Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 2.

"Xin chào" – vị Giáo sư Hàn Quốc mở lời chào bằng tiếng Việt khi bước vào phòng, bắt tay chúng tôi. Dừng lại khoảng 3 giây, ông Ahn đặt câu hỏi với chúng tôi: "Chúng ta có cần phiên dịch không các bạn nhỉ?".

Chúng tôi, kể cả trợ lý người Việt của ông Ahn Kyong Hwan phá lên cười vì hiểu rằng đây là câu nói đùa của vị Giáo sư đã nghiên cứu tiếng Việt được 47 năm.

Trợ lý của Giáo sư Ahn sau đó xin phép sang phòng khác làm việc, để chúng tôi ở lại trò chuyện với vị Giáo sư người Hàn Quốc.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 3.

Giáo sư Ahn Kyong Hwan mở đầu câu chuyện với PV Dân Việt:

- Khi đang là học sinh cấp III, tôi muốn khai thác một môi trường mới, có thể đem lại cơ hội, tương lai cho tôi. Năm 1974, tôi đã lựa chọn Khoa tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc tại Seul. Một năm sau, Việt Nam thống nhất.

Lần đầu tôi được tiếp xúc với người Việt Nam là năm thứ hai Đại học. Khi đó, trường tôi có mời giáo viên nước ngoài là người Việt Nam đến giảng dạy. Rồi sau đó là một khoảng thời gian ngắt quãng về ngoại giao giữa hai nước.

Sau bao nhiêu năm học tiếng Việt, ông mới đến Việt Nam?

- Tôi nhớ chính xác là 15 năm 8 tháng, đầu những năm 90 tôi mới có cơ hội đến Việt Nam. Tôi quên hết cả tiếng Việt đã học bởi sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi không được gặp ai là người Việt Nam, không làm gì liên quan đến chuyên ngành đã học.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 4.

Đặt chân đến TPHCM năm 1989, người Việt không hiểu được thứ tiếng Việt tôi sử dụng. Tôi hỏi đường người dân là "đường đến Nhà dây thép ở đâu?". Không ai biết cả. Quái lạ, Nhà dây thép nổi tiếng như thế mà không người Sài Gòn nào biết hay sao?

Sau này tôi mới hiểu, thứ tiếng Việt mình dùng là từ cổ, từ cũ nhiều người Việt không hiểu được. Nhà dây thép giờ phải gọi là Bưu điện (cười to).

Được biết, ông rẽ ngang từ doanh nhân để quay lại con đường giáo dục, tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt. Làm doanh nhân không phải thu nhập cao hơn sao?

- Khi mới sang TP.HCM tôi đã làm Giám đốc chi nhánh của một Tập đoàn kinh tế, lương cao chứ. Rồi năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất cần người hiểu được tiếng Việt. Một Hiệu trường ở Hàn Quốc mời tôi về dạy tiếng Việt.

Tôi hỏi gia đình và bạn bè. Có người bảo cứ làm Tập đoàn đi, lương cao, làm tập đoàn chứ. Có người khuyên chuyển sang nghiên cứu, dạy học vì quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng, rất cần người giỏi tiếng Việt và hiểu về Việt Nam như Ahn.

Tôi đã lựa chọn con đường thứ hai:  giáo dục, tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt. Gia đình ủng hộ tôi. Mới đó mà đã được gần 30 năm rồi. Giờ ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Hàn Quốc lựa chọn chuyên ngành tiếng Việt để theo học. Nếu tốt nghiệp Khoa tiếng Việt ở Hàn Quốc, tỷ lệ có việc làm là 100%.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 5.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 6.

Từ khi nào Giáo sư quyết định dịch những tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc? Và tại sao "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là tác phẩm mở đầu?

- Khi dạy học, tôi luôn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Tôi nhận thấy mọi người dân Việt Nam đều ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi tự hỏi, tại sao lại thế nhỉ, ở Hàn Quốc không như thế. Tổng thống chỉ đơn thuần là tổng thống, không phải tất cả nhân dân đều yêu mến.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 7.

Từ đó, tôi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, tôi chỉ tìm được cuốn sách "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Hán. Tôi dịch ra tiếng Việt rồi mới dịch sang tiếng Hàn Quốc. Tôi thấy rất thú vị!

Đó là năm 2002, tôi mất 4 năm để dịch xong và cho xuất bản. Nhưng Nhà xuất bản không đồng ý vì bảo là bán không được, nhà xuất bản sẽ lỗ. Tôi tự bỏ tiền ra in 1000 cuốn "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Hàn Quốc, tặng cho bạn bè trong cả nước. Tôi muốn họ hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai, là người như thế nào và hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bây giờ Nhà xuất bản đồng ý xuất bản vì nhiều người mua rồi. Tôi không nhớ cuốn Nhật ký trong tù dịch sang tiếng Hàn Quốc đã tái bản bao nhiêu lần nữa, cả Truyện Kiều của Nguyễn Du nữa.

Có thể nói bản dịch "Nhật ký trong tù" là để người Hàn Quốc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như văn hóa, con người Việt Nam?

- Đúng rồi, tôi muốn thông qua việc người Hàn Quốc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để hiểu vì sao người Việt yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiểu về văn hoá, con người Việt Nam.

Là người đã dịch "Nhật ký trong tù", Giáo sư cảm nhận như thế nào về những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh?  

- Tôi tiếp xúc với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam từ những năm 1970 nên trong tâm trí tôi Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai tự bao giờ. Tôi có niềm đam mê đọc sách nên hay tìm đọc và chuyển ngữ các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có tác phẩm "Nhật Ký trong tù" của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tập thơ gồm133 bài, viết bằng chữ Hán.

Theo cảm nhận của tôi, cái hay của Nhật Ký trong tù đó là một cuốn tự truyện viết bằng thơ theo thể loại Đường thi. Tác giả cũng chính là nhân vật phác họa trong thơ nên ghi lại các cảm xúc một cách chân thật, gần gũi, bình dị và vẫn toát ra chất sử thi. Một tác phẩm mang đậm chất sử thi sẽ được tái hiện trong một giai đoạn lịch sử có thật, có bối cảnh điển hình, và nhân vật sử thi có phẩm chất anh hùng vượt lên hoàn cảnh giành chiến thắng.

Ta hãy xem xét tác phẩm Nhật ký trong tù trong bối cảnh lịch sử mà Bác sống những năm 1942-1943, khi đó lực lượng cách mạng Việt Nam đang trong quá trình hình thành và phát triển còn non trẻ, cần có sự ủng hộ của các lực lượng đồng minh chống phát xít và từ những người cộng sản.

Biết rõ hiểm nguy nhưng Bác vẫn quyết tâm vượt biên giới Trung Việt gần 100km và bị bắt ở thôn Túc Vinh (huyện Thiên Bảo - tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Đó chính là hoàn cảnh đặc biệt khiến cho Bác đã  dùng hết tài năng, trí tuệ để thoát ra ngoài vòng hiểm nguy, thoát khỏi nơi tù đầy.

Tôi nghĩ giá trị và ảnh hưởng của "Nhật ký trong tù" sẽ còn được lan tỏa mãi mãi và chúng ta cần khuyến khích thế hệ trẻ sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, bồi dưỡng Nhân –Trí –Dũng vẹn toàn. Và tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ trí lực của mình trong các hoạt động đó.

Năm 2005, tôi đã vận động 25 nhà thư pháp nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia thể hiện các tác phẩm trong tập thơ " Nhật ký trong tù". Tập thơ chuyển ngữ này đã được trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) và được vinh dự trưng bày nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bác.

Tôi cũng đã vận động các nhà tài trợ để tổ chức 5 cuộc triển lãm các tác phẩm thư pháp này trong thời gian 11 tháng, tại 5 thành phố lớn của Hàn Quốc là Seoul, Busan, Daegu, Mokpo và Gwangju.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 8.

Qua tác phẩm, Giáo sư đã hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Tôi vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh - một vị lãnh tụ thiên tài, là người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm đấu tranh cách mạng bất khuất kiên cường, đầy gian khổ, hi sinh, Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp đấu tranh vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời cao đẹp, tấm gương đạo đức cách mạng của Người mãi mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào của các thế hệ.

Tại Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO khóa 24 đã tôn vinh, ghi nhận những đóng góp to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại.

Nhưng làm sao để qua một cuốn sách, người Hàn Quốc hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như văn hóa của người Việt Nam?

- Ồ, không chỉ một cuốn sách đâu. Tôi đã làm nhiều Hội nghị, rồi luận án về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã tổ chức một sự kiện viết thư pháp, văn hoá Việt Nam và cả Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, nhiều người Hàn Quốc yêu Việt Nam và yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn. Sau này nhiều người Hàn Quốc cũng sáng tác, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mới đây, tôi cũng vừa tổ chức một Hội Thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc. Do dịch Covid-19 nên tôi tổ chức qua kênh trực tuyến. Sau đó tôi đã tập hợp lại thành một cuốn sách và gửi cho 100 nghị viên của Hàn Quốc để các nhà chính trị tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 9.

Ngoài tác phẩm "Nhật ký trong tù", Giáo sư cũng dịch các tác phẩm khác của Việt Nam?

- Đúng vậy, ban đầu tôi tự lựa chọn dịch cuốn "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Truyện Kiều của nhà văn Nguyễn Du để hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Rồi sau này, bạn bè tôi đề nghị tôi dịch cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" để hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 10.

Tôi cũng quan tâm đến Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Do đó, tôi đã tìm tài liệu và nghiên cứu thêm về Đại tướng Giáp. Tôi cũng đã mua và mang về nước dịch cuốn "Hồi ký những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng. Năm ngoái, tôi dịch thơ của Nhà thơ Mai Văn Phấn.

Tôi thấy thật vinh dự, tự hào khi dịch được tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hàn. Các nước Mỹ, Pháp khi đó rất mạnh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dẫn dắt nhân dân đứng lên làm kháng chiến thành công chống Pháp, chống Mỹ. Nếu không có tấm lòng yêu nước, yêu nhân dân thì không thể nào làm được và vượt qua được mọi khó khăn để giành những chiển thắng như thế..

Còn với đại thi hào Nguyễn Du – danh nhân văn hóa UNESSCO, tôi thấy rằng tư tưởng lớn nhất của ông là "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", tức là ông đặt cái tâm cao hơn người có tài. Có tài mà không có đức thì là người vô dụng.

Sau Giáo sư, hiện có nhiều người  Hàn Quốc dịch các tác phẩm của Việt Nam?

- Có khoảng 3 đến 4 người giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Hàn Quốc thực hiện việc dịch sách. Đến nay, tôi là người dịch nhiều nhất các tác phẩm của Việt Nam sang tiếng Hàn.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 11.

Ngoài nghiên cứu về ngôn ngữ, Giáo sư còn đến nhiều nơi ở Việt Nam để nghiên cứu cụ thể về văn hoá, con người Việt Nam. Hiện giáo sư còn giữ thói quen này không?

- Thực tế, tôi có thể nói từ năm 1989 đến giờ tôi đã sang Việt Nam 170 lần. Tôi đi rất nhiều nơi, từ Lũng Cú đến Cà Mau, nhiều nơi tôi đến có khi còn nhiều hơn cả người Việt (cười).

Tôi đến Nam Đàn, Làng Sen khoảng 8 lần, đến Nghi Xuân, quê của Nguyễn Du cũng khoảng 6 lần. Tôi đến thăm làng Sen lần đầu tiên vào năm 2002, lúc đó là Tết. Tôi đi từ Ga Hà Nội đến Ga Vinh, xuống chạy xe ôm 20km nữa vào thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà bà Hoàng Thị Loan. Trước khi dịch sách Nhật ký trong tù, tôi đã thăm quê hương của Chủ tịch trước để hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 12.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 13.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 14.

Giáo sư cũng tổ chức cả Hội thảo về Biển Đông ở Hàn Quốc?

- Đúng thế, tôi là Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi tổ chức Hội thảo về Biển Đông. Tôi mời chuyên gia Việt Nam sang Hàn Quốc và mời chuyên gia Hàn Quốc, mời cả chuyên gia các nước khác đến Hội thảo.

Biển Đông là lãnh thổ của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và không trả cho Việt Nam. Tôi đã nói vấn đề này nhiều lần để mọi người dân Hàn Quốc hiểu. Để duy trì hoà bình trên thế giới phải giải quyết vấn đề biển Đông một cách hoà bình.

Giáo sư đã tìm hiểu vấn đề về biển Đông như thế nào?

- Tôi đã nghiên cứu lịch sử về biển Đông. Tôi dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam nên phải biết chứ. Theo lịch sử thế giới thì Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Theo lịch sử từ thế kỷ 17, các triều đại của Việt Nam đã cử người quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trên nhiều tấm bản đồ thế giới, biển Đông được ghi là "Sea of China", nhưng tôi luôn nhấn mạnh biển Đông là của Việt Nam, không phải của Trung Quốc. Tôi mời nhiều chuyên gia các nước đến dự Hội thảo nhưng riêng Trung Quốc các chuyên gia không tham gia. Họ có tài liệu trong tay cho thấy đảo là của Việt Nam nhưng không dám nói vì lợi ích quốc gia của mình. Còn các nước khác trên thế giới đều biết và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 15.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 16.

Trong mắt của Giáo sư, Việt Nam đã có gì thay đổi từ khi ông nghiên cứu về Việt Nam?

- Như đã nói, năm 1974 tôi bắt đầu học tiếng Việt, nhưng không thể sang Việt Nam. Từ năm 1989 tôi bắt đầu vào Việt Nam làm việc. Khi đó Việt Nam mới đổi mới nhưng cơ sở hạ tầng chưa chấp nhận được, hệ thống còn hạn chế. Ngân hàng cũng chưa có ngân hàng quốc tế.

Tập đoàn của tôi là tập đoàn thương mại quốc tế, không thể phát triển được vì tín dụng thư không có giá trị. Gửi tiền, chuyển tiền trong hoạt động kinh doanh quốc tế không làm được. Khi đó, cũng có rất ít doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Kinh tế Việt Nam khi đó còn nghèo.

Tôi còn nhớ, trước đây Hàn Quốc vì chiến tranh cũng rất nghèo, nghèo hơn cả Việt Nam, không có lương thực để ăn. Việt Nam khi đó có 4 mùa thu hoạch, Hàn Quốc chỉ có một mùa nên nghèo đói hơn.

Khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập, Việt Nam phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng. Năm 2017,  2018 kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 7%, trong khi Hàn Quốc chỉ 3% - 4%.

Tôi nói với người Hàn: Hãy cẩn thật, kinh tế Việt Nam sắp vượt qua Hàn Quốc. Người Việt Nam chăm học, chăm làm, đôi tay khéo léo, có tài nguyên thiên nhiên hơn Hàn Quốc. Trong vòng 10, 15 hay 20 năm nữa Việt Nam sẽ khá hơn Hàn Quốc.

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 17.

Mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc hiện nay được Giáo sư đánh giá như thế nào?

- Tôi đánh giá mối quan hệ Việt - Hànlà tấm gương để các nước khác nhìn vào học tập. Hiện ở Hàn Quốc có 80.000 gia đình Hàn – Việt. Ở Việt Nam cũng đang có 200.000 người Hàn Quốc tại Việt Nam. Bây giờ nhiều người Hàn Quốc đã biết đến Việt Nam và ngược lại. Tôi tin, nếu dịch Covid hết, hàng ngày sẽ ngày càng có nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam và ngược lại.

Giáo sư mới đảm nhận thêm vị trí Tổng Hiệu trưởng của một hệ thống trường học Việt - Hàn, Giáo sư có thể chia sẻ thêm về tiềm năng đầu tư vào giáo dục của hai nước?

- Những trường học như Trường quốc tế Hàn Quốc như thế này phát triển, có thể thúc đẩy, giúp đỡ các doanh nghiệp Hàn Quốc mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam nhưng nếu không có trường học cho con cái họ sẽ lo lắng.

Bởi họ lo cho con cái không được giáo dục, đào tạo chu đáo. Nếu hiểu được văn hoá Việt – Hàn thì thế hệ sau của người Hàn Quốc tại Việt Nam hay người Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tìm việc dễ dàng hơn. Người Việt Nam người Hàn Quốc đều quan tâm đến các thế hệ tương lai, đến con cháu của mình.

Từ đó có thể chúng ta có thể đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Do đó, chúng tôi đã tính đến mở thêm trường ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Nếu chúng tôi nỗ lực phát triển trường này thì người Hàn Quốc sẽ muốn gửi con cái vào học. Trường cũng sẽ ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

Có thể nói, ở Việt Nam Giáo sư là một trong hai người Hàn Quốc nổi tiếng nhất ...

- Ồ, ý các bạn muốn nói đến ông Park Hang Seo (cười lớn). Tôi chưa gặp ông Park lần nào nhưng đã biết ông Park là bạn của em trai tôi. Sắp tới, chắc chắn tôi sẽ gọi điện trao đổi với ông Park để xem tình hình ăn ở, sinh hoạt, công việc như thế nào.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Những giá trị của “Nhật ký trong tù” cần được lan tỏa mãi mãi - Ảnh 18.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem