Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 1.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 3.

Nói về anh, nhiều người gọi đó là hiện tượng của văn học đương đại. Nhưng nếu định danh về Song Hà, tôi thích dùng từ này: Cây bút văn học mạng. Anh nghĩ sao?

Thi thoảng được mời tham dự một sự kiện nào đó, người dẫn chương trình vẫn hay hỏi tôi: Lát nữa nên giới thiệu như thế nào về anh đây? Tôi cười, bảo đừng gọi anh là nhà văn, còn lại thích giới thiệu như thế nào cũng được, không quan trọng.

Gọi tôi là hiện tượng này, hiện tượng nọ... cho vui thì được, nhưng mình mà lậm vào, tưởng thế thật mà nghiêm trọng nó quá thì buồn cười lắm. Nhớ hồi còn là sinh viên, lúc đoạt giải nhất truyện ngắn Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền phong, khi nghe nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn nhận xét đại ý, những tác giả đoạt giải lần này tuy tuổi đời còn trẻ nhưng bút lực tỏ ra rất mạnh mẽ và sẽ còn tiến rất xa trên con đường văn chương, tôi đã bật cười vì nghĩ rằng, vui vui thì viết chơi thế thôi, chán thì nghỉ chứ làm gì có con đường văn chương nào ở đây mà theo đuổi.

Tự tôi thấy mình không phải là hiện tượng gì đặc biệt. Hiện tượng là phải như khi Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện trên văn đàn. Đó là người thực sự đã cắm một dấu mốc quan trọng vào đời sống văn học. Còn tôi, tôi chỉ mới tạo ra được một giọng điệu riêng – như nhiều người nhận xét – là rất khó lẫn với ai khác mà thôi. Trong nghề văn, có được chất giọng riêng, hơi thở riêng là điều hết sức cần thiết, nhưng như thế chưa đủ. Nên đừng thấy người khác tung hô mà vội vàng ngộ nhận, tự mê hoặc mình rồi trở nên kênh kiệu, thiếu khiêm tốn. Nghề văn là nghề dễ khiến người ta ảo tưởng nhất, văn mình, vợ người mà, nhưng cứ vống lên tự cho mình nhất này nhất nọ... là dễ ăn đòn lắm, đừng dại!

Cứ như chị, gọi tôi là cây bút văn học mạng cũng được. Đơn giản là người viết văn trên mạng xã hội, vậy thôi!

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 4.

Vâng - Người viết văn trên mạng xã hội, nhưng là cây bút xuất sắc. Tác phẩm của anh từ lâu đã lưu truyền trong cộng đồng, người ta đọc và cười nghiêng ngả, nhưng không phải ai cũng biết do Song Hà viết. Anh hình như đang thiếu công nghệ quản lý tác phẩm?

- Tôi là người có số lượng truyện ngắn được chia sẻ và bị "đạo" thuộc diện nhiều nhất mạng xã hội hiện nay. Có rất nhiều truyện khi tôi post lại thì một số người nhảy vào bình luận: "Trước đây đọc trên trang người khác, giờ mới biết hóa ra bài này của Song Hà", hoặc "Bài này tôi nhớ đọc ở đâu lâu rồi mà?". Thậm chí không hiếm người nghĩ tôi "ăn cắp" truyện của người khác, chỉ vì thấy tên tác giả ở trên trang nào đó... là một cái tên khác.

Ngày trước có một cậu từng post truyện "Tôi đi tán gái" của tôi lên diễn đàn Web Trẻ thơ và tự nhận là tác giả. Vui hơn là cậu này còn lên lịch hẹn hò offline với các fan nữ trên diễn đàn, đồng thời còn reply các thành viên như mình chính là tác giả. Lần đó khi phát hiện ra, mọi người phản ứng rất dữ dội và buộc cậu này phải gọi điện xin lỗi tôi. Tôi nhớ là nhờ "vụ án văn chương" này mà tôi nhanh chóng trở thành "hiện tượng" trên mạng xã hội; mọi người kéo vào trang cá nhân của tôi rất đông, có khi sau một đêm ngủ dậy facebook của tôi tăng lên vài ngàn lượt theo dõi.

Trước kia khi bị đạo văn, tôi cũng bức xúc lắm, nhưng dần dần tôi coi đó là một phần tất yếu của cuộc chơi. Người ta có thích văn mình, đọc thấy thích, thấy sướng thì mới mang về nhận vơ của mình. Cái đó nó cũng an ủi mình phần nào nên bây giờ tôi kệ họ. Được cái là đa số độc giả họ đã quá quen với giọng văn của tôi, nên đọc vài câu là "biết ngay văn Song Hà" nên tôi cũng không "lanh chanh" nhảy vào đòi bản quyền như trước nữa! Tôi hay ví mạng xã hội là một cái chợ, trên đó cũng có hàng thật, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, nhưng người ta chẳng có cách gì để quản lý mặt hàng của mình cả. Tất cả phụ thuộc vào ý thức và lòng tự trọng của mỗi người mà thôi.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 5.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 6.

Bỏ qua sự chuẩn mực của thi pháp truyền thống, lời văn xô bồ, câu cú linh hoạt, giọng điệu giễu nhại tưng tửng…, từ khi nào Song Hà hình thành phong cách này, bởi vì lúc mới vào đời, anh vốn viết theo phong cách Tác phẩm tuổi xanh rất trong trẻo?

- Có lẽ khi đấy thế hệ chúng tôi nhiều người vẫn có ý thức nhìn nhau mà viết, tôi cũng thế. Trên các trang: Hoa học trò, Sinh viên, Áo trắng, Mực tím, Tiền phong..., khi đó tập hợp khoảng vài ba chục cây bút có lối viết khá giống nhau... Ai cũng còn rất trẻ, đa số đang ngồi trên ghế nhà trường, quãng đời học sinh, sinh viên qua lăng kính văn chương vì thế rất nhẹ nhàng, trong trẻo và đầy màu hồng.

Khi đó tôi đang là sinh viên khoa Văn, đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi nhớ mãi một lần đi thực tập trong doanh trại quân đội. Vào đấy rồi thì loay hoay mất mấy tuần không biết viết về cái gì, và viết như thế nào, bèn gọi điện cho nhà thơ Trần Đăng Khoa hỏi han. Anh Khoa khuyên, các em cứ vứt hết những lý luận văn học trên giảng đường đi, quên hết lời thầy Hà Minh Đức, thầy Phan Cự Đệ dạy đi. Cứ viết về những gì mình cảm nhận được từ cuộc sống, miễn nó chân thực và hay là được. Tôi nghe thì nghe thế thôi, nhưng rồi lại viết nghiêm ngắn y như sách giáo khoa; viết giống như các bạn văn cùng trang lứa đã có chút tên tuổi khác hay viết. Nói chung chán òm, vì khuôn sáo, đèm đẹp, xôm xốp, nhạt nhẽo. Đọc đến đâu trơn tuột đến đó, dù đã cố gắng làm cho câu cú uốn éo, vần điệu và du dương hơn đôi chút cho ra dáng văn học. Bây giờ đọc lại văn mình thuở đó, tôi không tiêu hóa nổi!

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 7.

Sau khi ra trường, mải viết báo nên hầu như tôi không ngó ngàng gì đến văn chương nữa. Cho đến khi về quê hành nghề sửa chữa điện thoại, do vắng khách và buồn chán nên tôi bắt đầu lọ mọ viết lách trở lại. Không còn phải nghĩ đến chuyện đăng báo này báo nọ nên tôi phóng tay viết thoải mái. Thích gì viết nấy, không câu nệ hình thức, đề tài, miễn đọc lên thấy vừa hài hước, vừa cay đắng, và ngầu ngầu không giống bất cứ ai -  viết văn với tôi khi ấy giống như quá trình đi tìm bản thân, đi tìm đường. Đao to búa lớn hơn thì nói đi tìm đạo cũng được.

Ngày xưa ngồi trước trang giấy, luôn thấy sừng sững trước mặt mình là một ông giáo già nghiêm khắc, khó tính, hay một lão trưởng ban biên tập thích săm soi và bảo thủ, nên viết lách cũng phải e dè, rón rén kiểu cái giá cắn đôi. Đến khi viết online trên mạng xã hội tôi chả sợ gì nữa, cứ thỏa sức thử nghiệm các phong cách mới, và cuối cùng có lẽ một phần do cuộc đời đã trải qua quá nhiều cay đắng, thậm chí cả nhục nhã nữa, tôi đã chọn cho mình cách biểu đạt này. Một lối viết tưng tửng, trào lộng, hài hước, cốt để không mang lại cảm giác bi lụy khi động chạm đến nỗi buồn.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 8.

Anh hay đem chuyện vợ cũ và gia đình vợ cũ ra viết, cô ấy có biết không và có nói gì không?

- Tôi thấy một trong các ưu điểm của vợ cũ tôi, đó là phân biệt được rạch ròi giữa đời và văn. Cô ấy hay nói với mọi người, những gì anh Hà viết về vợ cũ em đọc hết, thậm chí đọc cả những bình luận của độc giả nhưng em không giận, vì em biết anh ấy chỉ đang viết văn. Tôi viết khá nhiều về vợ cũ và cựu bố vợ, nhưng đó chỉ là chân dung văn học, chân dung nhân vật thuần túy văn chương. Vì trong đó có nhiều chi tiết, tình huống, câu chuyện... tôi hư cấu, tưởng tượng nên, để nhân vật trở nên sinh động, tròn trịa hơn về tính cách mà thôi.

Ví dụ có truyện tôi viết về tình huống vợ cũ chở chồng ra bến xe, lúc sắp chia tay, vợ cũ cứ đứng tần ngần mãi mà không nói nên lời. Anh chồng cứ tưởng vợ bối rối vì xúc động nên cố ý giục. Khi xe sắp chạy, cuống quá, vợ cũ mới xổ toẹt ra: "Tiền ăn tháng này của con đâu?"

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 9.

Hoặc tôi miêu tả cựu bố vợ là người hài hước và rất thích nói bậy. Tôi còn "bịa" ra câu chuyện hai bố con giành nhau một cái chăn khi ngủ chung giường; hễ người này ngủ thì người kia kéo chăn thật lực về phía mình rồi nằm đè lên mép chăn khỏi người kia kéo lại. Tuy nhiên hầu hết chuyện viết về cựu bố vợ là có thật. Tôi chia tay vợ rồi nhưng lần nào đến cũng rủ ông cựu bố vợ đi nhậu; trong cuộc nhậu có chuyện gì hay hay, ngộ ngộ tôi sẽ ghi nhớ thật kỹ và thêm thắt, hư cấu thêm rồi viết thành truyện.

Tôi và bố vợ hay trò chuyện với nhau nên khá thân thiết, vài năm trước ông mất, tôi có viết một bài về ông. Sau đó vợ cũ đọc được và nhắn tin nói cảm ơn anh về bài viết, vì đã dành những tình cảm tốt đẹp cho ông ngoại (của con). Đôi khi tôi cũng viết về tật này tật nọ, thậm chí thói xấu của vợ, nhưng tất cả đều được diễn tả một cách hài hước. Cũng giống như Nam cao viết về vợ của Điền, của Hộ, của Thứ..., với giọng điệu chua chát, thậm chí nhiều lúc cay nghiệt, nhưng ẩn sau lớp chữ nghĩa mô tả những thói xấu một cách trần trụi đó là sự trắc ẩn và tình yêu thương được che đậy rất kỹ càng. Tuy nhiên cũng cần thừa nhận rằng, đối với tôi, viết về cái xấu bao giờ cũng dễ và hay hơn viết về cái đẹp, và dù viết về cái xấu hay cái đẹp thì đích đến của văn chương phải chính là những giá trị mang tính nhân văn.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 10.

Có lẽ viết về cái sự đói, về miếng ăn của con người, không ai viết hay hơn nhà văn bậc thầy Nam Cao. Nhưng tôi thấy ám ảnh về cái đói thời ký túc xá Mễ Trì của anh nó cũng ghê gớm lắm?

- Chuyện về cái đói tôi viết khá nhiều trong tập truyện "Những chuyện bựa thời sinh viên" nhưng thật ra hồi ở ký túc xá chúng tôi chủ yếu thiếu chất, chứ cũng không đến nỗi đói lắm đâu, vì còn nợ được. Tôi nhớ có lần ăn cháo đêm trong căng tin ký túc, Khoa "điên" bạn cùng lớp, đang húp cháo lòng thì bỏ bát xuống, trầm tư hỏi tôi: "Theo mày hạnh phúc là gì?" Tôi bảo chịu. Khoa phân tích: "Hạnh phúc là vào một đêm mưa rét như đêm nay, ngồi ăn cháo trong quán, để miếng vèo non dưới đáy bát, húp xong cháo ta mới gắp miếng vèo lên bỏ vào mồm nhai chầm chầm để cảm nhận được vị ngon và ngọt của miếng vèo đang lan tỏa từ từ trong miệng". Tôi nghe xong ôm bụng cười bò ra. Đúng là triết lý của của kẻ đói ăn.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 11.

Tôi viết nhiều về cái đói, trong đó có những trận đói nhớ đời luôn, đó là lúc mới ra trường. Hồi ở trọ mạn cầu Dậu, có nhiều đêm mùa đông trời cực rét, tôi phải cởi trần, mặc quần đùi lẻn ra ruộng rau ven sông Tô Lịch để vặt trộm su hào, cải cúc, xà lách... Rau hái về rửa qua, tống vào nồi, bật bếp dầu lên, cho thêm tí tương nữa..., đợi vừa chín tới là gắp luôn trong nồi. Tôi ăn rau nửa tháng liền. Có khi nợ được vài gói bỏng ngô. Da xanh mét như tàu lá, dắt cái xe đạp còn không nổi. Tôi lả đi. Lên tòa soạn nộp bài, ngồi chờ ở phòng lễ tân mà mọi người đi qua đi lại tưởng thằng nghiện. Bạn tôi kể, ông trưởng ban biên tập bảo với nó: "Có đứa nào nhìn như nghiện đang đợi mày ở dưới đấy". Hôm nào may mắn lấy được nhuận bút, tôi lang thang ra đầu phố Hồ Xuân Hương gọi một bát xôi thịt, ăn thật no rồi đạp xe về phòng trọ.

Dạo đó tôi thấy mình giống hệt hoàn cảnh của các văn sỹ nghèo, của anh giáo khổ trường tư trong truyện Nam Cao vì suốt ngày chỉ nghĩ đến cái ăn. Đó là lý do khiến tôi yêu mến Nam Cao nhất trong tất cả các nhà văn Việt Nam.

 

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 12.

 

Đoạt giải tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong từ sớm, viết báo sớm từ khi sinh viên, vì sao anh không ở lại Thủ đô theo nghề báo như nhiều bạn bè cùng lứa?

- Khi mới ra trường tôi cũng đi làm báo mấy năm rồi chứ. Tôi viết mảng văn hóa, văn nghệ cho vài ba tờ. Có những bài báo của tôi được trưởng ban khen "gần như hoàn hảo", tuy vậy tôi nhận ra rằng mảng văn nghệ dễ viết, nhưng rất khó viết hay. Hàng ngày tôi lang thang ở các nhà hát kịch, rạp chiếu bóng, các hãng phim, gặp người này, người nọ để xin phỏng vấn, nói chung công việc khá nhàm chán và không có gì hứng thú. Ngần ấy năm tôi nhẵn mặt ở trụ sở các Hội văn nghệ sỹ. Cứ bí đề tài là tôi mò đến số 51 Trần Hưng Đạo tìm người phỏng vấn, riêng nhạc sỹ Phó Đức Phương tôi phỏng vấn đâu đó khoảng vài chục lần vì ông là người dễ gần, dễ gặp nhất Hội Nhạc sỹ.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 13.

Viết mãi cũng chán, trong khi thu nhập vừa thấp vừa phập phù. Tôi nghỉ viết và xin làm chân chạy quảng cáo cho báo vì nghĩ nghề này khá triển vọng. Nhưng rồi chạy lông nhông cả tháng không kiếm được cái hợp đồng nào, đói quá tôi bèn chạy xe ôm cho mấy người quanh xóm trọ. Thậm chí không ít lần tôi chở cả mấy anh "nghẹo" đi mua thuốc. Lúc quay về họ chui vào bụi rậm hành sự mình mới biết là nghiện lòi ra.

Sau đó một thời gian tôi xin được chân làm trình dược viên cho một công ty thuốc tư nhân, trước khi quyết định bỏ về quê mở hiệu điện thoại. Có lẽ cái nghiệp viết lách nó tự tìm đến với tôi chứ không phải tôi cố ý lựa chọn nó. Không biết có phải vì duyên nợ không, nhưng khi mình đã tưởng như sẽ đoạn tuyệt hoàn toàn với văn chương, thì cuối cùng nó lại vận vào mình ở một hoàn cảnh không mấy liên quan đến chữ nghĩa. Buồn cười nhất là khi đi học sửa chữa điện thoại ở TP. Vinh, lúc đó lớp đang xây dựng trang web riêng, tôi nói với một thầy giáo đưa truyện ngắn từng được đăng báo của tôi lên đó, mấy học viên trong lớp tròn mắt hỏi đi, hỏi lại: "Có thật truyện của anh không đấy?" Có vẻ như không ai tin một người viết văn lại đi học nghề sửa điện thoại cả.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 14.

Quãng đời trải qua nhiều công việc khác nhau đó hiện diện như thế nào trong những trang văn sau này?

- Trong giới nhà văn, có người quan sát, chiêm nghiệm nhiều hơn là thể nghiệm, nhưng để viết hay và trở nên chân thực, hầu hết cần phải trải qua quá trình "thực tế cuộc sống" một cách đa dạng và phong phú. Có rất nhiều truyện tôi viết theo lối tự sự, gần như là kể lại những câu chuyện có thật của mình. Đối với những truyện ngắn như thế này, hầu như tôi rất ít khi phải hư cấu hay phóng tác, nhất là khi viết về nghề báo, nghề trình dược viên, sửa chữa điện thoại hay thậm chí là nghề cho vay và cầm đồ.

Cuộc sống là bậc thầy của trí tưởng tượng, có nhiều tình huống, nhiều chi tiết và lời nói – nếu chưa từng bắt gặp ngoài đời, tôi nghĩ mình không thể tưởng tượng ra nổi. Tôi viết nhiều, khai thác khá tường tận và triệt để về những đề tài như: đa cấp, đòi nợ, lô đề và cả gái gú..., đơn giản là bởi tôi được tiếp xúc rất nhiều với những người làm những nghề này, khi còn lang thang làm báo phủi ở Hà Nội. Sau này về quê mở hiệu điện thoại, tôi lại "may mắn" được ở cạnh mấy quán ghi lô đề, nên viết về những đề tài này, đối với tôi dễ như thò tay vào túi lấy cái kẹo ra.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 15.

Kể ra thì buồn cười, nhưng nhờ những cuốc xe ôm chở khách làng chơi, chở các cô gái làm nghề "cave"..., mà tôi thuộc làu những tiếng lóng của nghề này. Có những hôm tôi vạ vật cả ngày ở một bãi biển, vốn là "chợ tình" nổi tiếng, chỉ để chờ một cuốc xe ôm khứ hồi. Nhờ vậy mà sau này khi tôi viết "Nhật ký cave", ai cũng tò mò hỏi sao lại có thể hiểu tường tận, chân thực về nghề này thế, nhất là giọng điệu của các cô gái làng chơi không lẫn vào đâu được!

Bây giờ nhìn lại những công việc và biến cố mà mình đã trải qua, tôi luôn thầm biết ơn cuộc đời vì đã tạo cho mình rất nhiều nghịch cảnh, để mình có được vốn sống phong phú và quý báu như hôm nay. Nguyễn Huy Thiệp nói "Thức ăn của văn học là cuộc sống của chính tác giả; văn học xơi những miếng to tướng, vừa ăn vừa nhằn ra nham nhở, chẳng "nghệ thuật" chút nào", điều này có vẻ rất đúng đối với tôi.

 Tuy nhiên cái giá của những năm tháng trầy trật vật lộn với hoàn cảnh đói khổ, nghèo túng không hề rẻ một chút nào. Để có thể coi là "nổi tiếng" được như bây giờ, tôi từng phải trốn bạn bè, thầy cô, thậm chí người thân..., không dám gặp ai chỉ vì nỗi mặc cảm về nghề nghiệp và thân phận. Chính vì thế tôi vẫn hay nói đùa với mọi người rằng, bây giờ tôi lôi mình ra mà viết thì cũng chưa biết khi nào mới hết chuyện. Văn chương nói chung, với tôi, cũng giống như quan niệm của Belinsky về thơ ca: "trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật", mà cuộc đời tôi thì nhiều góc khuất, nhiều biến cố và cũng rất lắm chuyện buồn cười. Từ từ tôi sẽ mang chúng ra chế biến dần.

 

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 16.

 

Nếu có ai đó bảo rằng tác phẩm của anh tuy đặc sắc nhưng cũng chỉ mua vui được cho độc giả chốc lát, nó hơi vụn, thiếu tư tưởng, nó không làm anh được nhớ đến với tư cách một nhà văn có những tác phẩm tầm cỡ, thì anh nghĩ sao?

- Rất may là tôi chỉ coi viết văn là một cuộc chơi, giống như  chiều chiều tôi vẫn đi đá bóng, chơi bóng chuyền, chạy bộ hoặc đạp xe, nếu không tôi sẽ rất buồn và cảm thấy áp lực khi nghe nhận xét này. Làm nghệ thuật nói chung và viết văn nói riêng, ai cũng mong muốn mình làm được một cái gì đó để đời, nhưng thực tế rất ít người thành công. Tuy vậy tôi cũng không nặng nề hay trăn trở về chuyện này quá. Tài năng của mình đến đâu nó sẽ phản ánh chân thực qua chất lượng tác phẩm của mình đến đó. Mà tài năng trong văn chương và nghệ thuật là thứ trời cho, mang tính thiên bẩm, không phải cứ rèn luyện và cố gắng là trở nên xuất chúng.

Về những gì tôi đã viết, đôi lúc tôi hồ nghi không biết đó có phải là văn chương không nữa, vì chúng được viết ra một cách tùy hứng, lộn xộn, không theo một khuôn mẫu nào cả. Những truyện đó, có người nói thích, có người chê dở, nhưng khen chê đối với tôi bây giờ không phải không quan trọng, mà thực sự nó không tác động đến tâm lý lẫn cảm hứng sáng tác như thời mới vào nghề nữa. Hoặc nếu có thì cũng không nhiều lắm vì tôi tự biết trình của mình đến đâu, ở mức nào, viết cái nào hay, cái nào dở. Tôi đến với nghề văn với tâm thế nhẹ nhàng của kẻ rong chơi, nên nhiều khi tự AQ mình rằng: viết hay là trời cho, viết không hay thì coi như trò chơi cho thoải mái. Ngay Nguyễn Du cũng chỉ dám khiêm tốn khi cho rằng Truyện Kiều của mình "Mua vui cũng được một vài trống canh" mà thôi. Nói là nói vậy thôi, nhưng trong lòng tôi vẫn có cảm giác đang mắc nợ những độc giả yêu quý của mình, có lần tôi nói trên trang cá nhân sẽ có ngày tôi trả món nợ đó bằng một cuốn sách – được viết với tất cả sự tâm huyết và vốn liếng của mình. Tất nhiên cuốn sách hay nhất bao giờ cũng là cuốn sách đang ở trong đầu!

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 17.

Phong cách hiện nay của anh có ảnh hưởng từ ai không?

- Tùy từng thời điểm mà cách viết của tôi ít nhiều có sự ảnh hưởng từ những người đi trước. Điều này là hoàn toàn bình thường, vì hầu như ai cũng từng bị ảnh hưởng bởi người khác. Có 5 nhà văn mà tôi đặc biệt thích, đó là Cervantes, Azit Nexin, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp. Khi mới tập tọe viết lách, mỗi khi được ai đó khen viết giống Nam Cao lắm, viết giống Nguyễn Huy Thiệp lắm, tôi sướng vô cùng, nghĩ mình thành đại văn hào đến nơi. Còn hiện tại thì không, một phần vì tôi ý thức được rằng cần phải xây dựng cho mình một phong cách riêng. Văn chương cũng như âm nhạc, mỗi người phải sở hữu một chất giọng riêng, chỉ cần hú lên một tiếng là người ta nhận ra ai liền.

 

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 18.

 

Anh có mong muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không? Hoạt động của một hội nghề nghiệp như vậy có tác động gì tới những cây bút tự do như anh không?

- Ở quê, hiện tôi đang có tên trong 3 hội, đó là hội Cây cảnh, hội Câu cá và hội Nuôi ong. Nói thật sinh hoạt ở từng đó hội cũng bở hơi tai rồi nên tôi chưa có nhu cầu muốn trở thành hội viên hội nào khác, kể cả Hội Nhà văn.

Cũng có mấy ông bạn nhà văn hẳn hoi xui tôi xin vào Hội, vì vào đó có tiền hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ in sách, thi thoảng lại còn được tham dự trại sáng tác...Tôi bảo nếu vào đó mà viết hay hơn thì vào, không thì thôi. Đối với tôi, trại sáng tác lý tưởng nhất chính là cái quán sửa điện thoại bé bằng cái hang tò vò, lợp bằng mái tôn mà tôi từng lọ mọ mưu sinh và viết lách trong đó.

Dự định của Song Hà trong tương lai, anh có định thay đổi môi trường sống hay thay đổi công việc, hoặc có định chuyển phong cách sáng tác khác với hiện nay không?

- Hiện tôi đang một chốn đôi nơi, sống chủ yếu ở Vinh nhưng cuối tuần lại lượn về quê thay đổi không khí. Về công việc thì chắc vẫn vậy thôi, tôi đang viết sách, viết bài cho các báo và làm những việc linh tinh không tên khác. Nói chung khá hài lòng với mọi thứ ở thời điểm hiện tại, trừ việc mãi mà chưa lấy được vợ.

Còn đổi mới phong cách, đó là điều mà bất cứ nhà văn nào cũng mong muốn, hoặc từng ấp ủ, nung nấu. Nhưng muốn đổi mới thì phải có thực tài, mà tài là thứ trời cho, không phải cứ muốn là làm được. Nghề văn nó cũng lạ lắm, cái mình viết chơi chơi lại thành. Cái mình say sưa, dồn hết tâm huyết có khi lại hỏng, nên không thể nói trước được, dù nhiều khi tôi vẫn bốc phét với bạn bè cuốn hay nhất là cuốn sắp viết.

 

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 19.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 20.

 Nói thật là anh có sống được bằng nghề viết không? Ăn khách như thế, các bản sách hiện nay phát hành được với con số bao nhiêu rồi?

- Tôi có thể tự hào là một trong số rất ít các tác giả sống được bằng nghề ở Việt Nam hiện nay. Số lượng sách in ra và tái bản tôi không nắm rõ, nhưng mỗi tháng có khi tôi bán được ba, bốn chục triệu tiền sách là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, viết sách, lại là sách văn chương, mà mua được ô tô có lẽ không có nhiều người. Tôi nhớ có lần nhà văn Phạm Ngọc Tiến về quê tôi chơi, hẹn nhau ở quán nhậu, anh Tiến dặn đi dặn lại trong điện thoại: "Mày đi xe máy đến thôi nha, đừng đi con ô tô chuồng gà đến, đêm hôm nhỡ chết máy bọn tao không đẩy được đâu". Lát sau tôi đến, Phạm Ngọc Tiến chạy ra, ngó nghiêng một lúc rồi trầm trồ: "Tao cứ tưởng mày đi xe 38 triệu như trong bài viết, không ngờ lại đi xe sang thế!". Chết cười!

Là người có lượng follow vào hàng khủng trên mạng xã hội, có lẽ hiếm có nhà văn có được điều này, anh quan niệm và sử dụng "quyền lực" của mình ở trên mạng xã hội như thế nào?

- Chơi facebook lâu dễ sinh ra ảo tưởng lắm, nhất là khi anh có vài chục nghìn người theo dõi trở lên. Khi đấy anh chỉ mong ai đụng chạm đến mình để "bóc phốt nó", hoặc dọa người này, người kia "cẩn thận tao cho lên phây đấy". Tôi thì khá kỹ lưỡng khi chọn lọc thông tin, bài vở để up lên facebook. Quan điểm của tôi khá rõ ràng, facebook chủ yếu là để chơi, để viết cái gì vui vui cho mọi người cùng thư giãn. Cuộc sống bên ngoài vốn đã mệt mỏi rồi, lên mạng lại còn hơn thua, tấn công nhau chỉ vì khác quan điểm thì lên làm gì. Ngoài trang cá nhân, tôi cũng có một blog tên là Boy Già để chuyên viết truyện hài. Lời đề tựa của trang blog đó, tôi đặt là "Chốn bình yên cho những tâm hồn mỏi mệt". Nhiều người nói với tôi, lạc vào đó đọc một lúc mà không muốn ra nữa. Tôi cho đó là một sự thành công ngoài mong đợi.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 21.

Ở ngoài đời, khi xuất hiện ở đâu đó mà người ta nhận ra Song Hà thì thường độc giả sẽ nói gì với anh?

- Cũng tùy! Có em gái ngồi cùng bàn nhậu với tôi, khi được một người hỏi có biết ai đây không, em ấy nhìn tôi chằm chằm rồi bảo: "Biết chứ! Nhà thơ Sơn Hà!" Có người gặp trong quán cà phê, chuyện trò rôm rả một lúc, quay sang vỗ vỗ vai hỏi tôi: "Lâu ra được... tập thơ nào mới không bác?" Lại có người khi được giới thiệu đây là Song Hà, liền bắt tay hỏi: "Biết, biết mà! Ngày xưa có phải anh đá cùng thời với Hồng Sơn không?"

Còn với những người nhận ra tôi, thì đa số đều nói rất thích đọc những "chuyện bựa" của anh về thời sinh viên, vì thấy mình trong đó. Cũng có người bảo tôi không hài hước hoặc sâu sắc như... trong văn. Tôi chỉ im lặng và cười.

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 22.

Trên mạng số lượng phụ nữ hâm mộ anh rất nhiều, việc lấy vợ đâu có khó như anh nói, nhất là khi còn tự nhận là "chốn bình yên cho những tâm hồn mỏi mệt"?

- Tôi hay nói đùa với mọi người là mình có một đội fan tiền mãn kinh rất hùng hậu, trong đó có nhiều người rất yêu quý mình, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những bình luận, những cái like..., trên thế giới ảo mà thôi. Tắt máy tính đi, tôi lại trở về với trạng thái thường trực vốn có, đó là cảm giác cô đơn.

Tôi nhớ trên blog mình cũng từng viết một bài có tên là "Cô đơn trên mạng", trong đó có đoạn này: "anh thành thật khuyên các chú, đừng kỳ vọng vào sự nổi tiếng trên thế giới ảo này. Càng nổi tiếng các chú sẽ càng cảm thấy cô đơn, thậm chí cô độc. Một status không khiến chúng ta ấm áp bằng một cái nắm tay lúc gặp hoạn nạn, hay đơn giản là có một người ngồi cạnh trò chuyện lúc các chú đang muốn buông xuôi tất cả".

Món quà đặc biệt nhất mà anh nhận được từ người hâm mộ gửi đến là gì?

- Tôi nghĩ rằng bạn đọc có yêu mến mình thì mới tặng quà, nên đối với tôi món quà nào cũng đặc biệt – theo cách riêng của nó. Nhưng giá thượng đế gửi tặng tôi một cô nàng dịu dàng, xinh đẹp thì đó sẽ là món quà có ý nghĩa nhất đời tôi.

Xin cảm ơn và chúc mong muốn của anh sẽ được thượng đế nghe thấy!

Cây bút văn học mạng Song Hà: Mảng đề tài đa cấp, đòi nợ… tôi viết dễ như thò tay vào túi lấy kẹo - Ảnh 23.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem