Chúng tôi đến thăm trang trại GenXanh của anh Nguyễn Đức Chinh vào một ngày hè đầu tháng 5. Mới 7h sáng, không khí oi bức ngày đầu hè đã bao trùm lên khắp cánh đồng xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Hơn 8h sáng, một người đàn ông dáng vẻ mảnh khảnh, nước da đen sạm đi chiếc xe Wave cũ kỹ đỗ xịch trước mặt. Nếu không giới thiệu, chúng tôi khó có thể ngờ đây là tiến sĩ từng đi du học nước ngoài nhiều năm, bởi lẽ trông anh Chinh hết sức bình dị, đậm chất nông dân. Giải thích cho sự chờ đợi, anh Chinh bảo, nay đơn hàng nhiều nên anh phải đi ship.

Suốt hơn 2 tiếng trò chuyện, những câu chuyện thú vị về thời gian du học nước ngoài, về khởi nghiệp trồng rau sạch nhiều gian nan nhưng cũng đầy ắp thành quả ngọt ngào, hạnh phúc của vợ chồng anh Chinh cứ thế miên man trôi đi giữa vườn rau xanh mát, dần xua tan cái nắng nóng oi bức những ngày đầu hè.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 2.

Lấy tấm bằng tiến sĩ ngành công nghệ sinh học ở Nhật Bản, trở về nước anh làm việc cho một viện nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp với mức lương là mơ ước của nhiều người. Tôi tò mò tự hỏi tại sao anh lại bỏ việc, quyết định khởi nghiệp lại, chọn trồng rau sạch?

- Tôi đến với cây rau hoàn toàn tự nhiên. Khi còn sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tôi nghiên cứu sâu về cây lúa. Thời điểm đó, giống lúa lai rất "hot". Ra trường tôi cố gắng xin vào viện phù hợp với ngành học của mình nhưng không được.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 3.

Năm 2005, khi đang chơi vơi, tôi được Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận vào làm và gắn bó với cây rau từ ngày đó. Thú thật, đầu tiên tôi cũng hơi lăn tăn, nhưng sau càng đi sâu vào nghiên cứu cây rau tôi càng thấy say mê.

Năm 2008, tôi được cơ quan chọn cử đi Israel tham gia khoá học về trồng rau công nghệ cao trong thời gian 1 năm, theo hình thức trao đổi thực tập sinh.

Từ năm 2012 - 2014 tôi giành được suất học bổng bên Australia và hoàn thành bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Australia.

Năm 2016, tôi lại tiếp tục giành được học bổng tiến sĩ nghiên cứu tại Nhật Bản nên đưa cả gia đình sang sinh sống và học tập cùng. Ở bên Nhật có rất nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ. Nhất là khi đọc cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka - người khai sinh ra nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới.

Xin kể thêm, trước khi sang Nhật, năm 2015, tôi và các cộng sự được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ. Tuy nhiên khi hết dự án, dân cũng phá bỏ không trồng rau hữu cơ nữa.

Chính vì vậy, khi đọc cuốn sách này tôi thực sự rất trăn trở. Suốt 3 năm bên Nhật, lúc nào trong đầu tôi cũng thôi thúc suy nghĩ mình "phải làm gì đó". Tôi tin ở Việt Nam hoàn toàn có thể trồng được rau hữu cơ với quy mô lớn.

Sau khi từ Nhật Bản trở về nước, về tuần trước thì ngay tuần sau tôi đã đi tìm đất, nung nấu quyết tâm trồng rau hữu cơ.

Thế rồi, chúng tôi tìm thấy vùng đất bỏ hoang ở bãi sông Đáy thuộc xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau khi làm việc, đàm phán với 35 hộ dân địa phương, chúng tôi thuê lại 2ha đất, vợ chồng tôi cùng 2 đồng nghiệp trẻ lập ra trang trại rau hữu cơ GenXanh để hiện thực hoá ước mơ trồng rau sạch.

Suốt những năm du học ở những cường quốc nông nghiệp như Israel, Nhật Bản, Australia, anh chỉ nghiên cứu về cây rau, cụ thể là nghiên cứu những gì? Cái tên GenXanh – Nông trại rau hữu cơ chắc hẳn có liên quan đến ngành học của anh?

- Suốt những năm du học, tôi đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp mà đối tượng chính là cây rau như rau dền, rau đậu hà lan, rau gia vị...

Tại Nhật Bản, tôi đã làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về công nghệ sinh học. Dựa trên công nghệ giải trình gen thế hệ mới để đánh giá đa dạng di truyền của tập đoàn rau dền Việt Nam so sánh với tập đoàn rau dền ăn lá của thế giới (có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Á, Đông Nam Á và châu Mỹ).

Trong nghiên cứu của tôi đã phát hiện được những nguồn gen rau dền đặc hữu của Việt Nam và lần đầu ghi nhận một loài rau dền có ở Việt Nam mà trước đó chưa được công bố ở những nghiên cứu trước đó. Những nghiên cứu của tôi đã được công bố trên tạp chí uy tín của Nhật Bản Breeding Sciences.

Về cái tên GenXanh xuất phát từ Genetics tức là nguồn gen xanh được sản xuất theo quy trình hữu cơ, quy trình xanh cho một thế hệ xanh (Generation). Thêm vào đó GenXanh được ra đời khi tôi vẫn còn công tác tại cơ quan cũ (Vietnam Genetic Resources Center), đây cũng là cách để ghi nhớ xuất phát của mình.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 4.

Tôi thấy tâm lý chung của người Việt, khi con cái học hành tài giỏi, nhất là được đi nước ngoài học bằng thạc sĩ, tiến sĩ như anh không chỉ là niềm tự hào của gia đình, bố mẹ mà còn cả dòng họ. Ra trường, bố mẹ nào cũng mong con mình thành đạt. Thế nhưng về nước, anh lại chọn trồng rau và trở thành nông dân thực thụ. Quyết định này chắc hẳn đã làm gia đình 2 bên sốc và phản đối kịch lit?

- Tôi sinh ra ở nông thôn - một làng quê yên bình ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), bố mẹ tôi cũng đều là nông dân. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ làm buồn lòng bố mẹ và được bố mẹ rất tin tưởng.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 5.

Thực ra, trước đây, tôi vẫn "chân trong, chân ngoài", vừa làm việc lại viện, vừa trồng rau nên bố mẹ cũng đỡ lo lắng hơn. Ông bà nghĩ, làm một thời gian tôi sẽ chán, bỏ nghề trồng rau và chuyên tâm với công việc nghiên cứu. Chính vì vậy, khi tôi bảo nghỉ hẳn việc ở viện để trồng rau, bố mẹ cũng ngỡ ngàng nhưng không phản đối. Bố mẹ hiểu tính tôi làm gì đều suy nghĩ rất kỹ càng trước khi quyết định.

Tôi biết trong lòng bố mẹ cũng rất thương con. Bố mẹ tôi chỉ bảo, đang ngồi phòng lạnh mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, ra ngoài đồng thương con lam lũ vất vả. Ngay cả gia đình bên vợ cũng ủng hộ, tôn trọng quyết định của cả hai.

Họ hàng nghe tin cũng có nhiều người phàn nàn với mẹ tôi: "Đi du học tiến sĩ mà giờ lại đi trồng rau, rau thì được mấy đồng mà làm?".

Hàng xóm ở quê thấy tôi trồng rau lên ti vi, báo đài, mọi người nhìn vào bảo sao mà thằng Chinh nó gầy quá, đen nhẻm thế kia? Trông tiến sĩ người gì mà khắc khổ ghê. Nhiều người nói nếu học tiến sĩ, đi du học nước này, nước nọ rồi về làm nông dân thế thì học làm cái gì? Thế là các cụ lại sốt ruột, bị tâm lý, tạo áp lực như thế.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 6.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 7.

Được học hành bài bản, lại được gia đình đôi bên đều ủng hộ, ắt hẳn anh chị đã khởi nghiệp trồng rau hữu cơ suôn sẻ, thuận lợi?

- Lý tưởng bao giờ cũng đẹp nhưng để hiện thực hóa thì vô cùng khắc nghiệt. Tôi thì lạc quan hơn vợ, nhìn khó khăn là chuyện đương nhiên. Vợ tôi nhiều khi không nói nhưng mỗi lúc mệt mỏi, áp lực quá, cô ấy lại trốn ra một góc ngồi khóc.

Khi thuê đất ở đây cỏ mọc cao ngút đầu không làm chúng tôi nản chí mà càng phấn khích vì chứng tỏ đất đã được nghỉ mấy năm không canh tác, rất thích hợp cho trồng rau hữu cơ.

Nơi này đồng không mông quạnh, không có điện, nước, xung quanh không có nhà dân, không cửa hàng… Nhiều người nhìn lắc đầu ngao ngán, cho là hâm dở nhưng đối với vợ chồng tôi, đó là nơi hoàn hảo để xây dựng ước mơ.

Cùng hai đồng nghiệp và người làm, chúng tôi xắn tay vào đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện, làm nhà container...  Nói chung, có bắt tay xây dựng trang trại mới thấy có hàng trăm công đoạn, tất cả chúng tôi đều phải tự mày mò, thử nghiệm.

Vì ít vốn nên ban đầu, chúng tôi chỉ thuê được 4 công nhân. Đất làm không hết, cỏ mọc nhanh hơn rau. Suốt 12 tháng ròng, tháng nào cũng lỗ.

Nhiều lúc mình nghi ngờ khả năng của bản thân. Một năm đầu không có tiền trả lương cho 2 bạn làm cùng, tiền chi trả cho nhân công cũng lấy từ lương của hai vợ chồng.

Trồng được rau sạch đã khó nhưng bán lại được rau sạch lại càng khó hơn, nhất là trong thị trường thông tin rất nhiễu loạn. Chúng ta cứ nói rau sạch nhưng ai tin đó là rau sạch. Không có khách hàng mua, chúng tôi phải cắt bỏ rau làm phân. Giai đoạn ấy là sự chua xót khôn tả.

Sau vài tháng làm nông dân, vợ mình gầy rộc đi, da dẻ đen sạm hẳn vì cuộc sống bỏ phố về trồng rau không như mơ.

Cũng may là tôi có kiến thức, có quá trình chuẩn bị tâm lý đối mặt với khó khăn nên mọi thứ cũng nhẹ nhàng đi qua. Nhận thấy cứ tiếp tục tình trạng "chân trong, chân ngoài" mãi không ổn, thương vợ vất vả, đến tháng 12/2021, tôi xin nghỉ hẳn ở viện, chuyên tâm cho trồng rau sạch.

So với thời đi làm ở viện, tôi vất vả hơn vì công việc làm nông chẳng bao giờ hết việc. Thế nhưng, cảm giác thoải mái khi được làm điều mình thích. Hôm nay có thêm người biết tới, rau bán được nhiều hơn một chút, bấy nhiêu cũng đủ để tôi cảm thấy hạnh phúc cả ngày.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 8.

Mất bao năm ăn học, tại sao anh dễ dàng quyết định từ bỏ tất cả để trồng rau và trở thành một nông dân thực thụ?

- Tôi đi du học, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài không phải là để kiếm lương cao hay lên chức. Về vấn đề tiền bạc, tôi quan niệm rất đơn giản. Vợ chồng tôi sống tối giản quen rồi. Bạn thấy đấy, xe tôi đi không cần xe đẹp. Điện thoại tôi dùng cũng chỉ là cái bình thường.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 9.

Với nhiều người, hạnh phúc là được đi du lịch đây đó, khám phá thế giới. Còn với vợ chồng tôi, tất cả hạnh phúc gói gọn trong mảnh vườn và ước mơ đem rau sạch đến với mọi người.

Trang trại GenXanh chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra sản phẩm tươi ngon, tinh khiết với giá thành rẻ để có thể phục vụ nhiều người hơn.

Chúng tôi đặt ra giá trị đó là vì có một lần tôi đi ship hàng ở khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. Khách hàng là nữ công nhân đang mang bầu vừa đi làm về mồ hôi nhễ nhãi ở trong khu nhà trọ lợp tấm fibro xi măng nóng bức. Khi giao hàng thấy cách họ phản ứng khi nhìn giá tiền hoá đơn và cách họ gom từng đồng tiền lẻ để trả, trong lòng tôi dâng lên một sự chua xót.

Mặc dù giá rau hữu cơ của GenXanh đã rẻ hơn so với các trang trại trồng rau hữu cơ khác, nhưng vẫn cao hơn so với rau ngoài chợ. Rau xanh, rau sạch là như cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày, nhưng đối với người lao động thu nhập thấp, dường như là sự xa xỉ, quá sức. Từ đó, tôi tâm niệm phải làm bằng được, bỏ tất cả công sức để tạo ra giá trị ý nghĩa trong cuộc sống.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 10.

Sau 3 năm khởi nghiệp đến nay, trang trại GenXanh của các anh đã khởi sắc hơn?

- Năm 2021, rau của trang trại GenXanh đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng, và được người nọ giới thiệu người kia, từ tháng 11/2021, chúng tôi bắt đầu có lãi. Hiện, mỗi tháng chúng tôi cung cấp cho thị trường khoảng 4-5 tấn rau hữu cơ với giá bán chỉ bằng một nửa so với nhiều nhà cung cấp khác.

Thị trường bán lẻ của GenXanh rất tốt với tệp khách hàng thân thiết lên tới vài trăm khách hàng lẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ký kết với một số cửa hàng thực phẩm sạch.

Cụ thể, giá rau, củ quả hữu cơ tại GenXanh hiện nay thế nào?

- Hiện tại, chúng tôi có hơn 100 loại rau củ khác nhau được trồng hữu cơ. Rau trồng hữu cơ không thể đều tăm tắp, mười cây như một giống dùng thuốc hoá học. Như trời miền Bắc vào mùa đông, chúng tôi sẽ tập trung trồng cà rốt, bắp cải, dưa chuột. Còn mùa hè thì trồng rau dền, rau muống bầu, bí, mướp, theo nguyên tắc mùa nào thức nấy.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 11.

Trồng rau hữu cơ, chúng tôi tốn nhiều thời gian để xử lý sâu bệnh và cỏ. Tuy nhiên, rau sau đó đủ nắng đủ gió, tích được đủ dinh dưỡng thì ngọt và ngon hơn hẳn rau bán ngoài chợ.

Hiện giá rau hữu cơ bao gồm ship đến tận nơi là 35.000 đồng/kg đối với các loại củ, quả; còn rau ăn lá hữu cơ trồng khó hơn nên giá thành cao hơn, khoảng 40.000 đồng/kg.

Nhìn anh tôi thấy khá thư sinh, mảnh khảnh. Từ tiến sĩ bất ngờ chuyển sang trồng rau rồi kiêm cả công việc shipper khi đông khách, anh xoay xở ra sao?

- Bố mẹ tôi là nông dân. Ngày xưa, trong nhà có 4 anh chị em, tôi là người yếu nhất và cũng được ưu tiên nhất nhà. Tôi không phải làm việc công việc đồng áng, không biết đi cày, không phải chở lúa. Bây giờ các anh chị em đều thoát ly nghề nông, chỉ có tôi là quay lại nông nghiệp, và tôi phải đi cày, phải đi ship hàng. Có ngày tôi chở rau giao khắp Hà Nội, quãng đường di chuyển lên đến hơn 100km.

Hôm trước mẹ và chị gái ở quê Hà Tĩnh ra chơi thấy tôi chở cả tạ rau bằng xe máy đi ship hàng, chị tôi cười bảo: "Chị cũng chịu thua cậu". Hiện tại, tôi đã mua ôtô phù hợp với nhu cầu sử dụng để việc ship hàng đỡ vất vả.

Thấy những luống rau xanh tươi ngon, bán chạy hàng, mẹ tôi cũng an tâm hơn và tin rằng trồng rau thực sự là một "công việc ý nghĩa", đem lại nguồn sạch thực phẩm sạch cho nhiều người như lời từng mình từng trấn an với bố mẹ trước đó.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông sản gặp khó trong việc tiêu thụ. Vậy trang trại GenXanh của anh ứng phó với đại dịch như thế nào?

- Từ giữa năm 2021, mọi thứ dần tốt hơn, các sản phẩm rau trong trang trại GenXanh dần được nhiều khách hàng biết đến, đặt hàng đều đặn. Thế nhưng đại dịch Covid-19 ập đến khi tháng 6/2021, xã Hiệp Thuận xuất hiện ca F0 đầu tiên. Thời điểm đó, mọi người nhìn dịch Covid-19 kinh khủng lắm. Cả xã Hiệp Thuận bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, công nhân không ra ruộng rau làm việc được.

Cả gia đình tôi quyết định di cư xuống căn nhà container rộng 9m2 ở trang trại gần 3 tháng để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch rau quả. Khi xã gỡ phong tỏa, tôi xin được giấy đi đường, hai ba ngày test Covid-19 một lần để đi ship rau cho các cửa hàng ở trung tâm Hà Nội. Thời gian này, trang trại không tiếp cận được khách lẻ nên cũng sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng.

Rất kịp thời, sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết về bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19, những khó khăn trong tiêu thụ nông sản dần được tháo gỡ, việc tiêu thụ nông sản của chúng tôi càng thuận lợi hơn.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 12.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 13.

3 tháng trôi qua, Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa dầm dề, mưa lụt triền miên. Dù đất của trang trại là đất pha cát nhưng cũng không kịp thoát hết nước.

Trang trại tan hoang, nước ngập trắng ruộng rau. Nhiều loại giống rau đắt đỏ khi ấy trồng đến lần thứ 5 vẫn chết. Rau gieo xuống vừa bật rễ, mở lá mới vươn lên dính đợt mưa lại chết. Làm lại mất bao nhiêu công. Nhiều hôm hai vợ chồng anh Chinh hì hục cầm cuốc đi khơi thông rãnh nước cứu rau, mồ hôi, nước mắt hoà cùng nước mưa nhưng tốc độ của người không thể đọ với tốc độ của trời.

Liệu có giây phút nào thấy khó khăn, áp lực quá, anh nghĩ sẽ từ bỏ công việc trồng rau đầy vất vả và quay về với công việc nghiên cứu đúng với chuyên môn của mình?

- Khó khăn nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ bỏ trồng rau sạch. Tôi chưa bao giờ xa vườn rau được quá một ngày. Ở nhà mình cảm giác người cứ lù đù, bức xúc, khó chịu nhưng lên đây, bước chân ra vườn ngắm nhìn những luống rau tươi xanh, mình cảm giác thảnh thơi, dễ chịu.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 14.

Khi chúng tôi say mê trò chuyện, những chú mèo con lông trắng tinh nằm ườn mình phơi nắng, thi thoảng dỏng tai kêu meo meo như hưởng ứng câu chuyện của chủ nhân chúng. Thấy tôi khẽ vuốt ve một chú mèo con, anh Chinh cười hiền bảo: "Ngày trước, chúng tôi đau đầu khi ngày nào lũ chuột hay phá phách, gặm nham nhở rau, quả. Từ khi nuôi những người bạn 4 chân này, vườn không mất quả dưa, củ cà rốt, khoai tây nào nữa".

Nhiều ý kiến cho rằng giữa phát triển nông nghiệp hu cơ và nông nghiệp 4.0 có sự đối ngược nhau. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?

- Thực ra, phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển nông nghiệp 4.0 không hề đối chọi nhau mà là bổ sung, hỗ trợ nhau.

Quy trình sản xuất rau hữu cơ được hình thành dựa trên 3 trụ cột chính là thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa. Công nghệ là cốt lõi để giảm chi phí, tăng năng suất trong canh tác hữu cơ.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 15.

Quy mô trồng rau của GenXanh chỉ 2ha, nhưng chúng tôi vẫn sử dụng máy cày, máy cắt cỏ khay gieo hạt bán tự động… để giảm công lao động.

Chúng tôi chú trọng đến công nghệ hệ thống tưới nhỏ giọt. 8 nhân công lao động làm việc cho GenXanh đều là người già yếu, bị khuyết tật không thể hàng ngày xách bình tưới rau. Tôi làm hệ thống tưới bón nhỏ giọt tự động, giúp người làm tiết kiệm công sức. Để tiết kiệm chi phí, tôi lên mạng đặt mua vỏ ống từ Trung Quốc về, tự thiết kế dựa trên kinh nghiệm tích lũy được khi đi tu nghiệp ở Israel.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn dùng các công nghệ vi sinh. Chúng tôi thu thập, nhân nuôi các chủng vi sinh vật bản địa để nhanh chóng cải tạo đất. Song song đó, chúng tôi cũng sử dụng các chủng vi sinh vật đã được phân lập và thương mại dùng để ủ phân chuồng, đạm cá, đạm trứng; ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại thành phân trả lại cho đất.

Một công nghệ nữa chúng tôi sử dụng là ươm cây giống trong nhà kính. Do đặc điểm của rau hữu cơ là sinh trưởng chậm nên để có thể quay vòng thật nhanh cần sử dụng nhà ươm cây giống nhằm rút ngắn thời gian canh tác trên đồng ruộng. Chúng tôi chỉ ươm cây giống, chứ không trồng rau trong nhà kính hoàn toàn vì như vậy vô tình làm hạn chế sự đa dạng sinh học.

Định hướng của anh sẽ phát triển trồng rau hữu cơ trong thời gian tới như thế nào?

- Hiện tại, sản lượng trồng rau hữu cơ của chúng tôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Năm nay, chúng tôi cố gắng mở rộng diện tích trồng rau thêm 3-4ha. Chúng tôi cũng đang tính đến việc liên kết với các hộ nông dân trồng rau hữu cơ. Theo đó, chúng tôi cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chất lượng và bao tiêu sản phẩm, kết hợp xây dựng chuỗi tiêu thụ lớn hơn. Hiện tại, GenXanh đang làm việc với một số đối tác để đưa rau gia vị như tía tô hữu cơ xuất khẩu Nhật Bản, châu Âu.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 16.

Để nông nghiệp hu cơ phát triển, theo tôi trước hết phải thay đổi nhận thức người nông dân. Bao năm nay, nông dân quen với tư duy dùng thuốc trừ sâu, dùng phân bón hoá học ở trong nông nghiệp. Nông dân có xu hướng rơi vào những thói quen thâm căn cố đế, dù những thói quen đó có hại hay có lợi.

Ngay cả các cô đi làm cho tôi cũng vậy, nếu nhìn thấy cây rau lên chậm hơn bình thường là các cô khó chịu. Các cô hay nói, cái này ở nhà tôi, tôi chỉ cần vung cho nó một tí đạm là rau sẽ tốt bời bời. Hoặc nhìn sâu ăn, cái này chỉ cần phun 1 tí thuốc này, thuốc kia là sâu chết sạch. Đấy là tư duy của người dân đã bám chặt, thậm chí họ coi việc đấy là việc rất bình thường.

Tôi được biết biết Học viện Nông nghiệp Việt Nam mới mở khoa canh tác hữu cơ mới đây thôi. Còn từ trước đến nay đều dạy cách dùng thuốc trừ sâu như thế nào, cách dùng thuốc trừ cỏ như thế nào. Không ai dạy nông dân cách không dùng thuốc hoá học.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 17.

Con đường gian nan của tiến sĩ du học bên Nhật bỏ việc về làm nông dân, trồng rau sạch - Ảnh 18.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem