Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 1.

Lần đầu tiên tới Việt Nam và với lịch trình di chuyển dày đặc tại nhiều tỉnh thành trên cả nước suốt 3 tuần, ông bà có ấn tượng thế nào?

- Đây là lần đầu tiên tôi tới đây và tôi có ấn tượng sâu sắc. Nhưng 27 năm trước, vợ tôi từng xách balô du lịch tới Việt Nam và giờ đây bà ấy sốc vì bước tiến lớn mà Việt Nam đạt được trong 27 năm qua. Trong 23 năm tới, thời điểm Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước hiện đại, tôi nghĩ các bạn chắc chắn làm được được gấp đôi những gì đã làm trong 27 năm qua. Điều này phụ thuộc vào chính các bạn.

Ông cũng đã gặp rất nhiều người, từ các nhà lãnh đạo Việt Nam, các lãnh đạo tỉnh, giới doanh nhân và các bạn sinh viên trẻ... Vậy ông nhận xét như thế nào về khát vọng phát triển của Việt Nam?

- Tôi rất lạc quan vì tôi nhận ra ở đây có 2 yếu tố cần thiết để nhảy vọt: Thứ nhất, sự rõ ràng trong mục tiêu của các nhà lãnh đạo. Dù là ở Hà Nội hay ở các tỉnh, mọi người đều tập trung làm thế nào để có thể tiến về phía trước. Thứ hai, là luồng năng lượng mà bạn có thể cảm nhận được ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là trong mắt những sinh viên mà tôi gặp hôm nay ở Nhà Hát lớn Hà Nội.

Các bạn đã có mọi thứ cần thiết rồi nhưng cần cẩn trọng. Các bạn cần thật sự thúc đẩy giáo dục. Điều này sẽ tốn chi phí nhưng nó phải là mục tiêu trong tất cả năm tới. Các bạn phải thu hút công nghệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các bạn phải cạnh tranh với các nước khác.

20 năm trước, khi tôi còn là thủ tướng, chúng tôi phải cạnh tranh với Ireland để thuyết phục Intel đầu tư xây máy sản xuất chip trị giá 5 tỷ USD. Ireland sẵn sàng miễn thuế cho họ 10 năm. Trong cuộc cạnh tranh ấy, tôi quyết định dành cho họ khoản trợ cấp 600 triệu USD và miễn thuế cho họ trong 10 năm để thuyết phục họ tới Israel. Cuối cùng họ đã thay đổi ý định. Họ tới đầu tư ở vùng ngoại vi Tel Aviv và phát triển toàn bộ khu vực này. Đó là một vùng nông thôn và người dân đã đi học để có thể sử dụng tiếng Anh, làm việc với máy tính. Giờ đây Intel đã đầu tư thêm một nhà máy nữa vì nhà máy đầu tiên ấy rất thành công.

Đến giờ tất cả các quốc gia hàng đầu, các công ty hàng đầu của phương Tây như Amazon, Google, Microsoft, Facebook, kể cả Huawei của Trung Quốc đều có trung tâm nghiên cứu phát triển ở Israel. Nhiều người sau khi làm cho các công ty lớn đó lại ra khởi nghiệp và đóng góp vào một quốc gia khởi nghiệp.

Tôi tin rằng các bạn có thể làm điều tương tự khi các nhà lãnh đạo có tầm nhìn rõ ràng và sẵn sàng hành động để đầu tư vào quá trình lâu dài này, nâng tầm giáo dục và khuyến khích thanh niên giỏi khoa học công nghệ. Và họ cũng nên học tốt tiếng Anh. Vì thế tôi nghĩ rằng các bạn đang đi đúng hướng.

Các bạn chỉ có một đảng, vì thế việc không có quá nhiều sự phân cực về chính trị cũng giúp các bạn làm điều đó.

Các bạn cũng có thể học hỏi từ các nước khác như Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ Hai, dù từng bị ném bom hạt nhân nhưng chỉ trong 15 năm họ đã thành một cường quốc. Lúc đó Nhật Bản cũng chỉ có một đảng và không có những rạn nứt chính trị.

Các bạn cũng có thể học hỏi từ Hàn Quốc, họ có một quỹ đạo rất khác biệt và ấn tượng.

Hay học từ Singapore. Họ rất có kỷ luật. 

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 2.

Khi nói về Israel, chúng ta biết đó là quốc gia rất mạnh mẽ, kiên cường, có động lực. Gốc rễ của những tính cách đó là gì và làm sao duy trì được điều đó qua nhiều thế hệ?

