Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cơ duyên đến với bóng đá của anh như thế nào?
- Từ lúc 6 tuổi, tôi đã có niềm đam mê với trái bóng tròn. Những năm 80 của thế kỷ trước, việc bố mẹ định hướng cho con cái theo bóng đá là điều hiếm hoi, xa xỉ. Lúc ấy, bóng đá chỉ là một bộ môn để cho trẻ nhỏ chơi ngoài sân, bố mẹ tôi hồi ấy không đủ điều kiện, và tất nhiên không có việc hướng cho con theo sự nghiệp "quần đùi áo số".
Nhà tôi ở phường Quang Trung thuộc TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Đám trẻ con chúng tôi thường thách đấu đá bóng với nhau, phường tổ chức các khối A, B, C cùng nhau tranh tài. Từ giải bóng đá khối đó, tôi được tuyển lên các đội bóng của phường đá đối kháng trong thành phố. Đây cũng là sân chơi bóng đá phong trào mà từ đó, tôi nung nấu ý chí và lớn lên từ đó. Cứ được nghỉ học lúc nào, tôi xách giày ra sân tập với trái bóng. Sau này bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp, đấy cũng là nơi để tôi và những cầu thủ ươm mầm tài năng sau này.
Năm 12 tuổi tôi đã vào học tại Trung tâm huấn luyện thể thao đội trẻ của tỉnh Nghệ Tĩnh. Lúc ấy, một người bạn bảo tôi lên tập cùng, tôi đánh liều thử xem vì nghĩ "liều thì ăn nhiều". Tôi đi theo người bạn từ đợt ấy, từ sơ tuyển đến khi được tuyển vào. Bạn ấy tên là Long, học cùng tôi và có biệt danh là Long Tiến.
Kỷ niệm đáng nhớ của anh những ngày đầu khi bước chân vào sự nghiệp "quần đùi áo số"?
- Hồi tôi còn bé sống cùng gia đình ở thành phố Vinh, gia đình tôi có hợp đồng bóc vỏ lạc cho Sở Ngoại Thương. Ở Vinh lúc ấy nhà nào cũng tham gia phong trào bóc lạc. Mỗi ngày đi học về, anh em tôi được mẹ khoán cho mỗi người một thúng lạc, phải bóc hết mới được đi chơi. Tuy nhiên, tuổi nhỏ còn ham chơi, bóc chưa xong lạc tôi đã chạy đi đá bóng. Chỗ lạc còn lại, tôi đổ dồn sang thúng của mẹ, nhờ mẹ bóc hộ. Hồi ấy, chưa có xe đạp để đi, tôi phải đi bộ 3-4 cây số đến sân. Dù khó khăn thiếu thốn nhưng tôi vẫn đam mê với trái bóng tròn. Chưa có trận bóng nào trong phường mà tôi bỏ.
Những ngày thơ ấu và chập chững chơi bóng đó, đã có lúc nào anh cảm thấy khó khăn, muốn dừng lại?
- Gia đình tôi có 5 anh em, lớn lên trong thời bao cấp. Có những lúc gia đình khó khăn đến mức tôi không nghĩ mình có đủ thể lực để theo đuổi bóng đá. Đối với nghề này, ngoài thể lực, cầu thủ còn phải tự bỏ tiền để mua giày, quần áo…
Hồi ấy, các đội bóng chưa có nhiều tiền để tài trợ đồ dùng cho cầu thủ, thường cầu thủ phải tự mua. Mà gia đình tôi thuộc diện nghèo. Những lúc cần tiền để mua đồ chơi bóng, tôi nghĩ mình, gia đình mình không có tiền nên sẽ không thể theo trái bóng được. May mắn là bố tôi cũng chơi thể thao, nên bố mẹ động viên tôi theo đuổi đam mê. Đa phần các buổi sáng, tôi phải nhịn ăn sáng để đi tập luyện, dành số tiền bố mẹ cho ăn sáng để mua giày. Khó khăn vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê.
Đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh anh bật khóc trên sân Vinh khi dẫn dắt SLNA vô địch V.League 2011. Thời điểm đó, anh đã nhắc tới mẹ của mình. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của anh lúc đó, vì sao anh xúc động đến vậy?
- Mẹ là người luôn ủng hộ tôi trên bước đường để đi đến bóng đá chuyên nghiệp. Mẹ cho tiền để tôi ăn sáng có thêm sức khoẻ, mẹ bóc dùm tôi phần lạc cho con trai đi đá bóng. Những kỷ niệm này tôi không bao giờ quên được. Tất cả, những thời điểm tôi gặp khó khăn đều có mẹ bên cạnh. Mẹ tôi đã mất, khi nhắc đến mẹ, cảm xúc trong tôi đều lâng lâng khó tả. Nếu mẹ tôi còn sống sẽ có thể nhìn thấy con thành công, sẽ toại nguyện hơn, đó là điều mà tôi tiếc nhất trong cuộc đời.
Tôi nhớ năm 1992 tôi được lên đội một của CLB SLNA, khi thấy những đồng lương đầu tiên tôi đưa về, mẹ tôi đã khóc. Lúc ấy tôi còn trẻ, mới có 21 - 22 tuổi, mẹ đã khóc và nghĩ rằng con biết làm lụng nên không sợ con hư, không uổng công mẹ đã nuôi dạy nên người.
Tôi bước chân vào bóng đá và kinh tế đã có sự khởi sắc, có điều kiện gửi tiền về cho gia đình. Gia đình tôi rất thiếu thốn nhưng có gì ngon, tốt, đẹp mẹ đều gửi hết cho tôi. Đấy là những điều đã thôi thúc để tôi cố gắng làm sao lo cho gia đình cuộc sống khấm khá hơn, phải làm cách nào đấy để gia đình thoát nghèo.
Bố tôi là người rất mạnh mẽ, ngày xưa cũng đá bóng nhưng đá theo phong trào của nhà máy, rồi chơi đàn. Bố là người lặng lẽ đứng phía sau, thời điểm tôi đang đi tập ở đội trẻ của SLNA, bố tôi tự hào lắm, buổi chiều nào cũng đạp xe lên để xem con tập luyện hết năm này đến tháng khác, cả lúc tôi lên đội tuyển, hay tôi lên đội một SLNA và được đá chính thức.
Với bố tôi, thành công của con là điều thiêng liêng, bố tôi đã rất vui và chia sẻ điều này với những người bạn của mình. Buổi sáng, người ta thường rủ bố đi ăn sáng, nói chuyện ở quán cà phê. Tôi thấy bố rất vui vẻ khi thấy con mình thành đạt.
Bố và mẹ là 2 người có quyết định quan trọng đến cuộc đời bóng đá của tôi. Mẹ tôi mất năm 2005, 10 năm sau bố tôi mất. Những năm đó tôi đã có những thành công trong sự nghiệp, nên lúc bố về với mẹ tôi, có lẽ ông cũng thỏa nguyện và thanh thản nhắm mắt xuôi tay.
Còn lần được thi đấu ở đấu trường quốc tế, cảm xúc của anh như thế nào?
- Cảm giác của tôi khó tả lắm, vừa sợ, tâm lý cũng không được tốt, nhưng khi nghĩ về bố mẹ thì mọi thứ đều có thể vượt qua, đặc biệt khi nghĩ đến mẹ. Lần đầu, bước vào trận đấu quốc tế tôi sợ lắm, sợ có thể bản thân mình đá không hay, bình luận viên nói những câu có thể làm cho bố, mẹ tôi ở nhà xem có thể buồn. Đến khi vào trận, có nhiều thứ để tôi tập trung, có nhiều điều để tôi cố gắng. Đặc biệt, mẹ tôi bị bệnh tim nên xem nhiều trận đấu căng thẳng rất nguy hiểm, có những lúc tôi bị thẻ vàng, thẻ đỏ, bị đuổi ra khỏi sân… cũng là điều khiến tôi lo lắng. Tôi lo lắng cho sức khoẻ của mẹ, lo lắng do những lỗi của tôi có thể làm ảnh hưởng đến mẹ hoặc bố tôi xem ở nhà.
Cúp vô địch cùng SLNA trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV chắc hẳn là những kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh?
- Tôi nghĩ, trong cuộc sống này ai cũng muốn đạt được thành tích cao trong sự nghiệp, đặc biệt tôi là người con Nghệ An. Tất nhiên mục tiêu tôi đặt ra trong sự nghiệp của mình là cố gắng để chinh phục được cúp vô địch, mang niềm vui về cho quê hương. May mắn lúc ấy SLNA có những cầu thủ bên cạnh như Nguyên Mạnh, Trọng Hoàng, Huy Hoàng… Cầu thủ SLNA lúc ấy rất mạnh, gặt hái được chức vô địch của giải Vô địch Quốc gia, cúp phía Bắc hay Dunhill Cup.
Xin hỏi, động lực nào để anh có thể thi đấu tốt trong các trận đấu?
- Tôi nghĩ, cái tên của bố mẹ đặt vào cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Bố mẹ sinh tôi ra đặt tên là Thắng nên cứ chơi gì tôi đều muốn thắng (cười). Ra sân tôi chỉ muốn đá, cho dù đá giao hữu 2 đội chia nhau tôi cũng muốn thắng cho bằng được. Tinh thần ấy thôi thúc tôi cố gắng vào sân đá với tính chất của một hậu vệ gặp một tiền đạo giỏi.
Hậu vệ nào cũng muốn bằng mọi cách có thể ngăn cản tiền đạo ghi bàn. Bên cạnh đam mê, máu ăn thua của tôi cũng rất cao, vào sân cũng chỉ muốn thắng. Tôi nghĩ, lối đá quyết liệt đầy máu lửa ăn sâu vào con người của mình, nên mỗi lần được vào sân đá tôi đều cống hiến hết mình. Chính vì sự hết mình ấy nhiều khi tôi không kìm nén được cảm xúc, đôi lúc gây ra những lỗi, bị thẻ vàng, thẻ đỏ. Tôi nghĩ, nếu không có tính chiến đấu như vậy đôi khi tôi không phải Hữu Thắng của bây giờ.
Nhưng cũng chính chiếc Cúp vô địch V.League 2001 mà SLNA giành được lại khiến anh bị hàm oan thời điểm năm 2005 – khi xảy ra "bão" tiêu cực của cầu thủ, trọng tài. Mãi tới cuối năm 2007 anh mới được minh oan… Những ngày tháng đó, có thể coi "nốt trầm" trong sự nghiệp của anh, chắc anh đau buồn lắm?
- Đấy chắc chắn là những tháng ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của tôi, đen tối nhất trong cuộc đời. Tôi không bao giờ nghĩ, cũng không tưởng tượng được bản thân lại dính vào vòng lao lý. Những việc đó (đưa tiền bồi dưỡng cho cầu thủ đội bạn – P.V), nếu tôi làm sai chắc chắn tôi phải nhận.
Điều đó FIFA không cấm và cũng không khuyến khích, giống như đội bóng này thưởng cho đội bóng khác, chuyện đó trên thế giới là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam mình lúc đó, ranh giới giữa cái sai và cái đúng tôi lại không phân biệt được, cộng thêm đó là sự lên án từ dư luận. Thời điểm ấy tôi chỉ biết động viên bản thân, cũng như chấp nhận số phận của mình phải dính vào vòng lao lý.
Đến lúc mọi việc qua đi, nhiều lúc tôi nghĩ vậy là đủ rồi, cả vinh quang, cả đắng cay, tôi muốn dừng lại. Thời điểm ấy tôi đã định từ bỏ bóng đá. Nhưng lúc đấy bố là người động viên tôi, còn mẹ tôi mất rồi. Bố tôi mất niềm tin vào cuộc sống vì chuyện tôi bị hàm oan.
Bố tôi nghĩ con cái phấn đấu bao nhiêu năm đến lúc bị oan nhưng bố không làm được gì cả. Bố bảo tôi chuyển một nghề khác, câu nói ấy của bố khiến tôi nghĩ đến hướng đi mới. Nếu như tôi chấp nhận bỏ cuộc thì mọi người chắc chắn nghĩ tôi sai, có gì đó sợ nên mới phải bỏ. Tôi đã quyết định đi học nâng cao hơn nữa, để quay lại làm HLV với đội Hà Nội T&T sau đấy quay lại SLNA. Rồi tôi được gọi lên làm HLV của Đội tuyển Việt Nam. Lúc nhiều người viết những bài báo không đúng về tôi, nếu như tôi sai tôi nghĩ sẽ không bao giờ quay lại làm HLV được.
Tôi làm HLV CLB SLNA, VFF gọi tôi lên làm HLV trưởng của Đội tuyển Quốc gia, đó là những minh chứng gián tiếp minh oan cho tôi. Nếu như, trước đó tôi đã có tì vết thì sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến Đội tuyển Quốc gia. VFF không thể gọi một HLV đã có vết nhơ trong bóng đá. Đấy cũng chính là động lực để tôi quay trở lại với bóng đá, để cho những ai hiểu sai về tôi quay lại nhìn nhận con người của tôi.
Trở lại với sân cỏ sau khi thoát vòng lao lý, tại sao anh chọn Hà Nội T&T?
- Bóng đá có nhiều cơ duyên, lúc hết vướng vòng lao lý, tôi đã quay trở về đi học. Tôi học xong bằng A huấn luyện viên, bằng cao nhất của bóng đá Việt Nam. Anh Hiển T&T là người đã tin tưởng tôi. Bầu Hiển gọi cho tôi, muốn tôi trở về dẫn dắt CLB Hà Nội T&T. Sau một thời gian suy nghĩ tôi đã đồng ý. Lúc ấy bạn bè và người thân đều không đồng ý để tôi dẫn dắt CLB Hà Nội T&T, mọi người đều đặt ra câu hỏi tại sao tôi lại chọn một CLB đang đứng ở vị trí bét bảng? Với tính cách và máu liều của mình, tôi đã quyết định đối mặt với số phận để nhận chức HLV trưởng của CLB Hà Nội T&T.
Ở cấp CLB, anh có thể ghi được những dấu ấn đậm nét, nhưng dường như rất "đen" và vô duyên khi dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia: ở AFF Cup 2016 khi thua Indonesia ở bán kết và đặc biệt là SEA Games 2017 thì bị loại ngay sau khi vòng bảng (thua 0-4 trước Thái Lan). Anh lý giải thế nào về điều đó?
- Cuộc đời bóng đá của tôi có những lúc thăng trầm, có những trận đấu tôi đá cho đội tuyển hay nhưng về CLB có thể không hay. Lên đội tuyển có những giải đấu tôi đá rất tốt, nhưng ở thời điểm ấy lứa như Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải chưa đến độ chín trong sự nghiệp như bây giờ.
Bên cạnh, đấy tôi còn thiếu sự may mắn nữa, có thể có nhiều trận đấu hay và nhiều cảm xúc nhưng kết quả cuối cùng Đội tuyển Việt Nam lại thi đấu không được như mong đợi. Lúc đấy cầu thủ chưa đạt đến độ chín. Quan trọng nhất khi lên làm HLV đội tuyển Việt Nam là tôi làm được nhiều điều trong sự nghiệp của mình, nên tôi chấp nhận cả những thất bại.
Giờ nghĩ lại anh có cảm thấy tiếc vì những quyết định của mình ở kỳ SEA Games 2017? Và điểm nhấn được nhiều người nói đến là anh đã không tin dùng Quang Hải - cầu thủ hiện là ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam và sắp xuất ngoại thi đấu…
- Nhiều người nghĩ tôi không dùng Quang Hải là điều không đúng, lúc ấy Quang Hải là cầu thủ trẻ, mới 17 tuổi, chưa thể nào so được với các cầu thủ trong đội tuyển. Quang Hải chưa thể giành vị trí của ai trong Đội tuyển Quốc gia thời điểm ấy. Quang Hải lúc ấy mới đá cho lứa U19, chỉ khẳng định mình ở lứa cầu thủ trẻ. Hai năm sau Quang Hải mới đá được và thành cầu thủ ngôi sao có tên tuổi.
Tôi nghĩ, chính những thất bại sẽ giúp Hải "con" lớn lên, bù đắp những thất bại của Hải lúc còn trẻ. Sau này Hải thành công đấy là do sự nỗ lực không ngừng và trải qua nhiều thất bại mà thành. Tôi nghĩ, không thể so sánh Quang Hải lúc 17 tuổi và bây giờ. Lúc đấy chưa ai biết Quang Hải là ai? Quang Hải chưa thể cạnh tranh được các vị trí của Xuân Trường, của Công Phượng. Tôi không hối tiếc về việc không sử dụng Quang Hải. Thời điểm đấy chưa thể có một Quang Hải mới vào đội tuyển đã có thể đá hay được.
Anh có đánh giá gì giữa Quang Hải mà anh dẫn dắt và Quang Hải của thời điểm hiện tại?
- Quang Hải của những năm lên đội tuyển thời tôi làm HLV vẫn đang loay hoay tìm một vị trí chính thức ở trong đội tuyển. Lúc ấy, Quang Hải còn gặp nhiều khó khăn, không như thời điểm hiện tại. Hai năm sau cậu ấy đã trở thành một ngôi sao, đấy là quy luật tất nhiên của bóng đá.
Quang Hải thành ngôi sao khi các anh lớn khác phong độ đã xuống, với nỗ lực, với khả năng chơi bóng đặc biệt của Quang Hải, tiềm ẩn một ngôi sao lớn của bóng đá sau này. Nhưng thời điểm tôi đang làm HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam, xin nhắc lại là Quang Hải chưa có độ chín để khẳng định được vị trí chính thức trong đội tuyển.
So với khi là cầu thủ, làm HLV có áp lực như thế nào?
- Khi làm cầu thủ tôi chỉ cần cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của bản thân với CLB, nhưng khi làm HLV tôi phải chịu trách nhiệm với hơn 30 con người trong đội. Khi tôi làm HLV trưởng ở cấp độ CLB, tôi phải chịu trách nhiệm với nhà tài trợ. Lên làm HLV Đội tuyển Quốc gia càng áp lực hơn nữa với tất cả những người hâm mộ trong số hàng chục triệu dân Việt Nam, đó là áp lực không hề nhỏ.
Với tôi, một trận thắng hay một trận đá hay có thể giải toả tất cả mọi thứ, nhưng một trận thua hay một giải đấu không thành công đó là áp lực làm cho tôi đau đầu rất nhiều.
Những điểm khác nhau giữa vị trí cầu thủ, HLV và chủ tịch CLB?
- Với tôi, khi làm cầu thủ có nhiều điều vui hơn, tôi được sống đúng với con người của mình. Lúc tôi làm HLV cũng có vui nhưng đắng cay cũng nhiều, còn ở vị trí chủ tịch CLB thì vui với thành tích của đội bóng, với vai trò quản lý, sự phát triển của xã hội bây giờ.
Cầu thủ bây giờ không còn như chúng tôi hồi xưa nữa, tất nhiên so sánh là khập khiễng, xã hội ngày càng phát triển, quyền lợi của cầu thủ, kinh tế… sẽ nhiều hơn, nhưng tình cảm cuả cầu thủ dành cho CLB không còn được như trước nữa.
CLB TP.HCM đã đầu tư khá nhiều tiền nhưng chưa thành công ở V-League, điều đó có làm anh thất vọng không?
- Tôi không cảm thấy thất vọng, có những lúc CLB TP.HCM đã đạt đến Á quân V-League. Cần nhớ, cách đây hơn 10 năm bóng đá TP.HCM gần như bị xoá sổ trên bản đồ bóng đá Việt Nam, không được đá hạng nhất. 10 năm TP.HCM bỏ không bóng đá. Thời gian mấy năm trở lại đây bóng đá phía Nam phát triển rất mạnh, đặc biệt là CLB TP.HCM là một đội bóng có lịch sử phát triển từ trước cũng muốn tiếp nối truyền thống của đội Cảng Sài Gòn. Tôi nghĩ, trong bóng đá mùa giải này anh đá hay, mùa sau có thể xuống cũng bình thường, chả có gì cả. Quan trọng là định hướng phát triển lâu dài của CLB TP.HCM, đó mới là điều quan trọng.
CLB TP.HCM đang đi theo những gì chuyên nghiệp nhất. Tháng 7 này, CLB TP.HCM sẽ di chuyển đến đại bản doanh ở quận 7 TP.HCM. Cơ sở vật chất ở đấy hiện tại có thể nói tốt nhất ở Việt Nam, từ sân bãi tập luyện đến chỗ ở, đến vận hành CLB, tôi nghĩ là tối ưu nhất. Với cơ sở vật chất như vậy, ở các đội bóng của Việt Nam hiện tại rất ít, gần như chưa có đội nào có.
Trận đấu quốc tế nào có anh tham dự mà anh cảm thấy đáng nhớ nhất?
- Trận đấu tôi nhớ là trận đấu với Lào ở giải Tiger Cup 1996 nhưng ngay hiệp 1 tôi bị "dính" 1 thẻ vàng, sang hiệp 2 lỗi không nặng nhưng trọng tài phạt tôi thẻ vàng tiếp thành thẻ đỏ. Mẹ tôi, ở nhà thấy con phải rời sân, anh bình luận viên có bình luận nếu bị 2 thẻ vàng sẽ phải đi vào phòng giam riêng mà không được ra ngoài. Nghe như vậy, tôi đã vội vàng ra khỏi sân vận động để gọi điện thoại về cho mẹ. Mẹ tôi nói một câu làm tôi vừa buồn cười, vừa bật khóc "Mẹ thấy người ta nói con bị giam ở trên phòng mà sao con lại được ra gọi điện cho mẹ?". Tôi bảo: "Không phải đâu, con sợ mẹ lo nên con gọi về". Lúc ấy bà mới thở phào nhẹ nhõm và động viên tôi. Sau này những trận đấu thuận lợi, tôi có những thành tích, cả nhà đều vui, mẹ tôi cũng vui, nhưng không đáng nhớ bằng trận đấu tôi bị 2 thẻ vàng ấy.
Còn trong cả sự nghiệp thì sao?
- Đó là năm 1995, lần đầu tiên tôi được gọi vào Đội tuyển Quốc gia do HLV Weigang dẫn dắt. SEA Games 18 trên đất Chiang Mai của Thái Lan, tôi đã cùng lứa "thế hệ vàng" như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Công Minh, Hữu Đang… mang đến những cảm xúc khó tả cho người hâm mộ bóng đá nước nhà. Ở giải đấu năm đó, Đội tuyển Việt Nam bất ngờ làm nên lịch sử khi giành HCB lần đầu tiên về cho bóng đá Việt Nam sau nhiều năm chờ đợi chiếc huy chương tầm khu vực.
Lần đầu được đá giải quốc tế cấp độ đội tuyển, tôi rất hồi hộp và căng thẳng. Nhưng khi vào trận đấu, mọi vấn đề đều trôi qua nhanh khi mình tập trung vào các diễn biến trận đấu.
Khởi đầu giải, tôi và đồng đội giành chiến thắng đầy bất ngờ trước Malaysia với tỷ số 2-0. Thời điểm này, Malaysia được đánh giá cửa trên so với Việt Nam. Sau đó, chiến thắng 4-0 trước Campuchia giúp Việt Nam có 6 điểm. Ở lượt trận tiếp theo, tôi và đồng đội để thua chủ nhà Thái Lan 1-3.
Vào bán kết gặp Myanmar, các cầu thủ Việt Nam làm cổ động viên vỡ oà khi thắng đối thủ 2-1 để tiến vào chung kết gặp lại Thái Lan. Dẫu biết rằng, đây là trận đấu khó khăn, nhưng tôi và các đồng đội đã trải qua một trận đấu buồn khi mọi nỗ lực không thể bù đắp được năng lực. Chủ nhà Thái Lan khi đó quá mạnh. Các cầu thủ Việt Nam liên tiếp nhận bàn thua và sụp đổ trong trận chung kết với tỷ số 0-4.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.