GS Hà Tôn Vinh: Tam nông vẫn phải đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước
GS Hà Tôn Vinh: Tam nông vẫn phải đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước
Lê Thọ Bình
Thứ hai, ngày 13/01/2025 08:09 AM (GMT+7)
"Nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước. Chúng ta phải đưa công nghệ, đưa con người, đưa tài chính về nông thôn để người nông dân thấy làm nông dân được nhiều ưu đãi thì họ mới làm, mới ở lại nông thôn để sản xuất"- GS Augutine Hà Tôn Vinh chia sẻ với Dân Việt.
GS Vinh là người Mỹ gốc Việt. Ông là người thuộc Đảng Cộng hòa, từng được nhiều Thượng nghị sĩ, dân biểu và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan- Phó tổng thống Bush.
Có thể nói GS Hà Tôn Vinh (tên đầy đủ là Augustine Hà Tôn Vinh) là một tên tuổi lớn, một trí thức có tiếng trên thế giới. Ông sinh trong một gia đình tiểu thương ở miền Bắc Việt Nam. Giáo sư theo cha mẹ ra nước ngoài định cư từ nhỏ. Ông học Cao học Ngoại giao và Phát triển Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ (1976-1978). Ông được cấp học bổng của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983).
Giáo sư tham gia hoạt động chính trị với vai trò trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Wilson Reagan, Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (từ năm 1981 đến năm 1989). GS Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng Châu Á- Thái Bình Dương, Châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sáp nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng...
Trong nhiều năm, ông còn là chuyên gia tư vấn cao cấp tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào; chuyên gia tài chính năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và làm Cố vấn hợp tác và phát triển chiến lược, tái cấu trúc và cải tổ doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương.
Trong số hơn 25 nước đã từng làm tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, ông đặc biệt tâm huyết với quê hương Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).
GS Vinh ngồi nhâm nhi ly cà phê, ông trầm ngâm như đang nghĩ lại chuyến hành trình dài vừa qua của ông trên đất Mỹ để cổ vũ cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Một chiếc lá vàng được ngọn gió chiều Hà Nội se lạnh đưa đến đặt lên bàn trước mặt ông ngồi. Ông cầm chiếc lá, giơ lên ngang tầm mắt, ngắm nghía hồi lâu rồi nói: "Tuy định cư ở Mỹ, đi chu du khoảng trên dưới 90 nước khác nhau trên thế giới, nhưng mình vẫn là người Việt Nam, sống ở Việt Nam vẫn là thích nhất".
Ở tuổi 80, với dáng người to đậm, nhưng đi lại còn khá thanh thoát và vẫn làm việc rất nhiều, vẫn một trí nhớ tuyệt vời, GS Vinh, hôm ấy đã nói cho tôi nghe rất nhiều về nền chính trị Mỹ; rồi ông chuyển sang các đề tài trong nước. Vẫn một nhiệt huyết nóng bỏng, vẫn đau đáu về thời cơ và vận nước. Vừa nghe ông nói say sưa, vừa ngắm nhìn ông, bất chợt tôi nhớ lại hai câu trên chiếc bàn nước mặt đá ngọc ở phòng khách nhà ông khắc 2 câu: "Nhân lão tâm vị lão/ Gia cùng chí mạc cùng" (Người già nhưng tâm chẳng già/Nhà nghèo nhưng chí không nghèo). Hôm ấy, ông bảo, đây là 2 câu ông rất tâm đắc và nhờ thợ Việt Nam khắc 2 câu này.
Tôi quen GS Vinh cũng là nhờ làm chuyên đề về cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Kamala Harris. Trong một talk show phân tích về cơ hội giữa hai ứng cử viên Trump- Harris, khách mời chương trình là GS Vinh và TS Nguyễn Trí Hiếu. Hai vị khách mời đã trở nên "căng thẳng" với nhau khi TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Tôi chắc chắn bà Harris sẽ thắng cử! Ông Trump không có cửa!".
GS Vinh "cướp lời" TS Hiếu: "Tôi cược với anh!". Nhưng trên sóng truyền hình GS Vinh vẫn rất thận trọng, nói: "Cuộc bầu cử lần này rất căng thẳng, cơ hội vẫn là 50-50!".
Sau talk show, tiễn TS Hiếu ra về tôi bảo: "Anh khẳng định như vậy, nhỡ ra cuối cùng ông Trump thắng thì sao?". TS Hiếu cười: "Tôi đảm bảo với anh bà Harris sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ". Cuối cùng TS Hiếu thua GS Vinh thật! Sau này trên sóng truyền hình TS Hiếu thừa nhận ông đã sai.
Sau lần "cược" ấy, GS Vinh tỏ ra có thiện cảm với tôi hơn. Một lần, trước khi trở lại Mỹ để tham gia cuộc vận động cho Donald Trump ở tháng cuối cùng trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu, GS Vinh đã mời tôi đến nhà riêng của ông. Cuộc trò chuyện lại chủ yếu xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhà ông nằm trong ngõ của một con phố đông đúc của Hà Nội. Ông ra mở cửa. Gần chục đôi dép được để ở cửa vào phòng. "Để nhiều như vậy để có cảm giác nhà đông người"- GS Vinh cười rất thân thiện. Dáng người đậm, chắc, giáo sư trông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi cận kề 80. Ông đi lại nhanh nhẹn. Giọng trầm ấm. Cảm giác ban đầu của tôi, ông là người mẫn tiệp, thân thiện và dễ gần.
Tranh được xếp gọn gàng thành từng đống, từ tầng 1, được treo dọc theo hành lang và lên đến các tầng trên. "Mình còn hơn trăm bức nữa ở nhà bên Mỹ. Sắp tới sẽ chuyển dần về Việt Nam". GS Vinh còn là người sưu tầm tranh. Ngoài sưu tầm tranh ông còn có bộ sưu tập bình vôi khá đồ sộ.
Ông say sưa kể về những chiếc bình vôi. Ông bảo, chiếc bình vôi là một vật dụng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, gắn liền với phong tục ăn trầu – một nét đẹp dân gian tồn tại lâu đời trong đời sống người Việt. Bình vôi của người Việt không chỉ là một vật dụng trong sinh hoạt mà còn là biểu tượng của nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Những đường nét, hình khối và họa tiết trên bình vôi góp phần làm nên một vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhưng đầy chiều sâu, thể hiện sự tài hoa và tâm hồn phong phú của người Việt. Ta sẽ làm cho thế giới hiểu thêm về Việt Nam qua những chiếc bình vôi.
Trời về chiều, ngoài đường lất phất mưa. Tôi gọi thêm một tuần trà. Câu chuyện của GS Vinh với tôi chuyển dần sang đề tài thời sự trong nước. Ông bảo với tôi: "Anh em ta nên mở một diễn đàn vài chục talk luận bàn và hiến kế về "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" mà Tổng bí thư Tô Lâm phát động. Bàn kỹ về kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên gì? Vươn mình thì vươn như thế nào? Lấy ai, lấy cái gì để vươn mình?...".
"Trước khi bàn về kỷ nguyên mới, ta nên xác định: Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?"- GS Vinh nhìn tôi và nói chậm rãi.
Vậy, theo giáo sư thì chúng ta đang đứng ở đâu?
- Nhấp một ngụm trà, đặt cái ly xuống bàn, GS Vinh, nhìn lơ đãng ra ngoài con phố Lý Thường Kiệt xe cộ đang tấp nập ngược xuôi giờ cao điểm, sau đó quay lại phía tôi và từ tốn nói: "Năm 2023quy mô nền kinh tế đạt khoảng 433,3 tỷ USD (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế), xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới. Năm 2024 này quy mô nền kinh tế của Việt Nam được dự báo ước đạt khoảng 469,67 tỷ USD.
Đó là bước bứt phá ngoạt mục. Tuy nhiên, nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, nhất là các nước khu vực, quy mô phát triển nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. GDP tính theo đầu người khu vực Đông Nam Á như sau: Singapore: 88.000 USD; Brunei: 35.110 USD; Malaysia và Thái Lan lần lượt là 13.310 USD và 7.810 USD: Indonesia là 5.270 USD…
Nhìn sơ qua bức tranh toàn cảnh như vậy mới thấy Việt Nam đang đứng ở đâu, và mới thấm thía vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm lại nói Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tạm gọi là cuộc Đổi mới lần thứ 2, với tầm vóc cao hơn, quyết tâm lớn hơn, quyết liệt hơn.
Vì vậy, bước sang kỷ nguyên mới phải dám nghĩ mới, dám làm mới, thậm chí làm sai thì sửa!
Điều làm giáo sư trăn trở nhất hiện nay trên vai trò nhiều năm làm tư vấn cho Chính phủ và một số bộ, ngành ở Việt Nam là gì?
- Việt Nam chúng ta thống nhất đất nước vào năm 1975, đến nay sắp 50 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa thành công trong vấn đề kinh tế và tái thiết đất nước như lãnh đạo và người dân chúng ta mong đợi. Chúng ta đang thiếu một mô hình, chiến lược phát triển đồng bộ và quy mô.
Tuy nhiên phát triển đồng bộ không phải là ai cũng làm, làm giống nhau. Mà đồng bộ là nhìn vào thế mạnh của từng vùng, Hải Phòng nên làm gì, Bắc Ninh làm gì hay Hà Nội nên làm gì. Tất cả như một bức tranh có hàng ngàn mảnh ghép và dần dần chúng ta mới nhìn thấy toàn cảnh. Chính phủ phải định hình thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh.
Nhưng nói cho cùng thì Việt Nam chúng ta, về cơ bản, vẫn là một nước nông nghiệp. Vậy vấn đề nông thôn, nông dân sẽ nên được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Từ đây đến 2045, mục tiêu của chúng ta phải là phát triển kinh tế. Kinh tế cho chúng ta bệ phóng để chúng ta nhảy cao hơn. Nông thôn và thành thị phải phát triển ngang nhau. Không thể để nông thôn tiếp tục nghèo đói còn thành thị thì quá giàu có. Cách đây 150 năm, nước Mỹ cũng như Việt Nam, có hơn 80% người Mỹ làm nghề nông.
Nhưng rồi họ sử dụng công nghệ, các ngành công nghiệp, họ đưa khoa học, tài chính về với nông thôn. Giờ đây nước Mỹ chỉ có 1,3% dân số làm nghề nông và họ là nước lớn nhất thế giới về xuất khẩu nông phẩm. Đó là công nghệ, đó là chiến lược phát triển. Nước ta có khoảng gần 70% làm nghề nông, nuôi 30% dân số ở thành phố. Đó là một sự bất công của xã hội.
Chúng ta phải đưa đến một điểm quân bình, hài hoà giữa nông thôn và thành thị. Chính phủ tham khảo kinh nghiệm của Mỹ, đưa Việt Nam thành một nước an ninh lương thực. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước. Chúng ta phải đưa công nghệ, đưa con người, đưa tài chính về nông thôn để người nông dân họ thấy làm nông dân được nhiều ưu đãi thì người ta mới làm, mới ở lại nông thôn để sản xuất.
Thành thị cũng chẳng phải chỗ tất cả mọi người phải đến hay muốn đến. Mở rộng thành thị cũng có cái lý của nó, cần đưa thành thị về với nông thôn. Nhưng mà đâu cứ phải mở rộng vị trí hành chính địa lý là giải quyết được vấn đề. Thành phố vẫn có thể nhỏ và ta đưa những dự án lớn về nông thôn. Chúng ta phải làm sao để các dự án lớn được phân bổ đều ở các vùng chiến lược. Đâu phải Hà Nội mở rộng ra thì Hà Nội sẽ trở thành một thành phố chiến lược. Thủ đô nuớc Mỹ, Áo, Bỉ và nhiều nước vẫn còn rất nhỏ.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" là thế chế. Chúng ta sẽ bàn luận kỹ về vấn đề này vào một dịp khác. Bây giờ chúng ta bàn luận về việc tháo gỡ "điểm nghẽn" nguồn nhân lực. Theo giáo sư thì tháo gỡ điểm nghẽn trong vấn đề sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao (hay nói ngắn gọn là nhân tài) thì bước đột phá quan trọng nhất là gì?
- Tìm kiếm, thu hút và trọng dụng. Trong 3 khâu này (tìm kiếm, thu hút, trọng dụng) thì tôi cho rằng việc trọng dụng nhân tài đang là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Chúng ta lần lượt nói về từng vấn đề.
Người Việt Nam có nhiều tài năng không? Có chứ, nhiều là khác. Vậy họ ở đâu? Họ ở trong nước và trên khắp thế giới.
Trong số khoảng 5,5 triệu người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài có khoảng10 đến 12%, tương đương khoảng 500 - 600 nghìn người; trong đó, khoảng 50% tại Hoa Kỳ. Trí thức người Việt ở Pháp có khoảng hơn 40.000 người, ở Australia gần 40.000 người, Canada hơn 30.000 người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 người.
Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương học…, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc. Vì vậy muốn thu hút những nhân tài trong số người Việt này những người có trách nhiệm phải đi tìm và mời họ về phục vụ đất nước.
Muốn thu hút được nhân tài, nhất là nhân tài Việt kiều thì ngoài những chính sách đãi ngộ như lương bổng cao, môi trường làm việc tốt thì cần thêm những "đột phá" gì trong việc trọng dụng nữa, theo giáo sư?
- Đối với trí thức, đặc biệt là nhân tài, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc là cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả. Cái quan trọng nhất là trọng dụng họ. Làm cho họ thấy họ được tôn trọng; nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân; không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được".
Tôi là người Mỹ gốc Việt. Nếu chỉ vì tiền bạc, tôi không về Việt Nam làm việc. Tôi từng làm tư vấn và đi 93 nước khác nhau trên thế giới. Tôi từng làm cho Philippines, có thư ký riêng, có xe riêng, đi đâu có xe cảnh sát "còi hụ" dẫn đường.
Nhưng tôi về Việt Nam, bởi tôi yêu Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam, đấy là quê hương tôi. Đi đâu tôi cũng tự hào và nói tôi là người Việt Nam. Nói thế không phải là để khoe khoang mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đã là người Việt Nam, hay có nguồn gốc là người Việt Nam thì ai cũng mong muốn làm cho đất nước mình giàu đẹp.
Nếu đề xuất một vài điểm "đột phá" trong việc sử dụng nhân tài thì đề xuất của ông là gì?
- Mạnh dạn sử dụng họ, không phân biệt Việt kiều hay người trong nước, không phân biệt người trong Đảng với ngoài Đảng. Không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, các nhân sự là chính khách, các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Đảng nắm quyền bổ nhiệm là đương nhiên.
Còn các chức vụ như Phó các ban tham mưu, các bộ thiên về hoạt động chuyên môn như Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT… có thể bổ nhiệm cấp Thứ trưởng là Việt kiều được không, nếu họ thực sự giỏi trên cương vị đó? Hoặc giao cho họ làm Tổng công trình sư một Dự án nào đó, ví dụ như xây dựng ngành chip bán dẫn chẳng hạn.
Thậm chí là cố vấn, tư vấn cho Bộ trưởng này, Bộ trưởng kia chẳng hạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bổ nhiệm GS Nguyễn Văn Huyên, một người ngoài Đảng làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, và ông giữ chức này gần 30 năm.
Vấn đề còn lại là có những Việt kiều đủ tầm đó không? Có chứ! Ví dụ: GS Đặng Lương Mô (chuyên gia hàng đầu về vi mạch), ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong hàm Giáo sư, người Việt Nam đầu tiên chế tạo được con chip; được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992. Ông còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học (IEEE, Mỹ). GS Võ Văn Tới- Việt kiều Mỹ, chuyên gia hàng đầu thế giới trong kỹ thuật Y sinh… Còn nhiều những nhà khoa học, trí thức như tôi vừa nêu.
Ngoài ra còn rất nhiều nhà khoa học trẻ đầy tài năng như: GS Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, bang Illinois, Mỹ), GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ), GS vật lý hạt nhân Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago; Viện sĩ Hàn lâm khoa học Mỹ), GS Nguyễn Sơn Bình (chuyên ngành thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng hóa học trong xúc tác, y học và khoa học vật liệu)…
Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, nếu chúng ta biết khai thác và trọng dụng thì họ thực sự là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc đào tạo "30.000 đến 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn…" như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN tại phiên họp thường kỳ tháng 7 Chính phủ, ngày 5/8/2023.
Trong nhưng năm tháng làm tư vấn cho lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành và công tác giảng dạy tại Việt Nam, giáo sư ấn tượng nhất điều gì?
- Tôi đã mang hết sức lực và tâm huyết để đóng góp cho quê hương đất nước, tuy có lúc, có nơi kết quả còn chưa được như mong muốn.
Khi ông Trần Xuân Giá còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong một lần trao đổi về làm thể nào để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nguồn lực chất xám Việt Kiều về xây dựng đất nước. Tôi bảo: "Anh Giá ơi, các anh có mấy con chim đang nhốt trong lồng như chúng tôi đây, làm sao cho nó hót hay lên thì sẽ kéo được những con khác về xây tổ thôi, đừng chỉ trọng là đi bắt con chim ngoài bụi". Ông Giá là một Bộ trưởng có tâm và có tầm, làm được rất nhiều trong việc thu hút đầu tư.
Khi làm tư vấn cho anh Phạm Minh Chính khi anh Chính làm Bí thư Quảng Ninh, tôi rất vui vì đã có một phần đóng góp nhỏ bé của mình vào quyết sách của tập thể lãnh đạo tỉnh đứng đầu là anh Chính vào chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, du lịch.
Gần đây nhất, dù rất bận công việc nhưng anh Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP. HCM), thậm chí 11h đêm còn mời tôi đi ăn tối rồi bảo: "Anh Vinh ơi, có anh em nào giỏi ở Mỹ mách với để tôi trân trọng mời về tham gia giúp TP.HCM nhé!".
Thực ra chúng ta không thiếu những nhà lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, nhìn xa trông rộng. Rất mong là Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết liệt, có những bước đột phá về cả thể chế, lẫn thiết chế để Việt Nam vươn mình vào kỷ nguyên mới như Tổng bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Đèn trên phố Lý Thường Kiệt đã được bật sáng lúc nào không hay. Lượng xe cộ lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt đã thưa dần. GS Vinh bảo "Mai mình vào TP.Hồ Chí Minh. Ra, tớ gọi, ta lại gặp nhau và trò chuyện tiếp nhé!"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.