- Tôi biết là Israel có danh tiếng ấy nhưng thực lòng tôi nghĩ rằng chúng tôi không khác biệt nhiều so với các bạn. Hôm 15/8, tôi đã có khoảnh khắc rất xúc động ở Hà Nội. Chúng tôi tới thăm nhà một người anh hùng lớn của chúng tôi - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 3.

Ông ấy là người hùng của tôi kể từ khi tôi còn là một sĩ quan trẻ, vì ông ấy là tấm gương cho một điều rất đặc biệt - tác động của một nhân vật mạnh mẽ, tài năng, tài ba đến các sự kiện của một quốc gia.

Ông Giáp chưa từng trải qua một khóa học quân sự nào, một trường quân sự nào. Ông ấy học mọi thứ bằng sự khéo léo và bằng nhận thức chung của mình, bằng sự hiểu biết lịch sử. Ông ấy đọc sách về Napoleon, về các nhà tư tưởng Mỹ và các vị chỉ huy trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông ấy nghiền ngẫm rồi đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ sau khi hiểu Napoleon rõ hơn người Pháp. Và ông ấy hiểu các nhà tư tưởng Mỹ hơn cả người Mỹ.

Các bạn được cả thế giới ngưỡng mộ vì tinh thần chiến đấu và chiến thắng những cường quốc mạnh nhất thế giới. Các bạn có 1000 năm chiến đấu với phương Bắc, đó là những thử thách khắc nghiệt nhất.

Hãy tin tôi đi, chiến đấu trên chiến trường khó khăn hơn nhiều so với việc xây dựng nhà nước khởi nghiệp. Chiến đấu trên chiến trường có nhiều rủi ro hơn, hao tổn sinh mạng hơn.

Israel trải qua 7 cuộc chiến nhưng cuộc chiến nào cũng kết thúc chóng vánh, còn Việt Nam phải trải qua những cuộc chiến quá dài. Vì thế chúng tôi có thời gian để thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp, đầu tư vào giáo dục, quốc phòng.

Đối với một quốc gia có thể vượt qua lịch sử của các cuộc chiến tranh để đi tới thống nhất đất nước, giới hạn cho những gì quốc gia ấy có thể đạt được là bầu trời.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 4.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 5.

Có những bài học kinh nghiệm nào từ Israel về đổi mới sáng tạo để trở thành một quốc gia khởi nghiệp mà Việt Nam có thể học hỏi?

- Việc Israel là quốc gia khởi nghiệp không diễn ra ngẫu nhiên. Chính phủ đã đầu tư vào việc đó, bắt đầu từ giáo dục. Chúng tôi rất nỗ lực trong việc giáo dục khoa học, cơ bản là Toán, Hóa, Vật lý, Sinh học và tiếng Anh. Chúng tôi khuyến khích mọi người học các môn này. Vài năm trước Bộ trưởng giáo dục Israel đích thân đến các trường trung học và giảng một số tiết Toán hoặc Lý cho học sinh lớp 12 để khuyến khích các em học sinh cả trai lẫn gái tiếp tục nghiên cứu khoa học ở các cấp cao hơn.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 6.

Chúng tôi cũng khuyến khích các công ty cả khu vực công và tư đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu phát triển ở Israel. Đầu tư cho R&D ở Israel cao gấp hơn 2 lần ở các nước OECD và giờ đây điều đó đã đem lại quả ngọt.

Từ 45 năm trước chúng tôi đã có chính sách rà soát các trường học, 1.500 trường trung học ở Israel, mỗi trường tìm kiếm 3-6 học sinh giỏi nhất. Trong số 10.000 người đó chúng tôi chọn ra 500 người giỏi nhất và đưa họ vào đơn vị công nghệ của quân đội. Tất cả thanh niên nam nữ của Israel đều gia nhập quân đội.

Từ 500 người đó lại chọn ra tiếp 40 người. Họ thực sự là những thiên tài. Khi họ vào đại học, chúng tôi cung cấp cho họ căn hộ, tiền tiêu vặt và họ không phải lo nghĩ gì ngoài việc học. Trong 3 năm, họ sẽ hoàn thành bằng đầu tiên trong 2 bằng Toán và Sinh học, Hóa và Vật lý, đôi khi là Toán và Triết học, nhưng thường là 2 bằng khác nhau. Sau 3 năm họ được cử đến những trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến nhất chẳng hạn của Mosaad (cơ quan tình báo Israel), hoặc của những công ty công nghệ tiên tiến nhất, và làm việc 6 năm. 6 năm làm việc trong các phòng thí nghiệm bí mật, hiện đại, chuyên nghiệp nhất, một số có bằng tiến sĩ và bắt đầu khởi nghiệp.

Chúng tôi đã làm như vậy suốt 45 năm qua. Giờ đây những lớp người đầu tiên đã bắt đầu nghỉ hưu, họ khoảng 65 tuổi, nhưng chúng tôi đã có khoảng 1.600 – 1.700 thiên tài.

Quốc gia khởi nghiệp không xuất hiện từ mưa, từ nguyên liệu thô hoặc từ dầu khí, mà từ khối óc con người. Chúng tôi đã dành rất nhiều nỗ lực để làm cho họ trở thành những tài sản quý giá của đất nước và từ đó trở nên thành công.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 7.

Một khía cạnh nữa là sự hỗ trợ tài chính. Ở Israel chúng tôi có một cơ quan đặc biệt về không gian mạng. Một cơ quan khác liên quan đến đổi mới sáng tạo. Và họ sẽ giúp các công ty khởi nghiệp trẻ. Họ nhận được chừng hơn 1.000 yêu cầu mỗi năm và sẽ giúp các công ty nào có vẻ sẽ thành công, những công ty có nền tảng khoa học và ý tưởng tốt. Chúng tôi sẽ dành cho các công ty này 1 triệu hoặc nửa triệu USD. Ban đầu họ cần giúp đỡ nhưng sau đó sẽ đi một mình. Số tiền này rất quan trọng ban đầu để họ không phải lo quá về chuyện sinh sống.

Một yếu tố nữa là văn hóa khuyến khích suy nghĩ đột phá. Chúng tôi khuyến khích tranh luận. Văn hóa của Israel là không xem một người thất bại là thất bại. Thực tế bạn không thành công, theo cách nào đó có nghĩa là bạn dũng cảm, bạn sẵn sàng đương đầu và sẵn sàng học từ kinh nghiệm của mình, kể cả thất bại, vì những người chưa từng thử cái mới thì cũng không bao giờ thất bại. Bạn không thành công, nhưng giờ đây bạn được chuẩn bị tốt hơn cho lần sau, bạn không mất đi kiến thức của mình, bạn có hiểu biết khoa học, có những mưu mẹo, có những hiểu biết sâu sắc mà sau này sẽ đi cùng bạn. Thất bại không phải thứ đáng xấu hổ.

Yếu tố tiếp theo là chúng tôi dạy người trẻ không quá e ngại hệ thống cấp bậc. Tất nhiên làm gì cũng phải có kỷ luật, đoàn kết, có mục đích, nhưng khi bạn tư duy thì chúng tôi rất khuyến khích. Sinh viên trẻ được khguyến khích giơ tay và nói tôi không đồng ý, tôi nghĩ có thể làm theo cách khác. Ở Israel, sĩ quan trẻ có thể chất vấn những phán quyết của viên tướng của mình và không bao giờ phải ngại ngùng. Tôi  từng chất vấn cấp trên của mình và nói rằng chúng tôi có thể làm cách khác tốt hơn. Vì thế khi thành chỉ huy quân đội, tôi luôn nhớ điều đó và cũng cho phép các sĩ quan trẻ đánh giá quyết định của tôi. Có thể một đại úy trẻ biết rõ hơn một vị tướng điều gì đang xảy ra.

Đó là 3 yếu tố trong văn hóa Israel tạo nên sự khác biệt, và là điều kiện quan trọng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp.

Hãy tập trung vào giáo dục, đầu tư cho phát triển nhân tài. Khuyến khích tinh thần doanh nhân, nuôi dưỡng văn hóa không xấu hổ vì thất bại. Phải rất kỷ luật, dám làm, suy nghĩ tự do, lãnh đạo cởi mở.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 8.

Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo ông cần điều gì để tạo nên bước đột phá trên con đường phát triển?

- Theo tôi có 4 lĩnh vực mà chúng tôi đã tập trung phát triển và có thể là bài học cho Việt Nam: Năng lượng tái tạo - chúng tôi tái chế nước thải để sử dụng cho nông nghiệp, khử muối cho nước biển để sử dụng. Thứ hai là khoa học cuộc sống - gồm dụng cụ y tế, sinh học. Thứ ba là trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, robot. Thứ tư là công nghệ vũ trụ, ai nắm công nghệ này có thể chụp ảnh từ không gian, kiểm soát thông tin. Hãy dành nhiều ưu đãi hơn cho các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực này. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore đều có những bài học như vậy.

Tôi đến đây trong khoảng thời rất ngắn nhưng tôi thấy các bạn đang đi đúng hướng trên mọi khía cạnh mà tôi có thể nghĩ ra. Nhưng con đường này sẽ có thăng trầm, không thứ gì xảy ra chỉ trong một đêm cả.

Xin cảm ơn ông!

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak: Với Việt Nam, giới hạn là bầu trời - Ảnh 9.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem