Giáo sư, Bác sĩ TRẦN ĐÔNG A_ Sứ giả hòa giải dân tộc, và nụ cười tận hiến _Dân Việt TV

Kể từ sau thành công của ca mổ song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, trên các trang báo tràn ngập gương mặt hạnh phúc của vị Giáo sư bác sĩ với nụ cười rạng rỡ. 32 năm sau ca tách song sinh hy hữu Việt Đức, ông lại cùng ê kíp học trò thực hiện tiếp ca mổ hiếm gặp trên thế giới.

Hạnh phúc giản dị cũng đến với ông sau nhiều cay đắng, khi ông đón về chung nhà người nữ điều dưỡng chuyên đưa dụng cụ cho ông trong các ca mổ suốt mấy chục năm qua, cũng là người tham gia hai ca phẫu thuật Việt - Đức và song Nhi. Trước đó, người vợ đầu cũng là thành viên kíp mổ, từng đồng hành cùng ông trải qua nhiều biến động của thời chiến tranh và bao cấp, đã ra đi vì căn bệnh ung thư.

Người đàn ông sống cô độc trong suốt nhiều năm, lấy công việc cứu chữa trẻ em làm niềm vui, đi khắp thế giới trong vai trò Ủy viên Ủy ban đối ngoại, Phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ vì sức khỏe nhân dân Việt Nam, đóng góp không mệt mỏi trong việc xây dựng Luật Y tế, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Ghép tạng.

Thời gian không hề khiến ông mệt mỏi hay già đi. Trái lại, giọng nói sang sảng, nụ cười trẻ trung, phản xạ nhanh nhạy và đặc biệt, khả năng đứng suốt 13 giờ đồng hồ trong ca mổ phức tạp tách cặp Trúc Nhi – Diệu Nhi của lão niên 79 tuổi vẫn còn chơi tennis khiến người trẻ chạy đua cũng không kịp.

Đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ màu trắng toàn sách, giấy khen và những lời chúc mừng, vị bác sĩ nheo mắt mỉm cười, trên bàn ông đã chuẩn bị tập tài liệu dày cộp. Trí nhớ siêu phàm của ông không bỏ qua một chi tiết nào, nhưng ông bảo: "Y học hiện đại là y học chứng cứ, cái gì cũng phải rõ ràng. Nhà báo hỏi đến đâu, tôi có thể cung cấp bằng chứng đến đó". Và ông hóm hỉnh: "Tôi mà không có trí nhớ tốt thì khó trở thành nhà khoa học quốc tế báo cáo nhanh và chủ trì các hội nghị".

Chẳng những thế, ông còn rất giỏi thuyết phục. "Không ngửi thấy mùi thuốc súng nếu không ở giữa chiến trường" – ông vận dụng lời Napoleon khi nói giữa một hội nghị của Pháp để họ cho đệ tử của ông tham gia các kíp mổ có sẵn. Nhờ đó, sau này, khi thành lập Trung tâm ghép tạng trẻ em, ông và ê kíp đã cứu sống khá nhiều em nhỏ bị suy gan, suy thận.

Cuộc trò chuyện bắt đầu khiến mọi người quên đi tiếng khóc thi thoảng rộ lên của lũ trẻ con trong bệnh viện. Bên ngoài hành lang là những y bác sĩ đeo khẩu trang vẫn khẩn trương điều trị những ca bệnh phức tạp. Không hiểu ông lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào như vậy để có thể cống hiến suốt 42 năm qua cho Bệnh viện Nhi đồng 2 và cho nền y học nước nhà.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 2.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 3.

32 năm với hai ca mổ tách song sinh hiếm gặp, có bao giờ ông hình dung ra vai trò đặc biệt của mình trong lĩnh vực y học ở Việt Nam?

- Tôi rất mừng vì tiến bộ của y học 32 năm sau ca mổ song sinh Việt - Đức, một ca mổ vào thời điểm đó là cực khó, chẳng những đối với chúng ta mà với cả thế giới. Trường hợp dính bụng chậu và có 3 chân như Việt - Đức, cả thế giới lúc đó chỉ mới có 6 cặp đã được mổ; trong đó, 2 cặp sống, 2 cặp chết và 2 cặp 1 sống, 1 chết.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 4.

Đến Việt - Đức là ca thứ 7, nhưng khác tất cả 6 cặp kia vì độ tuổi lớn nhất – gần 8 tuổi. Đặc biệt nữa là một trong 2 bé đã bị bại não, mà trong lịch sử y khoa thế giới chưa ai mổ bé bại não trong suốt mấy chục tiếng đồng hồ. Hơn nữa, trong điều kiện cực kỳ khó khăn do Việt Nam bị cấm vận, kíp mổ thiếu thốn mọi thứ, từ chỉ khâu cho em bé, kháng sinh, đến thuốc sát trùng vết mổ rất rộng cũng không có.

Thế nhưng với sự giúp đỡ của hai Hiệp hội Nhật, ca mổ Việt – Đức được tiến hành thành công, được coi là điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ Việt - Nhật. Sau này, chính Đức cũng trở thành Đại sứ hòa bình của hai nước.

Có một điều ít ai biết là lúc đó, cũng có một hội đoàn của Mỹ đề nghị, nếu Nhật không mổ thì họ sẽ mời tôi đưa Việt - Đức sang Mỹ. Bấy giờ có khuynh hướng muốn đưa ca mổ sang Mỹ để mở đường gỡ bỏ cấm vận y như thời Trung Quốc từng đưa đoàn bóng bàn của họ sang Mỹ.

Chính phủ Việt Nam rất sáng suốt khi nhận định, nếu có thể thì hãy mổ tại Việt Nam, không nên làm mất lòng người Nhật vì khi mình gặp khó khăn, kêu gọi cả thế giới giúp đỡ, không ai ngoài Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản chìa tay ra. Họ đưa thuốc men, máy thở… đến BV Phụ sản cấp cứu cho Việt, rồi đưa Việt sang nước họ điều trị tiếp 3 tháng… Thậm chí, tại đó, các giáo sư Nhật hội chẩn định mổ, nhưng Chính phủ Nhật không cho phép, vì sợ không bảo đảm thành công.

Người Nhật đề nghị lúc mổ gắn camera để phát trực tiếp thông qua đài truyền hình Hoa Sen của Liên Xô. Ca mổ Việt - Đức lúc đó là ca mổ được truyền hình rộng rãi nhất thế giới.

Sau đó, kíp mổ nhận được nhiều lời chúc mừng toàn cầu.Trong đó, tôi nhận được mấy trăm lá thư.

Việt còn sống thêm 19 năm nữa, về sau bị nhiễm trùng mà chết. Đức trở về cuộc sống như người bình thường, lấy vợ và có 2 con, làm giáo sư thỉnh giảng ĐH Tokyo về dị tật bẩm sinh và đi làm từ thiện rất nhiều. Tôi như có thêm 2 đứa con và cho đến giờ Đức vẫn gọi tôi là cha.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 5.

Giáo sư Trần Đông A xòe ra khoe lá thư của một em nhỏ được ông giữ tận hơn 30 năm, dù chưa hề biết tên, biết mặt. Trong đó có đoạn: "Bàn tay chú có phép tiên/Bàn tay chú có mẹ hiền ở trong", "Thế mới biết chú A giàu lắm/Giàu tình người, trí tuệ, quyết tâm"… Cho đến nay, ông A giàu thật vì đi đâu ông cũng gặp lại hàng trăm bệnh nhân được bàn tay vàng của ông cứu sống, và có hàng trăm con cháu mà ông không nhớ nổi.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 6.

Ông có thể nói gì về thành tựu mà các bác sĩ Việt Nam đạt được sau ca mổ song Nhi?

- Trở lại với ca tách song sinh, Trúc Nhi, Diệu Nhi dính đối xứng kiểu 4 chân. Nếu khép được xương chậu thì các cơ quan trong bụng nằm đúng chỗ, hy vọng trở về với cuộc sống bình thường rất cao, tỷ lệ 70% với điều kiện phải theo dõi. Ngay bây giờ chỉ là hậu phẫu gần thôi, sắp tới còn phải đóng hậu môn tạm lại, đóng lỗ tiểu, tập đứng lên… Nếu giữ đúng vị trí thì khả năng đứng lên rất lớn và hai cháu có thể đi lại bình thường.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 7.

Tôi là tham vấn chính cho cả kíp mổ, phải theo dõi từng thì mổ, còn anh em thay nhau thực hiện. Ê kíp phần lớn là đàn em, học trò của tôi, kể cả TS Trương Quang Định, người từng đi học ở Pháp, Bỉ về ghép cơ quan, hiện đang điều hành 1 bệnh viện trang bị hiện đại y như nước ngoài.

Người ta nói nhiều đến nụ cười của Trần Đông A - nụ cười rạng rỡ, tận hiến sau ca mổ. Nhìn lại đời mình, vì "trẻ em Việt Nam cần tôi", nên chẳng thể rời xa Tổ quốc, có bao giờ ông muốn lựa chọn lại…?

- Tôi chọn ở lại Việt Nam không chỉ một lần. Từ trước 1975, tôi đã nhận được thư mời của người đến đón tôi. Đó là chưa kể thời gian từ 1972-1973, tôi có học bên Mỹ, người ta cũng gợi ý tôi ở lại vì học giỏi, tư cách đàng hoàng. Lúc đó là thời điểm ký hiệp định Paris, tôi nhất định về. Trước 30/4, một đàn em là phi công từng được tôi chữa bệnh, muốn đón tôi sang Mỹ bằng máy bay của anh, nhưng tôi từ chối. Đến năm 1991, anh viết thư cho tôi, nói rằng rất nể phục quyết định của tôi.

Sau 1975, tôi lại được người Mỹ bảo lãnh là 1 trong 30 gia đình đầu tiên sang trình diện tòa Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok để sang Mỹ với tư cách thường trú nhân (được thẻ xanh). Tôi phải làm đơn xin ở lại. Sau này, khi nhà nước cho con tôi đi du học ở Mỹ, tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội bắt tôi phải ký là tôi đã tự nguyện xin ở lại chứ không phải bị ép buộc.

Có thời gian tôi đi tu nghiệp ở Mỹ, Pháp; thậm chí làm việc 3 năm trời ở Paris, đúng lúc Liên Xô và khối XHCN sụp đổ, người ta tung tin đồn tôi trốn ở lại. Nhưng sau đó, mọi việc lại bình thường khi tôi trở về Việt Nam.

Và vẫn là câu trả lời xưa như trái đất, khi một nữ diễn viên Hollywood, cũng là con nuôi của Thượng nghị sĩ John Kerry, hỏi ông sau này…

- Họ làm phim, phỏng vấn tôi sau ca mổ Việt – Đức. "Tại sao ông không đi trong khi phần lớn bạn bè ông đều sang Mỹ và thành đạt?". Tôi trả lời ngay dưới ánh đèn phòng mổ, "Vì trẻ em Việt Nam cần tôi"! Ai ngờ câu trả lời đó đã xuất hiện trước Nghị viện Mỹ, trên tờ Việt Báo Hoa Thịnh Đốn với tiêu đề: "Ông A nói rằng mình không dám bỏ đám nhi đồng bệnh hoạn trong nước để ra đi".

Phim chiếu vào tháng 2/1995 thì đến tháng 3, tôi được mời sang hội nghị ghép tạng, người ta đón tiếp tôi rất nồng nhiệt. Tháng 7/1995, Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 8.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 9.

Được biết, ông là một trong những người mở đầu cho những tín hiệu hòa giải, hòa hợp giữa quan hệ Mỹ Việt?

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 10.

- Có thể nói như thế. Tôi là người được mời dự hội nghị lớn ở Mỹ về ghép tạng, nơi hội tụ đủ anh tài của thế giới. Trong đó có 1 ông đoạt giải Nobel về ghép tủy, và 1 "đức giáo hoàng" về ghép gan, có chụp ảnh cùng tôi. Lúc đó, Việt Nam còn chưa được Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận, chuyện đi ra nước ngoài với người Việt lúc đó cực kỳ khó khăn.

Việc một thiếu tá, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng hoà xuất hiện trong vai trò giáo sư bác sĩ, đại diện Việt Nam dự hội nghị khoa học quốc tế cũng đã thay đổi phần nào cách nhìn của nước ngoài về cách đối xử với trí thức trong nước.

Sau này, năm 2004, khi tôi đi cùng đoàn ĐBQH sang thăm chính thức Quốc hội Mỹ, một nghị sĩ tự xưng là cựu binh Mỹ tại Việt Nam, đột ngột hỏi tôi: "Tôi được biết ông được học ở Mỹ và ông bị gọi đi học cải tạo 2 năm 7 tháng sau 1975. Họ đã làm gì ông trong đó?" (Ý là có lao động khổ sai không). Lúc đó, tôi, chị Tôn Nữ Thị Ninh (khi ấy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam), ông Trần Hanh (là phi công, Anh hùng LLVT từng bắn rơi máy bay Mỹ) quá bất ngờ, chẳng kịp bàn thảo gì với nhau.

Tôi buột miệng trả lời luôn: "Đúng, thời gian học tập cải tạo là thời gian khó khăn nhất trong cả cuộc đời tôi. Nhưng với thời gian trôi qua, nhìn lại, tôi thấy cần thiết vì chính ở đó, tôi học được cách sống và làm việc ở chế độ mới". Nói vậy, không ngờ khi đi về họp rút kinh nghiệm, tôi lại được đánh giá cao, vì không chỉ nói đúng đường lối mà còn phù hợp với chính sách hòa giải, hòa hợp.

Sau này, tôi có nói lại lần nữa vào dịp kỷ niệm 30 năm đất nước thống nhất, rằng không ngờ mình đã góp phần vào quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 11.

Theo ông, đâu là trách nhiệm của người trí thức dù ở bất cứ chế độ chính trị nào?

- Ngoài việc đi thăm Pháp và Mỹ với tư cách ĐBQH, tôi còn có thời gian làm việc khá lâu ở hai nước. Ai cũng biết tôi từng làm việc cho chế độ cũ, mà sự hiện diện của tôi đại diện cho Việt Nam tự nói lên vai trò của trí thức yêu nước và được trọng dụng.

Thầy tôi là Giáo sư Trần Ngọc Ninh, đã đi sang Mỹ, sau này ông nhờ bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc gửi cho tôi một số nghiên cứu đóng góp cho trường Y khoa ở Hà Nội và Sài Gòn. Năm 1995, ông viết cho tôi: "Rất mừng thấy anh thành công, chức tước là bùa quan hệ trong mọi xã hội để được yên ổn, bình an và để gõ cửa những người quan trọng. Bước đầu của anh xong rồi, điều quan trọng là bắc lại cây cầu để liên lạc với nước ngoài mà học hỏi".

Thầy tôi tuy không về Việt Nam nhưng vẫn luôn tha thiết nghĩ về quê hương. Ông vẫn gửi tài liệu nghiên cứu cho tôi, một trong 3 học trò thuộc nhóm ông đào tạo phẫu thuật nhi trước 1975. Hai người kia cũng là bác sĩ rất giỏi nhưng hiện nay không ở Việt Nam. Họ viết thư cho tôi, đều bày tỏ mến phục vì sức làm việc của tôi.

Một người bạn khác cùng lớp nổi tiếng là giáo sư về ghép tạng tại Mỹ còn xin tiểu sử và hình ảnh để đăng trong cuốn sách sắp phát hành, cùng vài dòng nói về những việc đang làm, những buổi họp quốc tế, trong nước, những dự tính trong kế hoạch ghép gan thận sắp tới. "Đó cũng là một cách để vinh danh cậu với những cố gắng tột bậc mà cậu đã giúp cho y học và bệnh nhân xứ nhà", anh viết.

Cuối cùng, anh nói thêm, những con búp bê Nhật - món quà bà xã tôi tặng anh - luôn nhắc nhở về người bạn tài ba mà anh được biết 30 năm.

Sau này, các bác sĩ học ghép tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy đi sang Mỹ đều được anh đón về nhà chơi. Và anh Nguyễn Gia Khánh ở Canada cũng mời tôi vào Ban biên tập của một tờ báo Việt kiều về y khoa…

Những điều đó tôi đều giữ lại để nhớ về quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Những trí thức không chống đối thì rất thích quan sát thành công của tôi ở trong nước. Còn ngay cả người hay chống đối cũng viết thư cho tôi, chân thành ngợi khen những gì tôi đã đạt được.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 12.

Từ trước giải phóng, hồi là bác sĩ quân y ở Khe Sanh, ông cũng đã cứu rất nhiều người, kể cả người bên kia chiến tuyến. Ông không sợ bị cấp trên bắt gặp?

- Bản chất của tôi là cứ có người bị thương được đưa đến thì sẽ cứu, mặc dù mổ thời chiến cực kỳ khó khăn, ở dưới hầm sâu, lại thiếu thốn đủ bề. Chưa kể có những ca cực kỳ nặng, và phải mày mò mọi cách để chữa chứ trong sách chưa từng học. Và không phải ai bị thương tôi cũng công khai tên tuổi. Trong thời gian mổ và hậu phẫu, tôi không cho ai đến hỏi cung với lý do cứu người, sợ người ta chết.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 13.

Còn một lý do sâu xa nữa, tôi có một ông em ở ngoài Bắc, theo phía bên kia. Mỗi khi mổ, tôi đều hỏi tên tuổi, quê quán của bệnh nhân. Đến sau 30/4, cậu em tôi vào, tôi giật mình vì nó còn giống bố hơn tôi, mới bảo "Biết vậy khỏi hỏi cho mất công"!

Từ một bác sĩ quân y chế độ cũ, trở thành ĐBQH đại diện Việt Nam đi ra thế giới…, sự chuyển tiếp đó có khiến ông bất ngờ, hay đó là sự thay đổi do thời cuộc?

- Chân thành nói điều này, phải ở giữa chiến trường khốc liệt, mổ cho cả hai phía như tôi, kể cả mổ cho người dân bị thương rất nặng (chẳng hạn, bị miểng đạn vào bụng thì phải tìm từng xăng-ti-mét ruột, thủng chỗ nào vá chỗ nấy), thì mới biết chiến tranh nó kinh khủng thế nào! Hòa bình cho đất nước quan trọng thế nào! Thế nên ước mơ lớn nhất của tôi khi phải vào chiến trường là hòa bình cho đất nước.

Tôi cho rằng hòa bình là ước mơ lớn nhất của tôi trong đời, và vì chiến tranh với sự tham chiến của Mỹ sau này cực kỳ ác liệt, tôi thậm chí chưa bao giờ tin rằng trong đời mình sẽ có hòa bình, nên ngày 30/4 đến, coi như ước mơ lớn nhất đã thành hiện thực. Đó cũng là một trong  những lý do chính khiến tôi chấp nhận ở lại. Và sau 1975, dù gặp bao nhiêu khó khăn, tôi vẫn tiếp tục làm việc không mệt mỏi là vì thế.

Không ngờ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI - đại hội đổi mới của chúng ta, tôi lại được chỉ đích danh thay mặt cho ngành (lúc đó tôi mới là trưởng khoa) để báo cáo triển khai nghị quyết về y tế. Tôi đưa bài báo cáo thông qua Đảng ủy Bệnh viện, nhưng lúc đó không ai dám duyệt. Đưa Sở Y tế, sở cũng không dám thông qua. Hóa ra cấp trên tôi đều không biết! Tôi đành cứ một mình đem báo cáo ra đọc. Chủ trì của buổi báo cáo đó lại là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Và sau này, những điều đề nghị của tôi đã dần dần được lắng nghe và được thực hiện, từ việc thành lập ĐH Y thứ hai cho TP.HCM - ĐH Phạm Ngọc Thạch, cho đến việc thành lập Viện Tim, rồi cho tham gia các hội đoàn chuyên môn quốc tế để nâng cao tay nghề và tăng cường hiểu biết  lẫn nhau. Đến năm 1986, Việt Nam mới là hội viên của Hội Chống lao mà thôi. Chỉ 2 năm sau, sau ca mổ Việt - Đức, chính tôi là người được đi báo cáo khắp nơi, từ Nhật Bản đến Liên Xô, Hungary, Pháp, Mỹ…

Rồi tự nhiên tôi được Trung ương giới thiệu ra ứng cử Quốc hội, nhiều người còn nói "nếu để thành phố giới thiệu thì sức mấy có ông vì là sĩ quan chế độ cũ"! Hai khóa Quốc hội XI, XII của tôi đều do Trung ương đề nghị, và khi tôi đắc cử khóa XI Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi điện trực tiếp chúc mừng. Thế nên tôi càng cố làm việc hết sức mình, từ công việc ở Quốc hội đến công việc ở bệnh viện, có bệnh nặng tôi vẫn phải mổ. Thứ bảy, chủ nhật về mổ, thứ hai ra họp.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 14.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 15.

Trong thời gian làm ĐBQH, ông có tiếng nói đóng góp nào cho ngành y?

- Khi vào Quốc hội, tôi rất thành thực, hứa làm hết sức mình. Được biết, có đồng chí nói, cứ để cho bác sĩ Trần Đông A mổ, cứu được hàng ngàn người hơn là tham gia vào Quốc hội, nhưng có những người khác nói rằng với những kiến thức thực tế cứu trẻ em Việt Nam của ông Trần Đông A, nếu tham gia làm những luật liên quan đến ngành y thì ông có thể cứu được cả triệu người.

Nghe vậy tôi rất cảm động, đã làm nhiệm vụ ĐBQH lẫn nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện song song, và góp nhiều công sức vào Luật Ghép tạng mà nhiều người nói tôi là một trong những tác giả chính (ngay từ đầu soạn thảo, mời các luật sư Pháp - Việt để bàn về Luật Ghép tạng), rồi Luật Bảo hiểm y tế với câu phát biểu khiến nhiều người hưởng ứng: "Bảo hiểm y tế là phương tiện duy nhất để bất cứ ai cũng được tiếp cận với dịch vụ y tế, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu".

Để nói được câu ấy, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về tình hình vận hành y tế ở nước ngoài. Hay là Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, tôi đã nói "Cấm che giấu bởi vì che giấu bệnh truyền nhiễm là tội ác", và điều đó được thu băng, sau đó lấy ra làm mẫu cho các đoàn Đại biểu Quốc hội đi khắp nơi góp ý.

Ngoài những câu nói nổi tiếng ở Quốc hội, chấn động nghị trường…, ông còn góp ý nhiều quy định bất hợp lý của Bộ Y tế?

- Về việc Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn ngực không được lép, tôi bình luận thẳng thừng, là "Chưa chắc người ngực nở, to con đã là người khỏe. Chưa chắc người ngực lép, nhỏ con đã là người yếu. Cho nên, cái quan điểm đó không có cơ sở khoa học, ngoài ra, trên phương diện xã hội lại không phục vụ con người vì ai cũng khuyến khích những người khuyết tật tự đi được, tự lái xe, tự đi làm… Bây giờ mình cấm như vậy coi như bắt người ta thất nghiệp cả đời. Trong khi Bác Hồ nói, tàn mà không phế". Sau phần phát biểu của tôi trên một tờ báo lớn, Bộ Y tế phải bỏ quy định đó.

Chưa kể tôi là Ủy viên Ủy ban đối ngoại, vì nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, phải đi nhiều nơi. Tôi còn là Phó Chủ tịch Hội Nghị sĩ vì sức khỏe nhân dân Việt Nam trong Hội Nghị sĩ vì sức khỏe nhân dân thế giới, nên đi rất nhiều. Tôi cũng phát biểu rất nhiều về việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em trong phạm vi quốc tế.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 16.

Với một người trí thức đặt sinh mệnh đồng bào lên hàng đầu, ông nhận được gì, mất gì khi là chứng nhân của 2 chế độ?

- Tôi được nhất là nước Việt Nam hòa bình thống nhất, được sống dù đã đi 5 châu 4 bể, kể cả Phi Châu… Tôi vinh dự được là người Việt Nam và có đóng góp cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em – tương lai của đất nước..

Còn về khoa học, tôi đại diện cho VN, là một trong những người có những bài báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí nước ngoài từ lúc chưa bỏ cấm vận, như bài viết về ca mổ Việt - Đức, và không ít bác sĩ vẫn trích bài báo cáo của tôi từ năm 1993 khi có ca mổ tương tự. Hình vết mổ 1,2m 12 ngày đã lành được bà Rowana Spencer - một tác giả của Mỹ - đưa vào hình mẫu trong từ điển về tách song sinh dính nhau, do Đại học John Hopkins xuất bản từ 2003. Vào năm 1997, cũng có giáo sư Mỹ trích bài của tôi. Và mới đây, một bác sĩ Indonesia năm 2008 có ca mổ giống song nhi Trúc Nhi – Diệu Nhi, trích nhiều phần trong bài viết của tôi.

Làm người trí thức được phục vụ cho nước Việt Nam hòa bình, thống nhất là ước mơ của tôi hồi nhỏ, vì sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Thành thử tôi hết sức làm việc, lúc đó không ai bắt buộc nhưng tôi nghĩ ra nhiều cách mổ và mổ được những ca cực kỳ khó cũng như đi báo cáo khắp nơi từ khi mở cửa.

Cả cuộc đời Giáo sư Trần Đông A làm việc tận tụy, từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà, chưa kể thời gian cuối tuần vẫn tiếp tục mổ… Thời gian dành cho gia đình, bạn bè và thư giãn của ông không nhiều. Và không phải ngẫu nhiên, hai người bạn đời của ông đều là "quản gia phòng mổ", người làm ra dụng cụ, người đưa dụng cụ cho ông mổ.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 17.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 18.

Cụ thể, những việc ông đang làm hiện nay là gì?

- Ngay trong ngành y của tôi bây giờ vẫn còn nhiều tồn tại như có nhiều trang thiết bị tối tân ngang bằng với thế giới nhưng chúng ta không kiểm soát được việc tận dụng trang thiết bị nhiều quá, bắt người dân trả tiền mà quên mất cả thế giới khi sản xuất các trang thiết bị tối tân lại nói rằng, cái máy sinh học tốt nhất lại chính là bác sĩ thực hành giỏi, người luôn theo dõi sát và lắng nghe bệnh nhân, nhờ vậy phát hiện những triệu chứng để chẩn đoán, điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 19.

Với người bác sĩ giỏi, anh ta sẽ biết khi nào dùng đến trang thiết bị, khi nào không và khi nào chỉ sử dụng những thiết bị cần thiết. Cái này chúng ta còn rất yếu, đang mắc "bệnh" các nước phát triển từng mắc hơn 30 năm trước là cái gì cũng xét nghiệm, cái gì cũng dùng máy móc. Đến nỗi, nhiều người phải kêu lên: "Bác sĩ ơi, bác sĩ đừng trở thành con dơi hút máu, vì trẻ sơ sinh lúc nào cũng bị thử máu…".

Điều thứ hai, hệ thống y tế của cả nước phát triển không đồng đều. Tôi rất buồn khi trẻ em sơ sinh có 1 ký mà bị chuyển từ Tây Nguyên đến TP.HCM. Dù rằng cũng chính tôi là người đề nghị các bác sĩ, giáo sư hàng đầu phải về tuyến dưới để giúp điều trị và để nhân dân tin cậy đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Bây giờ đang thực hiện chương trình 1816, BV Nhi đồng 2 cũng đi chữa bệnh từ Đà Nẵng trở vào nhưng vẫn tồn tại sự chậm phát triển và phát triển không đồng đều. Thế nên, trẻ em Việt Nam cần được phục vụ đến nơi đến chốn dù ở bất cứ đâu gần nhà là điều ước lớn của tôi.

Chúng tôi định tổ chức Hội nghị Châu Á về phẫu thuật nhi, mời chuyên gia đầu ngành thế giới báo cáo để anh em trong nước học hỏi, nhưng do dịch nên bị hủy. Đó là biện pháp để BV Nhi đồng 2 và Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam góp phần vào việc đưa sự tiến bộ của quốc tế đến tận Việt Nam.

Thứ ba, để giảm tải các bệnh viện hiện nay, chúng ta rất cần mô hình bác sĩ gia đình. Mẫu bác sĩ gia đình tôi đích thân nghiên cứu tại Pháp, thậm chí nghiên cứu mô hình bệnh viện tại nhà. Nếu người ta có điều kiện đặc biệt thì mời ê kíp bác sĩ, y tá về nhà vì môi trường ở nhà dễ chữa bệnh hơn là môi trường bệnh viện. Tôi đi tìm hiểu rất kỹ, Canada hầu như trên 50% là bác sĩ gia đình, Mỹ thì 35%.

Có những bệnh chỉ cần bác sĩ gia đình rất gần nhà mà người ta biết rõ tiền sử lẫn hoàn cảnh sống của gia đình để kê đơn thuốc, cũng như tư vấn cách ăn uống, cách sống phù hợp hoàn cảnh, vừa nhân văn, vừa khoa học.

Chúng tôi góp ý nhiều và cũng hình thành một số mô hình ở TP.HCM và Hà Nội nhưng vì ngân sách cho bác sĩ gia đình chưa đủ để trang bị nên không đồng đều. Một ngành được các nước phát triển đánh giá cao và là hình mẫu để giảm thiểu chi phí y tế cho các bệnh nhân, gia đình thì chúng ta lại chưa thực hiện.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 20.

img
img
img

Dù ở độ tuổi 80 nhưng GS.BS Trần Đông A vẫn say mê với nghề, với khoa học.

Thời Covid-19, nỗi lo tràn ngập khắp thế giới. Ông nghĩ sao về những việc Việt Nam đang làm để chống dịch?

- Từ lâu, khi đóng góp vào nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tôi rất vinh dự được là khách mời của Bộ Chính trị để tham gia Đại hội tổ chức ở Hà Nội. Như đã nói, đầu năm 1987, tôi có vinh dự báo cáo triển khai nghị quyết ĐH đổi mới đầu tiên của chúng ta. Đến 2016, mấy chục năm sau, tôi nghĩ rằng mình ở trong vị trí có thể đánh giá được những tiến bộ của chúng ta kể từ đại hội đổi mới.

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 22.

Và thành quả nổi bật nhất của chúng ta là đã bảo đảm được an ninh chính trị trong khi thế giới có nạn khủng bố. Thứ hai, dù thu nhập không cao nhưng Việt Nam đã thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam không có nhiều tiền nhưng có sức mạnh hệ thống và nếu việc gì nước ta đưa sức mạnh hệ thống vào là giải quyết có hiệu quả.

Nên trong đợt 1 chống Covid-19 hay trong cuộc chiến chống SARS, Việt Nam cũng là hình mẫu cách ly tại BV Việt Pháp, sau này người Mỹ kính nể chi tiền cho mình để trả cho BV Việt Pháp vì lệnh đóng cửa một thời gian.

Cả thế giới kính nể sức mạnh hệ thống của Việt Nam, và trong giai đoạn Covid -19, Việt Nam tập trung sức mạnh chống dịch như chống giặc rất tốt. Nếu tiếp tục tận dụng sức mạnh hệ thống đó của mình và thực hiện đúng mức thì công cuộc chống dịch cũng sẽ rất hiệu quả.

Hạnh phúc với một người luôn bận rộn vì công việc và có nụ cười tận hiến là…?

- Ai cũng biết sống rồi làm việc và nếu phục vụ cho một lý tưởng cao đẹp mà đạt được kết quả thì đó là hạnh phúc. Sống vì nhiều mục đích: Gia đình, họ hàng, xã hội và đất nước, thậm chí đóng góp cho thế giới.

Hầu như những mục đích đặt ra đều đạt được dù trải qua nhiều gian khổ từ nhỏ đến lúc đi học, ra trường, tham gia cuộc chiến, rồi sống trong thời kỳ độc lập thống nhất nhưng bao cấp có những sai lầm khiến cuộc sống cực khổ. Tôi làm được nhiều điều cho trẻ em VN nói riêng, đất nước nói chung, và sau này đóng góp vào chính sách của nhà nước. Điều đó làm tôi hài lòng.

Cho đến nay, tôi vẫn còn không ít trăn trở cho ngành y ngày một phát triển hơn.

Thế giới nói rằng ngành y đang trở thành một khoa học phục vụ xã hội, mà muốn phục vụ xã hội thì phải biết xã hội thế nào. Tôi luôn luôn tìm hiểu thực tế, nên khi là ĐBQH đã đi thăm các tỉnh biên giới, vùng xa, Trường Sa, hiểu hoàn cảnh của mình phát triển không đồng đều và thu nhập quốc gia là nước trung bình nghèo. Thực hiện như thế này đã tốt rồi, mặc dù tôi muốn làm nhiều hơn nữa.

Ai cũng có hy vọng, tôi luôn luôn nhìn về tương lai nên tôi biết rằng nếu tập trung sức mạnh hệ thống để giải quyết từng vấn đề thì Việt Nam sẽ làm được và trong tương lai gần, nước mình sẽ tiến lên.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Trần Đông A!

Giáo sư bác sĩ Trần Đông A: Sứ giả hòa giải dân tộc và nụ cười tận hiến - Ảnh 23.

 


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem