ĐBSCL: Chỉ đạo chống dịch Covid-19 mỗi tỉnh một "phách", cá tra "bơi" đường nào?
Những con số cụ thể trên cho thấy ngành hàng cá tra đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Vấn đề này cũng được ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) và một số địa phương ở ĐBSCL nêu lên tại Hội nghị "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội" ngày 25/9.
Xuất khẩu cá tra tháng 8 giảm 31%
Theo ông Luân, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giãn cách tại TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL kéo dài đã làm toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng bị ảnh hưởng.
9 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi cá tra tại ĐBSCL đạt trên 3.500ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020); sản lượng đạt 932.000 tấn (bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng giãn cách xã hội giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 năm 2020.
Đặc biệt, nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,054 tỷ USD, trong đó, tháng 8 đạt 85 triệu USD giảm 31% so với tháng 7.
Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết.
Hiện, giá cá tra thương phẩm loại 1 duy trì ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Về chế biến, tính đến đầu tháng 9 hiện có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh dẫn đến công suất các nhà máy chỉ đạt khoảng 30- 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021), ông Luân nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến cá tra đang phải đối mặt.
Đồng thời, với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%.
Cá chết, quá cỡ, ứ đọng dưới ao do không có người thu hoạch
Từ giữa tháng 7 đến nay, 14 đơn vị tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm ở ĐBSCL hoạt động 3 tại chỗ, tuy nhiên công suất sản xuất chỉ đạt 20 - 30%, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu khó khăn của các doanh nghiệp chế biến cá tra đang gặp phải. Điều này dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8 giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình như hiện nay, bà Lan nhận định, khả năng xuất khẩu cá tra tháng 9 có thể giảm trên 30%, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.
Bà Lan chia sẻ: "Do giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy. Không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, các hộ đã ngưng thả giống 2 tháng nay do đó sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ".
Một vấn đề khó khăn nữa, đó là, cá nguyên liệu không thu hoạch kịp dẫn đến quá cỡ, ứ đọng dưới ao, cá chết nhiều và giảm chất lượng (cá bệnh và thịt cá ngả vàng); các chi phí đầu vào đều tăng đột biến khiến giá thành nuôi tăng rất cao.
Mặt khác, chi phí tăng rất cao do năng suất sản xuất giảm mạnh cộng với chi phí bảo đảm an toàn cho sản xuất 3 tại chỗ tăng từ 30 - 70% (chưa kể chi phí mua nguyên liệu) là cản trở lớn cho các doanh nghiệp quay lại sản xuất nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Lan đưa ra giải pháp, cần tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh.
Thay thế phương án 3 tại chỗ bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc.
Cho phép các nhà máy có số lượng tiêm mũi 2 vaccine trên 60%, có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện tốt y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dịch và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa.
Chống dịch Covid-19 mỗi tỉnh một "phách", cá tra "bơi" đường nào?
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trước những khó khăn tiêu thụ cá tra, ngay từ bây giờ tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn Sao Mai... tập trung xây dựng kế hoạch về con giống chuẩn bị đàn cá hậu bị để khi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ chủ động được sản xuất.
Hiện, tình hình khó khăn về cá tra như vậy, An Giang cũng đã khuyến cáo người nông dân phải điều chỉnh mật độ nuôi và đối tượng nuôi.
"Cũng 1 cái ao đó, trước đây nuôi 400 tấn/ha mặt nước, bây giờ điều chỉnh xuống còn 200 tấn/ha, tuy sản lượng giảm, nhưng chi phí bỏ ra sẽ ít hơn, phù hợp với tình hình hiện tại", ông Thư nói.
Đối với ao nuôi không có liên kết với doanh nghiệp thì tỉnh cũng đưa ra khuyến cáo chuyển đổi sang đối tượng nuôi khác để phục vụ xuất khẩu thị trường Campuchia.
Hiện, An Giang có 1.235ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 1.049ha (87%) các hộ có liên kết với doanh nghiệp, chính bởi vậy tỉnh khuyến khích các hộ có liên kết thả nuôi cá tra, còn lại 187ha chưa có liên kết vận động người dân nuôi các đối tượng khác.
Trong 19 doanh nghiệp thủy sản của An Giang, chỉ có 6 doanh nghiệp dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỉnh này đang cho các doanh nghiệp xây dựng các phương án hoạt động trở lại với điều kiện đáp ứng "3 xanh", đó là, doanh nghiệp trong vùng xanh - công nhân trong vùng xanh - công nhân đã tiêm vaccine Covid-19 (hoặc xét nghiệm định kỳ) thì được phép hoạt động.
Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, tỉnh này còn đang tồn 20.000 tấn cá tra.
Theo ông Liệt, Vĩnh Long chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra. Trong khi chỉ đạo chống dịch Covid-19 mỗi tỉnh lại một "phách", không thống nhất dẫn đến cá tra tồn đọng rất nhiều.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.