Suốt 61 năm không gội đầu, cắt tóc cụ Nguyễn Thị Định (83 tuổi, ngụ xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ) hiện đang sở hữu mái tóc dài 6,1m, bện chặt vào nhau như một con rắn.
Cụ bà có mái tóc dài 6m
Để tiện việc ngồi niệm Phật hàng ngày, cụ Định đã thiết kế một chiếc túi vải dài 6m để đựng tóc. Để quấn tóc, cụ phải nhờ người khác cho tóc từ từ vào túi vải và cuộn tròn thành mấy vòng liền quấn trên đầu.
Cụ Nguyễn Thị Định có mái tóc dài 6m, bện chặt vào nhau như một con rắn.
Được biết, mái tóc đặc biệt của cụ Định mỗi năm sẽ dài thêm 10cm. Theo quan sát, đuôi tóc và bím tóc có hình thù kỳ lạ. Đặc biệt, dù tuổi đã cao, nhưng chỉ có phần tóc ở đỉnh đầu bạc nhẹ, riêng phần thân và đuôi tóc vẫn giữ một màu đen.
Hiện do phần chân bị tật một bên, khi di chuyển cụ Định phải quấn quanh thân người, toàn thân cúi gập xuống, dùng cả tay và chân tiếp đất rất nặng nề. Cụ bà vẫn xem phần tóc này như là máu thịt của riêng mình.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, cụ Định cho biết, năm 19 tuổi trong một lần cắt tóc cụ trở bệnh, đầu đau nhức như búa bổ, cơ thể ốm triền miên. Lúc đó, bà được gia đình đưa đi chạy chữa, bốc thuốc nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
“Từ đó tôi cũng ngưng luôn việc cắt tóc. Đến khi tóc mọc dài trở lại, dần dần bệnh tình thuyên giảm. Lạ thay, khi tôi đi gội đầu lại đau nhức trở lại, vì thế ngưng việc đụng phần tóc xuống nước” - Cụ Định nói về lý do có mái tóc dài gần 4 lần cơ thể của mình.
Cứ thế tóc cụ ngày một dài. Dù mấy chục năm không sử dụng nước nào để gội, nhưng phần đuôi tóc vẫn rất sạch sẽ. Kỳ lạ phần tóc mọc dài là sẽ kết vào, không cách gì chải bình thường được. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Định vẫn rất minh mẫn. Nhiều người cho rằng việc tóc cụ càng dài nên sẽ sống càng thọ.
Cụ Tám Nhơn với mái tóc dài gần 4m.
Cụ ông có mái tóc “rồng”
Từ lâu, người dân xã Đông Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã quen với gia đình có ba ông cụ kỳ lạ là Nguyễn Văn Dày, Nguyễn Văn Chiến (thường gọi là Tám Nhơn) và Nguyễn Văn Tiên.
Hỏi thăm một người dân địa phương, họ nói rành rọt: “Tụi tôi gọi là ba ông đạo tiên, ông nào cũng có mái tóc rồng nặng đến mấy ký trên đầu. Trong ba ông đạo tiên đó có ông Tám Nhơn là tóc dài nhất, gần 4m”.
Nhà cụ Tám Nhơn nằm sát rạch Ông Hổ, dưới bụi tre rất lớn, quanh nhà cây cối rậm rạp. Chỉ tay vào ngôi nhà nhỏ cụ Nhơn kể: “Nhà tình thương người ta xây tặng tui đó. Đất này cỡ hai trăm năm trước ông cố tui đến lập nghiệp, vẫn đầy cọp beo từng đàn từ rừng lội ra sông Tiền tìm nước uống. Chúng đi mòn đường lún đất thành kênh rạch”.
Nói chuyện một hồi, cụ Tám Nhơn dỡ mái tóc trên đầu cho chúng tôi xem. Mái tóc dài ngoẵng, cụ phải vòng quanh người. Tóc của cụ phần gần đầu rất dày và trắng như cước, càng về phía đuôi mỏng và sẫm màu, có đoạn ngà ngà nhìn rất lạ mắt.
Vừa nâng mái tóc, cụ Nhơn kể lại: “Ngày nhỏ mấy anh em tui đều để đầu ba chỏm như mọi đứa trẻ khá, đến khi tụi tui cỡ chừng 10 tuổi thì mới dưỡng tóc. Hồi tui 17 tuổi, vì thầy giáo có nói nên tui xin cha mẹ cho cắt tóc, mà cắt xong là tui lăn ra bệnh. Lúc đó, người mềm như cọng bún, mắt thì hoa, đầu thì nhức”.
Sau đó, cha mẹ cụ Nhơn đưa đi khám nhưng không ra bệnh, rồi được cho thuốc bổ về uống để cải thiện ăn ngủ. Về nhà, ông Nhơn bị hoa mắt nhức đầu suốt mấy năm, đến khi tóc dài nhiều thì bệnh cũng dần khỏi. Do vậy, ông quyết định dưỡng từ ngày đó cho tới tận bây giờ.
Cụ Tám Nhơn kể, thời gian đầu, tóc bị dính bết lại rất khó chịu và thấy vướng víu, lúc dài quá phải quấn lại thành từng vòng đội trên đầu như thể đội đá. Bà con chòm xóm xung quanh chỉ trỏ, dị nghị.
Năm cụ Nhơn 30 tuổi, đã có 7 người con, cụ rời gia đình sang cồn Phụng (xã Tân Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) theo ông đạo Dừa. Ông cùng anh và các em trai ở đó gần 20 năm, đến ngày thống nhất đất nước ba anh em rời cồn Phụng về nơi ở hiện tại tu tập. Năm nay đã 93 tuổi, song đôi mắt cụ Tám Nhơn vẫn rất tinh, đọc sách không cần kính và vẫn tự tay xỏ kim, may vá.
Ba thế hệ 24 ngón
Ở miền Tây, gia đình ông Trần Thanh Tòng (49 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đều có chân, tay 24 ngón. Dù cơ thể có khác lạ hơn so với những gia đình trong xóm, nhưng cuộc sống của gia đình ba thế hệ vẫn diễn ra bình thường.
Theo tài liệu chuyên ngành, dị tật thừa ngón tay (finger polydactyly) là tình trạng có nhiều hơn 5 ngón tay, trên một bàn tay. Dị tật thừa ngón gặp ở mọi chủng người, mọi vùng địa lý khác nhau.
Mặc dù rất phổ biến nhưng chưa có thống kê chung trong một cộng đồng rộng rãi. Cộng đồng người da trắng 1/3000 trẻ, cộng đồng Nam Phi 10/1000 trẻ, tỷ lệ chung cho cả hai cộng đồng da đen và da trắng là 1,24/1000 trẻ.
Dị tật thừa ngón là một trong những dị tật bẩm sinh ở bàn tay hay gặp nhất và ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động cầm nắm đồ vật của bàn tay, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như tâm sinh lý của người bệnh.
Việc dị tật thừa ngón thường chỉ xuất hiện ở tay hoặc chân, nhưng đối với gia đình ông Tòng lại xảy ra ở cả hai bộ phận thì đúng là chuyện lạ. Do vậy, chúng tôi tìm đến nhà và được ông Tòng cho biết: Ông sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng chỉ có ông và người chị thứ hai là bà Trần Thị Tuyết Mai (60 tuổi) được di truyền 24 ngón từ cha. Điều đặc biệt là con gái của ông Tòng là em Trần Thị Thanh Tuyền (học lớp 6 Trường THCS Bình Long) cũng có 24 ngón.
Tình trạng dị tật thừa ngón tay, ngón chân không phải là quá hiếm. Nhưng thừa ngón theo di truyền đến tận 3 thế hệ và các ngón thừa không dị dạng, cử động linh hoạt ở tất cả bàn tay, bàn chân lại là điều đáng nói.
"Lúc mới sinh con gái, tay và chân nó đều có 6 ngón y hệt tôi. Nhưng vì phần thừa của bàn tay bên phải khá nhỏ nên tôi đưa con đến bệnh viện để cắt bỏ" - ông Tòng nói.
Để chứng thực việc có nhiều thế hệ trong gia đình có nhiều ngón, ông Tòng gọi con gái ra ngồi phía trước nhà, rồi hai cha con cùng xòe bàn tay, bàn chân cho chúng tôi xem. Theo quan sát, bàn tay, bàn chân ông Tòng đều có 6 ngón đều đặn. Cấu trúc xương cũng hoàn toàn không bị dị dạng, thoạt nhìn rất khó nhận ra điểm khác biệt. Không giống những người bị khiếm khuyết dư ngón tay thông thường, mà đều chủ động điều khiển cầm, nắm, co lại bình thường.
Cũng theo ông Tòng, tuy nhiều ngón tay, chân nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Riêng việc chạy xe honda ôm lại càng tiện lợi. Ông hài hước: "Nhiều ngón thì cầm tay lái chắc chắn, đi đứng thì cũng vững hơn so với 5 ngón rồi! Nói đi cũng nói lại, việc có bàn tay, bàn chân cũng mang đến một số khó khăn, vì phải chọn lựa những cỡ giày, dép to hơn bình thường".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.