img

iám đốc Trần Quốc Tuấn đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ năng động, phát huy thế mạnh công nghệ và đặc biệt, từng bước tạo nên giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp – sống trung thực, có đạo đức và luôn vì cộng đồng.

Ngày ấy ở Nhật Bản, có một du học sinh người Việt từ chối lời mời làm đại diện cho một công ty lớn mà chỉ xin làm đối tác của họ. Ngay sau khi tốt nghiệp, anh trở về Việt Nam, mở công ty công nghệ và giữ đúng lời hứa của mình.

Giám đốc Green Leaf Việt Nam Trần Quốc Tuấn quyết tâm tạo dựng sự nghiệp tại quê hương và đến nay, anh đã có trong tay 3 công ty chuyên về phần mềm, thiết kế xây dựng và dịch vụ chuyên chở chuyên gia khu công nghiệp với số lượng 500 xe đủ loại. Anh đau đáu muốn giúp đỡ cộng đồng với tâm niệm: "Làm điều tử tế để dần thay thế cách làm ăn chụp giật lâu nay của không ít doanh nghiệp, tự khắc cái xấu sẽ bị đẩy lùi vì không chỗ chen chân…".

Còn nhớ chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân, người nghèo, người khuyết tật về quê ăn Tết lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 tại TP.HCM. Số lượng người đăng ký tăng vọt, khiến anh phải tăng chuyến đưa bà con về quê.

Tình cờ nhìn thấy một thanh niên trẻ chống nạng chật vật tìm cách lên xe, Tuấn tiến đến định bế cậu lên, không ngờ người này từ chối, rành rẽ: "Anh để em tự lực, bởi đâu thể giúp em cả đời"… Vì câu nói ấy, anh rất xúc động và cảm phục chàng trai. Suy nghĩ mãi, trong đầu anh lóe lên ý tưởng mở trung tâm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật ở quê để họ khỏi phải mất công và tốn tiền lặn lội đến các trung tâm ở những thành phố lớn.

Trong những ngày TP.HCM bộn bề chống dịch Covid-19, giám đốc Trần Quốc Tuấn sát cánh cùng đội ngũ nhân viên vận chuyển của mình, xử lý các tình huống một cách khoa học, bình tĩnh và đầy tình người.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 3.

Điều gì khiến cậu sinh viên năm ấy từ chối mức lương hậu hĩnh, chỉ để khởi nghiệp bằng đồng vốn ít ỏi của mình?

- Từ khi học năm thứ nhất Đại học Bách khoa, tôi đã được nhận học bổng sang Nhật. Lúc đó, ước mơ của tôi rất đơn giản: Học 5 năm ở Nhật thì sẽ tiết kiệm được một số tiền kha khá để mua ô tô. Khi đi, ba mẹ cho tôi 1.000 USD, ngoài ra, tôi không cầm thêm đồng nào.

Tôi theo học ngành Công nghệ thông tin ở ĐH Tổng hợp Osaka. Sang năm cuối, có một sự kiện thay đổi hoàn toàn đời tôi. Đại diện một tập đoàn Nhật đến trường, gặp gỡ sinh viên người Việt để tìm hiểu thị trường trong nước. Lúc đó, chẳng có bạn sinh viên nào chịu đến gặp họ cả, trừ tôi. Trước khi về, họ mới tiết lộ họ đến từ Daiwa House, 1 trong những tập đoàn lớn ở Nhật chuyên về bất động sản, khách sạn, kho hàng, logistics.

Đích thân gặp tôi là con trai của người sáng lập Tập đoàn Daiwa House, bấy giờ đang điều hành một công ty trong đó. Họ muốn mở 1 công ty ở Việt Nam chuyên về IT và Internet, đề xuất tôi làm quản lý. Lúc đó, tôi từ chối và nói với họ rằng mình sẽ về nước mở công ty, nếu như 2 bên cùng hợp tác thì sẽ thuận lợi hơn.

Khi ấy, những người Nhật rất ngạc nhiên trước lời đề nghị có phần kỳ lạ của tôi. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng thuyết phục tôi nhận lời làm việc, bằng cách trong suốt 2 tháng mời tôi đi tham quan chuỗi trung tâm nghiên cứu, bán hàng và chuỗi đô thị họ đã phát triển.

Tôi còn nhớ, một ông sếp người Nhật cứ thắc mắc: "Chúng tôi chinh chiến suốt 60 năm với công ty, mới biết làm nghề giám đốc khó lắm, sao anh không chịu làm quản lý, vừa nhận lương cao, lại vừa chịu ít rủi ro, không phải lo nghĩ nhiều?". Tôi chỉ cười, và hứa sẽ hợp tác độc quyền cho Daiwa 3 năm cũng như đề nghị họ giao cho tôi 100 ngàn USD để chuẩn bị cho văn phòng tại Việt Nam. Sau 3 tháng bàn bạc, họ chấp nhận đầu tư cho tôi khởi nghiệp.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 4.

Và anh đã thực hiện cho được lời hứa đó?

- Đúng vậy. Về nước, tôi thuyết phục ba mẹ thuê chỗ khác, lấy nhà thiết kế lại làm văn phòng. Suốt mấy năm, chúng tôi thực hiện vẽ các bản đồ nhiệt cho người Nhật. Đấy là dự án khó, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng mức giá đưa ra lại khá rẻ.

Sau 3 năm, họ tin tưởng giao việc và cùng qua Việt Nam đào tạo học viên. Chúng tôi xây dựng bộ máy mười mấy người làm việc hiệu quả sau 15 năm. Hiện nay, chúng tôi có thể thực hiện những bản vẽ cực khó, chuyên thiết kế các loại cửa cao cấp với số lượng trên 40.000 cửa (7-10.000USD/cửa) và đạt mức doanh thu khá tốt.

Vào năm 2013, ông Phó Giám đốc Tập đoàn nay đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị, quyết định sang Việt Nam đầu tư mấy trăm triệu USD để xây dựng khu công nghiệp Long Đức. Họ mở chi nhánh công ty Daiwa House tại đây, đề xuất tôi hợp tác. Một lần nữa, tôi suy nghĩ và cuối cùng tìm cho họ 1 người quản lý thật giỏi. Đơn giản, tôi cho rằng mình không nên ích kỷ, trước đây họ đã trao cơ hội cho mình thì đến thời điểm cần thiết cũng nên dành cơ hội đó cho người khác.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 5.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 6.

Cơ duyên nào khiến một chàng trai công nghệ thông tin như anh lại nhảy sang lĩnh vực dịch vụ chuyên chở chuyên gia nước ngoài?

- Khi đó, tập đoàn cần thuê xe ô tô đưa rước nhân lực công ty xây dựng khu công nghiệp. Vì đã từng làm ăn với nhau, lại hoàn toàn tin tưởng tôi nên phía Nhật thuyết phục tôi cung cấp đoàn xe. Nhận thấy cơ hội làm ăn, tôi bán chiếc ô tô đang đi, mua 2 xe nhỏ cho họ thuê. Sau đó, do nhu cầu lớn, lượng xe tăng dần. Tôi nghĩ cách thuê thêm xe, tuyển tài xế. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, chủ yếu mình làm bản vẽ và phần mềm trên danh nghĩa công ty Gia An Thịnh, số lượng xe cho thuê vậy đủ rồi.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 7.

Thế nhưng, một nhân viên lái xe ra mở công ty, lấy đi một khách hàng lớn của tôi, còn muốn nẫng hợp đồng giữa tôi và Tập đoàn Daiwa House. Cách làm ăn chụp giật đó không thể chấp nhận được, người Nhật sẽ nghĩ gì về người Việt mình?

Lúc đó khá bình tĩnh, tôi nói với các nhân viên: "Nếu mình làm ăn gian dối thì sẽ không bao giờ phát triển được. Lần này, tôi sẽ cho các em thấy mình làm ăn đàng hoàng, công việc sẽ tiến triển tốt." Nói là làm, tôi chứng minh bằng việc cho thuê xe với quy mô lớn hơn. Cuối cùng, chúng tôi được chọn cung cấp dịch vụ xe đưa rước cho toàn bộ khu công nghiệp của Nhật.

Nhờ thu hút được nhân tài người Nhật về làm Phó Giám đốc công ty, chúng tôi dần phát triển lên 150 xe. Các công ty đối thủ không nghĩ chúng tôi phát triển nhanh như vậy nên bị qua mặt lúc nào không hay. Tham gia đấu thầu, liên tục trúng những gói thầu lớn mà quy mô của công ty mở rộng, giờ đây chúng tôi đã có gần 500 xe. Cách đây 3 năm, tôi đầu tư mua mới gần 300 xe.

Một trong những nguyên tắc anh đặt ra để thắng các đối thủ mạnh hơn là gì?

- Chúng tôi có 2 "vũ khí" khá mạnh. Thứ nhất, toàn bộ công ty dùng phần mềm thiết kế cho chính nhu cầu của mình. 1 năm chạy 180 ngàn chuyến xe, hệ thống phần mềm ghi nhận tất cả các số liệu, theo từng tài xế, từng tuyến, từng xe, kể cả kế hoạch và thời gian bảo dưỡng, bảo trì… với 3 phần mềm quản lý.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng đội ngũ tài xế hiền lành, chịu nghe và có học. Nhờ chất lượng tài xế tốt mà nhiều nơi truyền miệng, gọi đến công ty, chứ chúng tôi không hề tốn đồng nào quảng cáo. Chúng tôi cung cấp đa phần là xe mới, trong cách vận hành chú ý không cho tài xế nhận tiền trực tiếp để hạn chế tối đa tiêu cực. Từ đó, đối tác yên tâm không sợ bị ăn gian như ghi thêm giờ, tăng cây số… Đó chính là điều khác biệt giữa chúng tôi và không ít nơi khác.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 8.

Đi sau, "tay không bắt giặc", vì sao Green Leaf Việt Nam vẫn thắng các dự án lớn?

- Như đã nói trên, tuy vốn ban đầu bằng không, chỉ có 2 chiếc xe "mồi", song tôi không nản chí. Tôi nhận ra nghịch lý, nhiều người có xe nhưng không cho thuê được, còn tôi có nhiều hợp đồng nhưng lại không có xe. Vậy nên chấp nhận lời ít nhưng tạo dựng được uy tín và chất lượng dịch vụ. Khi công việc tiến triển, tôi mới vay tiền ngân hàng để mua xe số lượng lớn. Bên cạnh đó, cũng cần tỉnh táo không nên đầu tư hết cả đoàn xe lớn, chỉ đầu tư phân nửa, để khi giảm bớt hợp đồng thì vẫn không bị động.

Khi bắt tay vào kinh doanh, tôi luôn tâm niệm, mình chịu ơn Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện cho tôi du học nên phải làm một điều gì đó đền đáp. Xung quanh chúng tôi vẫn còn cảnh làm ăn gian dối, chụp giật, lừa đảo khách hàng, chính vì vậy, tôi nghĩ, mình cần tạo một mô hình thật tốt để không còn chỗ chen chân cho các công ty như thế. Công ty chúng tôi càng lớn thì họ sẽ phải nhỏ đi hoặc bỏ cuộc.

Nhưng sau 1 thời gian, tôi nhận ra, đây là bài toán win-win. Một khi mình giúp các công ty khách hàng di chuyển an toàn và liền lạc, họ mang ngoại tệ về cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nếu tôi làm tốt thì mọi thứ xung quanh cũng sẽ tốt hơn rất nhiều, dần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 9.

Điều gì giúp một công ty vận chuyển mới thành lập như Green Leaf phát triển mở rộng không ngừng, trong khi nhiều đối thủ khác phải đóng cửa, dẹp tiệm trong mùa Covid?

- Theo tôi nghĩ, mô hình thành công chỉ có được khi chúng tôi không đặt nặng vấn đề số lượng phương tiện mà chú trọng đến chất lượng dịch vụ, cùng với chính sách tài xế hợp lý. Làm sao họ có môi trường làm việc minh bạch, thu nhập chính đáng từ công sức lao động, không ăn gian nhiên liệu và giờ giấc. Nếu họ làm tốt, công ty sẽ tạo cho họ nguồn thu nhập tốt.

Nói thì dễ, nhưng khi làm rất khó, đa số các công ty coi tài xế như tầng lớp thấp, tìm mọi cách chế tài họ bằng các hình phạt… Riêng chúng tôi kết hợp mềm dẻo giữa luật lệ và tình cảm, duy trì các mối quan hệ hai bên cùng có lợi để điều hành công ty. Làm sao giữ cho tài xế có thu nhập tốt nhưng cũng không tạo kẽ hở để họ ăn gian, lừa dối khách hàng.

Mỗi tài xế trong công ty có thu nhập từ 8-20 triệu đồng, tùy theo năng lực, và mỗi ngày chạy 10 tiếng. Cuối tuần, họ được nghỉ ngơi và có thể liên kết với các công ty du lịch để đẩy xe trống chạy thêm, tăng doanh thu cuối tuần, coi như vừa đi làm, vừa đi chơi. Cho đến nay, công ty chúng tôi đã đầu tư đủ loại xe lớn nhỏ, đầu tư các bãi xe tập trung từ 100-200 xe ở quận 2, Tân Bình và quận 7.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 10.

Nhờ đâu anh gây dựng được đội ngũ tài xế của Green Leaf khá chuyên nghiệp và giữ chữ tín cho công ty như vậy?

- Điều kiện tiên quyết là họ phải biết tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp…  Cách đây 2 năm, tôi phát triển dịch vụ chuyên chở này ra Hà Nội. Ở ngoài đó hiện chúng tôi có 100 xe, Sài Gòn là 400 xe, còn lại các tỉnh lân cận cũng khá nhiều… Tiếp nữa là đề cao tính trung thực, tận tụy phục vụ khách hàng. Tài xế của chúng tôi không ăn gian, không nói dối, còn hễ phát hiện ra trường hợp nào như thế thì sau 1-2 lần thử thách, công ty sẵn sàng cho nghỉ việc nếu tái phạm.

Có thể nói, Green Leaf Việt Nam là một tập thể tuyệt vời được tạo ra bởi năng lượng trẻ, tích cực của gần 600 nhân viên lái xe, kỹ sư phần mềm, họa viên đồ họa và hơn 50 nhân viên văn phòng, điều hành, kỹ thuật viên ô tô trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Có nghĩa là lúc nào anh cũng đặt lên hàng đầu văn hóa trung thực như một giá trị cốt lõi của Green Leaf Việt Nam?

- Đúng vậy. Ai gian lận, tôi cho họ thêm 2 lần thử thách tiếp, nếu không thay đổi sẽ cho nghỉ việc. Nhờ đó, nhân viên đồng lòng phục vụ, giữ gìn danh tiếng cho công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phần mềm minh bạch, chỉn chu, mặc dù như thế, chi phí sẽ cao hơn các công ty khác. Nhìn chung, người nước ngoài thường quan tâm tới sự an toàn, chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ, sau đó mới đến giá cả, nên họ chọn Green Leaf Việt Nam.

Hơn thế nữa, chúng tôi không bao giờ chi những khoản "bôi trơn" doanh nghiệp, chỉ nơi nào đồng ý làm việc minh bạch thì mới hợp tác. Bên cạnh đó, công ty sẵn sàng hỗ trợ thêm cho đối tác như tặng voucher du lịch, cho mượn xe miễn phí…

Nếu như ở Hà Nội, chúng tôi có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn thì ở TP.HCM, Green Leaf Việt Nam nhanh chóng bứt lên hàng đầu nhờ dịch vụ tốt và chất lượng phục vụ của các bác tài.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 11.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 12.

Thời Covid, nhiều doanh nghiệp gặp khó, thậm chí, phá sản hàng loạt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khá ảm đạm…

- Dù vậy, có một số ngành nghề vẫn phát triển tốt. Chẳng hạn, ngành thương mại điện tử và giao nhận không tiếp xúc vẫn là xu hướng của thế giới. Còn xét về kinh tế toàn cầu, đây là một cuộc sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt mà chỉ còn 2-3 doanh nghiệp tồn tại được trên tổng số 10 doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, tự xem lại thực lực nội tại để tìm cách cải tổ, cải tiến sao cho hiệu quả nhất và phải đưa doanh nghiệp về với cốt lõi bền vững nhất có thể.

Mỗi doanh nghiệp, ngành nghề có 1 giá trị cốt lõi riêng, nhưng nhìn chung đều xoay quanh một trục duy nhất là con người, sự trung thực với khách hàng và ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển.

Năm Covid 2020 vừa rồi dù rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng doanh thu của Green Leaf Việt Nam không giảm mà tăng. Một phần do tôi cung cấp dịch vụ chuyên chở cho doanh nghiệp chứ không phải cho bên du lịch. Chúng tôi luôn có chính sách dự phòng rủi ro, chịu được trong vòng vài năm nên tiếp tục duy trì đội xe. Hơn thế nữa, may mắn trong thời gian giãn cách xã hội, các đối tác tự nhiên tăng nhu cầu thuê xe lên. Tôi lại hợp tác với một số công ty và hỗ trợ về giá cả cho họ nên họ giúp ngược lại chúng tôi. Nhờ đó mà công ty chúng tôi đã "thoát chết" hai lần trong các đợt giãn cách.

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều công ty không có tiền thưởng, nhưng chúng tôi vẫn trả đủ tháng lương 13 cho anh em. Đêm giao thừa, tôi rất xúc động khi nhận được tin nhắn của một nhân viên ở Hà Nội, cảm ơn Ban giám đốc vì dù khó khăn vẫn lo được cho anh em. Năm 2020, tôi không những không giảm lương, không giảm biên chế, không cho tài xế nghỉ mà còn tăng thêm người.

Hiện nay, nếu so ra, 2 công ty IT và thiết kế cửa của chúng tôi vẫn hoạt động tốt. Công ty IT chuyên gia công phần mềm, thực hiện ý tưởng. Trong 3 công ty, hiện nay công ty vận tải có lời nhất, doanh thu đạt 200 tỷ đồng/năm.

Giờ nhìn lại, đúng như ông thầy tôi nói, giám đốc là một nghề rất cực, phải lăn lộn và nghĩ cho người khác, và phải nhờ may mắn mới thành công. Tuy nhiên, cũng nhờ thử thách thời Covid mà xuất hiện không ít doanh nhân tử tế, giúp ích cho cộng đồng.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 13.

Một nhà văn từng ngạc nhiên khi ở công ty Green Leaf Việt Nam, các tài xế đều có thể nói tiếng Anh, tiếng Nhật, thậm chí tiếng Pháp với khách hàng và cách cư xử khá văn minh, lịch sự. Điều đó chứng tỏ, công ty đã xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp hiệu quả và thành công.

Trần Quốc Tuấn thừa nhận, những gì anh học được (ngành công nghệ) và những gì đang làm (dịch vụ vận chuyển) rất khác nhau. Làm sao kết nối, tạo môi trường làm việc có lợi cả hai bên – công ty và đối tác, xây dựng các quy trình một cách khoa học và vận hành công việc trơn tru, hiệu quả chính là điều khiến vị giám đốc phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp. Còn đối với khách hàng, sự chân tình, thật lòng là cách quảng cáo tốt nhất. Anh nghĩ đơn giản, mình từng được giúp thì sẽ giúp lại người khác, và không muốn nhắc đến những việc từ thiện của mình. Bởi đó là văn hóa biết ơn và trả ơn.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 14.

Từng chịu ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản, trong kinh doanh, anh học được điều gì ở họ?

- Người Nhật luôn đúng giờ, luôn giữ chữ tín, làm ăn với họ phải tin tưởng, trung thực, không được lừa dối. Và tôi học ở người Nhật nhiều nhất chính là cách nhận ơn và trả ơn. Khi mình nhận ơn người nào đó, mình phải tỏ lòng biết ơn và đừng làm hổ thẹn người đã giúp mình.

Về Việt Nam, tôi áp dụng quy tắc này khá triệt để, làm gì cũng không phiền người khác, ai giúp thì mình nhớ ơn và tìm cách trả ơn cho họ. Điều này cũng khá gần với nền tảng giáo dục của người Việt, nhưng tiếc là hiện nay, tinh thần cho và nhận, biết ơn và trả ơn dường như không được khuyến khích để phát triển mạnh hơn trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là cộng đồng trẻ.

Tôi là người Sài Gòn nhưng lớn lên ở Nhật, hấp thu văn hóa Nhật, nên vô cùng biết ơn những gì mà người Nhật đã dạy dỗ, biết ơn ông thầy đầu tiên đã tin tưởng để giao một khoản tiền đầu tư cho một sinh viên mới ra trường cùng những lời khuyên có giá trị.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 15.

Theo anh, còn phẩm chất nào quan trọng nữa đối với doanh nhân trẻ, quyết định sự thành công của họ?

- Đó là tầm nhìn và tính độc lập. Tôi không muốn sống theo quyết định của người khác, mà mình tự làm, tự chịu. Nếu bạn ở Nhật, mấy chục năm nữa, bạn cũng chỉ ở vị trí trưởng phòng, giao tiếp khá khép kín với người nước ngoài. Còn khi các bạn quyết định trở về VN thì thành công hay thất bại đều là do chính bạn. Tôi đặt tôi vào thế hoặc ở lại và có thu nhập tốt hay về VN thì chỉ có một ăn một thua, và để thua là hết đường. Cuối cùng, tôi không hề hối hận khi chọn cách trở về. Trên thực tế, có những thời điểm rất thăng trầm, nhưng nhờ cách nghĩ độc lập, tự chịu trách nhiệm mà tôi vượt qua được tất cả.

Chẳng hạn, có thời gian, chúng tôi gặp ách tắc ở công đoạn thiết kế gia công phần mềm. Khách hàng cứ đẩy những việc khó nhất sang đây, các bạn nhân viên trong công ty chịu không nổi áp lực nên xin nghỉ hết.

Tôi quyết định sang Nhật để nói rõ vấn đề với sếp. Khi đó, ông sếp nhỏ người Nhật từng làm việc với tôi nhiều năm trợn mắt, bảo sao lại từ chối các đơn hàng mà nếu không có, công ty dễ bị phá sản?

Đó là vào năm 2008, công ty chỉ còn 2 người, hoạt động cực kỳ khó khăn. Tôi đặt ra điều kiện họ phải giao việc cho chúng tôi rõ ràng, cụ thể hơn, nếu không sẽ ngừng hợp tác. Sau đó, họ đã nhận ra lỗi của mình, nên đưa công việc vẽ cửa sang Việt Nam và chúng tôi thắng luôn các đối tác Trung Quốc nhờ chất lượng bản vẽ tốt.

Còn về công ty cho thuê xe, khó nhất là phương tiện. Tôi ký được hợp đồng nhưng làm sao kiếm được tài xế và xe ngay tại thời điểm đó? Nhờ mối quan hệ, tôi thuyết phục sẽ tạo lợi nhuận cho đối tác mà không lấy bất cứ đồng lời nào, miễn là hai bên cùng có lợi.

Sau đó, các đối tác biết đến tôi, đầu tư phần xe, tôi chỉ lo kiếm tài xế. Khi có dòng tiền tốt hơn tôi mới mua xe. Chỉ khi hợp tác win-win, tức luôn nghĩ cho đối tác, thì cả hai mới cùng nhau đi lên.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 16.

Làm từ thiện, với anh, phải chăng là một cách trả ơn với cuộc đời và những người năm xưa từng giúp mình?

- Tôi thấy mình có điều kiện, tự nhiên thôi thúc muốn giúp đỡ nhiều người. Hàng tuần, tôi đều có những chuyến xe hỗ trợ các đội thiện nguyện nhưng không đăng lên mạng. Các bạn đi tới các bệnh viện, tìm người nghèo khó, lên chương trình, chúng tôi sẵn sàng nhận giúp. Các trường mẫu giáo muốn cho xe thăm người già, chúng tôi cũng điều xe miễn phí. Ngay cả khi đưa người nghèo về quê ăn Tết, chúng tôi cũng phải chuẩn bị tiền ăn và quà cho họ.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 17.

Làm được điều này chúng tôi rất vui, nhưng cũng nhận lại không ít lời ác ý từ một số đối thủ cạnh tranh, nên sau đó chỉ âm thầm giúp người nghèo. Thực ra, tổ chức những chuyến xe như thế không đơn giản, chúng tôi phải thuê bác sĩ và sinh viên đi theo giám sát, khi cần thì cấp cứu cho người bệnh.

Tôi luôn khắc ghi lời thầy mình, người luôn nhắc nhở tôi phải trở thành một doanh nhân tử tế. Đó là người Nhật làm ăn chung cùng tôi buổi đầu mới ra trường. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời dặn của ông ấy: "Nghề giám đốc cực lắm, chọn con đường này rất gian khổ, cậu có chịu được không?" và "Làm gì thì làm, đừng để người khác nhìn thấy những biểu lộ cảm xúc của mình. Về Việt Nam hay ở đâu cũng vậy, muốn thành công, cậu phải tiết chế cảm xúc".

Điều thứ hai đến nay tôi vẫn chưa làm được nhưng có lẽ vì thế mà khách hàng lại thương tôi. Mình sống là chính mình, trung thực, biết tỏ lòng biết ơn, tự khắc họ luôn nhớ tới mình.

Theo anh, một doanh nhân trẻ thành đạt cần những phẩm chất nào?

- Làm gì cũng dựa trên nền tảng đạo đức, có đầu óc nhanh nhạy để tiếp cận với công nghệ và phải lan tỏa tình thương trong công việc và trong cuộc sống với những người xung quanh, bao gồm người trong gia đình, đồng nghiệp, nhân viên và cả đối tác.

Tình thương đó thể hiện ở sự đối xử công bằng giữa người với người, đừng lấy đi quyền lợi của người khác để làm lợi cho mình, doanh nghiệp sẽ không phát triển bền vững. Và muốn xây dựng 1 doanh nghiệp có giá trị cốt lõi, phát triển bền vững, phải dựa trên những yếu tố đó.

Anh có lời khuyên nào với các bạn trẻ khởi nghiệp?

- Trong cuộc sống sẽ có khoảnh khắc quan trọng, đó chính là cơ hội. Cơ hội không đến nhiều lần, mình phải đủ tỉnh táo để biết đâu là cơ hội và sử dụng hết 100% - thậm chí là 200% sức lực, thời gian và trí tuệ để biến cơ hội đó thành hiện thực. Đừng bỏ qua cơ hội, bởi những quyết định của mình ở những thời điểm đó sẽ tạo nên những bước ngoặt phát triển tốt hơn nhiều.

Nếu là người tĩnh tâm, sáng suốt sẽ biết cơ hội của mình và khi cơn sóng đến rồi, mình chỉ việc leo lên cưỡi mà thôi. Nếu đón trễ, có khi một cơn sóng khác kéo mình xuống đáy không chừng.

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 18.

Với anh, cuộc đời có ý nghĩa khi…

- Mỗi người sinh ra ở cuộc đời này đều có 1 sứ mạng. Việc đầu tiên phải hiểu sứ mạng của mình ở cuộc đời, sẽ biết mình cần làm gì. Khi đã ra kết quả thì quay lại câu hỏi ban đầu là mình đã làm được bao nhiêu phần trăm.

Tôi nghĩ, một số triết lý của nhà Phật có thể áp dụng trong kinh doanh. Đầu tiên là luật nhân quả, mình gieo một hạt thì ra một cái cây. Nếu gieo đúng chỗ, đúng hạt và đúng thổ nhưỡng thì sẽ có được cái cây xanh tốt. Tương tự, nếu làm được một việc tốt thì sẽ nhân rộng ra nhiều việc tốt. Ngược lại, việc xấu cũng sẽ lan rộng nếu không uốn nắn hay cảnh báo kịp thời.

Một doanh nhân như anh có cách tiêu tiền ra sao?

- Ngoài việc bảo đảm cuộc sống của người thân, tôi muốn giúp những người xung quanh mình, như nhân viên, họ hàng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau đó, tôi chia tiền làm 3 phần: Phần cho người thân, phần cho chính mình và phần cho xã hội. Tôi cũng làm đường, xây cầu, xây khu chữa bệnh chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở quê, cấp học bổng cho sinh viên, học sinh…

Tôi thích làm công việc mang tính cộng đồng lâu dài.

Xin cảm ơn anh và chúc anh hoàn thành sứ mệnh đóng góp, giúp đỡ cho cộng đồng của mình!

Doanh nhân Trần Quốc Tuấn: “Một khi được trao cơ hội, hãy nắm lấy và tiếp tục tạo cơ hội cho người khác”  - Ảnh 19.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem