Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 1.

Điều gì làm anh cảm động và thấy được an ủi đặc biệt khi "xả thân" tham gia công việc "không tưởng" này?

- Tính đến giờ tôi có hơn một trăm đứa con nuôi đều là con của những người đã cai nghiện ma túy thành công từ Viện PSD chúng tôi. Tôi là bố đỡ đầu cho tất cả các cháu đó. Tôi thường hay phải đặt tên cho chúng. Cai nghiện cho họ rồi họ lấy vợ sinh con và đến giờ tôi có cả một thế hệ vì cảm kích, vì giác ngộ nên đã sát cánh cùng tôi trong cuộc chiến này. Tôi gọi đó là những chiến binh phòng chống ma túy của thế hệ F3. Và tôi hi vọng rằng là trong một thập niên nữa tôi có khoảng 4-5 nghìn "chiến binh" như thế.

Tôi cũng định nâng cấp trung tâm của chúng tôi làm sao để một tháng có thể cứu được 500-700 người nghiện. Đó mới là sự toại nguyện. Qúa trình làm việc ở đây chúng tôi đã hình thành nên phương pháp chống tái nghiện ma túy qua trị liệu tâm lý. Đây là phương pháp không cần thuốc bổ sung can thiệp vào cơ thể. Chúng tôi can thiệp bằng lời nói, hình ảnh và những yếu tố đến từ bên ngoài để giải thích rằng tại sao người ta nghiện ma túy và dễ dàng tái nghiện như thế.

Phương pháp này của chúng tôi chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, giảm phản xạ trong não bộ - tránh việc một người nghiện ma túy hễ nhìn thấy bạn nghiện là họ cảm thấy thèm ma túy. Các bước tiếp theo bao gồm: Thay đổi khuôn mẫu bệnh lý trong não bộ để từ chối những tác nhân kích thích kể trên. Ở giai đoạn 3, chúng tôi tiến hành phục hồi các chức năng xã hội cho "bệnh nhân đặc biệt".

Tổng chiều dài phương pháp và quá trình điều trị khép kín như vậy khoảng 6-7 tháng. Phương pháp chống tái nghiện của chúng tôi cũng đã được cấp giấy chứng nhận, đã tổng kết kết quả trong 5-6 năm kể từ khi thử nghiệm, với 63,8% số người không tái nghiện trở lại. Với tôi, phương pháp này như một thứ vắc-xin đặc biệt để cai nghiện và chống tái nghiện.

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 2.

 

Điều gì khiến người nghiện dễ  bị "lầy lội", cứ "cai lại nghiện, nghiện lại cai" nhất?

- Sự kỳ thị. Sự kỳ thị là nguy hiểm nhất, nó đẩy con người ta tới tận cùng của sự cô đơn, tức giận và rồi họ bị kích hoạt động cơ sử dụng ma tuý và lại bị trượt dài, luẩn quẩn trong vòng cai nghiện - tái nghiện - cai nghiện. Tính đến giờ thì tôi đã tiếp xúc với hàng chục nghìn người nghiện rồi thì tôi nhận thấy rằng tất cả "chúng tôi" đều giống nhau ở điều này!

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 3.

Kế hoạch phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo và cơ quan hữu trách xây dựng, phát hành bộ tài liệu phòng chống ma tuý trong học đường của Viện ra sao rồi?

- Đến giờ hệ thống 4 bộ tài liệu đó đã xong xuôi, đây là loại vũ khí hạng nặng, tối tân nhất mà tôi đã ấp ủ hơn 20 năm qua. Nhất định phải có một thứ trang bị thật mạnh, trang bị ở nhiều phòng tuyến: học sinh, giáo viên, phụ huynh. Khoảng hơn một tháng nữa chúng tôi sẽ chuyển lên Bộ Giáo dục - Đào tạo bộ tài liệu này. "Đại công trình" đang trong quá trình thẩm định.

Bộ sách này, khi đến với 23 triệu học sinh trên đất nước mình, với tôi, nó vừa là mơ ước nhưng cũng vừa là niềm tin. Nguyên trong ban biên tập đã có 27 Giáo sư, Phó giáo sư; nhiều chuyên gia các ngành tâm lý, xã hội học, sư phạm, chuyên gia ma túy, chuyên gia pháp luật. Ròng rã từng ấy năm, có khi một tháng phải họp tới chục lần để chỉnh sửa, trau chuốt từng câu chữ.

Các kiến thức về phòng chống ma tuý trong đó lại còn phải đáp ứng yêu cầu phù hợp tâm lý từng lứa tuổi. Lại tránh được việc mô tả kích thích trí tò mò người còn trẻ, kiểu như, khi viết, tác giả nào đó lại nói rằng, ma túy gây cảm giác "phê pha", "bay bổng", đưa người nghiện vào "cõi tiên đầy mộng mị" chẳng hạn.

Chúng tôi cũng phải tính toán dùng câu từ rất thận trọng, kẻo sẽ gây tác dụng ngược. Ban thẩm định, cố vấn cho bộ tài liệu trên cũng có tới hàng chục các vị là tướng lĩnh, Giáo sư, là các "lá cờ đầu" trong cuộc chiến phòng chống ma túy. Nếu đưa vào cuộc sống, "gia tài" này sẽ góp phần thay đổi cục diện phòng chống ma tuý trong chỉ 2 năm.

Ông có thể giới thiệu qua về bộ tài liệu này?

- Ví dụ chúng tôi sẽ hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết: Khi bố mẹ về nhà nhìn thấy con đang uống một chai nước, rồi ngậm ống hút sữa thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống là các con đang sử dụng ma túy.

Trong quá trình làm việc tôi đã tiếp cận với gần 30 đại sứ của 30 quốc gia, bộ tài liệu này ngoài mong muốn đóng góp cho Việt Nam, chúng tôi cũng hy vọng có thể đóng góp vào phong trào phòng chống ma túy trên thế giới.

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 4.

Ông đã cảnh báo nhiều về sự len lỏi chết người của ma tuý trá hình. Có phải điều này đang ngày càng đáng sợ ở Việt Nam?

- Ma túy trá hình ngày càng trở nên phổ biến. Bản thân shisha cũng vậy, nó là thuốc lào Ả Rập nhưng khi hút họ trộn vào đó một số loại ma túy nguy hiểm. Họ nghiền, xay ma tuý ra, bỏ vào đó và họ hút. Hút dưới danh nghĩa shisha, một thứ không hề bị cấm ở nhiều quốc gia. Khi ngồi với một người ngoại đạo, thậm chí cả một người trong "giới" thì anh cũng không dễ gì quan sát mà biết đó là việc sử dụng ma túy ma tuý trá hình.

Cũng như câu chuyện của tôi và báo Dân Việt về việc mập mờ giữa "cây lanh mèo" và "cây cần sa" cũng vậy. Bản thân cần sa, cỏ Mỹ cũng là những thứ dễ bị trà trộn để trở thành "ma tuý trá hình", người ta dùng nó dưới dạng hút thuốc lá, thuốc lào. Ở đây chúng tôi trang bị cho cộng đồng nhận biết mùi vị, màu sắc, hình thức sử dụng...!

Còn một tình trạng nữa là họ trộn ma túy vào và biến nó thành nước giải khát có vẻ đang rất phổ biến trên thị trường. Như vừa rồi anh đã chứng kiến trên Mã Pí Lèng (tỉnh Hà Giang) rồi, họ "trà trộn" để làm thành "bơ lanh". Ma túy trá hình hết. Cả cái bánh lười hay cái tem dán lưỡi đều là thứ "dùng chơi" mà rất phê, lý do là ma túy trá hình ở trong đó.

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 5.

 

Tôi nhớ, mấy năm trước, anh từng cảnh báo có thể "hơi quá" rằng, nếu không quản lý tốt các vấn đề của ma túy, rồi sẽ sớm đến ngày người "ngáo" ở khắp nơi và người ta ra đường phải mặc… áo giáp?

- Với cường độ các hoạt chất hóa học tống vào ma túy khủng khiếp như thế này, thì trong tương lai chúng ta phải đối diện với các hiểm họa do ngáo đá gây ra, kiểu như muốn an toàn thì phải mặc áo giáp đi ra đường, nó là điều hiển nhiên. Muốn giảm thiểu thảm họa này, chỉ còn một cách là chúng ta phải phòng chống ma túy một cách thực tâm và hết sức bài bản, căn cơ. Phải có đề kháng cho con em chúng ta, ngay từ những thế hệ nhỏ và rất nhỏ. Tổng số 12 năm học, các em sẽ được học vào khoảng gần một trăm buổi các kiến thức kĩ năng phòng chống ma túy. Để rồi các em sẽ tự tạo cho mình một thứ tôi gọi là vắc-xin miễn dịch với ma túy.

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 6.

Tôi nhấn mạnh rằng, nếu bây giờ chúng ta bỏ ra 1 đồng, 1 tỷ đồng cho phòng ngừa ma túy ở thời điểm này thì trong 5 năm tới chúng ta không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết những hậu quả thê lương mà sự "phát triển tự do" của ma túy mang lại. Với tốc độ xâm lấn nanh vuốt của ma túy vào xã hội như hiện nay, với sự đậm đặc ngày càng chết chóc của hóa chất mà các đối tượng tống vào ma túy tổng hợp thế này, thì rất dễ để hình dung về một cuộc sống đầy rủi ro khi mà những kẻ ngáo tung hoành gây ra.

Từng nghiện hết cỡ trong nhiều năm, tôi luôn thấm thía: Sau khi là nô lệ của ma túy, người nghiện chỉ còn là những hồn ma dặt dẹo, những cái xác sống tàn độc mà họ không còn biết lập trình tư duy nữa.

Người "ngáo" nào đã thật sự ám ảnh ông? Nếu chọn một lời khuyên tự tâm can nhất dành cho người nghiện ma túy và gia đình họ, ông sẽ nói gì?

- Mỗi câu chuyện đều ám ảnh như nhau. Từ câu chuyện cắt gân người thân hay nhìn thấy người yêu tưởng là yêu quái, thế là "tiêu diệt" tất. Rồi vụ ca sỹ nổi tiếng nhét tỏi vào mũi bạn gái cho đến chết. Cả vụ ngáo nghĩ mình là con lươn con chạch rồi bằng mọi giá rúc vào cống thối tha ở gần bến xe Lương Yên mà bơi trong xú uế hay vụ nhìn thấy mẹ trong bệnh viện tưởng yêu tinh. Các vụ trèo cột điện đòi bay xuống như siêu nhân hoặc gào thét ra yêu sách với đời thì nhiều như cơm bữa…

Nếu không có giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng này, thì thật sự là quá sức nguy hiểm. Xã hội sẽ đi về đâu?

Tôi muốn nhấn mạnh về sự kì thị của xã hội ta với người nghiện ma túy. 100 người thì tất cả 100 đều bị kì thị, tôi đã thống kê và nghiên cứu rồi. Khi giúp họ, tôi luôn nói với họ rằng các bạn không thể vin vào việc xã hội kỳ thị hay "không có trách nhiệm đối với các bạn" được. Hiểu như thế là nghĩ chưa đầy đủ. Chính các bạn phải có trách nhiệm với hành vi của chính mình chứ không thể bắt xã hội đi theo mình. 

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 7.

Bảo tàng Ma túy của ông rất lớn, quả là hết sức công phu.

- Bảo tàng Ma tuý - Khu trưng bày tác hại của ma tuý và đào tạo kỹ năng phòng chống ma túy của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã được xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và chuyển về Hà Nội để xây dựng. Hiện nay chúng tôi đang chờ đợi thêm các thủ tục pháp lý cần thiết. Bảo tàng đó đã được xác lập là kỷ lục thế giới, là bảo tàng tư nhân và có số lượng tài liệu lớn nhất thế giới về chủ đề ma túy.

Tính đến nay, chúng tôi đã sưu tầm được khoảng 5.000 hiện vật đến từ  40 quốc gia. Chúng đều liên quan đến ma túy, với đủ loại, từ việc các công cụ sử dụng ma túy, đến việc trồng trọt, thu hái, chế biến các loại ma tuý khác nhau. Thậm chí, nhiều tài liệu quý về các thủ đoạn, cung đường, các ông trùm buôn bán ma túy đến việc xét xử các "đại án ma túy" rồi các công cụ kì khu như bàn đèn của trùm ma túy khét tiếng nhất của nhân loại… đều đã có trong khu vực trưng bày của chúng tôi.

Tôi đã phải lặn lội sang Tam giác Vàng – vùng đất "tai tiếng" trùm lên lãnh thổ 4 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, nơi sản xuất tới hơn 70% số lượng ma tuý trên thế giới – để sưu tầm, mua bán "hiện vật" liên quan đến ma tuý và các trùm ma tuý Khun Sa.

Chúng tôi đã sưu tầm đầy đủ cả những công cụ dành cho vua chúa, quan lại bằng ngà voi, bằng ngọc. Chúng là cuốn "biên niên sử" thuyết phục về việc sử dụng ma túy cũng như tác hại đáng sợ của ma tuý. Những điếu bằng ngà voi, bằng ngọc đẹp vô cùng, chúng là cổ vật, là bằng chứng về một thời kì "mông muội" trong nhận thức về tác hại của con người về "cơm đen", "nàng tiên nâu".

Có thể nói rằng giá trị của "bảo vật lịch sử" này, chúng tôi mua ở thời điểm đó phải bằng một nửa căn chung cư. Hoặc "giá chợ đen" của những tẩu hút thuốc phiện từ thời kỳ đồ đá.

img
img
img
img
img
img

Những hiện vật tại khu trưng bày Bảo tàng phòng chống ma túy của Tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn được ông chăm chút và dày công sưu tầm.

Tại Khu trưng bày và đào tạo kỹ năng PCMT này, chúng tôi còn có các "của độc" nữa, ấy là tài liệu về cả nhà máy thuốc phiện lớn nhất Châu Á thời kỳ Pháp thuộc tại Sài Gòn. Rằng, ngày xưa, thực dân Pháp đã vào Việt Nam và lập một nhà máy điều chế thuốc phiện lớn nhất Châu Á ở Hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn. Nhà máy đó ở số 74 Rue Paul Blanchy, tức 74 đường Hai Bà Trưng ngày nay, gần phía sau Nhà hát TP. Đia điểm này bây giờ là nhà hàng The Refinery).

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 9.

Thậm chí, khi Khu trưng bày và đào tạo kỹ năng phòng chống ma tuý này được hoàn thành, người trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng sẽ được đi vào hệ thống đường hầm dài khoảng 500 m để cảm nhận về "thế giới ma tuý". Đường hầm đầu tiên sẽ là các "tụ điểm vui chơi" cơ bản, thường hay là nguyên nhân dẫn đến việc người ta bị lôi kéo vào hành vi sử dụng ma túy, như: Quán bar, quán karaoke, các cuộc hội hè đàn đúm. Tiếp đó, "khách tham quan" sẽ tiếp xúc với hình ảnh, tư liệu về tác hại của việc sủ dụng, thậm chí cả video về những người nổi tiếng đã buôn bán, đã chết bởi ma túy ra sao.

Đi hết hành trình kia, "khách" sẽ được vào đại sảnh lớn, nơi có sức chứa hàng nghìn người một lúc. Học sinh sẽ tham quan liền một lúc các hiện vật nói về hơn 500 loại ma túy đang hủy diệt loài người. Đi hết đoạn đường 500 m đó, các em lại tiếp tục rẽ vào hệ thống hầm nữa, mở cánh cửa đầu tiên sẽ gặp một trung tâm cai nghiện được phỏng dựng y như thật.

Tất nhiên, những người cai nghiện ở đó được làm bằng sáp. Những tượng sáp sinh động y như người thật, với đủ mọi sắc thái tinh thế được các hoạ sỹ thiết kế vô cùng sinh động đó sẽ giúp người trẻ chứng kiến sự đau đớn, khổ khổ sở, lầm lạc, tuyệt vọng tột cùng của những người bị đày đoạ bởi ma tuý; cũng như hành trình khổ ải cai nghiện của họ.

Khi đi hết hành trình kể trên rồi, các em lại tiếp tục khám phá, mở cánh cửa thứ 2 để đi qua trại tù mô phỏng, nơi đó có phòng biệt giam, có cả những người buôn bán ma túy ngày mai chuẩn bị đi xử bắn hay tiêm thuốc độc để loại vĩnh viễn khỏi cộng đồng. Đi qua hết trại tù đó rồi, lại mở tiếp cánh cửa nữa gọi là bệnh viện tâm thần có đầy đủ những khoa, phòng, buồng, giường, có người điều trị ma túy đang lăn lộn điên loạn, than khóc.

Sau khi đi qua rồi, mọi người lại phải lựa chọn đi qua cổng sinh tử. Cổng cuối cùng là nghĩa trang vành hoa trắng, có những cụ a-b-c hưởng dương chỉ 17-18-19 tuổi. Xong khu đó, mọi người lại lên tầng trên là nơi trưng bày về toàn bộ hệ thống hoạt động phòng chống ma túy quốc gia rồi của các bộ ban ngành. Trên cùng có hệ thống 3 phòng đọc/ học để cho 3.000 người trẻ. Ở đây chúng tôi đã xây dựng theo rất nhiều những mô hình học tập khác nhau, ví dụ như học sinh của lớp trung học cơ sở học theo mô hình trắc nghiệm, học sinh trung học phổ thông hay sinh viên lại học theo mô hình ma trận. Đây là những cái mà chúng tôi phải xây dựng theo hệ thống kiến thức bài giảng để phù hợp tâm lý lứa tuổi. Và khi các em học chuyên sâu 1-2 tiếng như vậy, não bộ sẽ giống như được tiêm một liều vacxin thần kì để phòng chống ma tuý cho các em.

Bởi vì ai cũng chỉ sống 1 lần, sống sao cho xứng đáng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông vì đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện cởi mở và chân tình ngày hôm nay.

Bố đỡ đầu hơn 100 đứa con của những người thoát nghiện (Kỳ cuối) - Ảnh 10.


TIẾN SĨ XÃ HỘI HỌC TRỊNH HÒA BÌNH:

Tôi đánh giá cao khát vọng giúp Đời của Lê Trung Tuấn

"Vậy là, trên cái "Nẻo về" ấy, Tuấn đã tìm thấy, đã đi đến đích; tôi thật lòng mong muốn, cuốn tự truyện đầy tâm huyết này cũng sẽ đi đến cái "đích" đầy tình nhân ái, đầy trách nhiệm xã hội mà Tuấn và những người thực hiện chắt chiu hướng đến. Tấm gương người nghiện thoát khỏi ma túy như Tuấn, với góc nhìn của một người làm nghề xã hội học, tôi thấy thật bổ ích khi đem xuất bản thành sách, viết lên thành báo cho cả xã hội đọc".

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem