Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, hàng ngày, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh vẫn duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, giữ gìn sức khỏe, đọc sách, lên mạng xem tin tức, viết báo và trao đổi công việc trong và ngoài nước qua email… Với ông, giờ đây cứ mỗi ngày trôi qua thấy mình và những người thân vẫn khỏe mạnh, không có sự cố gì…là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Ông nói: "Trong những ngày cách ly vì dịch Covid-19 này tôi mới nhận ra giá trị của một ngày bình thường được ngồi trong quán nhâm nhi chén nước trà, tách cà phê, nhìn người qua lại trên đường… Quả là hạnh phúc!".

Nghe nói ông đang thực hiện một bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp làm phim của mình với đề tài Hà Nội mang tên "Hoa Nhài", điều gì khiến ông muốn đưa ra câu chuyện này?

- Tôi quê ở Huế nhưng đã sống ở Hà Nội hơn 60 năm và những gì trên phim là những quan sát hàng ngày của tôi, do đó bộ phim rất giản dị đời thường, không có gì đao to búa lớn ngoài cái tình của những con người. Tôi tin trong con người Hà Nội bây giờ vẫn còn cái chất "Hoa nhài"như câu ca dao xưa: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Tôi làm phim này bởi thấy báo chí, rồi phim ảnh… phản ánh khá nhiều về những mặt tiêu cực củangười Hà Nội, có cảm tưởng như"chất Hoa nhài" của người Hà Nội không còn nữa. … Câu chuyện phim xoay quanh các mối quan hệ giữa con ngườivới nhau: Một em bé đánh giày từ nông thôn ra Hà nội kiếm sống.Một ông thợ cắt tóc gốc Hà Nội với vợ là người từ làng bánh cuốn Thanh Trì; một ông nhạc sỹ già người Hà Nội dạy hát cho dàn đồng ca của các em khiếm thị… Họ vẫn giữ được cái cốt cách của người Hà nội xưa.Đây có lẽ là bộ phim cuối cùng của tôi.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 4.

Tôi cố phấn đấu hòa vốn, mà nếu có lỗ thì cũng đành chấp nhận (vì phim không có những pha hành động đuổi bắt, những cảnh "hot"), miễn được làm những gì mình muốn, mình thích. Tôi rất mê điện ảnh Iran với những bộ phim kinh phí thấp nhưng lại chạm được trái tim của nhiều khán giả trên thế giới và được đánh giá cao (mỗi năm Iran đã đoạt hàng trăm giải thưởng điện ảnh quốc tế). Tôi cũng đã nhiều lần kêu gọi các nhà làm phim Việt Nam hãy noi theo điện ảnh Iran. Trong bộ phim này tôi cũng cố học theo họ trước hết về phương diện kinh phí thấp và câu chuyện đơn giản.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 5.

Với rất nhiều khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, từ lâu tên tuổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã trở nên thân thuộc,gắn liền với rất nhiều bộ phim đáng nhớ như "Cô gái trên sông", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Thương nhớ đồng quê" " Mùa ổi", "Đừng đốt" v.v…Có thể nói, Đặng Nhật Minh là một "tác giả" đúng nghĩa - tức là người vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn trong các bộ phim của mình. Không kể hai bộ phim đầu tiên làm theo kịch bản của người khác, bắt đầu từ điểm mốc 1982 với phim "Thị xã trong tầm tay", ông đã tìm cho mình "một cách tồn tại trong điện ảnh" và trung thành với nó cho đến tận ngày nay.Đó là : "Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những điều mà tôi quan tâm, mà tôi rung động".

Xuất thân trong một gia đình không liên quan gì đến nghệ thuật (cha ông là Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ), lại không qua trường lớp đào tạo chính quy, nhưng ông đã nỗ lực tự tìm tòi sáng tạo, tìm ra con đường riêng dẫn tới thành công trong địa hạt điện ảnh. Trong cuốn "Hồi ký điện ảnh", Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ". Những sự tình cờ may mắn ấy đã đưa đến cho ông các cơ hội làm phim, rồi trở thành đạo diễn phim truyện. Nhưng để đạt được thành tựu đáng nể của một đạo diễn "có tầm cỡ quốc tế" (lời của đạo diễn Mai Lộc) thì Đặng Nhật Minh đã phải đem hết tài năng, tâm sức của mình để làm nên những tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 6.

Thưa đạo diễn, theo những thông tin về tiểu sử và sự nghiệp của ông thì việc ông bước chân vào lĩnh vực điện ảnh giống như một cơ duyên, một định mệnh. Ông có cảm thấy đó như sự sắp đặt của số phận không và điều gì thôi thúc ông gắn bó với điện ảnh?

- Có 2 bước ngoặt lớn trong đời tôi. Bước ngoặt thứ nhất đã đưa tôiđến với  điện ảnh và bước ngoặt thứ hai là trở thành đạo diễn phim. Bước ngoặt đầu thì không do tôi định đoạt mà do tổ chức của trên sắp xếp. Ngày đó học xong tiếng Nga ở Liên Xô, có 3 người được phân về công tác ở Bộ Văn hóa. Hai người được giữ lại làm phiên dịch cho lãnh đạo Bộ. Tôi được phân công về làm phiên dịch tại Phát hành phim Trung ương để dịch lời thoại trong các phim Liên Xô. Vậy là tôi rơi vào môi trường điện ảnh - một lĩnh vực mà trước đó tôi chẳng có mối liên hệ gì dù là gián tiếp.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 7.

Còn bước ngoặt thứ 2 đến với tôi là sau khi cha tôi GS Đặng Văn Ngữ hy sinh tại chiến trường Trị Thiên năm 1967 khi đang nghiên cứu vaccine chống sốt rét cho bộ đội. Tôi bỗng trở thành con liệt sĩ, được Bộ Văn hóa ưu tiên cho sang Liên Xô học đạo diễn, yêu cầu phải tập trung ngay để lên đường vì tôi là người được bổ sung vào phút chót. Nhưng tôi đã xin từ chối ưu tiên đó vì con đầu lòng của tôi lúc đó còn nhỏ, lại đang chiến tranhkhông quân Mỹ ở miền Bắc, phải lo đưa vợ con đi sơ tán. Sau đó tôi xin về Xưởng phim truyện ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội rồi phấn đấu trở thành đạo diễn tại đây.

Câu nói của đạo diễn Federico Fellini: "Đạo diễn không phải là một nghề - đó là một thế giới quan" được ông rất tâm đắc. Vậy ông có thể chia sẻ với độc giả về thế giới quan trong điện ảnh của mình?

- Tôi đọc được câu này trong một cuốn sách giới thiệu về đạo diễn nổi tiếng Ý Fellini, sau khi đã làm một số phim theo cách thông thường của điện ảnh Việt Nam thời bao cấp: Tức là khi kịch bản phim đã được Cục Điện ảnh duyệt rồi thì đưa về cho Giám đốc Xưởng phim phân công cho các đạo diễn làm.

Tôi đã từng được làm hai phim như thế, làm như một thói quen, bắt chước theo các phim của những người đi trước mà làm. Ý đồ của bộ phim thì đã nằm sẵn trong kịch bản đã được duyệt , không có gì phải bận tâm nữa, cứ thế mà thể hiện lên phim bằng hình ảnh…

Sau một thời gian tôi đã nắm được một vài thủ thuật của nghề đạo diễn. Nhưng đôi lúc tôi cũng cảm thấy hoài nghi về ý nghĩa của cái nghề mà mình đang theo đuổi.

Nhưng từ khi đọc được câu của Fellini: "Đạo diễn không phải là một nghề - đó là một thế giới quan", tôi như "ngộ" ra ý nghĩa của cái nghề này. Theo Fellini thì đối với nghề này thế giới quan của người đạo diễn mới quan trọng chứ không phải một mớ những thủ pháp nghề nghiệp mà ai cũng có thể có được nếu hành nghề lâu năm.

Theo định nghĩa của từ điển Bách khoa thì: "Thế giới quan là biểu hiện của cách nhìn bao quát đối với thế giới bao gồm cả thế giới bên ngoài và cả mối quan hệ của con người với thế giới. Thế giới quan của con người chịu ảnh hưởng bởi: Những kiến thức tiếp nhận được và những kinh nghiệm cuộc sống đã trải qua".

Tôi đã thử áp dụng quan điểm sáng tác đó để viết kịch bản phim "Thị xã trong tầm tay" rồi tự mình làm đạo diễn. Và tôi đã tìm thấy cho mình ý nghĩa của nghề đạo diễn phim. Tôi cảm thấy hào hứng với nó và trung thành với quan điểm sáng tác đó cho đến tận bây giờ, mặc cho thời cuộc và thị hiếu, tâm lý của người xem có đổi thay.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 8.

Nghề nào cũng có cả vinh quang và cay đắng. Điện ảnh đã mang đến cho ông không ít những khoảnh khắc đáng tự hào, vậy còn những thời điểm của mồ hôi và nước mắt mà ít người biết đến thì sao?

- Mồ hôi thì có chứ nước mắt thì không, dù trong những thời điểm cay đắng nhất. Tôi vẫn luôn cho mình là người gặp nhiều may mắn trong điện ảnh. Những người ủng hộ giúp đỡ tôi nhiều hơn những người vì ghen ghét đố kỵ mà tìm mọi cách để hãm hại tôi. Tôi chỉ có một vũ khí để tự vệ, đó là sự im lặng. Đành rằng lĩnh vực nào cũng có sự ghen ghét đố kỵ, nhưng tới mức như tôi đã từng thấy trong điện ảnh thì có lẽ ít đâu có.

Nói đến đây, đạo diễn ngưng lại một lúc, ánh mắt như xa xăm hơn. Chúng tôi cảm giác ông đang chìm vào những hồi ức về một thời đã xa.

Nếu coi sự nghiệp điện ảnh như một hành trình dài với những vùng đất đã đi qua, những con người đã gặp và những trải nghiệm không thể quên, ông muốn được trở lại nơi nào nhất trong miền kí ức?

- Tôi muốn trở lại với những binh trạm giao liên trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Năm 1971 sau chiến dịch đường 9 Nam Lào, tôi cùng đạo diễn Huy Thành được cử đi thực tế trên đường 559, vào tới binh trạm 30 ngang Trị Thiên thì quay ra. Ba tháng đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá, cung cấp cho tôi chất liệu và cảm xúc để sáng tác những bộ phim về chiến tranh sau này.

Những ngày đó tôi như được gặp lại hình bóng của cha tôi khi ông cùng đoàn nghiên cứu chống sốt rét hành quân vào chiến trường Trị Thiên năm 1967. Cha tôi chắc cũng từng đi qua những trạm giao liên này, những con đường này, những con suối này, những cái dốc này… Trong ký ức tôi thường hay trở về với những nơi chốn đó.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Nghề đạo diễn là cả một thế giới quan  - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem