Đà Nẵng: U40 trông rất ngầu có biệt tài "hô biến" đá vô tri thành “vàng”

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ năm, ngày 13/08/2020 06:32 AM (GMT+7)
Giữa cái nắng như đổ lửa của miền Trung, hàng chục nhân công của xưởng điêu khắc đá mỹ nghệ Trung Cường vẫn hăng hái đẽo đục, khẩn trương chế tác những bức tượng có hoa văn tinh xảo. Được biết, mỗi năm cơ sở này đem lại cho nhà điêu khắc trẻ Huỳnh Văn Trung doanh thu hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) có bề dày lịch sử lên đến hàng trăm năm, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Nơi đây được ví như là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn của đá.

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Văn Trung, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Trung Cường có 25 năm kinh nghiệm làm nghề điêu khắc đá.

Thổi hồn cho tảng đá vô tri

Lớn lên trong tiếng đập đá, đẽo gọt, mài dũi của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, anh Huỳnh Văn Trung (39 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đã sớm nuôi dưỡng tình yêu với những tảng đá vô tri, sần sùi. Năm 11 tuổi, anh tranh thủ sau giờ học để tập tành đẽo đá, tạc tượng nhỏ và đem chào bán khắp các quầy hàng đồ mỹ nghệ trong làng để mưu sinh.

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 2.

Xưởng điêu khắc của anh Trung tạo việc làm cho 30 lao động, với công việc được thực hiện theo một dây chuyền sản xuất cụ thể.

Nhớ lại thuở ấy, anh Trung bùi ngùi nói: "Gia đình không có truyền thống làm đá mỹ nghệ, chỉ vì tôi yêu thích hội họa và sáng tạo nên cứ cố gắng mày mò, học hỏi để theo đuổi con đường này. Những năm học lớp 6 là tôi đã làm được những kiểu tượng Phật nhỏ, gạt tàn thuốc, đá phong thủy, linh vật,... để bán kiếm tiền phụ ba mẹ. Có những lúc sản phẩm làm ra chủ tiệm không mua, tôi phải đem đi bán rong. Ấy thế mà, niềm đam mê với nghề điêu khắc đá cứ lớn dần và thôi thúc tôi phải bám trụ, phát huy làng nghề truyền thống".

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 3.

Sản phẩm đa dạng và phong phú về mẫu mã, kích thước: tượng tâm linh (tượng Phật, tượng La Hán, tượng Chúa…), tượng chân dung (Bác Hồ, doanh nhân, tượng đài liệt sĩ…), tượng 12 linh thú.

Lên lớp 10, cậu học trò Huỳnh Văn Trung cùng anh trai mình là Huỳnh Văn Cường thành lập nên cơ sở đá mỹ nghệ Trung Cường, với số vốn 10 triệu đồng. Khi ấy, ba mẹ anh không đồng ý quyết định này, nhưng vì thấy được sự đam mê và năng khiếu của hai con nên họ ủng hộ. Thời điểm đó, tuy mới 16 tuổi nhưng anh Trung đã có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, giúp đỡ đần cuộc sống cho gia đình.

Năm 2002, anh Trung thi đỗ ngành điêu khắc của trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) với mong muốn học thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về điêu khắc, mỹ thuật, bố cục chân dung, tạo hình,… để về ứng dụng phát triển nghề đá mỹ nghệ truyền thống của địa phương.

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 4.

Một số loại đá được nhập khẩu nhằm làm đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Nghề đẽo đá sớm đem lại cho tôi mức thu nhập cao, nhưng các tác phẩm chủ yếu được tạc sao chép theo mẫu, thiếu sự sáng tạo và không có độ chính xác về kỹ thuật. Cho nên tôi không ngại khó khăn, cố gắng vừa học vừa làm với hy vọng có kiến thức nền tảng vững chắc, am hiểu kỹ thuật chế tác đá. Suốt 5 năm liền, tôi đi Huế như đi chợ. Cứ đến chiều thứ 6, tôi lại bắt xe về Đà Nẵng để làm việc tại xưởng đá, chiều chủ nhật lại đi tàu hỏa ra Huế học", anh Huỳnh Văn Trung nhớ lại.

Biến đá thành "vàng"

Hiện tại, anh Trung đã tách ra hoạt động riêng nhưng vẫn giữ tên cơ sở sản xuất là Trung Cường. Xưởng điêu khắc của anh rộng khoảng 3000m2, tọa lạc tại số 64 Phạm Hữu Nhật (quận Ngũ Hành Sơn), với 30 nhân công dày dặn kinh nghiệm.

Anh Trung cho biết: "Khi tách xưởng để hoạt động riêng thì tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ tìm nơi rộng rãi để thuận tiện chế tác, đến khó khăn khi không đủ nhân lực, thiếu vốn. Lúc đó, xưởng chỉ có 4-5 người thợ cùng tôi miệt mài đẽo đá, tạc tượng cho đến khuya để kịp đơn hàng. Nhờ sự giúp sức, làm việc ăn ý của anh em trong xưởng, mà tác phẩm làm ra đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp và khẳng định uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ".

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 5.

Sản phẩm đa dạng và phong phú về mẫu mã, kích thước như tượng tâm linh, tượng chân dung, tượng 12 linh thú...

Hiện tại, xưởng điêu khắc của anh Trung sản xuất đa dạng các mặt hàng đá mỹ nghệ như: tượng Phật, tượng chân dung, tượng Chúa, tượng linh thú, đá trang sức, trang trí... Sản phẩm được "thổi hồn" và điêu khắc công phu bởi những nghệ nhân có tay nghề lâu năm. Tùy vào kích thước và mẫu mã mà sản phẩm hoàn thiện có thể chỉ mất một ngày, nhưng nhiều thì một năm mới cho ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.

Theo anh Trung, nguyên liệu đá được mua từ Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Thái Nguyên, thậm chí nhập khẩu một số loại từ Pakistan, Ấn Độ… Trong đó, đá sa thạch có màu vàng và tím được mua ở tỉnh Quảng Nam, đá cẩm thạch có rất nhiều màu được mua ở một số tỉnh phía Bắc với giá thành khá cao. Xưởng điêu khắc của anh Trung nhận chế tác theo đơn đặt hàng, đặc biệt là làm tượng chân dung theo yêu cầu khiến nhiều khách hàng ấn tượng và tin tưởng. Thêm vào đó, có thị trường tiệu thụ rộng khắp cả nước và quốc tế: Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Canada,…

Chàng trai Đà thành với biệt tài biến tảng đá vô tri thành “vàng” - Ảnh 6.

Mỗi năm, anh Trung thu lãi 500 triệu đồng nhờ nghề làm đá mỹ nghệ.

Anh Huỳnh Văn Trung tuy mới 39 tuổi, nhưng có 25 năm kinh nghiệm đục, đẽo và "thổi hồn" vào những tảng đá thô sần sùi. Chính niềm đam mê điêu khắc, cộng với năng khiếu hội họa và sự nỗ lực không ngừng đã giúp anh nắm trong tay những tảng đá "vàng". Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Trung Cường đạt doanh thu gần 10 tỷ đồng, thu lãi 500 triệu đồng. Nhờ đó, anh Trung giải quyết việc làm cho 30 lao động ở nhiều tỉnh thành, với mức lương dao động từ 10-20 triệu đồng/người/tháng (tùy vào công việc và tay nghề).

Anh Ngô Hoàng Huy (35 tuổi, quê Hà Nội), thợ điêu khắc tại xưởng, cho hay: "Tôi có kinh nghiệm làm đá mỹ nghệ ở đây đã 20 năm, nhưng khâu khó nhất vẫn là cách "thổi hồn" vào khối đá sao cho vừa sáng tạo, tinh tế, vừa thể hiện nét đẹp tinh hoa của nghệ thuật".

"Tôi luôn mong muốn truyền đạt kinh nghiệm điêu khắc và dạy nghề cho những ai ham học hỏi, đặc biệt là những thanh niên trong làng. Qua đó, tôi hy vọng sẽ góp phần gìn giữ và phát triển hưng thịnh làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống của địa phương", nhà điêu khắc Huỳnh Văn Trung chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem