Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ã ngót 10 năm, mới ngày nào, giữa một “rừng” các thương hiệu sữa trong nước bỗng xuất hiện một thương hiệu sữa mới toanh mang tên “TH true Milk”. Vậy mà không lâu sau, người ta thấy thương hiệu TH true Milk vang danh ở nhiều hội chợ thực phẩm quốc tế, sang Nga, sang Trung Quốc. Con đường sữa của TH không dừng lại ở đó mà tiếp tục đi xa hơn với những hướng đi mới mang tính cách mạng. Chúng tôi đã có dịp gặp lại bà Thái Hương để cùng trò chuyện với bà về con đường làm sữa và những kế hoạch, dự định mang tính chiến lược của bà về việc phát triển những sản phẩm sạch, hữu cơ mang thương hiệu TH.
Nhiều người nhận xét phụ nữ xứ Nghệ thường mang một tính cách dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng với bà thì khi nhắc đến cái tên “Thái Hương” là mọi người hình dung ngay về hình ảnh một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, bà cảm thấy thế nào?
-(Cười). Con gái xứ Nghệ dịu dàng nhưng tôi chắc chắn không dịu dàng đâu, trong cuộc sống khác hẳn với điều hành công việc. Tính cách của tôi rất kiên định, cương nghị, luôn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, nhưng tôi cũng không bảo vệ đến mức duy ý chí, cực đoan.
Tôi cũng phải thừa nhận rằng, khi một suy nghĩ nào mà tôi cảm thấy đúng, tôi sẽ bám trụ và bảo vệ điều đó quyết liệt đến cùng. Trong công việc là như vậy nhưng trong cuộc sống đời thường tôi lại là người luôn nhường nhịn, nhường nhịn đến cùng đấy (cười). Nhường nhịn là một đức tính rất quan trọng trong gia đình, từ người vợ, người chồng và các con phải luôn nhường nhịn nhau.
Là một con người luôn bận rộn, con người của công việc, mà nói đúng hơn giờ bà như là người của công chúng, ắt hẳn thời gian giành cho gia đình sẽ rất khó khăn, bà đã làm thế nào để cân bằng được cả hai yếu tố gia đình và công việc?
-Tôi cho rằng yếu tố trước tiên, đó là sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, rồi kế đến là sự bố trí khoa học trong công việc. Như tôi, bao giờ cũng phải hoàn thành công việc trong gia đình trước, rồi mới làm đến công việc của cộng đồng, bởi có “tề gia” tốt, thì việc ở ngoài thiên hạ mới tốt được.
Mười năm là một quãng thời gian đủ dài để nhìn lại về một quá trình, một chuỗi những công việc đã qua. Giờ bà có thể cho biết và chia sẻ về con đường nào đưa bà tới nghiệp làm sữa của mình?
-Trong cuộc sống cũng như công việc, tôi luôn cho rằng, cái gì cũng phải có nhân duyên. Tôi vốn xuất thân là làm tài chính, khi nói đến làm sữa thời điểm đó (năm 2009), nhiều người không tin đâu.
Nhân duyên làm sữa đến với tôi xuất phát từ sự cố sữa nhiễm melamine năm 2008 của Trung Quốc khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận, kéo theo cơn khủng hoảng của cả ngành sữa Việt Nam vào thời điểm đó - khi chúng ta vẫn còn phải nhập rất nhiều sữa bột từ Trung Quốc. Tôi xem TV và theo dõi thông tin này liên tục. Sau đó, mặc dù các cơ quan chức năng công bố sữa trong nước không nhiễm melamine, nhưng với trực quan của một người mẹ, tôi là mẹ của 3 đứa con trai, tôi đã nghĩ: Phải làm sữa ngay.
Tại thời điểm đó, nước ta vẫn phải nhập khẩu đến 92% sữa bột trong đó có một lượng lớn sữa được dùng để pha lại, Nghĩ là làm, chỉ sau một đêm đến sáng hôm sau tôi đã quyết định họp hội đồng tư vấn đầu tư để bàn cách làm sữa ngay. Bởi đây chính là thời cơ vàng, thời cơ lịch sử để làm sữa.
Lúc đó hội đồng tư vấn đánh giá ý tưởng của bà như thế nào?
-Thú thực, tôi là dân tài chính nên kiến thức về sữa của tôi là “zero”, nhưng quan điểm của tôi không có cái gì là không thể, mình không biết thì phải học và phải học những thầy giỏi nhất. Nguyên tắc quan trọng nhất của tôi là không mò mẫm tìm giải pháp. Thế giới đã làm rồi, tôi chỉ tìm công nghệ tốt nhất, tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu của mình, của doanh nghiệp mình để nhập về thôi. Công nghệ cao chính là chìa khóa vàng trong nông nghiệp. Tôi quan điểm, mình như chủ của một cái xe và mình sẽ thuê người thầy giỏi để lái xe cho mình, mình cần đi đâu, đi giờ nào là do mình quyết định cả.
Lúc họp hội đồng tư vấn đầu tư, nhiều người đặt câu hỏi lắm và có cả những câu hỏi dồn dập. Ngồi chủ trì cuộc họp, tôi đã nói: Hôm nay, tôi sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi của ai về bất cứ vấn đề gì. Cuộc họp kéo dài đến 12 giờ trưa, nhưng câu hỏi thì vẫn chưa hết và tôi có nói, nếu ai muốn hỏi có thể tiếp tục gửi câu hỏi về Văn phòng để tổng hợp và tôi trả lời sau đó.
Tôi có nói với mọi người là, chúng ta hãy làm một ly sữa tốt nhất cho người Việt với quan điểm “hài hòa lợi ích”. Ban đầu, tôi có xác định sứ mệnh của mình là phải làm sữa vì một Việt Nam hùng cường, đến sau này thì đổi thành “Vì tầm vóc Việt”.
Bà có thể chia sẻ về việc lấy thương hiệu cho sản phẩm sữa của mình là “TH”, vì sao bà lấy tên này, bởi cho đến bây giờ nhiều người đang hiểu TH tức là “Thái Hương”?
Câu chuyện làm thương hiệu sữa TH đến với tôi rất bình dị, nhưng cũng thần tốc. Vào năm 2009, trước khi khởi công xây dựng trang trại bò sữa TH, tôi đã quyết định phải làm thương hiệu trước.
Tại sao sản phẩm sữa của tôi lại phải mang 2 chữ “TH”, tôi xác định làm sữa là để mọi người hạnh phúc và phải xây dựng được thương hiệu đích thực, mang tầm quốc tế. TH là từ được hình thành từ chữ “True” và chữ “Happiness”. True Happiness, có nghĩa là “Hạnh phúc đích thực”. Trước khi chọn thương hiệu đó, tôi đã chia sẻ và tự tay mình viết rằng: “Hãy làm cho trẻ em ly sữa bằng cả trái tim và tấm lòng của người mẹ”.
Tôi đã gọi một cô chuyên gia giỏi đến để tham khảo về việc đặt tên cho thương hiệu sữa, cô này có đưa ra cho tôi 4-5 cụm từ nhưng sau đó tôi thấy cụm từ True Happiness là đầy đủ và ý nghĩa nhất. Chúng tôi định vị TH là TrueHappiness - “Hạnh phúc đích thực”. Bằng truyền thông lành mạnh, hình ảnh và thương hiệu chân thực giữa bầu trời xanh của một TH kiêu hãnh, chân chính và nghiêm túc đã làm nên một kỳ tích dậy sóng toàn đất Việt. Còn về việc mọi người hiểu nhầm “TH”, tức là Thái Hương, tôi thấy cũng không có vấn đề gì, việc lấy tên của một con người gắn bó với ngành sữa, làm sữa thực sự cũng không có gì đáng bàn, nhưng như tôi đã nói từ đầu, tôi lấy tên TH vì đó là True Happiness - “hạnh phúc đích thực”.
Thời điểm ban đầu khi TH mới công bố sản phẩm sữa đầu tiên, bà đã làm dậy sóng dư luận thời bấy khi nói: “TH không có đối thủ trong ngành sữa”. Lúc đó, bà có bị áp lực bởi dư luận?
-Nói thực về áp lực thì tôi không thấy có áp lực gì hết. Khi đó, lúc được hỏi về chiến lược làm sữa của mình, tôi có trả lời: “TH sẽ đi con đường mà không ai đi”, có nghĩa nói đầy đủ ra là tôi sẽ làm sữa tươi ngay trong nước, chứ không phải là sữa bột pha lại. Rồi người ta lại hỏi tiếp: Bà có đối thủ không? Tôi trả lời: TH không có đối thủ, thế rồi họ tách ý đó ra và cho rằng, tôi phát biểu kiêu căng, ngạo mạn. Thực tế, đến giờ tôi vẫn khẳng định, TH không có đối thủ. Tôi cảm ơn các hãng sữa đã truyền thông để người tiêu dùng hiểu được lợi ích của sữa nhưng tôi không đi cùng con đường với họ. Tôi nhập bò sữa, trồng cỏ- nuôi bò, chế biến sữa tươi và tạo ra những sản phẩm sữa tốt nhất. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ sữa tươi tại Việt Nam tăng nhanh. Thực tế, sự vào cuộc của TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa phải cạnh tranh về chất lượng và quan tâm đến chăn nuôi bò sữa để phát triển nguyên liệu sữa tươi trong nước phục vụ sản xuất. Tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại giảm từ 92% xuống còn gần 70% (năm 2016).
Tôi lúc đó cũng khẳng định: “Lịch sử rất công bằng, đến một ngày mọi người sẽ biết tôi làm gì!”. Tôi đã làm sữa bằng trái tim, bằng sự nhân văn của mình và thành quả cũng rất ngọt ngào. 5 năm trước đây, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam chưa có tên trên bản đồ châu Á, giờ đây đã có trang trại xác lập kỷ lục trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á, được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận. Đó là trang trại TH.
Bà đã làm thế nào để từ “khởi nghiệp” từ con số 0, TH đã nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm sữa đầu tiên và đã thực sự khẳng định được thương hiệu đến thời điểm này?
-Khi thời cơ đến, tôi đã tìm hiểu và quyết định tìm đến Israel để học hỏi và nhập công nghệ của họ. Và thật may mắn, chúng tôi đã làm được điều mình mơ ước ngoài sức tưởng tượng. Đó là vào thời điểm tháng 11.2011, khi Tổng thống Israel Shimon Peres đến thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước, Ngài đã tới thăm Tập đoàn TH – là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam mà Ngài tới thăm trong chuyến đi đó. Thời gian tới thăm dự kiến 30 phút nhưng không ngờ khi tôi tiếp kiến, Ngài đã dành đến 58 phút để nói chuyện.
Lúc bắt tay tôi, ông đã nói: “Ngay từ khi bắt tay bà, tôi đã cảm nhận nguồn năng lượng tràn đầy trong con người bà. Bà đã kiến tạo cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam”. Cũng chính vì cảm nhận và sự tin tưởng đó, nên sau đó Tổng thống Shimon.Peres đã quyết định cho TH vay 100 triệu USD trong vòng 10 năm để làm sữa, điều không phải ai cũng làm được.
Tại cuộc gặp đó, bà đã nói gì với Tổng thống Shimon Peres mà được ông cho vay tới 100 triệu USD?
-Tôi đã nói, ngài hãy tin tưởng ở chúng tôi, tin tưởng những con người TH, chúng tôi sẽ làm thay đổi ngành sữa Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà tôi nhớ nhất, chính là quyết định mời ngài Tổng thống uống sữa do chính TH sản xuất ra.
Uống sữa xong, ông có đứng dậy và hỏi: Bà có cảm nhận gì về tôi? Tôi trả lời: "Ông là chính trị gia, tôi là doanh nhân, nhưng tôi cảm thấy chúng ta đều cùng có một mục đích là cống hiến cho cộng đồng trên cương vị riêng của mỗi người”
Tôi cho rằng, trong cuộc sống chúng ta phải luôn biết tự tin và luôn biết nuôi dưỡng khát vọng, để làm sao biến khát vọng đó thành sự thực. Như khi bắt tay vào làm TH true Milk với việc triển khai dự án bò sữa ở Nghệ An, tôi mua trực tiếp công nghệ của Israel, Đức, New Zealand… thuê nông dân của họ sang làm việc để hướng dẫn cho công nhân dự án. Sau vài năm, hệ thống của TH đã xong phần chuyển giao công nghệ, người Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ.
Khó khăn lớn nhất của bà khi bắt tay làm sữa là gì?
- Khó khăn lớn nhất đối với TH chính là sự hoài nghi, mà tôi thấy mọi người hoài nghi là đúng, vì tôi đã làm một cuộc cách mạng, mà đã cách mạng thì phải có cái mới, cái chưa ai tưởng tượng đến, đó là đưa bò sữa về nuôi ở vùng đất mà như mọi người vẫn nói là nóng như chảo lửa ở Nghệ An. Nhưng thực tế đã cho thấy, 5 năm sau, TH đã nhận được phần thưởng xứng đáng: xác lập kỷ lục Trang trại ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á, chiếm trên 40% thị phần sữa tươi của Việt Nam; góp phần làm lành mạnh thị trường sữa bằng cách đấu tranh và kiến nghị các cơ quan chức năng phải minh bạch ngay các tiêu chí về sản phẩm sữa trên bao bì nhãn mác và trên hết là xây dựng được tiêu chuẩn dòng sữa học đường.
Một khó khăn nữa là làm sao để cho người dân hiểu. TH true Milk ra đời, bước vào thị trường đầy khốc liệt lúc đó đã có gần 500 nhãn mác nhập nhèm về thông tin thật - giả lẫn lộn, trong bối cảnh đó tôi đã chọn cho mình con đường “đại dương xanh trong lòng biển đỏ”.
Bây giờ nhớ lại thời kỳ đó, bà thấy sao?
Nhớ lại lúc đó, tôi thấy mình mạnh mẽ thế, chứ giờ cho làm lại chưa chắc tôi đã làm được (cười). Nhưng ngay từ đầu, tôi đã quan niệm rằng, TH phải đứng trên nền tảng 5 giá trị cốt lõi vững vàng: “Vì sức khỏe cộng đồng”, “Hoàn toàn từ thiên nhiên”, “Tươi - Ngon- Bổ dưỡng”, “Thân thiện với môi trường”, “Tư duy vượt trội và hài hòa lợi ích”. TH đã ghi dấu ấn về một Dự án nông nghiệp đầy tính nhân văn và được người tiêu dùng yêu quý, đón nhận, trở thành thương hiệu tự hào quốc gia.
TH là đơn vị tiên phong trong việc đấu tranh vì quyền lợi của người tiêu dung khi đòi “minh bạch sữa tươi, sữa pha lại”. Xuất phát từ đâu TH thực hiện việc này?
- Hiện nay, việc nhập sữa bột nước ngoài về pha lại vẫn còn khá phổ biến, còn tôi thì đi nhập bò, nhập công nghệ về để xây dựng trang trại và đồng cỏ để tạo ra sản phẩm sữa tươi trên chính đất nước mình. Tôi đã đấu tranh cho vấn đề minh bạch khái niệm sữa suốt 7 năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới vì vấn đề giống nòi, sức khỏe của người Việt.
Không dừng lại ở trong nước, tháng 5.2016, TH đã khởi công dự án xây dựng trang trại bò sữa tại Nga như một bước để đưa thương hiệu sữa Việt ra thế giới. Bà có thể chia sẻ lý do, quá trình đầu tư vào Nga?
Từ khi mới làm sữa, tôi đã nung nấu khát vọng đưa dòng sữa TH của đất nước Việt Nam ta ra thế giới. Khi Liên bang Nga bị phương Tây cấm vận sau sự kiện Crimea, tôi đã quyết định đầu tư ngay vào thị trường này vì khi đó tôi thấy các điều kiện khách quan và chủ quan khá phù hợp. Bởi như tôi đã nói, cái gì cũng phải có nhân duyên và cơ duyên. Rồi tôi viết một bức thư gửi riêng cho ngài Tổng thống Putin. Trong đó có đoạn: “Có 3 người đàn ông ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời doanh nhân của tôi, thì 2 người thuộc về Liên Xô và nước Nga vĩ đại. Người thứ nhất không có thực trong đời sống, đó là nhân vật Pavel Corsaghin - người hùng trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” và người thứ hai chính là Ngài”.
Sau vài dòng hiến kế cho Tổng thống Putin thay đổi về chính sách đầu tư cho nông nghiệp của nước Nga, tôi đã mạnh dạn viết: “Nếu được Ngài cấp vài chục ngàn ha đất với những ưu đãi hợp lý, thì chỉ 1 năm sau, chúng tôi sẽ biến khát vọng của Tập đoàn TH và sự ưu việt của công nghệ cao trong nông nghiệp thành một trang trại bò sữa tập trung quy mô nhiều ngành con, thành hệ thống trang trại rau sạch”. Kết quả là chính phủ Nga đã hiểu, trân trọng và dành cho TH nhiều chính sách ưu đãi và công việc xây dựng, đầu tư bên đó của chùng tôi đang rất thuận lợi. Chúng tôi đã đón đàn bò đầu tiên về trang trại TH ở Liên bang Nga vào tháng 1.2018 vừa qua.
Trở lại câu chuyện 10 năm trước, khi đó bà có nói, Việt Nam vẫn phải nhập 92% sữa bột ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, còn bây giờ được biết, TH đang có chiến lược xuất khẩu sữa sang Trung Quốc và đã khởi công xây dựng một trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp ở Hà Giang để phục vụ cho thị trường này. Đến nay, TH đã xuất khẩu được sữa sang Trung Quốc chưa, thưa bà?
-Ngay từ ban đầu, khi xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm sữa, tôi đã xác định và nhằm vào thị trường Trung Quốc, bởi đây là một thị trường lớn tới 1,3 tỷ người. Sau nhiều năm nỗ lực và phấn đấu làm tiêu chuẩn, phối hợp với các bộ, ban ngành thương thảo, làm thủ tục, cho đến giờ sản phẩm của TH đã vào được các siêu thị ở Quảng Châu, Quảng Đông. Sắp tới đây sữa và sản phẩm chế biến từ sữa của TH sẽ được đưa ra khắp các thị trường trên toàn Trung Quốc. Các sản phẩm sữa của TH đang được người dân Trung Quốc đón nhận rất tốt.
Thực tế, Trung Quốc rất khắt khe và kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức khi tiếp cận với thị trường này. Thay vì cứ chăm chăm đi xuất khẩu tiểu ngạch, chúng ta phải có sản phẩm chất lượng tốt để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của mình sang Trung Quốc.
Tôi khẳng định nếu người Việt chúng ta làm ra sản phẩm có chất lượng tốt thì sẽ được nước bạn đón nhận rất nhanh, còn những sản phẩm chất lượng kém thì sẽ rất vất vả và có thể “không có cửa” để vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Không chỉ có sữa, gần đây TH còn đưa ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bà có thể chia sẻ thêm về chiến lược này?
-Bây giờ, tôi quan niệm thế này: Cơ thể mình cần cái gì, thì tôi sẽ làm cái đó, từ sữa, rồi đến rau quả sạch, nước mắm, dầu, lạc, gạo, các loại đồ uống thảo dược… để biến Việt Nam trở thành bếp ăn đúng nghĩa của thế giới.
Hiện tôi chuẩn bị cho ra thêm một kỳ tích thứ 2 để cân chỉnh lại thói quen tiêu dùng không chỉ tại Việt Nam, mà còn ra toàn thế giới. Đó là giúp người tiêu dung từ bỏ thói quen uống đồ ngọt thông qua các loại đường (tinh luyện, hóa học,…). Tôi sẽ đi theo và làm cuộc cách mạng không dùng đường, theo xu hướng hữu cơ, sạch bằng cách sử dụng các loại quả có tính ngọt nhằm tạo ra sản phẩm vừa bổ dưỡng, ngon, lại có vị ngọt tự nhiên. Kết hợp nhóm hạt giàu dinh dưỡng như Mắc ca, óc chó, hạnh nhân, gạo thảo dược, cùng với sữa tươi sạch TH và các loại quả có vị ngọt, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển một loại sản phẩm hoàn toàn mới chưa từng được sản xuất tại Việt Nam.
Ngày 17/3, chúng tôi đã đưa sản phẩm mới này ra thị trường, gọi là sữa hạt TH true NUT. Ngoài ra, TH cũng sẽ giới thiệu một loại nước uống mới lên men tự nhiên từ mầm lúa mạch gọi là TH true Malt, đó là một loại nước có ga nhưng không cồn dễ uống và tốt cho sức khỏe.
Quay trở lại câu chuyện về chủ đề phụ nữ, gia đình, bà có thể chia sẻ một chút về cuộc sống gia đình?
-Tôi luôn cảm thấy rằng, mình chỉ hoạt động tốt khi có một hậu phương vững vàng. Theo tôi, dù ở cương vị nào, ở vị trí nào đi chăng nữa thì việc đầu tiên mà người phụ nữ cần hoàn thành là việc của gia đình, cần phải hoàn thành sứ mệnh là người mẹ và người vợ trước, rồi mới đến công việc. Có hoàn thành tốt việc của gia đình, mọi người mới hoàn thành được việc của xã hội. Chồng tôi chỉ là một công chức nhà nước bình thường. Tôi có 3 người con trai và hiện tôi cũng đã có 3 cháu nội, các con tôi hiện giờ cũng đã trưởng thành và đều thấm nhuần tư tưởng và con đường mà mẹ đã và đang đi. Gia đình tôi luôn rất hạnh phúc, sum vầy.
Đặc biệt các con tôi cũng đều yêu thích công việc của tôi và chúng đang tiếp nối công việc đó. Tôi chắc chắn, các con tôi sẽ có tư tưởng và trí tuệ vượt trội hơn tôi khi làm công việc này, bởi như các cụ nói “con hơn cha, nhà có phúc”.
Là một người phụ nữ Việt Nam, tôi còn là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân nữ và nằm trong Ban Chấp hành của T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tôi chúc cho toàn thể phụ nữ Việt Nam luôn đẹp mãi cùng thời gian, cái đẹp ở đây ý tôi muốn nói đến là cái đẹp về sức khỏe, đẹp về nhân cách và đẹp về tâm hồn. Để từ vẻ đẹp của người phụ nữ trong gia đình ấy sẽ giúp cho xã hội đẹp hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.