Đồng Nai: Nông dân nóng lòng chờ cấp một tờ giấy để đưa cá lên bờ

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 25/09/2021 09:00 AM (GMT+7)
Quyết định mở cửa dần kinh tế đang tạo ra tâm lý háo hức chờ đợi của nhiều nông dân ở Đồng Nai sau thời gian dài giãn cách. Với nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân đang nóng lòng chờ cấp giấy để đưa cá lên bờ.
Bình luận 0

Nông dân đang nóng lòng chờ cấp giấy đi đường

Những ngày cuối tháng 9, nước sông La Ngà dâng cao. Làng nuôi cá lồng bè La Ngà ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) vẫn chìm trong tĩnh lặng. 

Ông Nguyễn Trung Hậu ở xã Phú Ngọc bảo, nông dân chưa bao giờ gặp tình cảnh khó khăn như thời gian qua.

Ông Hậu nhớ lại quãng thời gian 2 tháng vừa rồi, dịch Covid-19 đã làm chững lại tất cả các hoạt động, từ việc cung cấp giống, thức ăn cho đến tiêu thụ cá.

Trước dịch Covid-19, làng nuôi cá lồng bè La Ngà ở huyện Định Quán (Đồng Nai) khá nhộn nhịp. Ảnh: Hải Đình

Trước dịch Covid-19, làng nuôi cá lồng bè La Ngà ở huyện Định Quán (Đồng Nai) khá nhộn nhịp. Ảnh: Hải Đình

Tỉnh Đồng Nai đang khởi động kế hoạch mở cửa trở lại. Trong đó có việc điều chỉnh việc cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, trong mùa vụ thu hoạch nông, lâm, thủy sản, nông dân vẫn phải đi làm rẫy hàng ngày từ vùng xanh qua vùng đỏ, cam, vàng và ngược lại. Nông dân có thể liên hệ UBND phường, xã nơi cư trú để đề nghị cấp giấy đi đường.

Chủ tịch UBND phường, xã sẽ căn cứ tình hình thực tế để đảm bảo cấp giấy đi đường chặt chẽ, khoa học; vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch.

Ông Hậu chia sẻ: "Biết là vậy nhưng điều đáng lo nhất hiện nay là đầu ra vẫn khó khăn. Trong khi giá cám tăng, cá vẫn phải ăn hàng ngày nên chi phí đội lên rất lớn".

Giá cám cho cá từ mức 325.000 đồng/bao đã khiến người nuôi đánh liều "5 ăn 5 thua".

Nay giá cám tăng lên mức 400.000 đồng/bao. Mỗi ngày, cá trong lồng bè của ông ăn hết khoảng 40 triệu đồng tiền cám.

Một số hộ dân đã dự tính nuôi hết vụ này là nghỉ vì giá thức ăn tăng cao quá, gần như không thể có lời.

Làng nuôi cá lồng bè La Ngà vắng lặng trong những ngày phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Xuân

Làng nuôi cá lồng bè La Ngà vắng lặng trong những ngày phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Xuân

"Không chỉ nông dân nuôi cá mà các đại lý cám, thương lái thu mua cũng đang chờ từng ngày, từng giờ để dịch bệnh đi qua, đầu ra và việc vận chuyển trở lại bình thường", ông Hậu nói.

Anh Bùi Văn Mãng nuôi cá lồng ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) kể, lo lắng nhất là cá tới kỳ thu hoạch mà không tìm được lao động. Việc đi lại, vận chuyển còn nhiều khó khăn.

Anh Mãng cho biết, hiện nay, huyện Định Quán đang bước vào bình thường mới, nghĩa là "xanh" toàn huyện.

Tuy nhiên, huyện Định Quán vẫn áp dụng Chỉ thị 15, nên di chuyển giữa các xã vùng xanh vẫn còn hạn chế. Người dân vẫn phải xin và chờ được giấy đi đường.

"Việc chính quyền mở cửa và cho đi lại chắc cũng từng bước cho an toàn. Chứ mở cửa mà cho đi lại nhiều quá, dịch bùng lại thì cũng khổ. Mình cũng phải ráng chờ thôi", anh Mãng nói.

Hàng ngàn tấn thủy sản đang chờ tiêu thụ

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Quán có hơn 1.700 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 3.000 lao động. Diện tích nuôi thủy sản hơn 873ha và khoảng 2.800 lồng bè nuôi cá.

Anh Bùi Văn Mãng nuôi cá lồng ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: Trung Kiên

Anh Bùi Văn Mãng nuôi cá lồng ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: Trung Kiên

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Định Quán cho biết, nhờ tiếp giáp lòng hồ Trị An và sông La Ngà nên huyện Định Quán có lợi thế rất lớn về nghề nuôi trồng thủy sản.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Định Quán phổ biến ở 4 xã: Lan Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Thịnh và Thanh Sơn.

Nghề này đóng góp hơn 10% tổng giá trị nông lâm thủy sản ở địa phương. Đồng thời góp phần rất lớn tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động không có trình độ chuyên môn.

Những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản ở làng bè La Ngà phát triển khá nhộn nhịp theo nhu cầu thị trường.

Nhưng khi phát hiện hàng chục ca mắc Covid-19 trên làng bè, UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh trên vùng sông nước này với cấp độ cao nhất.

Việc tăng cường kiểm soát dịch đã gây ra những khó khăn nhất định cho nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản.

Người dân thu hoạch cá lồng bè trên sông Đồng Nai. Ảnh chụp trước dịch Covid-19. Ảnh: Minh Khôi.

Người dân thu hoạch cá lồng bè trên sông Đồng Nai. Ảnh chụp trước dịch Covid-19. Ảnh: Minh Khôi.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, từ tháng 8 đến tháng 12/2021, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh ước đạt 27.450 tấn thủy sản các loại. 

Như vậy, bình quân mỗi tháng, sản lượng thủy sản nuôi trên địa bàn Đồng Nai đạt khoảng 5.500 tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh chỉ khoảng 4.000 tấn/tháng. Sản lượng còn lại được thương lái thu mua cung cấp cho các tỉnh, thành lân cận.

Hiện nay, nhiều nơi như vùng nuôi cá bè ở huyện Định Quán, vùng nuôi cá tra ở huyện Vĩnh Cửu, vùng nuôi tôm thẻ ở huyện Nhơn Trạch... vẫn đang tồn hàng trăm tấn đến kỳ thu hoạch, phải chờ thương lái thu mua.

Ông Nguyễn Trường Giang thừa nhận, nghề nuôi trồng thủy sản hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc như giá thức ăn tăng cao, việc tiêu thụ đình trệ.

Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục đồng hành để cùng nông dân tìm kiếm những tín hiệu tốt hơn trong điều kiện dịch Covid-19 đang được khống chế.

Huyện Định Quán định hướng tiếp tục quy hoạch lại vùng nuôi; giữ nguyên hiện trạng ao hồ hiện để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.

"Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ giải quyết đầu ra sản phẩm, kết nối tạo thành chuỗi liên kết để giá trị ngành thủy sản được nâng cao", ông Giang cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem