành, rồi anh em ở cơ quan Dương, rồi các tổ chức đoàn thể  ở Hòa Bình động viên tôi mới bắt tay vào làm và gửi hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu. Đến tháng 12/2014 thì có quyết định phong tặng danh hiệu cho cá nhân tôi.

Danh hiệu này là vinh dự với bản thân tôi và cả gia đình. Lúc đó, bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cảm giác lúc biết mình được phong tặng là ngoài sức tưởng tượng của bản thân.

Như đã nói, việc xét duyệt danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có những điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, lúc xét duyệt hồ sơ, cũng có nhiều ý kiến cho rằng so với những hy sinh của các liệt sĩ phải đổ máu ngoài chiến trường, sự hy sinh của Dương dù rất đáng trân trọng nhưng có vẻ vẫn chưa bằng. Bản thân chị thấy những nhận xét đấy có quá khắt khe, ác ý?

- Thời điểm đó cháu mới mất một thời gian ngắn nên tôi cũng chưa quan tâm tới các quy định về vấn đề này. Cho đến khi UBND phường có đến thăm hỏi, đặt vấn đề làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lúc đó bản thân tôi mới giật mình, đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ mình lại được phong tặng danh hiệu ư?". 

Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu, và hỏi cán bộ chính sách phường thì  được giải thích: "Theo quy định của nhà nước, chị đủ điều kiện làm. Chị cứ kê khai hồ sơ, việc được hay không còn tùy thuộc quá trình xét duyệt của Chủ tịch nước".

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 8.

Thực ra, thời điểm đó, tôi và bố cháu cũng đang chạy ngược xuôi, cố gắng sinh thêm 1 đứa con nhưng bất thành. Thế nên lúc nghe thông tin trên mạng bàn ra tán vào, mình cũng suy tư, có chút buồn phiền, cũng trằn trọc. Tuy nhiên, nghĩ lại thì thấy, cái gì đã là chính thống, là quy định cứ vậy mà lắng nghe, tiếp thu. Công lao của cháu Dương tới đâu, Đảng, Nhà nước ghi nhận thế nào, chúng tôi đón nhận và cảm ơn thế ấy.

Cũng may lúc đó, địa phương, đơn vị, gia đình cũng đồng hành, sẻ chia nên mình suy nghĩ tích cực hơn, bớt áy náy. Lúc được phong tặng, tôi cũng bỡ ngỡ, nhưng nghĩ lại thấy đây cũng như niềm động viên, khích lệ tinh thần và cũng là cách để Đảng, Nhà nước, xã hội thể hiện sự quan tâm với các mẹ liệt sĩ nên dần nỗi buồn cũng nguôi ngoai. 

Tôi biết, nhiều người vẫn nghĩ, chỉ có thời chiến mới có Mẹ Việt Nam anh hùng, thời bình làm gì có. Nhưng cuộc sống bây giờ vô thường lắm, giờ là thời bình nhưng những trận chiến đánh tội phạm cướp giật, án ma túy, phòng cháy chữa cháy... vẫn diễn ra thường xuyên và hiểm nguy. Hy sinh, chết chóc không ai muốn nhưng chẳng may nó rơi vào gia đình nhà nào, gia đình đó phải cam chịu. Mất con, nỗi đau của người mẹ nào chẳng giống nhau? Mạng xã hội vô cùng lắm, nhiều khi không nên nặng nề suy nghĩ.

Tôi biết, kinh tế nước mình còn nhiều khó khăn, thế nhưng Đảng, Nhà nước vẫn chăm lo tốt cho người có công và thân nhân liệt sĩ, vì thế chế độ chính sách chỉ càng ngày càng tăng thêm chứ không bị bớt đi. Điều đó khiến lòng tôi rất cảm động. 

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 9.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu của những người lính vẫn đổ giữa thời bình để bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân. Trong cuộc chiến ấy, Dương đã hy sinh và một số đồng đội của anh cũng đã bị thương. Câu chuyện đã xảy ra gần 10 năm nhưng ký ức về ngày đó chắc vẫn in sâu trong chị?

- Tháng 11/2010, trong lần cùng đồng đội cứu hỏa vụ cháy xảy ra tại Công ty Nguyên Minh (Yên Mông, TP.Hoà Bình), tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Dương đã hy sinh, 6 đồng đội của con cũng bị thương nặng. Lúc Dương hy sinh, tính đúng ra thì cháu đã có 3 năm phục vụ trong lực lượng công an phòng cháy chữa cháy.

Tôi còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Hôm đó là sáng thứ 7, sau giờ trực cháu có đảo qua thăm nhà. Thấy mẹ quên điện thoại, Dương còn cầm đến công ty đưa cho tôi. Hai mẹ con còn hẹn chiều về đi mua giày để Dương về đánh cầu lông với bố.

Dương vốn là đứa thích chơi thể thao, từ ngày học cấp 3 con đã tham gia nhiều giải cầu lông và đạt nhiều giải. Vì thế hai bố con mới hẹn gặp nhau để thi đấu với nhau.

Chuyện trò xong với tôi, cháu lại vào đơn vị ngay. Lúc chuẩn bị nấu cơm ăn trưa, đơn vị nhận thông tin có vụ cháy lớn ở huyện Kỳ Sơn, phải tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Không ngờ đó cũng là lần cuối tôi được gặp con. Tầm trưa, tôi đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại mà nghe như sét đánh ngang tai…

Con trai theo nghề công an, hiểm nguy như thế, vậy khi con lựa chọn ngành này gia đình chị có tư vấn và định hướng gì không? Nếu được làm lại, chị có để con vào ngành công an không?

- Dương từ nhỏ đã chịu thiệt thòi, vì bố và mẹ suốt ngày đi vắng. Nên nó có sự tự lập trong suy nghĩ và trong việc làm. Nói chung gia đình tôi tôn trọng quyết định của con. Bản thân tôi có vốn ngoại ngữ tiếng Nhật nên lúc đầu cũng muốn hướng con theo nghề, nhưng nghĩ vậy thôi chứ tôi và gia đình không thể ép con được. Dương rất thích nghề công an, từ ngày cháu mới 5-6 tuổi cháu đã ước mơ được trở thành công an.

Ông nội Dương là cựu chiến binh ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ. Gia đình bên ngoại có tới hơn 20 người công tác trong ngành công an. Thừa hưởng truyền thống ấy, ngay từ bé Dương đã nuôi trong mình ước mơ lớn lên trở thành công an. Tôi nhớ, cứ mỗi lần có cậu là công an về thăm nhà, nó lại rối rít bám cậu. Nó còn mắc bộ quần phục rộng thùng thình và ướm thử đôi giày công an của cậu một cách say mê. 

Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dương không học đại học mà nộp đơn tình nguyện đi nghĩa vụ công an.

Sau 6 tháng huấn luyện tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2010, Dương được điều động về Phòng Cảnh sát phòng chống chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn – Công an tỉnh Hòa Bình. Nghe đồng đội kể, Dương rất nhanh chóng hòa nhập và được lãnh đạo đơn vị điều động tham gia nhiều vụ chữa cháy lớn, giành nhiều phần thưởng, bằng khen.

Thú thực tôi rất mừng vì những bước đi chắc chắn của con. Nhiều lần 2 mẹ con nói chuyện, tôi thấy sự lựa chọn của nó rất đúng. Và bây giờ, nếu ông trời cho nó được tái sinh và lựa chọn ngành, chắc tôi vẫn ủng hộ quyết định của nó thôi.

Tôi chưa từng phản đối con, bởi vì đó là niềm đam mê của nó. Tôi chỉ giải thích với con rằng: Công việc nào cũng là công việc, nhưng ngành công an là ngành vất vả, nguy hiểm, rất cần sự quyết tâm cao. Nghe lời giải thích của mẹ, Dương vâng lời ghi nhớ và vẫn quyết tâm nhập ngũ. Ngày trúng tuyển, con vui lắm, nó cầm giấy gọi đi khoe khắp xóm.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 10.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 11.

Chị vừa nói, Dương có một tuổi thơ khá thiệt thòi?

- Gọi là thiệt thòi cũng được. Sau khi học xong cấp 3 tôi thi vào khoa mầm non của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, lúc đó tôi có Dương nên phải bảo lưu kết quả học tập. Sinh con xong tôi ở nhà chăm cháu, phải 2 năm sau mới đi làm cô giáo mầm non. Nhưng đồng lương của giáo viên lúc đó chỉ được trả bằng thóc, gạo nên cuộc sống vô vàn khó khăn, làm không đủ ăn. Tôi buộc phải bỏ việc, rồi thi vào Khoa tiếng Nhật của Đại học Sư phạm Hà Nội để hy vọng tìm con đường mới.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 12.

Sau khi học xong, năm 1999 tôi đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, lúc đó Dương mới 4 tuổi. 7 năm sau tôi về nước, lúc này con cũng đã hơn 10 tuổi.

Trước đó, ngày tôi mang bầu cháu Dương thì bố cháu lại đi làm việc tại Libya. Bố cháu về ít lâu tôi lại đi Nhật Bản. Thời gian con gần với bố mẹ cũng không nhiều. Nghĩ lại vẫn thấy thương vì nó chịu nhiều thiệt thòi quá, bố mẹ chưa bù đắp được bao nhiêu cho những tháng ngày cách xa thì cháu mất.

Đến thăm và nói chuyện với chị, chúng tôi vẫn thấy hình bóng của Dương ở đâu đó quanh đây, trông vẫn rất gần gũi. Sau gần 11 năm ngày con trai hy sinh, ký ức nào về Dương mà chị còn nhớ nhất?

- Tôi là con gái dân tộc Mường và giống như bao cô gái khác, cứ đến tuổi cặp kè là đi lấy chồng. Tôi vừa đi học vừa lấy chồng, Dương là con đầu cháu sớm, cũng là con  một.  Nhưng tôi luôn nghĩ rằng mẹ một con cũng giống mẹ 10 con. Cảm xúc của một người mẹ là như nhau, con cái ai cũng quý và rất là thương. Bố mẹ có thể hy sinh hết vì con.

Những ngày này, kỷ niệm về con cứ như những thước băng tua chậm trong đầu tôi. Cháu thích đào, rồi thích nuôi chim nên nhà tôi vẫn trồng rất nhiều cây đào và nuôi rất nhiều chim. Chỉ khi nào chúng tôi không còn nữa, chắc mới thôi làm vậy.

Tôi nhớ lắm những lần con trực xong, sáng sớm cháu tự nấu ăn sáng, rồi cả nhà cùng sum họp ăn sáng. Ăn vội, cháu lại tất tả vào đơn vị.

Có ngày đi trực về thấy bố mẹ, chưa phơi quần áo là Dương lao vào phơi giúp. Dương nấu cơm cũng rất ngon, nhất là các món ăn truyền thống của người Mường. Nó vẫn hay mang nguyên liệu vào đơn vị, rồi rảnh lại nấu cho đồng đội ăn.

Có những lúc thấy con đi làm nhiệm vụ về mặt lấm lem, đen thui như Bao Công thì rất thương nhưng thấy con về an toàn mình cũng yên tâm, rồi động viên nó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Có những năm, con đi diễn tập, tôi còn đội nắng đến tận nơi để xem con huấn luyện. Nhìn cảnh con leo trèo trên tòa nhà cao tầng, băng qua lửa... cũng hồi hộp nhưng thấy con vượt qua, đạt kết quả cao tôi cũng rất phấn khởi.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 13.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 14.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 15.

Như đã đề cập ban đầu, chị là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất trong số  hơn 130.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được Nhà nước ta phong tặng. Thời điểm đó chị mới 42 tuổi. Với các bà mẹ Anh hùng, khi đi ra ngoài hàng xóm, mọi người hay gọi là Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng với chị thì mọi người xưng hô như thế nào?

- Từ Mẹ quả thực rất thiêng liêng, không cần nói thì ai cũng biết. 10 năm nay, tôi không được Dương gọi một tiếng là "Mẹ" nên tôi nhớ da diết và hiểu rõ ý nghĩa của từ này. Nên mỗi lần ra đường hoặc đi đâu đó, ai đó gọi tôi là Mẹ cũng thấy trong mình dâng tràn cảm xúc. Cảm động lắm.

Nói thực lòng, tôi thấy mình cũng còn trẻ thật. Nhưng số phận mà, tôi nghĩ rằng cái gì đến nó sẽ đến. Nếu đi dự lễ, hay tham gia cuộc họp quan trọng, thì các tổ chức, đoàn thể vẫn gọi tôi là bà mẹ. Còn với mấy bạn công nhân trẻ thì gặp tôi đều gọi mẹ, xưng con. Riêng bạn bè, hàng xóm vẫn gọi chị, em như bình thường (cười). Tôi thấy cách xưng hô đó cũng hợp lý, không quá quan trọng.

Giữa thời bình vẫn còn rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh, để bảo vệ sự bình yên của đất nước. Ở góc độ một bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chị nghĩ sao về điều này? Chị có thông điệp gì cho thế hệ trẻ hôm nay không?

- Thời kháng chiến chống Pháp tôi chưa sinh, chống Mỹ tôi còn nhỏ. Bản thân đúng là chưa cảm nhận được sự mất mát, hy sinh của các anh, các chị, các chú, bác. Bên ngoại tôi có bác, cậu đều hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Khi về quê cùng bà ngoại chịu tang, thấy mọi người vừa khóc vừa thắt cho cái khăn tang lên đầu thì đã cảm nhận được gì đâu, chỉ nghĩ hôm nay nhà mình đang có... cỗ.

Mãi cho tới lúc mình rơi vào hoàn cảnh có con hy sinh mới hiểu được đâu là nỗi đau, đâu là sự mất mát. Thời nào thì thời, là bố là mẹ, là anh là chị có con, có em hy sinh mới cảm nhận được nỗi đau đớn, mất mát. Mẹ thời nào có con hy sinh cũng đau khổ, cũng tột cùng đớn đau, làm sao có thể khác được. Bởi vì đó là khúc ruột, là con mình mang nặng đẻ đau.

Tôi nghĩ rằng, dù là thời chiến hay thời bình, các con hy sinh, nỗi đau mất con của các bà mẹ đều như nhau. Dù thời bình nhưng xã hội bây giờ còn nhiều điều phức tạp, kéo theo đó nhiệm vụ cũng có sự phức tạp, khó khăn khác nhau. 

Mỗi người lính hy sinh ở một hoàn cảnh khác nhau nhưng những giọt máu rơi xuống để đóng góp cho quê hương, Tổ quốc là không thể đong đếm.

 Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất nước Nguyễn Thị Anh: "Nỗi đau mất con thời nào cũng thế" - Ảnh 16.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem