Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trước đây, mỗi lần truy cập Internet bị chậm và nghe câu giải thích "cáp quang bị cá mập cắn" tôi luôn có cảm giác không đúng lắm cho đến khi gặp Huy Nguyễn, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Công ty KardiaChain, người đã thành công trong dự án Google Fiber, thì không còn nghĩ đó là một câu nói vui nữa. Sau cuộc trò chuyện với Huy Nguyễn, người đang có thu nhập hơn 900.000 USD mỗi năm với vị trí quản lý ở Google về Việt Nam khởi nghiệp, tôi hiểu thêm lĩnh vực công nghệ vốn không khô khan như tên gọi của nó. Cũng như cách mà chúng tôi trò chuyện với nhau vậy, không phải gặp mặt trực tiếp (bắt tay hay ôm nhau một cái rồi mới bắt đầu câu chuyện) mà là một khoảng cách địa lý và được nối gần bằng một sản phẩm ứng dụng công nghệ, phần mềm hội thoại trực tuyến. Đây là cách tương tác mà trước khi có dịch Covid-19 ít người nghĩ đến, cũng giống như quyết định rời Google của Huy Nguyễn (mà nhiều người gọi là quyết định điên rồ) để về Việt Nam khởi nghiệp vậy.
Đang làm việc tại Google, môi trường nhiều người ước mơ, vì sao Huy Nguyễn lại quyết định về Việt Nam khởi nghiệp blockchain?
- Thật ra có rất nhiều yếu tố tác động tới quyết định này và tôi đã mất 2 năm dằn vặt với chuyện đi hay ở. Ở lại Google tôi có tất cả mọi thứ (thu nhập và chức vụ), còn KardiaChain là dự án rất tâm huyết của tôi. Tôi và những người bạn đã cùng sáng lập ra nó vào năm 2018, khi đó tôi vẫn làm ở Google.
Là người thích trải nghiệm những thứ mới, nên tôi cũng nghĩ rằng sẽ đến lúc cần có sự thay đổi và dịch Covid-19 bùng lên khi tôi về Việt Nam đã trở thành cú đẩy quyết định cho một hướng rẽ mới trong sự nghiệp.
10 năm gắn bó với Google, đó là một thời gian khá dài, cũng đủ để cho tôi học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và đã đến lúc cần có những thay đổi cho định hướng phát triển lâu dài.
Dự án KardiaChain, nghe có vẻ mới mẻ với người dùng Việt Nam. Huy Nguyễn có thể nói khái quát về dự án này không? Điểm đặc biệt gì ở dự án này đã thu hút bạn đến vậy?
- KardiaChain là dự án xây dựng hạ tầng blockchain để các doanh nghiệp hay startup có thể xây dựng các ứng dụng phi tập trung trên blockchain được. Nói một cách nôm na, KardiaChain là một hệ điều hành giống như "Android", "iOS" hay "Windows", nhưng sử dụng công nghệ blockchain để mọi người có thể xây dựng các ứng dụng trên blockchain dễ dàng và tiện lợi.
Trước khi có KardiaChain, các nền tảng blockchain quốc tế khác thu phí giao dịch rất cao và là một trở ngại to lớn để doanh nghiệp hay startup Việt Nam tiếp cận được công nghệ này. KardiaChain tập trung vào xây dựng một hạ tầng blockchain chất lượng quốc tế, an toàn và chi phí cực kỳ thấp để bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể dễ dàng sử dụng.
Phương châm của KardiaChain là sản phẩm của người Việt, cho người Việt, và vì người Việt.
Huy Nguyễn rong ruổi khắp thế giới từ châu Phi đến Nam Mỹ, Ả Rập, Ấn Độ, Philippines, Indonesia... để xây dựng hệ thống Internet.
Mới mẻ và mạo hiểm quá, tôi có thể hình dung ra nét mặt những người thân khi nghe quyết định rời Google của bạn. Tôi cá là đa số sẽ phản đối dữ dội?
- Bạn đoán hay vậy (cười). Khi nghe tôi có ý định bỏ Google để khởi nghiệp người thân, bạn bè và đồng nghiệp công ty đã phản đối quyết liệt. Thậm chí, khi nghe ý định của tôi, một người bạn (sếp cũ) đã nói cho người khác biết. Khi tin này đến tai nhân sự Google, họ đã gọi cho tôi để nói chuyện với hy vọng dập tắt được ý định muốn nghỉ việc của mình và họ thoả hiệp cho tôi vừa làm vừa vận hành dự án KardiaChain.
Còn gia đình tôi thấy quyết định bỏ Google là chuyện rất kinh khủng (cười). Người ta mong muốn đến Mỹ để làm việc, còn mình đang có công việc ổn định lại muốn trở về, thế nên gia đình tôi ra sức can ngăn.
Như tôi đã nói, ý định này đã có thời gian tích luỹ và bước ngoặt đã đến vào cuối năm 2019 khi KardiaChain chuyển trụ sở về Việt Nam. Lúc này tôi quyết định dành ra ba tháng ở Việt Nam vừa để hỗ trợ công ty vừa để xem mình có thật sự phù hợp để ở lại khởi nghiệp.
10 năm làm việc ở Google là một quãng thời gian dài. Huy Nguyễn còn nhớ mình đã bắt đầu với công ty này như thế nào không?
- Thời điểm tôi ra trường cũng đúng giai đoạn kinh tế Mỹ chạm đáy của khủng hoảng toàn cầu (năm 2009 – PV), tỷ lệ người thất nghiệp rất cao và nhiều sinh viên rất giỏi ra trường cũng khó tìm được việc làm.
Học điện tử, tự động hoá nên tôi cũng đi phỏng vấn ở một số công ty nổi tiếng, trong đó Google và đã được chọn.
Cách tuyển người của "gã khổng lồ" Google có gì đặc biệt không?
- Nói về quy trình phỏng vấn để vào Google, nó giống như một cuộc thi khắc nghiệt để chứng minh mình đủ khả năng làm việc tại đây.
Tôi đã trải qua hơn 20 cuộc phỏng vấn với rất nhiều người khác nhau. Còn một điểm đặc biệt nữa, ở Google, mọi nhân viên đều tham gia phỏng vấn và người được phỏng vấn cũng như người phỏng vấn không có liên quan gì đến nhau cả. Có nghĩa là nếu bạn được nhận thì cũng không làm việc với họ, nên không thể biết được ai đã phỏng vấn mình.
Còn các bài phỏng vấn ở Google thời điểm đó đều là những bài giải thuật toán và viết code để làm được việc gì đó trong thời gian nhanh nhất.
Vẫn biết "gã khổng lồ" luôn trả lương rất khủng, nhưng tôi tò mò về tháng lương đầu tiên Huy Nguyễn nhận được ở Google?
- Google (và Facebook sau này) luôn độc chiếm vị trí trả lương điên rồ. Năm đầu tiên, tôi nhận được lương "cứng" là 120.000 USD/năm, còn nếu tính tổng thu nhập thì được khoảng 250.000 USD/năm. Đây là mức thu nhập cao với một người mới ra trường và bây giờ có lẽ mức lương "cứng" ở Google khoảng 180.000 USD/năm.
Tiền thưởng ở Google cũng rất vô chừng vì dựa vào năng suất và hiệu quả công việc, nó có thể gấp vài lần tiền lương "cứng" mà bạn đang được nhận. Ví như tới thời điểm tôi nghỉ việc, lương "cứng" của tôi hơn 300.000 USD/năm, nhưng tổng thu nhập thì cao gấp 3 lần con số này.
Thời điểm đó tôi làm quản lý nên khoản thưởng rất nhiều bởi dựa theo năng suất, doanh thu sản phẩm. Họ đánh giá mình khi ấy không phải là một cá nhân nữa mà đánh giá bằng cả một nhóm làm việc.
Tôi khá tò mò về môi trường làm việc ở Google, nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài, Huy Nguyễn đã bắt đầu và hoà nhập vào môi trường đó như thế nào?
- Trong 3 tháng đầu, Google cho tôi đi đào tạo và học về tất cả mọi thứ. Họ không cần biết là mình đã biết cái gì trước đó, mà họ quan trọng mình làm được gì khi vào môi trường này.
Bắt đầu với tôi thực sự là khó khăn, đặc biệt là cách tiếp cận văn hoá, cách họ giao việc. Họ thường giao những việc mà chưa ai làm và chỉ khái quát một cách chung nhất về vấn đề đó. Còn mình thì bỡ ngỡ vì dù gì vẫn có văn hoá châu Á là muốn người này người kia chỉ cho mình làm, hỗ trợ mình. Sau khi tìm hiểu thì tôi mới biết về văn hoá Google, tập dần với công việc và phát huy thế mạnh về điện tử viễn thông, mạng, mạng không dây. Mọi thứ cứ như vậy mà tiến triển theo chiều hướng tốt lên.
Dự án nào đã khẳng định năng lực và nâng cao uy tín của Huy Nguyễn trong thời gian làm việc tại Google?
- Dự án giúp tôi gây tiếng vang, được thăng chức lên làm quản lý ở Google là Google Fiber Operations Support.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng việc để lên làm quản lý cấp cao ở Google khá khó vì ai cũng giỏi. Nhóm làm việc toàn tiến sỹ, những người đi thi quốc tế và văn hoá của họ cũng rất đặc biệt. Sếp phải là người nói chuyện được với mọi người, không có chuyện tự nhiên mình tới nói "tôi là sếp đây", mà phải là người từ dưới bầu lên. Mình phải có thành tựu gì đó thì họ nhìn vào và tin tưởng đưa lên.
Dự án Google Fiber là gì và vai trò của Huy Nguyễn ở dự án này thế nào mà sau khi thành công được thăng chức ngay?
- Dự án Google Fiber là tham vọng của Google đem Internet cáp quang (giống kiểu cáp quang dưới đáy biển để truyền internet xuyên lục địa) đến mọi miền của nước Mỹ.
Internet cáp quang có tốc độ rất cao (1GB/giây), có nghĩa là có thể download với tốc độ siêu nhanh.
Dự án này hết sức tốn kém vì mỗi km cáp quang giá rất đắt và để có thể lắp đặt được cáp quang cho cả 1 quốc gia là 1 sứ mệnh vô cùng tham vọng. Google là đơn vị đầu tiên ở Mỹ mong muốn làm được cuộc cách mạng về internet này.
Năm 2016, sau khi thời gian rong ruổi khắp thế giới từ châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ…, tôi quay về Mỹ dẫn dắt dự án Google Fiber Operations System, mạng cáp quang Internet 1 Gbps đến hơn 1 triệu người dùng ở Mỹ.
Dự án này, tôi đứng đầu và đạt được những thành tựu đáng kể, nhờ đó tôi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý cấp cao (trẻ tuổi nhất của Google lúc đó, năm 2017 – PV).
Cụ thể, dự án của tôi lo về phần vận hành. Chúng ta vẫn nghe cáp quang bị cá mập cắn, mà một km fiber (cáp quang) rất đắt tiền, đắt như vàng vậy. Mình lo làm sao đi đường nào ngắn nhất đỡ tốn tiền nhất, nối dưới đất hay trên không, nối như thế nào, nối xong làm sao vận hành…
Trong đó, công việc mà tôi cảm thấy khó nhằn nhất là làm sao truyền được internet đến châu Phi, đến giờ vẫn là bài toán khó.
Ở Việt Nam, mọi người có thể xem YouTube mọi lúc, còn tại Châu Phi, đây là điều xa xỉ vì đường truyền Internet quá yếu. Vấn đề này được giải quyết theo cách, ban đêm các hệ thống ở Mỹ sẽ đẩy kho nội dung lên trên vệ tinh, ban ngày các nội dung này sẽ "dội" ngược xuống châu Phi để người dùng có thể xem. Thú thực lúc đó mình làm theo kiểu cứ làm mà không biết có được hay không. Đến khi thành công thì vô cùng sung sướng.
Quay lại với câu chuyện Huy Nguyễn quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp blockchain. Anh thấy thị trường Việt Nam có những tiềm năng gì để triển khai blockchain?
- Bản thân mình có cơ hội làm về blockchain rất sớm trong Google. Tới khi blockchain nổi lên nhiều năm 2017 - 2018, bạn thân của mình (Trí Phạm, đồng sáng lập KardiaChain) mở ra KardiaChain, tôi thấy hay nên giúp, định hướng về công nghệ. Càng làm tôi càng bị cuốn, rồi kéo cả bạn bè ở Mỹ vào làm chung, xây dựng KardiaChain.
Khi gặp doanh nghiệp ở Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nhiều ông chủ doanh nghiệp hiểu biết khá tốt về blockchain. Họ đã nghe tới và suy nghĩ để làm thế nào ứng dụng vào cho phù hợp với doanh nghiệp của mình. Ngay cả những người đầu ngành về công nghệ thông tin trong nước cũng hiểu rõ tình hình thực tế, từ hạn chế đến mong muốn phát triển ưu điểm.
Từ hiểu biết tới thực sự là hai việc rất khác nhau. Nếu đưa blockchain vào một ngân hàng ở Mỹ là rất khó bởi hệ thống tài chính của họ quá ổn định, trong khi chi phí thay đổi cái mới, bỏ cái cũ cũng là một bước đi lớn cần phải tính toán chưa kể việc phải đào tạo người sử dụng công nghệ mới.
Còn ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn do mức số lượng người sử dụng Mobile Banking chưa nhiều, hệ thống công nghệ vẫn còn nhiều thứ phải thay đổi, hoàn thiện. Từ đó có thể thấy thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội để áp dụng công nghệ blockchain một cách tốt hơn. Ở Việt Nam, Blockchain còn là cái gì đó quá xa lạ trong khi ở thế giới, Blockchain đã được áp dụng thực tế nhiều năm nay tại các công ty, tập đoàn "ông lớn", thậm chí còn được mang vào các chương trình giảng dạy.
Từ hiểu biết, nhận thức đến chi tiền là hai hành động rất khác nhau. Theo Huy Nguyễn, đâu sẽ là động lực để các ông chủ "móc hầu bao" cho công nghệ này?
- Rõ ràng dịch Covid-19 đã chứng kiến sự lên ngôi của nhiều thứ mà ta rất dễ nhận ra. Ở Mỹ, nhiều công ty giao đồ ăn, ngày xưa họ chật vật một năm tăng 5-10% nhưng năm vừa rồi tăng trưởng mấy trăm phần trăm.
Trong khi Zoom (nền tảng hội họp trực tuyến, cho phép nhiều người được kết nối với nhau trong một khoảng cách rất xa) chẳng hạn, đang từ một công ty từ rất nhỏ trở thành hiện tượng trên thế giới.
Blockchain cũng là một trong những ngành được hưởng lợi rất lớn từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ của ông chủ doanh nghiệp là một việc rất khó. Vì vậy, KardiaChain đã tạo nên cách tiếp cận tạo ít rào cản nhất để các doanh nghiệp có thể tham gia, dễ dàng làm và sử dụng thử để thấy nó giúp ích như thế nào cho doanh nghiệp của họ.
Song song đó là tập trung tạo ra sản phẩm tốt nhất, có giá trị nhất để những ông chủ có đủ tầm nhìn và hiểu được giá trị của blockchain tham gia vào.
Với kinh nghiệm của bản thân, Huy Nguyễn nhận định doanh nghiệp ở lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ ứng dụng blockchain thành công đầu tiên?
- Tài chính. Không riêng gì Việt Nam mà cả trên thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, tiền kỹ thuật số và các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số ngày càng thâm nhập vào đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu.
Trước xu thế này, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã bắt đầu và nghiêm túc nghiên cứu phát hành và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số. Nghĩa là, thay vì in tiền giấy, ngân hàng trung ương phát hành một lượng nhất định tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào lưu thông trong nền kinh tế.
Như vậy, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia, vùng lãnh thổ có chủ quyền. Nhờ công nghệ blockchain và mã hóa, các giao dịch tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) được nhận định là có tính minh bạch, độ tin cậy và bảo mật cao, ít rủi ro hơn nhiều so với tiền mặt, có thể truy suất lịch sử giao dịch…
Một số lĩnh vực khác, nó rất đời thường như nghệ thuật, game, thậm chí kể cả bóng đá thể thao. Các CLB bóng đá lớn như MU, PSG… đều có token (một dạng chữ ký số hay chữ ký điện tử được mã hóa thành những con số trên thiết bị chuyên biệt) của CLB mình, được xây dựng từ chính những cổ động viên của họ.
Nói cho rõ, blockchain là một công nghệ và nó sẽ phải phục vụ cho nhiều ngành, từ giáo dục, y tế đến QR Code định danh cá nhân…
Nhưng tiền kỹ thuật số ở Việt Nam vẫn chưa được luật pháp công nhận, các giao dịch tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin... vẫn bị coi là vi phạm pháp luật. Đâu là cơ sở để Huy Nguyễn tin rằng công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng mạnh mẽ ở lĩnh vực tài chính?
- Việc blockchain được ứng dụng rộng rãi và thành công trong lĩnh vực tài chính đã là việc đang xảy ra rồi, chứ không phải là tôi dự đoán như vậy nữa. Bitcoin là sản phẩm thật sự đầu tiên của blockchain.
Đây là 1 sản phẩm tài chính và sau 12 năm ra đời Bitcoin đã tạo ra 1 thị trường tiền mã hoá với vốn hoá 3.000 tỷ USD (so với thị trường chứng khoán Việt Nam là khoảng 200 tỷ USD); Khối lượng giao dịch vài trăm tỷ USD/ngày (ngang với thị trường chứng khoán Mỹ); Thanh khoản trên các nền tảng tài chính phi tập trung là trên 200 tỷ USD và số lượng người sử dụng tiền mã hoá là khoảng 400 triệu dân (chiếm khoảng 5% dân số thế giới). Tất cả những con số trên đã là một minh chứng cho thấy đây là 1 sản phẩm tài chính hết sức thành công. Đúng là ở Việt Nam tiền mã hoá chưa được công nhận là tài sản, nhưng trong thời gian sắp tới với sự phát triển và được thừa nhận thị trường đón nhận với mức độ chóng mặt như hiện tại, thì cơ quan quản lý cũng sẽ phải có khung pháp lý để đưa tiền mã hoá vào chính sách để quản lý nếu không Việt Nam sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi này.
Có lẽ điều khiến người ta còn e ngại vì những giao dịch mã hoá thường được nhìn như một công cụ để rửa tiền, trốn thuế? Làm thế nào để cơ quan quản lý có thể thu thuế được từ những giao dịch mã hoá này?
- Đây là vấn đề về chính sách, chứ không phải vấn đề của công nghệ. Blockchain là một công nghệ giúp minh bạch hoá mọi thứ, như vậy thì nếu muốn dùng công nghệ này để thu thuế, nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đang sử dụng tiền giấy như bây giờ.
Thế nhưng để có thể thu thuế được từ tiền mã hoá, trước hết phải có khung pháp lý quy định tiền mã hoá là tài sản và sẽ có khung thu thuế như thế nào.
Nhiều người cho rằng Bitcoin là công cụ để trốn thuế, rửa tiền, bất hợp pháp v.v. nhưng những nghiên cứu và phân tích cho thấy điều đó là không đúng. Tiền mặt (cash) vẫn là công cụ để làm những việc trên nhiều hơn Bitcoin rất nhiều lần. Nói chung, chúng ta cần có hành lang pháp lý cho vấn đề này, công nghệ blockchain chỉ giúp giải quyết chứ không thể làm việc trốn thuế dễ dàng hơn.
KardiaChain là nền tảng blockchain liên chuỗi đầu tiên tại Đông Nam Á với vốn hóa đỉnh điểm đạt 350 triệu USD. Đây đã được coi là thành công chưa?
- Với tôi, 250 triệu hay 350 triệu USD cũng không quá vui mừng. Bởi giá trị thay đổi mới quan trọng, nó hiển thị ở số người sử dụng, doanh nghiệp sử dụng và thấy được lợi ích của nó.
Ví dụ KardiaChain đang có khoảng 350.000 người sử dụng, nếu con số tăng lên 1 triệu người sử dụng thì mới làm tôi hài lòng so với giá công ty tăng 3 lần.
KardiaChain định hướng "support" (hỗ trợ) cho các doanh nghiệp Việt Nam?
- Đúng vậy, đó chính là định hướng của KardiaChain. Mục đích chính của tôi là tạo nên một nền tảng blockchain cho người Việt, cho doanh nghiệp.
Hay như tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhưng lại chưa thể đưa được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là "made in Việt Nam" nhưng với blockchain thì ít nhất chúng ta sẽ có 4 – 5 công ty làm ra những sản phẩm được thế giới sử dụng nhiều. Có một câu hỏi nhiều người hỏi tôi "Tại sao người Việt Nam thích ra nước ngoài còn Huy Nguyễn ngược lại?". Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình đã kiếm được sự thừa nhận ở nước ngoài và mong muốn làm cái gì đó cho Việt Nam. Từ đó tôi mới nghĩ đến câu chuyện mang công nghệ này về Việt Nam, phát huy được cho 100 triệu người Việt Nam, thì sẽ tạo một tiền đề to lớn. Khi đó, mình muốn ra nước ngoài thì đã có nền móng vững chắc.
Các giải pháp từ blockchain của KardiaChain đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Anh có hướng KardiaChain sẽ trở thành công ty tỷ USD hay kỳ lân công nghệ?
- Đối với tôi, thành công là khi cả đất nước Việt Nam sử dụng công nghệ blockchain nhuần nhuyễn và đẩy ngành công nghiệp này lên bước cao hơn.
Trở thành kỳ lân công nghệ ư? Có chứ, tôi muốn KardiaChain đạt tới giá trị đó. Tôi rất tự tin vào những gì mình làm và ý nghĩa đó sẽ được thể hiện qua sản phẩm.
Người bạn cùng đồng hành với Huy Nguyễn trong dự án KardiaChain này là ai? Vai trò của người đó trong dự án này thế nào?
- Đồng sáng lập KardiaChain với Huy Nguyễn là Trí Phạm, là người bạn thân ngồi cạnh tôi suốt 3 năm học cấp 3. Sau này thì Trí đi du học và khởi nghiệp ở London (Anh) trước khi về lại Việt Nam năm 2019.
Trí Phạm là người hiểu rất rõ về ứng dụng của blockchain và những xu thế sản phẩm để tạo ra giá trị lớn từ công nghệ. Từ lúc mới thành lập đến giờ, Trí Phạm là người lo kiếm tiền, còn Huy là người lo về sản phẩm, công nghệ và vận hành (cười).
Tôi và Trí Phạm, mỗi người có chuyên môn riêng nên cũng có khá nhiều khác biệt về suy nghĩ và định hướng nhưng vì chơi với nhau từ nhỏ nên luôn tin tưởng và tôn trọng ý kiến nhau. Đây là nền tảng để phát huy được những tố chất mạnh nhất của nhau và đẩy KardiaChain đi được đến giờ.
Huy Nguyễn có bao nhiêu tiền để khởi nghiệp và sẽ trụ được bao lâu nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp nhận công nghệ blockchain?
- Đầu năm 2020, công ty đã bị một người đồng sáng lập lừa và cầm tất cả tiền của nhà đầu tư trốn đi nên chỉ tôi chỉ có một khoản nợ lên tới vài trăm nghìn USD để khởi nghiệp (cười).
Tôi và Trí Phạm phải xoay xở các kiểu để dựng lại KardiaChain và may mắn đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, thử thách đó.
Hiện tại thì công ty đã trải qua nhiều đợt gọi vốn thành công, đã niêm yết trên rất nhiều sàn quốc tế và cũng có nhiều sản phẩm tạo ra được dòng tiền nên không còn phải quá lo về việc nguồn tiền vận hành.
Mới đây, KardiaChain đã mời được tất cả nhóm kỹ sư từ Google, thung lũng Silicon Valley đến Việt Nam để xây dựng sản phẩm mới.
KardiaChain mong muốn thúc đẩy xây dựng giải pháp blockchain cho doanh nghiệp Việt Nam là để tạo lực đẩy mạnh cho tương lai, chứ không đặt việc kiếm tiền từ các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Chủ yếu KardiaChain hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực và giúp họ xây dựng sản phẩm mẫu, để những doanh nghiệp còn lại đi theo. Chỉ đến khi nhiều doanh nghiệp vận hành blockchain thì khi đó KardiaChain mới có phương cách kiếm tiền.
Những kinh nghiệm trong thời gian làm việc tại Google giúp gì cho anh khi trở về Việt Nam khởi nghiệp?
- Điều đầu tiên tôi muốn nói chính là tính cách. Nếu không có những năm tháng làm ở Google thì tôi sẽ không phải mình của bây giờ: dám chấp nhận mạo hiểm, niềm tin vào bản thân mình muốn làm gì.
Ngoài ra tinh thần làm việc từ Google cũng giúp tôi trở về xây dựng văn hoá công ty của mình, lan toả điều đó tới những người Việt mong muốn làm việc tại KardiaChain.
Huy Nguyễn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ Việt Nam đang khởi nghiệp, không riêng gì ngành công nghệ thông tin, blockchain?
- Mỗi người có một cách khởi nghiệp khác nhau và tôi cho rằng niềm tin khi khởi nghiệp rất quan trọng. Điều tiếp theo là mình có tạo ra giá trị hay không, phải chiến đấu hết mình, lăn lộn với nó.
Khởi nghiệp không bao giờ là màu hồng, phải hi sinh rất nhiều thứ, từ thời gian, tiền bạc, công sức. Cần phải chuẩn bị cho tất cả, kể cả những điều xấu nhất, và các bạn trẻ phải nhớ kỹ điều này.
Xin cảm ơn Huy về cuộc trò chuyện cởi mở này, chúc Huy và KardiaChain đạt thành công rực rỡ!
(Còn nữa)
- Hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Google, Silicon Valley, sở hữu nhiều bằng sáng chế và công trình nghiên cứu tại Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mạng. Các dự án nổi bật mà anh đã từng tham gia có thể kể đến như ứng dụng Google Pixel Buds Experience, Dự án Google Fiber Operations System, Dự án Google Wireless Infrastructure
- Một trong những Quản lý cấp cao trẻ nhất tại Google tại thời điểm được bổ nhiệm khi mới 30 tuổi.
- Tốt nghiệp loại ưu ngành Kỹ thuật điện - điện tử và Khoa học máy tính tại trường Đại Học UC Berkeley.
- Các dự án nổi bật đã tham gia với vai trò cố vấn công nghệ và là nhà đầu tư thiên thần có thể kể đến như:
+ KAIDEX : Hệ sinh thái tài chính phi tập trung thuộc nền tảng KardiaChain với hơn 50k người sử dụng, hơn 30tr USD thanh khoản và hàng triệu USD giao dịch hàng ngày.
+ Cổng trời: Nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số (NFT) đầu tiên tại Việt Nam.
- Chủ nhiệm Khoa Blockchain (Đại học trực tuyến Funix) từ năm 2019 đến nay.
- Thành viên đồng sáng lập nhóm nghiên cứu với nhiều chuyên gia Việt Nam X-Vision tham gia chương trình "Thách thức CBDC toàn cầu (Global CBDC Challenge)" do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức.
- Tháng 12/2020, KardiaChain vinh hạnh là công ty blockchain Việt được Yahoo Finance bầu chọn top 10 doanh nghiệp công nghệ trending 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.