Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chảo Thị Yến rất đa năng. Vừa thấy cô bé checkin ở Bình Dương thì hôm sau đã ở Hà Nội, được vài ngày liên lạc lại đã thấy Yến về Sapa. Gọi Yến là "cán bộ" cũng đúng mà gọi là tác giả viết sách hay "bà chủ" cũng chẳng sai.
Nhưng, để trả lời cho câu hỏi "Chảo Thị Yến là ai?", đáp án chính xác và phù hợp nhất là: cô gái truyền cảm hứng.Bởi mỗi chặng đường Yến đi đều là những câu chuyện đầy ắp cảm xúc và lan tỏa được năng lượng tích cực. Từ khi Yến còn là cô bé với cuộc sống hồn nhiên như đóa hoa rừng ở xã Nậm Chạc (Bát Xát – Lào Cai); đến lúc là cô sinh viên ĐH Lâm nghiệp giữa Hà Nội; hay là du học sinh ở Đức, Ý đến lúc đi làm; trở thành cô chủ homestay… tất cả đều là những hành trình vô cùng đáng nhớ.
Câu chuyện "đường ngược chiều" của Chảo Yến mở đầu rất "ngọt ngào" khi có một cô bé thích đi học chỉ vì đến trường sẽ được phát kẹo, đúng không?
- Có đứa trẻ nào mà không thích kẹo đâu chị ơi, nhất là với những đứa trẻ ở xã giáp biên giới nghèo nàn như chúng em, kẹo là món quà vô cùng quý giá mà chỉ những dịp đặc biệt mới có cơ hội được thưởng thức.
Bản em ở khi đó không có trường mầm non, chỉ có tiểu học. Năm 4 tuổi em theo mẹ và các anh chị xuống điểm trường tiểu học chỉ vì muốn ăn kẹo. Trong suy nghĩ non nớt khi đó, em chỉ nghĩ đơn giản "xuống trường học lấy kẹo xong mình sẽ mang về nhờ bố cất", "à không mình sẽ ôm kẹo ngủ tối nay". Nhắc đến trường học nghĩa là nơi có kẹo và được chơi, thế nên em lon ton theo đi.
Thấy em háo hức, các thầy cô thuyết phục bố mẹ cho em đi học như các anh chị khác dù lúc đấy em mới 4 tuổi. Bố mẹ đồng ý, nhưng chỉ sau mấy ngày em phát hiện ra sự thật đi học rất vất vả thì em khóc và cùng anh trai tìm cách trốn về nhà.
Nhưng cuối cùng sức "cám dỗ" của những viên kẹo quá lớn nên sau khi được các thầy cô dỗ dành và lại cho kẹo, được theo các anh chị chơi nhiều trò vui, không phải lang thang ăn lá cây rừng, trông em, chăn lợn… nên em rất thích đi học.
Từ một cô bé ham học và thích đến trường phải ngồi nhà, gián đoạn việc học trong 3 năm, quãng thời gian đó chắc hẳn rất nhiều cảm xúc với Yến?
- Năm 2004 khi học hết cấp 2 thì em phải nghỉ học, nguyên nhân lớn nhất là do nếp nghĩ của bản làng "Con gái học nhiều là bất hiếu đấy, không cần phải đi học, chỉ cần viết đúng tên mình là đủ". Nhà em khi ấy cũng rất nghèo, anh trai em đã phải nghỉ học theo bố mẹ sang Trung Quốc làm thuê. Chị gái thì được đi học nhưng do vào trường nội trú nên không mất tiền. Giờ nếu em đi học, bố mẹ vừa không có người làm rẫy, vừa phải gánh thêm nhiều chi phí nên không đồng ý cho em tiếp tục.
Trong suốt 3 năm kể từ khi phải nghỉ, em chưa bao giờ thôi khát khao "quay lại trường học" nhưng cũng không dám nói với bố mẹ. Với em đi học là ước mơ duy nhất. Nhưng em càng hy vọng, càng mong muốn thì ước mơ như "trêu ngươi" em, càng trở nên xa vời.
Em còn nhớ như in lần thầy Bùi Chí Thanh (thầy Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Chạc) đến nhà thuyết phục cho em thi và học tiếp lên cấp III trường huyện, bố có gọi em đến đưa cho 90.000 đồng vào bảo mai xuống trường đăng ký thi cấp 3. Đó là số tiền bố mẹ bán thóc non để em có thể thực hiện giấc mơ đi học. Nhưng rồi bàn đi tính lại, bố mẹ lại bảo: "Thôi con ạ, ở nhà cầm cuốc thôi. Nhà các bạn có điều kiện hơn thì các bạn đi học, bây giờ con mà đi học nữa thì lấy ai lên rẫy".
Không thể diễn tả hết nỗi thất vọng của em khi ấy, em trốn ra bụi rậm cạnh chuồng lợn phía sau nhà và khóc đến cạn kiệt năng lượng. Từ đó ngày nào em cũng tìm cách đến trường cũ chơi và đứng ngoài cửa xem các thầy cô dạy. Thầy Thanh phát hiện ra, lại đến nhà em vận động "anh chị cho Yến đi học thì mới thoát được nghèo"…
Và Yến đã trở lại trường học một cách thần kỳ như thế?
- Không chị ơi, thời điểm đó là khoảng gần 1 năm sau khi em nghỉ học nên thầy chỉ thuyết phục được bố mẹ cho em đi ôn thi thôi và bố mẹ đồng ý. Cái gật đầu của bố mẹ em đã nhen nhóm lại giấc mơ đi học của em, cả đêm đó em không ngủ nổi, chỉ sợ mình ngủ quên dậy muộn và bố mẹ lại thay đổi quyết định.
Nhưng em đã nói là cuộc sống như "trêu ngươi" em mà. Thấy em đi ôn thi, dân làng đồn là do em học dốt nên phải học lại lớp 9. Gặp em thì họ hỏi: "Yến lại đi học lại à? Con gái biết viết tên mình là được rồi, học nhiều làm gì" nhưng sau lưng họ lại nói "Cái Yến nó học dốt nên mới phải học hai năm lớp 9". Có người hiểu biết hơn thì nói: "Lớp 9 mà phải học lại hai năm thì đi học làm gì cho phí cơm".
Không chịu nổi những lời ong tiếng ve của dân bản, cuối cùng bố mẹ em đã đưa ra một quyết định dứt khoát và lạnh lùng: "Nghỉ ở nhà đi rẫy, không đi học nữa".
Thực ra chuyện nghỉ học của Yến, tôi đã đọc trong cuốn tự truyện nhưng khi nghe lại vẫn không thôi nhói lòng. Tôi cứ sợ câu hỏi nào của mình vào lúc này, dù tế nhị và dịu dàng đến đâu cũng làm khơi lại ký ức buồn trong lòng cô gái ấy. Thật may mắn cho tôi, Yến mạnh mẽ và lạc quan hơn tôi tưởng. Sau sự im lặng và bối rối của tôi, Yến như đã hiểu tôi muốn hỏi gì, cô gái tiếp tục nói:
- Em gặp lại thầy Thanh trong một buổi liên hoan văn nghệ xã. Không thể tránh mặt thầy nên em lại chào hỏi, thầy một lần nữa nói câu quen thuộc: "Bây giờ em còn muốn đi học nữa không?". Thầy chạm đúng vào vết thương đang mưng mủ của em, lúc ấy cả miệng em như toàn nước mắt, cố gắng kìm cảm xúc xuống em nói: "Dạ có, nhưng nhà em nghèo bố mẹ không nuôi được em học nên thôi thầy ạ".
Không ngờ ngay hôm sau thầy lại tìm đến nhà em, rồi hôm sau, hôm sau của hôm sau nữa thầy vẫn đến. Mỗi lần thầy đến, em lại chui trong bụi rậm cạnh chuồng lợn và khóc vì hiểu: ước mơ đi học đã thực sự quay trở lại, mạnh mẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết.
Em thực sự biết ơn thầy Thanh vô cùng, người kiên trì bền bỉ giúp em thuyết phục bố mẹ, thật may sau quãng thời gian "đến nhà – đi về - lại đến nhà" không biết mệt mỏi của thầy, em đã được bố mẹ cho cơ hội đi ôn thi vào cấp III.
Nhưng những chông gai mới cũng bắt đầu từ đấy chị ạ…
Chuyện đi học của em thực sự hấp dẫn hơn cả phim Hollywood với những nút thắt "nghẹt thở", nhân vật chính còn gặp những tình huống thót tim nào nữa không?
- Chị ví von làm em buồn cười quá. Sau khi nghe lời thầy thuyết phục thìmẹ đồng ý cho emôn thi, nhưng bố vẫn phản đối. Bố bảo: "Bà cho nó đi học thì bà tự nuôi nhé, chứ tôi hết cách rồi". Và em đỗ vào cấp III thật. Đó cũng chính là quãng thời gian căng thẳng trong gia đình kéo dài.
Vì không có tiền nên cứ mỗi lần em về, nhất là những dịp phải đóng học phí, mẹ lại chạy vạy khắp bản vay tiền. Em nhớ thường 2 tuần em mới về nhà lấy gạo 1 lần và mỗi lần về em chỉ xin mẹ đúng 50.000 đồng. Còn bố không bao giờ bày tỏ cảm xúc với em, bố chỉ thở dài khi thấy em về, có lần bố bảo: "Nhà không có tiền, về nhiều làm gì?".
Lần ấy em đã khóc rất nhiều và tự hứa sẽ không về nhà nữa để bố khỏi cáu. Nhưng khi thấy em 4 tuần không về thì bố lo, giục mẹ xuống trường tìm em. Đó cũng là dịp tổng kết năm học lớp 10, khi biết em là một trong những học sinh đứng đầu lớp bố mới bớt căng thẳng hơn trong việc em quay lại trường.
Thế nhưng trong mắt của người dân bản làng em vẫn là đứa con bất hiếu.
Họ nói với em: "Mẹ mày ngày càng già đi mà mày vẫn đi học à? Con gái học nhiều làm gì rồi cũng chỉ nuôi nhà chồng thôi". Rồi "Con gái lớn là phải học lấy chồng, học thêu thùa may vá, chứ đi theo thằng người Kinh mình không ăn được đâu. Thậm chí có những cô nói thẳng với em là: "Yến không có trái tim à?". Những câu nói ấy như vết dao cứa vào lòng một đứa trẻ mới học cấp III như em…
Người ta háo hức được về nhà, còn em mỗi lần về nhà là một lần đấu tranh tư tưởng. Không về nhà thì không có gạo ăn, mà về thì cảm giác không khí ở bản làng càng nặng nề hơn.Thậm chí bố mẹ em cũng bị bản làng xem thường vì "không bảo được con", đi ăn cỗ trong bản mà thấy bố mẹ em ngồi xuống là họ đứng lên vì sợ bố mẹ em hỏi vay tiền cho một đứa con gái đi học.
Lúc đó em đã phản ứng ra sao trước những lời trách móc của bản làng?
- Cũng có người đã hỏi em: "Yến có giận bố mẹ, giận bản làng vì không cho Yến đi học không?", em đã trả lời rằng em không giận. Thực tế đó là lời nói dối, em có giận, nhưng đó là sự giận dỗi của một đứa trẻ khi không được người lớn đáp ứng yêu cầu của mình, còn em không hề trách ai. Bởi hoàn cảnh đó, thời điểm đó bố mẹ em và những người dân bản đều rất nghèo, trong suy nghĩ của họ chỉ là làm sao cho đủ ăn, nên không thể trách họ được.
Trái lại, em còn phải cảm ơn thời điểm khó khăn ấy, nếu không có những ngăn cản của bản làng, không có những khen chê "ngược chiều" thì không có em của ngày hôm nay.
Thế còn câu chuyện ở nhà để chờ lấy chồng, thực hư như thế nào?
- Dân tộc em cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, việc lấy chồng sớm không có gì lạ, nhất là quan điểm "con gái không cần học cao, chỉ cần lấy chồng" đã ăn sâu vào gốc rễ tư tưởng của cả cộng đồng nên việc nghỉ học lấy chồng là đương nhiên.
Thời gian em phải nghỉ học ở nhà, em làm không từ việc gì. Thấy em nhanh nhẹn nên các cô, thím trong bản "đánh tiếng" với bố mẹ nên cho em đi lấy chồng.
Cô họ em có hỏi em cho con nhà cô. Theo phong tục của người Dao thì anh em họ có thể kết hôn với nhau, chỉ cần người phụ nữ đi lấy chồng thì nghĩa là đã thành người của nhà khác rồi, không liên quan gì đến dòng tộc nữa nên con của em gái và anh trai vẫn lấy nhau được.
Nhưng lần nào đề cập tới chuyện này em cũng cãi: "Cháu còn lâu mới lấy chồng, cháu ở vậy nuôi bố mẹ cháu. Thằng Bòng (con nhà cô ruột) nó là em trai cháu, nó phải gọi cháu bằng chị, lấy nhau làm sao được".
Em không đồng ý nên bị dân bản nói ra vào nhiều em, trong khi đó bố mẹ em – những người đáng lý ra phải có ý kiến – thì lại im lặng. Em biết ơn bố mẹ vì sự im lặng đó, và em cũng không hỏi bố mẹ em bao giờ cả, chỉ biết rằng chưa khi nào bố mẹ nói thẳng với em kiểu như "con lấy chồng đi", "sao không chịu lấy chồng"….
Có lẽ đó cũng chính là điều em may mắn hơn các bạn khác.
Đến giờ khi về lại bản làng mình, Yến có còn gặp ánh nhìn soi xét và những phản ứng tiêu cực của bà con trong bản không?
- Học hết cấp III, em là 1 trong 2 người đầu tiên của xã đỗ đại học và sau này là người đầu tiên của xã đi du học.
Có thể nói đi du học là bước ngoặt quan trọng thứ 2 của em sau bước ngoặt đầu tiên là trở lại trường. Bởi chính lối rẽ này đã thay đổi quan điểm của cộng đồng, làng xã nơi em sống về việc "cho con gái đi học". Họ đã tin và nhận ra dù là con gái hay trai khi học giỏi đều được công nhận và có cơ hội như nhau.
Rất vui là hiện tại tất cả các bé gái học hết cấp II mà muốn học tiếp lên cấp III ở xã em thì hấu hết đều được gia đình cho đi học. Đó chính niềm an ủi lớn lao nhất của em trong suốt hành trình "đường ngược chiều" của mình.
Tại sao Yến không chọn ngành học nào "hot" và ở giữa Trung tâm Thủ đô mà lại chọn trường ĐH Lâm nghiệp, cách Trung tâm hàng chục kilomet?
- Thú thật lúc ấy em suy nghĩ rất đơn giản, muốn thoát nghèo phải đi học, học càng cao càng tốt nên em quyết tâm phải đỗ Đại học và xuống Hà Nội. Còn cơ duyên với Trường ĐH Lâm nghiệp là do một lần tình cờ em xem một chương trình nói về trận lũ lụt lịch sử năm 2008 và họ có phân tích nguyên nhân lũ lụt là do phá rừng.
Nhận định đó đã tác động khá lớn đến em, từ đó em có mong muốn trở thành "cán bộ khuyến nông" để bảo vệ rừng. Chị đừng cười em, vì đến khi học hết cấp III em chỉ biết trên đời này tồn tại 5 nghề là: giáo viên, bác sĩ, lâm sinh, công an và… chủ tịch xã (cười lớn).
Không biết là do cơ duyên hay sự hồn nhiên của mình mà em gắn bó với rừng từ khi sinh ra cho đến bây giờ và chắc sẽ tiếp tục kéo dài.
Yến từng nói muốn xuống Hà Nội học để thoát nghèo, nhưng chọn ngành lâm nghiệp thì sao mà giàu được?
- Câu hỏi của chị làm em nhớ tới một cậu bạn học cùng cấp III, khi ấy cậu ta là học sinh cá biệt, còn em là lớp trưởng. Em không chấp nhận có một bạn học sinh "muốn làm gì thì làm" trong lớp mình nên đã quát nạt và "được" cậu ta quát lại: "Này, tớ nói cho lớp trưởng biết nhé, đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi vì sao mình học giỏi mà vẫn nghèo".
Em cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, em đã quyết tâm là phải đỗ đại học để chứng minh cho cậu ta thấy: học giỏi chắc chắn sẽ giàu. Cứ mỗi lần nản trí hay mệt mỏi, câu nói đấy lại vang lên trong đầu, em lại lao vào học.
Nhưng càng cố gắng chứng minh em càng thấy lời cậu ta nói là đúng, trước đây em tổn thương vì chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói, bây giờ em mới ngộ ra đó chính là lời dạy. Câu nói này đã tác động rất mạnh đến em, luôn đồng hành cùng em trên mọi chặng đường khó khăn sau này.
Nhận học bổng hơn 50.000$ (tương đương với 1,2 tỷ đồng) quả thực là thành tích rất đáng nể, cơ duyên nào dẫn dắt Yến đến với "món quà" tuyệt vời này?
- Đường đi du học của em cũng gập ghềnh, chông gai lắm, nhưng cuộc đời em rất may mắn khi gặp những người thầy, người anh, người bạn luôn đồng hành và trợ giúp em, nên dù toàn đi "ngược chiều" mà em không bị phạt (cười).
Lúc học trong trường các thầy đã luôn động viên em "Yến phải đi du học đi" và rất nhiệt tình giúp em tìm học bổng phù hợp. Lần đầu em được học bổng sang Mỹ, nhưng lại trục trặc do em ghi năm sinh 1991 nhưng giấy khai sinh lại là 1990. Lần thứ hai em nhận học bổng thạc sỹ của một trường ĐH của Nhật Bản, nhưng khi khám sức khỏe em có mang virus viêm gan B nên bên đó không chấp nhận.
Đến lần thứ ba em mới thành công với học bổng Eramus của một trường ĐH có cả chi nhánh ở Đức và Ý. Em sang đó theo học bằng thạc sỹ chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững trong 2 năm.
Đi du học đã thay đổi suy nghĩ và tư duy của Yến như thế nào?
- Khi xuống Hà Nội học ĐH trong đầu em chỉ nghĩ đến 2 chữ "thoát nghèo", đi học là con đường duy nhất mà các thầy cô hướng cho em để có thể thay đổi chính cuộc sống của mình. Nhưng khi đi du học em đã nghĩ khác: mình không làm cái này có thể làm cái kia, có rất nhiều con đường đi đến đích và thành công.
Và điểm khác biệt rất lớn nữa là khi còn học đại học trong nước em rất tự ti vì mình là người dân tộc, nhưng khi đi du học em lại tự hào về nguồn gốc của mình. Lúc còn học ĐH Lâm nghiệp rất ít khi em nói tiếng của dân tộc mình vì sợ bạn bè và người xung quanh chỉ trỏ, cười cợt; còn khi ở nước ngoài em thoải mái nói – dù chẳng ai hiểu – và cũng không ai giễu cợt em, trái lại các bạn còn thích thú và muốn em dạy những câu chào hỏi cơ bản.
Chính điều đó đã giúp em nhận ra, sự khác biệt phải được tôn trọng và chẳng có gì phải xấu hổ khi mình là người dân tộc cả. Em đã tự tin lên rất nhiều.
Đang là cán bộ ở Trung tâm con người và thiên nhiên, tham gia phụ trách rất nhiều các dự án vì lợi ích cộng đồng, tại sao Yến lại bỏ ngang để rẽ sang lĩnh vực hoàn toàn mới là du lịch cộng đồng? Đây liệu có phải là "đường ngược chiều" tiếp theo của cô gái Chảo Yến không?
- Em là người không ngồi im một chỗ được bao giờ, ngay từ khi đi học em đã xác định công việc phù hợp nhất với mình chính là được tự do (cười). Và em muốn thử sức mình trong kinh doanh.
Thực ra ý định kinh doanh du lịch cộng đồng em đã nghĩ tới từ khi còn đang là du học sinh. Ngày đó em có cơ hội đi thăm nhiều nước châu Âu khác nhau và ở đâu cũng thấy họ bảo tồn văn hóa cộng đồng rất tích cực. Họ bảo tồn dựa trên chính các giá trị văn hóa chứ không phải khoác lên mình bộ đồ dân tộc rồi nói "cần bảo tồn văn hóa dân tộc tôi"… Chưa kể nếu làm tốt, việc bảo tồn còn đem lại giá trị kinh tế cho bản thân và lâu dài hơn sẽ là cho cộng đồng, giúp người dân mình phát triển và tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Thế nên em nghĩ mình vẫn đang thực hiện các dự án vì cộng đồng, chỉ là bằng cách khác thôi chị ạ.
Tại sao không phải là một vùng đất mới nhiều tiềm năng và ít cạnh tranh hơn Sapa? Liệu homestay của em có đủ sức "đấu" với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, lung linh ở thị trấn không?
- Em nhận nhượng lại khu homestay này từ một người bạn, trước họ chủ yếu chỉ đón khách nước ngoài, nhưng do dịch Covid-19, khách không có, họ không trụ được. Em nghĩ đây đã là 1 lợi thế rồi, vì địa chỉ này đã được biết tới.
Lợi thế thứ 2 chính là bản thân em. Thông qua truyền thông, báo đài, ít nhiều cũng sẽ có người biết em, theo dõi xem em có làm nên "trò trống" gì sau câu chuyện "đường ngược chiều" hay không? Thực ra nó vừa là thách thức, vừa là cơ hội nên em tự tin là dù có thể không đông khách như trên thị xã nhưng sẽ vẫn có những đối tượng phù hợp và gắn bó với em.
Về lý thuyết đúng như em nói, nhưng thực tế thì sẽ khó gắn các hoạt động kinh doanh cụ thể với hoạt động vì cộng đồng, hay là em đã có ý tưởng thú vị nào đó?
- Chúng em đặt tên khu homestay của mình là GOONG, theo tiếng dân tộc Dao Tuyển "goong" có nghĩa là tốt đẹp, xinh đẹp, làm tốt… Đó cũng chính là điều em mong muốn, theo đuổi dù làm bất cứ việc gì, ở bất cứ đâu.
Ngay ở GOONG Sapa Bungalow chúng em cũng chăm chút từ những điều nhỏ nhất, "goong" nhất có thể. Ví như sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; nhấn mạnh các yếu tố văn hóa dân tộc em thông qua từng rèm cửa, từng họa tiết, hoa văn trên gối… Em nghĩ không phải ai cũng nhận ra điều đó, nhưng chắc chắn khi đến với GOONG sẽ có những trải nghiệm thoải mái nhất.
Em cũng đang xin phép chính quyền địa phương để có thể thực hiện một số hoạt động nhỏ như tổ chức thu gom rác hàng tuần, tuyên truyền về việc sử dụng và phân loại rác thải đúng cách.
Sau này em sẽ cố gắng thực hiện những dự án chuyên sâu hơn về trồng, quản lý và bảo vệ rừng… Em nghĩ và em tự tin là sẽ làm được, dù chắc chắn sẽ nhiều khó khăn như "đường ngược chiều" em đã đi.
Sau GOONG SAPA Bungalow, giấc mơ tiếp theo mà Yến sẽ viết trong cuộc đời mình là gì?
- Em còn muốn mở một Trung tâm Tiếng Anh mang tên GOONG Speak, đây sẽ là nơi để các gia đình gửi gắm con em mình nâng cao trình độ tiếng Anh. Em muốn mời những người dân tộc Mông biết tiếng Anh ở thị xã Sapa đến trợ giảng, giao lưu, truyền cảm hứng học ngoại ngữ…. cũng là cách để giúp bà con có thêm thu nhập.
Tuy nhiên đó là tương lai xa. Trước mắt em vẫn sẽ tập trung vào dự án hiện tại của mình, nhưng như em đã hứa, dù làm gì, ở đâu em cũng sẽ thật "goong" chị ạ!
Cuộc trò chuyện của tôi và Yến tạm kết thúc bên chén rượu táo mèo Yến tự tay ngâm để mời khách. "Đây không phải lần đầu em kể chuyện của mình, nhưng nếu có cơ hội em sẽ kể thêm nhiều lần nữa, vì em tin vẫn còn rất nhiều bé gái chưa được đến trường, vẫn còn nhiều em bé khát khao được đến trường nhưng không đủ can đảm, không đủ tự tin, không đủ động lực để vượt mọi rào cản. Biết đâu câu chuyện của em sẽ giúp được các em ý".
Câu nói của Yến đã thay cho lời hẹn của chúng tôi, rằng một ngày gặp lại nhau trên núi – là nơi tôi yêu thích, nơi Yến muốn gắn bó lâu dài, cũng chính là nơi câu chuyện của Yến bắt đầu./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.