Đến gặp nhà văn, là gặp ngay tủ sách. Triệu Xuân là người đam mê đọc, đọc từ bé quên ăn quên ngủ cho đến tận lúc bệnh tật hành hạ khổ sở. Không chỉ đam mê viết lách, anh còn là "bà đỡ" văn chương cho nhiều cây bút bằng cách in sách cho họ, lập quỹ Phát triển Tài năng Văn học trẻ, rồi giới thiệu những tác giả gạo cội lẫn mới toanh…

Bạn văn quý đến, anh đón tiếp nồng hậu. Anh em nghệ sĩ túng thiếu, anh bao bọc, chia sẻ, góp phẩn nuôi ăn, nuôi viết, tặng sách… Sự hào phóng, cho đi, chia sẻ gần như là bản tính của Triệu Xuân.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 1.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 2.

Nhìn lại chặng đường văn học nhiều sóng gió mà ông và nhiều đồng nghiệp dự phần và có nhiều dự cảm, Triệu Xuân cho rằng, phẩm chất quan trọng và cần thiết của người viết chính là tư duy phản biện. Chính điều đó làm điểm tựa để ông trụ vững trên cái nhìn và những nguyên tắc cùng giá trị thẩm mỹ của mình trong tác phẩm. Cho dù theo thời thế, nhiều nhà văn đã gần như phủ nhận sạch sẽ một nền văn học có thời chỉ như minh họa và một chiều, mà như thế thì cũng vô tình họ phủ nhận giá trị trường tồn của văn học, chỉ coi viết như mùa vụ...

Một điều may mắn là ông vào Sài Gòn sớm, nên tiếp cận được người Sài Gòn, hiểu mảnh đất này, nhưng còn một số nhà văn ngoài Bắc thời kỳ đó vẫn còn nhìn hiện thực theo hướng phiến diện. Đến lúc nhận chân ra lại bị sốc và quay ngoắt phủ nhận chính con người mình trong nền văn học mà mình đại diện tại thời điểm đó…

- Khi tốt nghiệp đại học, tôi đăng ký tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường. Trước khi rời Hà Nội vào Nam làm phóng viên chiến trường, bố tôi gọi tôi lại: "Anh lên đường vào trong đó ác liệt lắm, tôi chỉ dặn một câu thôi, là giữ sức khỏe để cống hiến và viết thì phải biết 10 để chỉ viết 1!". Tôi ghi nhớ và coi đó là phương châm của tôi khi viết.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 3.

Về Sài Gòn, tôi coi đây là quê hương thứ hai. Tôi yêu tính cách con người Sài Gòn - Nam Bộ, phẩm chất của họ khí khái, bất khuất, trung thực, hào sảng và rất giàu nghĩa khí. Và còn một lý do nữa rất quan trọng: Ngay từ nhỏ, tôi đã được đào tạo, dạy dỗ để biết phản biện.

Tính phản biện đã ăn sâu vào máu tôi, nên không thể nghe theo một chiều. Khi là liên đội trưởng Liên đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, là học sinh 2 lần được Bác Hồ khen nhưng trong lớp tôi luôn là học sinh phản biện, chứ không "vâng ạ" theo thầy cô giáo. Luôn luôn hỏi lại và hỏi những câu hóc búa, song các thầy giáo vẫn yêu.

Khi lên đại học cũng thế, tôi rất hay hỏi lại thầy khi nghe giảng; các ông thầy Nguyễn Văn Khỏa, giáo sư Đỗ Đức Hiểu, bà Lê Hồng Sâm, ông Hà Minh Đức đều đánh giá cao tính phản biện của tôi.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 4.

Những năm tháng làm phóng viên chiến trường đã giúp anh thay đổi thế nào trong nhận thức của người cầm bút?

- Sau khi ra trường, giáo sư Đỗ Đức Hiểu hỏi tôi có muốn làm ở Viện Văn học không và sẵn sàng viết thư giới thiệu tôi với đồng nghiệp quen thân của mình. Nhưng tôi trả lời với thầy rằng mình đang xin làm phóng viên chiến trường, vì thích sáng tác hơn là nghiên cứu. Thầy bảo tôi hãy suy nghĩ thật kỹ. Vậy mà tôi vẫn quyết ra đi, khi ấy thầy chỉ còn biết chúc tôi "chân cứng đá mềm". Từ đó cho đến khi mất, thầy vẫn đọc không sót tác phẩm nào của tôi. Sau này, tôi biết được thầy vẫn khen mình "bản lĩnh, thông minh, tài năng nhưng mà rất biết phản biện."

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 5.

Tôi tham gia chiến dịch tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức 1.062m ở miền Tây Đà Nẵng và bị thương nặng. Ngồi trên đoàn xe chở pháo hạng nặng vào, cách sư đoàn bộ chừng 10km thì cả đoàn xe trúng pháo. Sau đó tôi tiếp tục gượng dậy đi viết cho đến ngày tiếp quản Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn.

Có hai người tôi nhớ mãi vì đã cứu sống tôi. Một là y sĩ Phùng Thị Sính ở quân y viện tiền phương, đã lao xuống giếng vớt tôi lên (vì bị chấn thương sọ não mà té giếng). Hai là chị Mai Nhung (cựu Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay), đã cứu sống tôi kịp thời khi tôi bị ngất ngoài rừng...

Thời đó, khi có một nhà báo Mỹ đi cùng với tôi và một số phóng viên tại vùng mới phá khu dồn dân, tứ vùng giải phóng, xin chụp ảnh một bà mẹ. Tôi nhớ mãi cách bà chỉ xuống hố đạn pháo: "Đó, mi chụp cái đi, khỏi cần chụp tau!".

Rồi đến chiến dịch Thượng Đức, chiến dịch đợt 1, quân ta thắng. Đến đợt 2, quân ta bị bại, người chết như rạ. Đến tháng cuối cùng tấn công bằng mọi giá, sư đoàn 304 chết cả đại đội ngay trước mặt tôi. Lên tới nơi, tôi thấy máu chảy thành sông, dòng sông dưới chân núi Thượng Đức hôm đó nửa tháng sau vẫn còn màu đục lờ nhờ không tan đi được. Tôi đã đưa vào những bài ký nhưng không dám tái hiện trong tiểu thuyết. Ký sự "Khu 5- Thương nhớ tự hào" đã in sách, báo nhiều lần.

Viết về chiến tranh dễ được in, dễ được giải thưởng! Tôi biết vậy, nhưng không chọn đề tài này. Tôi sợ cách viết một chiều về chiến tranh. Tôi nghĩ: "Cuộc chiến tranh thần thánh" của chúng ta thật điêu linh… Xin đừng quên bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu gia đình mất mát. Hàng triệu gia đình ở cả hai miền Nam Bắc chịu tang tóc, hy sinh, có quá nhiều người Mẹ Việt Nam Anh hùng mất con… Phải hy sinh rất lớn để có được ngày chiến thắng đầy máu, nước mắt.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 6.

Nhờ tính phản biện, nhờ cảm quan riêng, hay nhờ các tư tưởng tiếp nhận từ văn học nước ngoài mà ông đã nhìn ra những vấn đề "của một thời kỳ quá độ", khi mà đời sống vật chất và văn hóa của phần đông còn rất kham khổ…?

- Tri thức được đúc kết từ 3 thứ: Vốn sống trực tiếp, vốn sống gián tiếp (bằng các chuyến đi du khảo trong nước và nước ngoài), bằng cách đọc tư liệu, sách vở. Khi được mời qua Liên Xô hơn một tháng để viết về "Cải tổ", tận mắt chứng kiến hiện thực của Liên Xô, xu thế tan rã Liên bang…, về nước, tôi mới dám bắt tay vào viết VN.Mafia. Tôi đã phỏng vấn nhiều tầng lớp người ở Liên Xô cũ, ai cũng ta thán về nạn tham nhũng, mất dân chủ… Họ cho rằng mafia ở đây là "tay tổ", bởi có thể "làm ra" luật. Còn bên Mỹ, mafia sợ luật, sợ chính quyền, muốn làm ăn được phải lách luật. Hai điều này khác hoàn toàn về bản chất.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 7.

Tính phản biện của tôi càng được chắp cánh, bằng cách đứng trên mảnh đất hiện thực, có lý và có tình, phản biện bằng chính văn chương. Bố tôi là sĩ quan quân đội được trưng dụng để cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh ở Hải Phòng sau năm 1955, là người được giao nhiệm vụ đi đón giáo sư Trần Văn Giàu về nói chuyện cho tư sản Hải Phòng nghe.

Lúc đầu, họ phì phèo hút thuốc, gác chân lên bàn, không buồn nhìn lên. Tức quá, khi ấy ông Trần Văn Giàu giật phăng cúc áo khoác, lột cái nón quăng xuống bàn: "Thằng Giàu này nhà bên vợ và nhà mình ruộng đồng thẳng cánh cò bay, tài sản mênh mông, các anh có bằng một góc nhà tôi không mà các anh đòi lên mặt? Tôi bắt đầu nói đây". Cả nhóm lặng phắc, không ai dám về, nghe ông hùng biện. Giáo sư Trần Văn Giàu là người cứng rắn, tuân thủ nghiêm ngặt chủ nghĩa Mác. Dù được thân thiết với ông, kính trọng ông nhưng tôi vẫn dám phản biện với ông điều này.

Tính phản biện là hơi thở, là lẽ sống của tôi, nhưng là phản biện có lý, có tình. Không có lý, có tình thì không làm được gì đâu, nếu không nói là sẽ thành gàn dở. Cho nên tôi nâng niu, trân trọng từng vẻ đẹp nhỏ xíu của cuộc sống. Thí dụ, đi trên đường gặp một nữ thanh niên cầm cuốn sách là tôi rất mừng, coi người đó như là người mình hằng mến yêu từ lâu…

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 8.

Bao giờ cũng vậy, giới trí thức mang đầu óc phản biện luôn mong cầu sự thật và chân lý. Trí thức Nga từng có cuộc chạy trốn khỏi đất nước vì nhận ra sự khác biệt giữa ý thức hệ, tư duy của chính quyền thời đó và chính họ. Có không ít người đã đoạt giải Nobel nhưng không được trở về Tổ quốc. Ở Việt Nam, có người chuyển hóa ý thức hệ đó trong văn chương, chống cái xấu và cái ác, cái tha hóa đến cùng. Những dự cảm đó đến với ông vào thời điểm nào?

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 9.

- Kể từ khi đi viết về cải tạo, tháng 10, tháng 11 năm 1976, tôi đã nhận ra sự bất nhân ở một số cách đối xử với người chế độ cũ. Đất nước hòa bình rồi, phàm những gì xâm phạm đến con người, đến hạnh phúc gia đình thì tôi cho đó không còn là cộng sản nữa, cũng không còn là con người. Khi anh làm cộng sản, anh phải mang đến hạnh phúc cho người dân. Sợ nhất là cộng sản giả hiệu. Điều này thật nguy hiểm, vì nó nhân danh cái tốt đẹp để làm bậy.

Suốt quãng thời gian từ năm 1975 cho đến khi có Luật đầu tư nước ngoài tháng 12/1986, người ta chờ mãi, đến 10 năm sau, vào năm 1997, Đảng mới sửa sai, mới công nhận do nóng vội, chủ quan, ấu trĩ nên đường lối cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy thoái kinh tế xã hội, làm xói mòn niềm tin của dân...

Khi người cầm bút có hết mọi thứ, chỉ cần trào ra ngòi bút thì cái cần nhất đầu tiên là phải có tâm. Cái tâm anh hướng vào cái gì thì nó thành thế đó. Nhiều người phê phán theo kiểu chửi bới, phủ nhận sạch trơn. Tôi không vậy. Cũng là giọng văn phê phán nhưng người viết phải chua chát, đau xót, đứt từng khúc ruột viết ra thì mới viết hay được.

Còn một điều nữa, người viết phải nhận rõ sự lỗi thời của hệ tư tưởng thủ cựu. Trước khi đi Liên Xô, tôi đã nhận ra một số điều, nên sang tới nơi rồi tôi chỉ chăm chắm phỏng vấn về đề tài đó, in ở bên đó mấy bài báo. Tôi từ Sài Gòn ra đi, tôi nhìn nước Nga, Liên Xô những ngày đó khác hẳn người ra đi từ các tỉnh phía Bắc! Các bạn Hà Nội coi Liên Xô là thiên đường, còn tôi thì không. Nhưng tôi nhận ra một điều rằng những ngày tháng của năm 1990-1991, ở Liên Xô đang có xung đột gay gắt giữa một bên là quá khứ rực rỡ, huy hoàng của nền văn hóa, nền kiến trúc và lịch sử; một bên là hiện tại vô cùng hỗn loạn, phi nhân cách.

Suy cho cùng, sự chuyển biến trong tâm hồn của nhà văn phải bền vững, không được nghe hóng hớt, không chao đảo… Tôi  đi trên nền tảng tri thức đó mà ngộ ra được nhiều điều để luôn có được sự vững vàng.

Một số nhà văn bị dao động ngay cả khi nhận chân được sự thật, khi chưa có sự tỉnh táo, chưa có sự chín trong cảm xúc.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 10.

Đọc văn Triệu Xuân thì không thể bỏ sách xuống giữa chừng, vì hiện thực ngồn ngộn, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Nhưng vì sao ông không khai phá mảnh đất tiểu thuyết mới, thoát khỏi xu hướng kể, tả thực theo trào lưu lâu nay? Bởi người đọc hôm nay rất tinh, họ không chịu những nhân vật "dưới cơ" của họ, mà nhà văn phải tạo một bút lực mới hấp dẫn, cho họ lối nghĩ, lối cảm xúc khác và chừa cho họ những khoảng lặng để suy ngẫm?

- Những đòi hỏi đó là chính đáng của người sành văn chương. Cũng phải nói thẳng ra tầm của nhà văn là đưa đến cho người đọc một thông điệp nào đó, còn lại phải để cho họ làm nốt công việc của mình. Nhà văn mình chỉ sợ viết thiếu, sợ người đọc không hiểu!

Tôi đọc nhà văn Áo Stefan Zweig, đời ông bi kịch đến nỗi 2 vợ chồng uống thuốc độc chết. Ông nhận hết bi kịch của nhân loại để mang xuống tuyền đài. Nhà văn đó tài lắm, biết gợi cho người đọc tiếp tục công việc của người sáng tác. Không phải ai cũng làm được đâu.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 11.

Vì sao ông luôn nhìn nhận dòng văn học miền Nam trước 1975 là một bộ phận không tách rời trên cơ thể văn chương Việt?

- Tôi đã dành cả tấm lòng, tâm huyết để làm gần năm chục tuyển tập, toàn tập của các nhà văn sống và viết ở phía Nam. Trong đó, tôi làm trực tiếp gần chục nhà văn lớn và biên tập để xuất bản toàn tập, tuyển tập của hơn ba chục nhà văn khác. Những nhà văn như Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Ưng Bình Thúc Dạ Thị, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê… quả là tài sản vô giá của văn học và văn hóa dân tộc! Tất cả xuất phát từ tấm lòng của tôi, vì tôi coi họ là bộ phận tinh hoa nhất của người Việt Nam sống ở phía Nam. Và kho tàng văn học Việt Nam nếu không có họ thì sẽ nghèo nàn biết bao nhiêu!

Như Tô Thùy Yên chẳng hạn, tôi chưa thấy một nhà thơ nào ở các tỉnh phía Bắc sau 10 năm cải tạo mà khi ra tù vẫn canh cánh thương người và nhân ái như vậy. Tôi thuộc làu thơ Tô Thùy Yên vì chính tấm lòng của ông. Và chỉ cần có tấm lòng nhân ái đó thì có sống trên cung trăng người ta vẫn thanh thản, không quên đất nước, cội nguồn và gắn bó suốt đời với số phận của nhân dân. Đó mới là thiên chức của nhà văn.

Và nếu như nền văn học của ta hiện nay cứ tiếp mạch "cảnh giác" đến xem thường nhà văn hải ngoại và trước 1975 thì vô hình trung, chúng ta đang tự làm nghèo mình đi; vô hình trung phản bội lại lời hứa, lời thề hòa hợp dân tộc. Bởi thế, tôi cùng bạn tôi – nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy từng làm hợp tuyển Thơ của người Việt ở nước ngoài. Rất tiếc là do thu thập không đủ bài, không có những tác phẩm mới của họ sau này nên chưa vừa lòng được.

Nhưng ao ước làm hợp tuyển về văn chương hải ngoại thì vẫn còn đấy. Những Thanh Việt, Ocean Vương, Linda Lê… là những gương mặt mới của nền văn học mà mình phải trân quý. Đến những đồng nghiệp ở Mỹ cũng phải vì nể họ, vậy tại sao trong nước lại không coi trọng?

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 12.

Ông nghĩ gì về văn chương trẻ trong nước?

- Thế hệ của bọn tôi, Phùng Gia Lộc thì đã mất, những người như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Trần Huy Quang… cũng già yếu, bệnh tật. Chỉ mong có những nhà văn trẻ viết nhiều, viết khỏe nhưng phải biết phản biện. Những nhà văn biết phản biện không nhiều. Chớ nên chỉ là chim họa mi hót ca. Nếu chỉ làm con chim ca hót hoài, khi hiện thực quá ư hỗn độn thì còn ai đọc nữa?

Tại sao không day dứt với hình ảnh là nhà văn chấm ngòi bút vào nỗi thống khổ của nhân dân mà viết? Nhà văn ngày xưa "Đọc nát vạn cuốn sách, đi nát vạn dặm đường", bây giờ ai làm được vậy? Nếu khai thác hết phần Trời cho ban đầu, không chịu đầu tư học hỏi, bồi đắp tri thức, thì tự "ăn thịt" mình, tự nhai bản thể của mình, thành ra không có tác phẩm lớn được!

Xin cảm ơn nhà văn và chúc ông vượt qua bệnh tật để còn sống là còn viết.

Bài 2: “Phản biện là hơi thở, là lẽ sống, nhưng là phản biện có lý, có tình!” - Ảnh 13.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem